Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

CHĂM SÓC CHO NGƯỜI TRẦM CẢM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

"Caring for someone with depression during the COVID-19 pandemic"
Duyệt bởi:  Janet Brito, Ph.D., LCSW, CST
Người viết: Danielle Dresden 
freelance writer, arts educator
Nguồn: Medical News Today - May 12, 2020

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non




Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần làm thay đổi cuộc sống của những người đang trải qua nó và cả những người chăm sóc họ. Đại dịch Covid-19 và hệ quả phong tỏa có thể làm gia tăng những căng thẳng với những người trầm cảm và điều thiết yếu là phải duy trì sự chăm sóc thích hợp.

Bạn bè và gia đình của người trầm cảm thường không biết phải làm gì cho người thân của họ. Tuy nhiên, việc đưa ra những hỗ trợ trong suốt thời gian đại dịch thậm chí còn gặp nhiều thách thức hơn nhưng đồng thời cũng cần thiết và phức tạp hơn.

Bài này giúp bạn hiểu nhiều hơn về cách thức giúp đỡ cho những ai có thể đang trải qua các triệu chứng của trầm cảm trong thời kỳ gian nan này.

ĐẠI DỊCH ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHỮNG NGƯỜI TRẦM CẢM NHƯ THẾ NÀO?

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có những ảnh hưởng to lớn lên sức khỏe tâm thần:

  • Những nghiên cứu khoa học đã tiến hành trong thời gian bùng phát Hội chứng Hô hấp Trung Đông (Middle Eastern Respiratory Syndrome - MERS) ở Hàn Quốc cho thấy sự cách ly y tế làm gia tăng stress.
  • 27% nhân viên chăm sóc sức khỏe tham gia trong đợt bùng phát Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng (Severe Acute Respiratory Syndrome – SARS) ở Singapore đã phát triển những triệu chứng tâm thần.
  • Những báo cáo từ Vũ Hán – Trung Quốc cho thấy gia tăng 7% những trường hợp trầm cảm kể từ khi bùng phát Covid 19.
  • Một nghiên cứu khác cũng ở Vũ Hán cho thấy có 17% số người được hỏi có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng.

Cũng tương tự như việc coronavirus có thể làm nghiêm trọng hơn cho những người có bệnh lý nền, ảnh hưởng tâm lý của đại dịch có thể làm tình trạng tồi tệ hơn cho những ai đã có sẵn bệnh trầm cảm.

MỌI NGƯỜI CÓ THỂ GIÚP NGƯỜI TRẦM CẢM TRONG SUỐT GIAI ĐOẠN THÁCH THỨC NÀY:

  • Khuyến khích họ thực hiện những biện pháp bảo vệ đã được khuyến cáo, bao gồm rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, bởi vì những khó khăn về sức khỏe tinh thần có thể dẫn đến việc thiếu thận trọng trong chăm sóc sức khỏe. 
  • Cung cấp cho người trầm cảm những hỗ trợ về việc tiếp nhận các xét nghiệm và điều trị khi cần thiết.
  • Thường xuyên liên hệ với người trầm cảm để giúp họ xử lý khó khan do cách ly xã hội.
  • Bảo đảm rằng người trầm cảm có thể nhận được những tin tức và thông tin quan trọng từ các nguồn tin cậy thay vì chỉ từ mạng xã hội - nơi có thể làm gia tăng sự lo âu.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC NGƯỜI TRẦM CẢM

Sự kỳ thị đối với bệnh lý tâm thần có thể khiến một số người trầm cảm khó thừa nhận việc họ đang gặp phải tình trạng này, chứ đừng nói đến việc nói về nó.

Nói chuyện và cởi mở

Bạn bè và gia đình của những người trầm cảm cần sẵn sàng thảo luận về những chủ đề khó khăn và đau khổ. Người thân nên nói rõ về việc những khó khăn về sức khỏe tâm thần của một cá nhân không làm giảm đi tình yêu, sự quan tâm và sự tôn trọng của họ.

Việc đề cập đến chủ đề sức khỏe tinh thần và nhu cầu cần được hỗ trợ có thể gây khó khăn đối với mọi người. Những bước sau đây có thể hữu dụng:

  • Chú ý rằng trầm cảm có thể gia tăng dần và một số người trầm cảm có thể không nhận ra điều này đang ảnh hưởng sâu sắc đến họ như thế nào.
  • Lựa chọn không gian và thời gian để trò chuyện sao cho mọi người cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và không bị hối thúc.
  • Giải thích về những tình huống khác biệt đang gây nên sự bận tâm.
  • Nhớ rằng người trầm cảm không thể “thoát khỏi nó” (snap out of it) và hãy kiên nhẫn.

Sẵn sàng hành động (take action)

Hãy sẵn sàng giúp đỡ người trầm cảm hành động. Những bước sau đây có thể giúp bạn, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch:

  • Nhắc nhở mọi người rằng người trầm cảm có quyền đề nghị sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình và những chuyên gia.
  • Giúp đỡ thực phẩm theo nhu cầu của người trầm cảm. Chế độ ăn uống lành mạnh là điều cần thiết, nhưng có thể khó khăn trong suốt đại dịch.
  • Người trầm cảm cần những hoạt động thể chất, nhưng do chủ trương phải ở trong nhà nên việc này gặp nhiều hạn chế. Có thể tập thể dục trực tuyến cùng nhau hoặc ít nhất có thể kêu gọi những hoạt động khác.
  • Chuẩn bị danh sách các chuyên gia có thể giúp đỡ, bao gồm cả cách liên lạc với họ ngay cả trong giai đoạn phong tỏa (lockdown). Nhiều cơ quan y tế và những bác sĩ hành nghề độc lập đang cung cấp các phiên làm việc online cùng các thể thức khám từ xa trong suốt giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, đôi khi sẽ dễ dàng hơn đối với một số người khi được nói chuyện với bác sĩ riêng của họ trước khi được làm việc với một chuyên gia – đây có thể là một cách hay để bắt đầu.
  • Nhiều nhóm hỗ trợ online cũng hữu ích. Tìm hiểu xem những nhóm hỗ trợ nào có thể tiếp nhận bệnh nhân mới.
  • Giúp người trầm cảm có thể nhận được những loại thuốc mà họ cần. Trong suốt đại dịch Covid-19, điều này có nghĩa là cần phải chuẩn bị cho việc giao thuốc đến với người bệnh.

Lắng nghe và cho lời khuyên

Theo định nghĩa, người trầm cảm thường không suy nghĩ một cách rõ ràng và họ cũng có thể cảm thấy cần phòng vệ. Trong lúc cố gắng chăm sóc người trầm cảm, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, một người (người thân hoặc người hỗ trợ - ND) nên chuẩn bị đối diện với rất nhiều sự phản kháng. Nếu những người trầm cảm nói rằng:

Họ chỉ đang rối trí vì đại dịch: Lưu ý rằng mọi người ai cũng đều đang rối trí vì đại dịch, nhưng hãy giải thích rằng bạn lo lắng về họ và về những thay đổi mà bạn nhận thấy.

Những người yếu sức cần được giúp đỡ hơn: Bất kỳ ai đang gặp thử thách cả về thể chất lẫn tinh thần đều đáng được giúp đỡ và bằng cách nhận được sự hỗ trợ lúc này sẽ hạn chế những ảnh hưởng lên cả hệ thống sau này.

Chẳng điều gì có thể trở nên khác đi được: Hãy cho họ biết rằng trầm cảm có thể được chữa trị. Nhiều loại thuốc và những cách hỗ trợ khác hiện có sẵn và chúng có thể giúp họ cảm thấy được giảm nhẹ.

Do tình trạng phong tỏa, để có một phiên trị liệu như thông thường thật khó khăn. Nhiều nhà thực hành lâm sàng cung cấp những phương pháp làm việc gián tiếp, chẳng hạn như trò chuyện video trên mạng.

TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ

Ngay cả trong đại dịch Covid-19, người ta vẫn có thể tìm được sự trợ giúp cho người trầm cảm. Một số dấu hiệu giúp chỉ báo cho nhu cầu cần được hỗ trợ, đặc biệt khi chúng kéo dài hơn 1 hoặc 2 tuần. Một người cần tìm sự hỗ trợ khi: 

  • Có ý tưởng tự sát hoặc có kế hoạch tự sát
  • Không còn bị thu hút bởi những hoạt động hoặc những người mình đã từng yêu thích
  • Mất khả năng tập trung hoặc chú tâm vào suy nghĩ của họ
  • Ngày càng dễ bị kích động
  • Thiếu sức sống cực độ
  • Khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường
  • Thay đổi khẩu vị
  • Không màng chăm sóc vệ sinh thân thể và ngoại hình.

Tóm tắt

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng to lớn đối với con người theo rất nhiều cách khác nhau và nó có thể ảnh hưởng lên sức khỏe tâm thần và sự an lạc của chúng ta.

Nhiều bằng chứng từ những đợt bùng phát dịch tương tự trong quá khứ cho thấy rằng sự căng thẳng bởi những sự kiện như thế có thể dẫn đến những trường hợp trầm cảm mới cũng như các tình trạng khó khăn về sức khỏe tâm thần khác. Điều này cũng có thể khiến những triệu chứng trở nên tồi tệ hơn ở những người đã sẵn có các khó khan về sức khỏe tinh thần và cũng có thể khiến việc nhận được sự điều trị trở nên khó khăn hơn.

Những người chăm sóc không chính thức, bạn bè, gia đình đóng một vai trò tích cực trong việc duy trì sức khỏe của người trầm cảm, bằng cách hiện diện đều đặn trong cuộc sống của họ, đồng thời giúp theo dõi tình trạng sức khỏe tâm thần và thể chất cho họ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...