Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

NHỮNG BỨC HOẠ CÓ THỂ BIỂU LỘ ĐIỀU ĐƯỢC CẢM THẤY KHI SỐNG CÙNG TRẦM CẢM

Nguyên tác: Olympia Vilagrán - 29/8/2016
Nguồn: Trang mạng Culturacollectiva - "Paintings That Unveil What Depression Feel Like"
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


 

Chiếc bóng lờ mờ của sự sáng tạo được hình thành nên bởi sự điên loạn, bởi một vực sâu của chứng trầm cảm, và bởi lo âu. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là những họa sĩ, đã được chạm đến khoảng đen tối này, khi đã mắc phải những rối loạn tâm thần và cảm xúc trong suốt quãng đời làm nghề của họ.

Họ đã sống trong một cơn ác mộng không dứt, nơi mà những dày vò, lú lẫn và nhiễu loạn đã được làm cho trở thành bất tử bên trong những bức họa. Những hình ảnh ma quỷ bên trong ấy đã trở thành nhân vật chính, không chỉ trong tác phẩm nghệ thuật của họ mà còn cả trong chính cuộc sống của họ nữa. Không phải tất cả nghệ sĩ đều mắc phải những chứng ảo giác, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt hoặc những cơn lo âu, nhưng một phần đông trong số họ đã đặc biệt biểu lộ qua từng nét cọ những gì mà tâm trí họ không còn có thể chứa đựng được nữa.

Trong thực tế, một số những nghệ sĩ này đã xem căn bệnh của họ như một phần của nguồn cảm hứng để chuyển những bức họa của họ trở thành những công trình nghệ thuật độc đáo không gì sánh bằng. Edvard Munch đã chia sẻ một niềm tin tương tự, “Nỗi lo sợ cuộc sống là thứ cần thiết đối với tôi, cũng như căn bệnh của tôi vậy. Nếu không lo, không bệnh, tôi cũng giống như một con tàu không có bánh lái. Nghệ thuật của tôi dựa trên những phản ảnh về sự khác biệt (của tôi) với những người khác. Những nỗi đau khổ của tôi là một phần của chính tôi và của nghệ thuật của tôi. Chúng không thể phân tách khỏi chính tôi, và nếu những nỗi khổ ấy mất đi thì nghệ thuật của tôi cũng sẽ bị hủy hoại. Tôi muốn giữ lấy những nỗi đau khổ này”. Việc chữa lành những tâm trí bất an và mất quân bình này đồng nghĩa với việc dập tắt đi sự thành công như những nghệ sĩ của họ.


Tác phẩm của Mark Rothko – "Đen trong Đỏ thẫm"
(Black in Deep Red)

Cuộc sống của thiên tài này đầy dẫy những điều mâu thuẫn và phi lý. Rothko là một nghệ sĩ mà chứng trầm cảm của ông cũng tăng dần cùng với tiếng tăm, đến mức mà nó đã dẫn ông đến sự tự sát. Dù chết một cách bi thảm, Rothko vẫn được biết đến, ngay từ khi ông khởi nghiệp, như một họa sĩ theo trường phái Biểu hiện và Trừu tượng (expressionist and abstract artist) không ai sánh bằng. Nhiều người chỉ ra thời điểm khởi đầu chứng trầm cảm của ông là lúc ông ly hôn và lần kết hôn thứ hai, thay vì nâng ông lên khỏi hoàn cảnh chao đảo này, thì lại dìm ông sâu hơn vào chứng trầm cảm. 

Một số ít công trình chưa hoàn tất của ông, được biết dưới tên gọi chung là Multiforms, được ông vẽ trong thời gian 1947-1949, đã xuất hiện trước những tác phẩm hoàn chỉnh hơn, những tác phẩm mà nhờ đó ông được tán dương rất nhiều. Mặc dù việc xử lý màu sắc của ông có độ biến thiên khá rộng, ông vẫn thường sử dụng những sắc màu sôi nổi và gây cảm xúc mạnh, rồi khi nghề nghiệp của ông được chấp cánh, bay cao, bay xa hơn, những tác phẩm về sau của ông càng bị chìm vào khoảng tối đen sâu thẳm không đáy. Qua vô số những tác phẩm trừu tượng của ông, ông bắt đầu tách mình rời khỏi thế giới nghệ thuật và rời khỏi cả chính cuộc sống.

Dường như rằng khuynh hướng biểu hiện này đã cố đi tìm cho được sự thinh lặng, mà có lẽ diễn ra mãi mãi, như những hệ quả của trạng thái tâm bệnh lúc ấy đã đạt đến một mức độ đáng kể. Không có sự quay đầu trở lại của Rothko và những tác phẩm của ông chỉ diễn tả về những bi kịch, những niềm hân hoan, đam mê ngây ngất và cả những tai ương định mệnh. Chính trong khoảng thời gian giữa thập niên 1950s là lúc những tác phẩm của ông trở nên đen tối hơn và những màu xám, xanh, đen, nâu đã hiện diện trong hầu hết các tác phẩm của ông. Trong sự tối tăm sâu thẳm ấy, những công trình của người họa sĩ này trở nên đơn sắc, như một lời từ biệt sau cùng của ông trước khi từ giã cõi trần.



Tác phẩm của Joan Miró – "Lễ hội của những chú hề"
(The Harlequin’s Carnival)

Miró được biết là đã mắc chứng trầm cảm thường xuyên, vì thế ông bị lôi kéo vào một cuộc sống đi kèm với tâm bệnh, sự giao động về khí sắc với những khoảng thời gian thành công trong sáng tạo xen lẫn với những lúc trơ ì hoạt động không thể cưỡng lại được. Những tác phẩm của họa sĩ này là biểu tượng cho chứng trầm cảm của ông. Sự nhận thức sắc sảo của ông giúp phân khúc thực tại rồi nắm bắt nó đưa vào bên trong một bức họa. Khi từ lúc khởi nghiệp, ông đã mắc phải tình trạng lo âu và nghi ngại, và điều này lại bị dẫn dắt bởi tính cách hay bùng nổ của ông. Ngay từ lúc trẻ, ông đã trải qua những tình huống khó khăn khiến ông ưu sầu và thất vọng cùng cực, chẳng hạn khi ông bị cha ép buộc phải từ bỏ nghệ thuật và phải làm việc trong một hiệu thuốc.

Những giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của Miró đã được xác định rõ. Chúng ta có thể lần ra được những thời khoảng sáng tạo hết sức dồi dào của ông, khi ông có thể vẽ đến 130 bức họa trong vòng chưa đầy 2 năm, cũng như những thời khoảng ông gần như bị bại liệt bởi chứng trầm cảm. Thật ấn tượng khi nhìn thấy những tác phẩm của Miró đã chuyển tải những cảm xúc của ông như thế nào, những bức họa của ông trong nhiều trường hợp đã nhuốm màu bởi cả một vực sâu của sự sầu não.

 


Tác phẩm của Jackson Pollock – Blue Poles


Jackson Pollock đã biến sự hỗn độn thành ra một hình thái nghệ thuật. Một nghệ sĩ phi thường với chứng nghiện rượu thâm căn, ông đã chết trong một tai nạn xe hơi bi thảm chỉ cách nhà ông có vài mét. Ông là một họa sĩ tuyệt vời, người đã sử dụng một kỹ thuật mà chưa ai trải qua trước đó, tức khoảng giữa thập niên 1940s. Ông đã đảo lộn thế giới nghệ thuật bằng cách vẽ ra những tác phẩm theo cách phản lại truyền thống (anti-traditional works) thông qua đó phản ảnh trạng thái tâm trí bị “xoắn vặn” của ông. Từng giọt sơn, vệt màu của ông đều biểu lộ ra chứng điên loạn ẩn giấu bên trong tất cả chúng ta. Kỹ thuật nhỏ giọt lạ lùng mà Pollock sử dụng đã chuyển các bức họa của ông thành ra những lời phát biểu mạnh mẽ. Đối với ông, cách duy nhất mà ông có thể tập trung vào công việc là cho phép phần tâm trí vô thức giữ quyền kiểm soát cơ thể và nhân danh ông để thực hiện những nét vẽ. Có lẽ đây chính là lý do giải thích tại sao phong cách của ông có tính chất mạnh mẽ và khó đoán biết, cũng tương tự như kiểu sống mà ông tuân thủ.

Ông có một câu chuyện đầy những điều thống khổ, chứng trầm cảm, nghiện rượu và những thôi thúc không thể kiểm soát được để luôn hành động một cách tự nhiên. Cũng giống như chúng ta không thể biết giọt sơn cuối cùng sẽ rơi xuống chỗ nào khi vẽ, cuộc sống của ông cũng tương tự như thế, không thể biết trước.


Tác phẩm của Paul Gauguin – The Yellow Christ


Những thực nghiệm với màu sắc và nhiều thành tố khác nhau đã giúp người nghệ sĩ theo trường phái “Hậu Ấn tượng” (Post-Impressionist) này trở nên nổi tiếng. Trong khi trên bề mặt, ông sống cuộc đời yên ả cùng với vợ và 5 con, người nghệ sĩ này cũng trải qua những đợt trầm cảm nghiêm trọng khiến ông vài lần thực hiện việc kết liễu đời sống của mình. Những lời đồn đại xoay quanh nỗi thất vọng của ông về trào lưu Ấn tượng Impressionist), và hậu quả là ông đã tìm kiếm những thể hiện mới và biểu tượng mới nhằm mang lại những ý nghĩa mới cho tác phẩm nghệ thuật của ông. Chán ngán với những nỗi khốn khổ và việc không được thừa nhận, ông quyết định đi sang Haiti. Tại đó, bên cạnh việc vẽ tranh, ông cũng vướng mắc vào một loạt các vấn đề khiến ông phải vào tù. Năm 1903, ông qua đời vì bệnh giang mai và cuộc đời ông bị ghi dấu bởi rượu, cô đơn và một nỗi thất vọng triền miên.



Tác phẩm của Edgar Degas – The Absinthe Drinker

Ít có nghệ sĩ nào thể hiện những điều trái ngược trong tác phẩm của mình như Degas. Do phụ thuộc nhiều vào mẹ từ khi còn nhỏ, cái chết của bà đã ảnh hưởng đến ông một cách sâu sắc. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã quyết định dâng hiến đời mình cho nghệ thuật và chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những nghệ sĩ khác như Gustave Moreau.

Nghệ sĩ theo trường phái Ấn tượng này cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi khiêu vũ, một chủ đề mà chúng ta có thể thấy đi thấy lại trong những tác phẩm ban đầu của ông. Năm tháng trôi qua, công trình của ông trở nên phức tạp hơn và bị ảnh hưởng bởi hàng loạt những vấn đề cá nhân luôn ám ảnh ông, chẳng hạn sự bất ổn về kinh tế, cái chết của cha cùng với thanh danh không đạt được nhiều cho đến thời gian ấy.

Không gì gây nên tổn thương cho người nghệ sĩ nhiều bằng việc ông bị mất dần thị lực khiến không thể hoàn tất nhiều tác phẩm. Những bức họa của ông phản ảnh một thế giới nội tâm cùng với một cảm nhận méo mó về thực tại. Một số người tin rằng ông bị bệnh tâm thần phân liệt, trong khi một số người khác thì xếp ông vào loại bị trầm cảm nặng.

 


Tác phẩm của Francisco de Goya – The Witchy Brew


Lý do chính khiến những tác phẩm của Goya trải qua nhiều sự biến đổi đó là do tình trạng rối loạn tâm thần mà ông mắc phải. Mặc dù không có chẩn đoán chính thức nào được thiết lập, người ta vẫn biết rằng ông đã bị những đợt trầm cảm mà việc này đã ngoại hiện ra trong những tranh vẽ của ông.

Những sự kiện thảm họa, những sắc màu đen tối, màu đất và sắc đỏ, những biểu tượng bạo lực, cách phối cảnh phóng túng, những hình người bị biến dạng là một số yếu tố đặc trưng cho tác phẩm của Goya. Ông là một tù nhân của chứng trầm cảm, và kết quả là ông đã vẽ nên những tác phẩm trứ danh và được tán dương bởi những hình ảnh bí ẩn, khó hiểu.

Francisco de Goya thể hiện nhiều giai đoạn của chứng bệnh của mình thông qua những giai đoạn phân chia các phong cách nghệ thuật khác nhau. Ông bắt đầu bằng những bức họa phức tạp đầy ắp ánh sáng và những hình thù trong tranh biểu thị cái nhìn giống trẻ con của người nghệ sĩ. Dần dần với ảnh hưởng đè nặng của chứng trầm cảm, những bức họa của ông chứa đựng những hình ảnh kỳ quái nhằm mở trói cho những cơn khủng hoảng tâm lý mà ông chẳng bao giờ có thể thoát ra được.



Tác phẩm của Edvard Munch
"Tiếng thét" (The Scream)

Có thể phỏng đoán rằng người nghệ sĩ theo trường phái Biểu hiện này đã mắc bệnh tâm thần phân liệt, nhưng trong thực tế đó lại là chứng trầm cảm, căn bệnh được nuôi dưỡng thêm bởi bản tính hướng nội, chứng nghiện rượu và việc chạm trán với cái chết khi ông chứng kiến sự qua đời của mẹ và các chị em gái của mình.

Một trong số những tác phẩm trứ danh nhất của họa sĩ người Na Uy này là The Scream, mà từ đó chúng ta có thể chiết xuất ra những cảm xúc khác nhau vốn vẫn quấy nhiễu tâm trí của ông. Một trạng thái u sầu vượt ngoài tầm kiểm soát, một trạng thái chán chường không thể chịu đựng nỗi và một sự thất vọng được nuôi dưỡng bởi sợ hãi. Mọi cạm bẫy trở thành sống mãi trong các tác phẩm của ông, và cũng giống như chứng trầm cảm đổ chiếc bóng màu xám của nó lên các tác phẩm của ông, nó cũng trở thành nhân tố chính trong tác phẩm của ông.



Tác phẩm của Vincent van Gogh – At Eternity’s Gate

Nghệ sĩ người Hà lan này là một trong những họa sĩ được ái mộ nhất trên thế giới. Cuộc sống cá nhân của ông có nhiều điều gây tranh cãi, khiến đặt ông vào vị trí một trong những họa sĩ có vấn đề nhất. Ông là một người mắc chứng rối loạn hưng - trầm cảm, những ngày tháng của ông bị choáng lấy bởi những ảo giác, những ảo ảnh, và những cơn động kinh. Tình trạng sau khiến cho ông bị lú lẫn đến mức ông bị mắc phải trạng thái quên (amnesia) và chứng loạn thần khiến gây nên những tác động mạnh trên khả năng sáng tác của ông. Sự quyến rũ của người nghệ sĩ này nằm trong những bức họa mà ông đã sáng tác trong những giai đoạn bệnh diễn biến cấp tính trong khi ông đang nằm điều trị tại bệnh viện tâm thần Saint-Rémy.

--------

Cuộc tranh đấu cá nhân của từng người trong số những nghệ sĩ này vẫn tiếp tục vang vọng cho đến ngày hôm nay thông qua những di sản nghệ thuật của họ. Những bức họa ấy, mà nay được treo trong những phòng triển lãm nghệ thuật và viện bảo tàng danh giá nhất trên thế giới, đã làm sống mãi một niềm tin rằng nghệ sĩ là những người nhạy cảm và dễ mắc các rối loạn tâm thần. Bệnh tâm trí dường như sống vai chen vai bên cạnh sự sáng tạo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...