Biên soạn và tổng hợp:
NGUYỄN ĐỨC TÀI - Cử nhân Công tác xã hội, Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên Dự án "Hành trình Du khảo Giáo dục Giới tính cho Cha Mẹ"
Trích từ bài viết gốc "SỬ DỤNG SƠ ĐỒ PHẢ HỆ TRONG THỰC HÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH" - Viết cho nhân viên xã hội.
Xem lại Phần 1
Phần 2
Sử dụng sơ đồ phả hệ để vấn đàm trong thực hành
công tác xã hội cá nhân và gia đình
Như đã đề cập trong phần tổng quan, việc sử dụng genogram không chỉ là liệt kê những thành viên trong gia đình "theo cách hành chính" mà còn là vẽ nên một “bản đồ” giúp chuyên viên trị liệu hoặc nhân viên xã hội có thể tiếp cận với gia đình thân chủ, cho dẫu sự hiện diện trong buổi làm việc giữa chuyên viên và thân chủ chỉ là một người trong hệ thống.
Vấn đàm trong công tác xã hội là một trong những bước quan trọng để thiết lập một mối quan hệ hỗ trợ. Trên nền tảng của những cuộc vấn đàm, nhân viên xã hội có thể xác định những vấn đề làm cho cá nhân hoặc gia đình mất đi chức năng hoặc những khó khăn trong đời sống của một cá nhân hay của cả gia đình. Trong khi vấn đàm, chắc chắn nhân viên xã hội phải sử dụng một loạt các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe, tóm tắt, phản hồi, quan sát, xác định vấn đề… (Tôn Nữ Ái Phương, 2013). Tuy nhiên, nếu sử dụng không thuần thục các kỹ năng này, nhân viên xã hội có thể biến một cuộc vấn đàm trong khung cảnh làm việc có tính tương tác hỗ trợ cho thân chủ thành một cuộc "điều tra hỏi cung".
Việc sử dụng genogram trong quá
trình vấn đàm có thể khắc phục những điểm trên. Khi sử dụng công cụ này, nhân viên xã hội có thể lắng nghe câu chuyện của gia đình một cách xuyên suốt mà không cần đặt
những câu hỏi có tính “điều tra”. Những thông tin mà genogram có thể rút trích từ những cuộc vấn đàm có thể chỉ diễn ra trong một vài
phút ngắn ngủi, nhưng cũng có khi phải thông qua những cuộc làm việc dài hạn mất hàng nhiều giờ,
nhiều tháng hoặc nhiều năm tùy theo mục đích làm việc
và thỏa thuận của nhân viên xã hội và gia đình (McGoldrick, Gerson và Petry, 2008). Tuy
nhiên, cho dẫu là ngắn ngủi hay dài hạn, việc sử dụng genogram giúp nhân viên xã hội không bỏ quên thông tin cần thiết và đồng thời hệ thống hóa thông tin. Trong
lúc làm việc như vậy, gia đình thân chủ cũng học được cách thức tự xác định chính nguồn
lực và những khó khăn mà mình có thể có hoặc tạo nên một cơ hội để nghiệm lại lịch
sử cuộc đời của chính mình lồng trong một lịch sử của gia đình và tộc họ của
mình.
Tính linh động của genogram khi kết hợp với các hệ thống lý thuyết khác
Genogram không chỉ giúp cho nhân viên xã hội (cũng như cho nhà trị liệu gia đình) trong công tác vấn đàm. Trong thực hành công tác xã hội, nhân viên xã hội sẽ có thể có nhiều cách thức để tiếp cận với gia đình trong bối cảnh làm việc. Tùy theo hệ thống lý thuyết được đào tạo và được áp dụng bởi nhân viên xã hội, việc tiếp cận cũng như đánh giá vấn đề của gia đình thân chủ có thể khác nhau thậm chí trái ngược nhau.
Thông thường, khi sử dụng genogram trong thực hành công tác xã hội, công tác xã hội lâm sàng hay thực hành trị liệu gia đình, chuyên viên thường gắn kết việc sử dụng genogram với những lý thuyết của các tác giả như Murray Bowen (hoặc cũng có thể là Boszormenyi-Nagy hoặc Virginia Satir). Tuy nhiên, việc sử dụng genogram còn có thể kết hợp với những lý thuyết khác để tạo nên những giả thuyết trong việc xác định vấn đề của khách như là lối tiếp cận theo dòng lịch sử hoặc lối tiếp cận hệ thống sinh thái. Lối tiếp cận lịch sử trong việc kết hợp với sơ đồ phả hệ giúp cho nhân viên xã hội có thể phục dựng lại biên niên sử của một cá nhân hoặc biên niên của một gia đình (Chronology/Time line) trong lúc vấn đàm. Hoặc sự tương hợp của sơ đồ phả hệ với lý thuyết hệ thống sinh thái (Ecology-System) trong bảng tóm tắt mô hình làm việc dưới nhãn quan hệ thống của hai tác giả Okun & Kantrowitz (2007).
Như vậy có thể thấy genogram là một trong những công cụ có tính thích ứng cao khi kết hợp với những hệ thống thuyết khác nhau để tạo nên một khung làm việc có tính phức hợp trong thực hành công tác xã hội. Điều này giúp cho nhãn quan lý thuyết của nhân viên xã hội có thể thực hiện việc “rà soát” các dữ liệu và thông tin một cách đầy đủ nhất và bao quát nhất. Thêm vào đó việc phối hợp genogram và những lý thuyết khác nhau cũng giúp cho nhân viên xã hội có thể thiết lập những giả thuyết độc đáo liên quan đến gia đình và các thành viên bên trong gia đình đó. Kết hợp giữa sử dụng genogram với lý thuyết tiếp cận bối cảnh, xem xét tương quan “cho” và “nhận”, của tác giả Boszormenyi-Nagy có thể gợi nên việc phát hiện những nguồn lực của gia đình và tạo nên cơ hội để gia đình vượt qua những khủng hoảng chuyển tiếp trong chu trình đời sống gia đình bằng những di sản, sự thông tuệ được chuyển giao từ chính những thế hệ trong gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét