Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

LỢI ÍCH CỦA ÂM NHẠC ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

NGUYỄN THỊ NGỌC ANH lược dịch và tổng hợp

Tốt nghiệp cử nhân tâm lý năm 2006 từ Đại học Văn Hiến, TpHCM, chị đã dành thời gian 15 năm qua công tác tại Khoa Tâm lý Lâm sàng (Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên), Bệnh viện Tâm thần Trung uơng 2, Biên Hoà, Đồng Nai. Liệu pháp âm nhạc vốn là đề tài khoá luận tốt nghiệp cử nhân và cũng là đề tài yêu thích của chị trong nhiều năm qua.



Ngày nay âm nhạc không đơn thuần là hình thức giải trí mà nó được biết đến nhờ hiệu quả ứng dụng ở các lĩnh vực khác nhau như: chữa bệnh, lao động, thể thao, quảng cáo, điện ảnh... Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học về tác động của âm nhạc đến sức khỏe và tinh thần con người, trong đó các kết luận đã chỉ ra rằng có sự cải thiện tích cực về tình trạng bệnh khi điều trị kết hợp với âm nhạc. Chứng tỏ âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Không chỉ vậy, âm nhạc còn có nhiều hữu ích trong những hoạt động khác nhau.

Âm nhạc giúp thúc đẩy giao lưu và giao tiếp cộng đồng:

Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, các buổi đón tiếp khách mời, các cuộc thi giao lưu văn hóa, văn nghệ... không thể thiếu hoạt động âm nhạc bởi lẽ âm nhạc khiến ta gần nhau hơn và dễ hòa đồng hơn. Ta có thể tưởng tượng trong một buổi giao lưu giữa các đơn vị công tác hoặc giữa các trường  học mà không có chương trình văn nghệ xen kẽ thì sẽ mất đi không khí sôi động, vui tươi và thân thiện. Vì thế âm nhạc còn có khả năng kết nối cảm xúc của mọi người với nhau.

Âm nhạc giúp cải thiện tinh thần và tăng cường sức khỏe:

Từ lâu nay chúng ta biết rằng thể dục giúp làm phấn chấn tinh thần. Và đã có bằng chứng cho thấy nó cải thiện chức năng nhận thức ở những bệnh nhân bị bệnh lý động mạch vành. Trong khi đó, âm nhạc lại giúp tăng cường năng lực của não bộ. Vì vậy các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Bang Ohio, Hoa Kỳ đã kết hợp cả hai yếu tố cùng một lúc. Họ đã mời 33 bệnh nhân bị bệnh tim, cả nam và nữ, tham gia test khả năng nói trôi chảy và tâm trạng cảm xúc trước và sau khi tập thể dục. Một nửa số người trong nhóm được nghe bản “Bốn mùa” của nhà soạn nhạc cổ điển Vivaldi; một nửa số người còn lại tập thể dục “chay” (không có nhạc). Kết quả cho thấy: nhóm không có nhạc tất cả đều cảm thấy khỏe khoán tinh thần sau khi tập thể dục và đều cải thiện chức năng thần kinh. Tuy nhiên những người trong nhóm được nghe nhạc lại cho thấy sự cải thiện tăng gấp đôi so với nhóm kia.

Âm nhạc giúp tăng khả năng phát triển trí tuệ

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí New Scientist ngày 25/4/2004, nhạc của Mozart có tác dụng làm tăng khả năng học tập và làm tăng trí nhớ. Tại một bệnh viện tư nhân Kosie-Saca, phía Đông Slovakia, những trẻ sơ sinh được nghe nhạc Mozart ngay sau khi mới lọt lòng. Mục đích không phải tạo ra một thế hệ nhạc sĩ tài ba, mà là dùng liệu pháp âm nhạc để kích thích các chức năng về trí tuệ và thể chất của em bé.

Bác sĩ Slavka Viragova, trưởng khoa phụ sản và là người dẫn đầu dự án của bệnh viện này giải thích: “sinh đẻ là quá trình rất khó khăn và gây stress cho mỗi em bé. Khi còn ở trong bụng mẹ, bé nghe thấy nhịp đập của tim mẹ và cảm thấy an tâm. Khi vừa ra đời và chưa được ở bên cạnh mẹ, chúng tôi cho bé nghe nhạc để giảm stress”.

Trong gian phòng với những bức tường và cửa sổ trang trí hình vẽ những động vật trong truyện cổ tích, khoảng 10 đứa trẻ sơ sinh nằm trong những chiếc giường nhỏ xíu được đặt cạnh nhau ở hai bên. Đầu của mỗi em bé được trang bị tai nghe nhạc, bàn tay của các bé cử động theo điệu nhạc, các em đang ngủ yên thỉnh thoảng lại mở mắt, cử động, ngáp và nhăn mặt. Gian phòng kế bên được đặt những chiếc giường gấp dành cho trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc có vấn đề về sức khỏe. Những trẻ này cũng được nghe nhạc.

Theo Viragova, liệu pháp âm nhạc được chọn lọc kỹ giúp cho các bộ phận trong cơ thể của những đứa trẻ sinh non hoạt động tốt và giúp ổn định hô hấp. Bà ghi nhận rằng liệu pháp âm nhạc được chọn lọc kỹ đã giúp các em bé tăng cân, không bị stress và chịu đựng cơn đau tốt hơn. Tại bệnh viện này, trẻ sơ sinh được nghe nhạc mỗi ngày 5 hoặc 6 lần. Mỗi khúc nhạc kéo dài 10 phút trong đó có một tác phẩm cổ điển Mozart, một tác phẩm dành cho piano của Richard Clayderman, một hỗn hợp âm thanh từ rừng nguyên thủy hoặc một bản nhạc thư giãn. Các tai ghe được dùng để tạo cho bé một không khí yên tĩnh và thư giãn. Các em bé ở bên cạnh mẹ cũng được nghe nhạc, các bà mẹ có thể mang theo đĩa CD và máy nghe nhạc cho riêng mình.

Âm nhạc hỗ trợ cảm xúc của người bệnh khi căng thăng và lo âu

Trong giải phẫu, âm nhạc giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn, giúp giảm bớt lo âu và sợ hãi trước và sau khi phẫu thuật, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe và khả năng diễn đạt tư tưởng.

Ngày 13/06/1993 một nghiên cứu của những nhà nghiên cứu Nhật (Ishii C; Hagihara S; Minamisawa R. Tại Nihon Kango Kagakkaishi) đã đánh giá vai trò tiềm ẩn của liệu pháp âm nhạc trong lĩnh vực quản lý những cơn đau. Các nhà nghiên cứu đã quyết định lý giải về ảnh hưởng của âm nhạc lên những cơn đau có liên quan đến việc giữ một tư thế bắt buộc nào đó. Nhạc cổ điển được chọn trong nghiên cứu này. Năm người phụ nữ khỏe mạnh đã giữ tư thế nằm ngửa trong 2h mà không nghe nhạc. Sự phàn nàn về sự thay đổi của nhịp tim và hơi thở được quan sát thấy rõ trên từng người trong suốt 2h thử nghiệm. Sau 5 ngày hoặc có thể hơn, những người này đã thử nghiệm tương tự nhưng trong thời gian có nghe nhạc. Tần số và cường độ của sự than phiền đã được nhận thấy giảm đi một cách rõ ràng khi nghe nhạc. Mặc dù, nhịp tim không có sự thay đổi khi nghe nhạc, tình trạng bất ổn về tần số hô hấp được thấy là giảm đi rõ rệt khi nghe nhạc. Vì thế có sự tương quan tỷ lệ thuận giữa tần số thở không đều với số lần than phiền của những người không nghe nhạc. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng nghiên cứu của họ đã chứng minh âm nhạc có tác động giảm cơn đau mà liên quan đến tư thế bắt buộc và âm nhạc có thể giữ vai trò quan trọng đối với việc quản lý cơn đau trong liệu pháp tạm thời làm giảm nhẹ cơn đau.

Âm nhạc giúp cải thiên tình trạng bệnh lý của bệnh nhân trầm cảm:

Tháng 11/1994, Thompson L.W., Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu hiệu quả của âm nhạc trên bệnh nhân trầm cảm lớn tuổi.

Liệu pháp âm nhạc đã được đưa ra như một can thiệp có giá trị hiệu lực và có khả năng thành công đối với những người lớn tuổi đang trải qua những triệu chứng trầm cảm, đau khổ và lo âu. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Y Dược Stanford, Mỹ đã theo dõi thường xuyên 30 người cao tuổi, những người này đã dược chẩn đoán có những rối loạn trầm cảm nặng hoặc nhẹ. Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên vào 1 trong 3 điều kiện như sau (với thời gian tiến hành trong 8 tuần):

1)   Chương trình tại nhà: Những người tham gia đã học cách nghe nhạc với những kỹ thuật giảm stress. Hàng tuần, các chuyên viên trị liệu âm nhạc kiểm tra việc tiến hành nghiên cứu tại nhà.

2)   Chương trình tự quản lý: Những người tham gia được áp dụng cùng những kỹ thuật, với sự can thiệp vừa phải của nhà trị liệu (nhà trị liệu gọi điện thoại để kiểm tra hàng tuần).

3)   Nhóm đối chứng

Kết quả cho thấy, những người tham gia trong hai nhóm điều kiện có nhạc đã diễn tiến tốt hơn một cách đáng kể so với những đối chứng trên test đã được chuẩn hóa về trầm cảm, lo âu, đau buồn và khí chất. Những cải thiện này có ý nghĩa về mặt lâm sàng và những người nghiên cứu đã nhận thấy những lợi ích được duy trì trên 9 tháng tiếp theo. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, đó là tiềm năng lớn của âm nhạc trị liệu, liệu pháp âm nhạc như một can thiệp có lợi, đặc biệt đối với người già chỉ ở trong nhà và những người khác. Những người  có ít cơ hội gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Theo Hellen Altom, giáo sư âm nhạc thuộc trường Đại học Hawaii, nhạc Bach có tác dụng khiến não làm việc cân bằng hơn các loại nhạc khác và do đó có tác dụng làm giảm trầm cảm.

Việc nghe nhạc thường xuyên cũng giúp chúng ta sống lạc quan hơn. Đúng là có rất nhiều điều hữu ích từ âm nhạc, tuy nhiên âm nhạc cũng có những tác động không tốt như: thể loại nhạc kích động có thể làm người nghe trở nên tức giận, tăng ý nghĩ kích động và ý muốn gây hưng phấn (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ). 

Tóm lại, âm nhạc là phương tiện hỗ trợ chúng ta sống tốt hơn nhờ việc tìm ra những công dụng của nó và tiềm năng âm nhạc sẽ được phát huy như thế nào tùy thuộc vào trình độ của con người cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Tài liệu tham khảo

1.     Hanser SB; Thompson LW. Effects of a music therapy stratery on depressed older adults. Stanford university school of medicine. J Gerontol (UNITED STATES) Now 1994.49(6)pp256-9

2.     Ishii C; Hagihara S; Minamisawa R. [Effects of music on relieving pain associated with a compulsory posture] Nihon Kango Kagakkaishi (JAPAN) Jul 1993.13(1)p20-7.

3.     www.musictherapy.org

4.     www.psycho.com

5.     Ngọc Thúy (Reader’s Digest). Nghe nhạc lúc tập thể dục làm trí tuwj minh mẫn. Tr 16 – kiến thức và đời sống. Báo Phụ nữ - 25/4/2006



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...