Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - KỲ 1

“Providing Mental Health Services to Clients in Crisis or Disaster Situations”
Tác giả: HOWARD B. SMITH
Nguồn: Hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Kỳ 1

Các lý thuyết về can thiệp khủng hoảng có thể được truy nguyên nguồn gốc là từ vụ hoả hoạn tại hộp đêm Cocoanut Grove, Boston, Hoa Kỳ năm 1942. Vụ cháy đó đã lấy đi sinh mạng của gần 500 người. Eric Lindemann đã điều trị cho nhiều người sống sót từ vụ cháy và đã sớm phát hiện ra một số điểm tương đồng về những nỗi đau khổ về cảm xúc cũng như về nhu cầu của họ. Dựa trên sự phát hiện này, ông đã bắt đầu định hình cho một lý thuyết về “những mẫu hình đau khổ thông thường” (theory of normal grief patterns). Gerald Caplan cũng đã làm việc với những người sống sót từ vụ cháy Cocoanut Grove (Collins & Collins, 2005), và cùng với những kinh nghiệm này, ông cũng đã làm việc với các gia đình đương đầu với khủng hoảng tại Trung tâm Hướng dẫn Sức khoẻ Gia đình Harvard Public Health Family Guidance Center, nơi mà ông cùng với Howard Parad đã xác định nên 5 yếu tố ảnh hưởng lên khả năng của một gia đình trong việc ứng phó với các sự kiện gây khủng hoảng. Việc này sau cùng đã dẫn họ đến việc định nghĩa 5 yếu tố góp phần tạo nên một khủng hoảng. Các yếu tố đó là: 

1. Một sự kiện gây stress khơi lên một vấn đề, mà theo định nghĩa, không thể giải quyết được trong một tương lai gần;

2. Vấn đề này vượt quá sức chịu đựng của các nguồn lực tâm lý của gia đình, vì nó vượt ra ngoài khả năng áp dụng các phương thức giải quyết vấn đề theo truyền thống của họ; 

3. Tình huống được nhận định là một mối đe doạ hoặc một mối nguy đối với những mục đích sống của các thành viên trong gia đình;

4.  Thời kỳ khủng hoảng (crisis period) được đặc trưng bởi áp lực tăng dần lên đỉnh điểm, rồi sau đó giảm dần;

5. Tình huống khủng hoảng hiện tại có thể “đánh thức” những vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, cả trong quá khứ gần lẫn quá khứ xa (Parad & Caplan, 1960, pp. 11–12)

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới rất nhiễu nhương. Những cuộc tấn công khủng bố đánh vào các thành phố lớn trên thế giới đã để lại những vết thương sâu đậm trong tâm trí của nhiều người vô tội. Nhiều người đã rơi vào những thảm kịch cá nhân và mất mát triền miên. Trong khi những khủng hoảng cá nhân chỉ gây ra những hệ quả đau thương hoặc sang chấn cho riêng người đó, các thảm hoạ (disaster) lại xảy ra trên một diện rộng và cần đến những cách tiếp cận ít nhiều khác biệt từ các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần. Trong trường hợp khủng hoảng xảy ra với cá nhân, dù có gây sang chấn đến mức nào cho cá nhân đó, thì môi trường sống xung quanh, ngoại trừ sự kiện gây khủng hoảng hoặc mất mát, nói chung vẫn bình ổn cả trước, trong và sau khi xảy ra sự kiện. Thế nhưng trong trường hợp một thảm họa lớn, môi trường xung quanh có thể được mô tả là một tình trạng hỗn loạn. Có sự tác động qua lại giữa tình trạng hỗn loạn và huỷ hoại của môi trường xung quanh cùng nhiều người bị ảnh hưởng với tình trạng riêng của những cá nhân có liên quan với sự kiện. Không chỉ cuộc sống riêng của một cá nhân bị rúng động và trong tình trạng chuyển đổi đột ngột, mà mọi thứ xung quanh người đó cũng có thể bị biến đổi và mọi người xung quanh người đó cũng đều có thể bị sang chấn.

James and Gilliland (2005) đã mô tả khủng hoảng như là “sự nhận thức hoặc trải nghiệm về một sự kiện hoặc một tình huống như thể một khó khãn không thể dung nạp được, điều đó vượt quá sức những nguồn lực và những cơ chế ứng phó hiện có”. Định nghĩa này có thể áp dụng cho cả hai loại kịch bản nêu trên (cả khủng hoảng cá nhân lẫn thảm hoạ - ND). Về thực chất, để phân biệt giữa một khủng hoảng cá nhân và một thảm hoạ và để làm rõ định nghĩa này thêm một chút, có thể xem thảm hoạ như là sự kiện hoặc tình huống (như đã nêu) được khuếch đại hoặc ngang mức với một số lớn những cá nhân tham gia phản ứng với sự kiện đó.

Có một số mức độ khác nhau trong đáp ứng ứng phó (coping response). Để ngắn gọn có thể trình bày ra đây 3 mức độ như sau:

Một là, hầu hết các cá nhân khi trải qua một khủng hoảng hoặc một thảm hoạ, đều sẽ đáp ứng một cách hiệu quả và theo một kiểu thức phản ứng bình thường, lành mạnh. Điều mà họ không thể hiểu được đó chính là những phản ứng của họ, dù rất khó chịu, không thoải mái, thậm chí có thể là đáng sợ, nhưng đó là phản ứng bình thường đối với một tình huống bất thường, và tình huống bất thường đó là khủng hoảng hoặc thảm hoạ. Nhiều người thậm chí có thể có được sự mạnh mẽ nhờ trải nghiệm này và một thái độ mới biết trân quý bản thân với ý niệm về một bản ngã được rõ nét hơn. Sức mạnh này sẽ không đến ngay tức thì mà thay vào đó, nó chỉ hiện ra trong suy tưởng và có thể là với một chút giúp đỡ từ một chuyên gia về sức khoẻ tâm thần.

Hai là, có một số người (ít hơn) có thể vẫn tồn tại (survive) và đi qua sự kiện, nhưng để làm được như thế, họ phải ngăn chận (block) sự kiện ấy ra khỏi tầm nhận biết của mình. Khi điều này xảy ra, một khả năng dễ hiểu đó là nếu trong tương lai, những người này đối diện với một khủng hoảng hoặc một thảm hoạ, những việc chưa được hoàn tất mà họ chôn vùi liên quan đến sự kiện trước đó sẽ không chỉ tái hiện trở lại mà còn góp phần làm trầm trọng thêm cho những phản ứng của họ với sự kiện đến sau. Hơn nữa, sự kết hợp giữa hai sự kiện này sẽ tiếp tục gây ra vấn đề cho đến khi đương sự hiểu được chúng và xem xét chúng với một nhãn quan đúng đắn. Những người này có thể được lợi ích nếu được giúp bởi các dịch vụ sức khoẻ tâm thần.

Ba là, có những người còn không có được những khả năng ứng phó để xử lý tình trạng khủng hoảng, và cũng không thể tiếp tục đi tới nếu không nhận được sự hỗ trợ mang tính trị liệu của những chuyên gia về sức khoẻ tâm thần.

Xem tiếp Kỳ 2

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...