Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

TÔI NÓI GÌ VỀ THỨ VĂN CHƯƠNG VIẾT CHO CHÍNH MÌNH?

Bài viết của PHẠM NGUYỄN THUỲ ANH - Người học tại Trăng Non

Có công việc riêng của mình, nhưng Thuỳ Anh vẫn yêu thích việc học tâm lý - Từng tham gia các nhóm sinh hoạt chuyên môn tại CLB Trăng Non với các chuyên đề: Sáng tạo Nghệ thuật, Phân tích Genogram, đặc biệt là nhóm sinh hoạt cho những người không làm nghề tâm lý "Tôi giữa đời thường". Bài viết này phản ánh những cảm nhận và suy nghĩ của chị qua các đợt học, và dù người đọc thấy có vẻ "không liên quan" đến những "bài bản" về tâm lý học, nhưng theo như cách nói của chị thì: "... thấy có dịp ôn lại bài cũ" và "những gì mình học từ từ ngấm vào đời sống của mình hồi nào không hay".



Văn chương là khôn cùng.

Có loại u uất khiến người ta tự buộc tảng đá vào chân và trầm mình xuống lòng hồ thăm thẳm. Có loại rực rỡ, thiêu đốt ý chí xê dịch của con người, buộc họ phải quăng mình vào tuổi trẻ cho đến khi gối mỏi chân chồn. Có loại tươi mát và trong trẻo như nước nguồn. Chảy đến mọi nẻo trong lòng người, từ tốn và hiền hòa, xoa dịu và vỗ về. Không lên trời cao hay xuống vực thẳm nữa. Không cực đoan cùng tận nữa. Người cảm thấy dễ chịu, hiền hòa hơn một chút, yêu cuộc đời thêm một chút. Nhưng tất thảy đều là văn chương viết cho người. Chỉ là nhiều hay ít, chữ nghĩa chắc cũng thường bị giới hạn và trải qua nhiều tầng kiểm duyệt để đạt đến chủ nghĩa hoàn hảo của tự thân.

 

Còn thứ văn chương viết cho chính mình - Tôi đã viết gì trong từng trang nhật ký?

Cuối ngày, tôi để những vai diễn của đời mình tan biến, tôi bất cần trau chuốt.

Có những ngày bị cuốn đi, choáng ngợp hay phấn khích với hàng loạt sự kiện xảy ra, chữ nghĩa cứ thế mà tuôn trào thành sông nguồn bể cả. Chủ ngữ, vị ngữ nằm chồng chéo lên nhau. Tôi hăm hở, đắm mình trong từng con chữ như sợ từng giây trôi qua, mỗi chi tiết sống động sẽ nhoè đi một ít. Tôi viết nhanh, viết nhiều hết mức có thể để níu giữ, trói buộc, giữ lại đến tận cùng những khoảnh khắc này. Vì một lẽ mà tôi thường nhủ mình phải nhớ: “Quên một giây, lưu lạc mấy ngàn năm…”

Có lúc tôi viết về một điều gì đó với cảm giác nóng rát, bùng cháy, hỗn độn từ cơn lửa lòng sâu thẳm bên trong. Thở dốc, hụt hơi, kiệt sức, nghèn nghẹn ở cổ họng khi nhìn thấy sự hiện hữu của cái tôi tối đen và xù xì. Chữ nghĩa cũng vì thế mà run rẩy, chệch choạc, xiên xẹo. Tôi viết lấy viết để, hòng mau chạm tới cái hải đảo thánh thiện của mình, như người đuối nước tìm thấy mỏ neo giữa chân trời.  

Có đôi khi, tôi thấy mình viết dàn trang mà ý tứ rời rạc, không đầu không cuối, chẳng thành lời. Vào lúc đó, tôi thấy cái bóng của nỗi buồn ập đến rồi len lỏi vào mọi điểm trên cơ thể. Bắt đầu từ bàn tay trái, tôi thấy nó đọng trên đầu ngón tay. Xoè bàn tay, tôi thấy lòng bàn tay mình đầy những mạch máu lấm tấm, và tôi biết nó đang dính kết với những mạch máu ấy. Cái bóng nhỏ, khẽ khàng, rón rén, rồi đột ngột chui tọt vào bên trong. Và nó biến mất không dấu vết trong góc tối thăm thẳm của trái tim. Nhưng như những giọt nước mưa sẽ bốc hơi khi mặt trời lên, từng phần li ti của cái bóng cũng bốc hơi, bay lên, từng tí từng tí đến khi chỉ còn một khoảng trống hoàn toàn ở lại.

Có những thời đoạn, tôi nhận thấy rõ hai mặt đối lập của sự thật. Khi nói, tôi để những âm thanh dễ chịu phát ra. Tôi nói về mặt-tốt của sự thật. Khi viết, tôi được nhìn thẳng vào mặt-xấu còn lại. Đối diện với nó thật sự khó chịu và bất an ở những dòng chữ đầu tiên, nhưng thường sẽ nhẹ nhõm hơn hẳn vào những dòng cuối.

Có lúc tôi chỉ thấy toàn câu hỏi hiện ra. Tôi kết thúc ngày hôm đó bằng vô vàn dấu chấm than hoang mang, ngờ hoặc. Và đi ngủ. Một giấc ngủ thường là liều thuốc an thần tự nhiên và hữu hiệu. Nhưng có lúc, nó bất lực. Một ngày mới thức dậy, tôi mở cánh cửa cũ, bước qua bậc cửa, và ngồi gục xuống một góc chờ ngày tàn phai. Tôi thấy hình ảnh đó, rõ ràng và sắc nét vì tôi thường có phản ứng mãnh liệt với màu sắc. Nhưng bẵng đi một thời gian, có một hôm, tôi ngồi viết thêm một dòng vào ngày đã cũ - ‘Hãy sống, rồi câu trả lời sẽ tự hiện ra’.

 

Và hơn hết, tôi thấy gì khi đọc lại những điều đã viết sau chừng ấy năm dài tháng rộng?

Tôi có bật cười, một kiểu tự trào, mỉa mai cho phần người trong trẻo, thơ bé, ngây ngô lúc xưa. Tôi thấy một phần hiện tại vẫn đang lênh đênh, bồng bềnh; một phần chân phương, khiêm nhường lẫn trần trụi, sỗ sàng hơn; một phần khác cứng nhắc và xơ xác dần như con bướm khô giòn, dễ gãy.

Và trên tất cả, tôi nhận thấy có điều gì đó dường như đi theo mình suốt chừng đó năm, lặp đi lặp lại qua hầu hết các trang viết. Tôi rùng mình trong một thoáng khi nhận ra đời mình bỗng chốc hoá thành một con kiến bò quanh vành đĩa, không biết rằng nó sẽ lại quay về khởi điểm. Sau rốt, tôi vẫn còn một câu hỏi lớn - không biết mình phải đi bao xa, sống bao lâu, tìm cầu những điều gì để phá vỡ vòng lặp êm ái đó.

Nhưng cho đến lúc đó, viết cho chính mình đưa tôi về với hải đảo tự thân - Một sự cô độc cần thiết trong đời, cứ điềm nhiên, tĩnh lặng, chờ một ngày, kẻ lãng du vô tình tìm đến. Phía sau sỏi đá trăm năm hóa ra lại lấp lánh châu ngọc...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...