Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

GIẢI ĐỘC XÃ HỘI VÀ ẨN CƯ - Phần 2

Tựa đầy đủ: Giải độc Xã hội và Ẩn cư: Một mình, Cô đơn hay “Ẩn cư bất toại”?
“Social Detoxing and Solitude: Alone, Lonely, or Aloneliness?”
Tác giả: ADITYA SHUKLA – Tâm lý gia Ấn Độ
Nguồn: Cognition Today - September 13, 2020

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Các thuật ngữ chính

Cô đơn (loneliness): Cảm giác nảy sinh do nhu cầu về mặt xã hội không được đáp ứng, cảm nhận thuộc về và gắn bó giảm thấp. Đây không phải là một sự lựa chọn.

Ở một mình hoặc ẩn cư (alone-time/Solitude): Trạng thái rời xa người khác mà không có quá nhiều cảm xúc tiêu cực. Đây là một sự lựa chọn.

Khái niệm thứ ba chúng tôi tạm dịch là “ẩn cư bất toại” (Aloneliness): Hiểu theo nghĩa là một nhu cầu ẩn cư (solitude) không được thoả, không được như ý, kèm theo với một sự khập khiễng, không ăn khớp giữa thời gian thực dành để ở một mình và nhu cầu cần ở một mình.


Xem lại Phần 1

Phần 2

Động lực (motivation) đóng một vai trò quan trọng trong việc làm thế nào để thời gian ở một mình có thể hữu ích cho cuộc sống. Một nghiên cứu cố gắng đi sâu về khía cạnh động lực đã xác nhận một sự thấu hiểu mang tính trực quan đó là nếu sự cô độc được thực hiện có chủ đích thì sẽ có tác dụng tốt, còn nếu bị ép buộc thì sẽ cho hệ quả xấu. Đối với vị thành niên (10-18 tuổi) và người trưởng thành còn trẻ (18-25 tuổi), việc tìm kiếm sự cô độc vì lý do bên ngoài thì thường kèm theo trạng thái lo âu xã hội (social anxiety), trầm cảm và cô đơn, nhưng nếu việc tìm kiếm cơ hội để ở một mình, vì lý do tự xác định nội tại, thì lại đi kèm với việc tinh thần sẽ được cải thiện. Khi người ta biện minh cho sự cô độc và rút lui khỏi xã hội vì họ không có lựa chọn nào khác hoặc họ không hài lòng với các lựa chọn của mình, khi ấy thời gian ở một mình có thể trở thành sự cô đơn. Và khi mọi người đi du lịch một mình hoặc ra ngoài để giải tỏa tâm trí vì họ muốn, thời gian ở một mình có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần.

Những người lớn tuổi thường có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn với xã hội. Trong một nghiên cứu chiều dọc kéo dài 6 ngày (6-day longitudinal study), trong đó chỉ dành ra 11% thời gian tỉnh thức tích cực cho sự cô độc (ý chỉ thời gian ở một mình, chứ không phải cô đơn), các nhà nghiên cứu đã báo cáo về một mối liên hệ giữa chất lượng của các tương tác xã hội và cảm xúc. Đối với những ai có những tương tác xã hội không vui và chứa đầy xung đột, thì sự cô độc sẽ làm giảm cường độ của những cảm xúc tiêu cực đó. Theo các nhà nghiên cứu, sự cô độc (solitude) có mối liên hệ bao quát với những cảm xúc có cường độ thấp hơn – cả tích cực cũng như tiêu cực.

Những sinh viên đại học nào không có cảm nhận được thuộc về thì có thể được hưởng lợi từ sự cô độc nếu họ tự giác tìm kiếm thời gian ở một mình. Một nghiên cứu chiều dọc ngắn hạn thực hiện trên các sinh viên Canada và Mỹ cho thấy rằng thời gian ở một mình có động cơ nội tại (intrinsically motivated alone-time) có liên quan đến lòng tự trọng cao, cảm giác liên quan nhiều hơn và ít cô đơn hơn. Kết quả nghiên cứu của họ cũng cho thấy tác động tích cực của thời gian ở một mình (solitary time) rõ ràng hơn đối với những sinh viên được cha mẹ tán thành và khuyến khích sự độc lập. Điều này ủng hộ ý tưởng cho rằng việc dành thời gian ở một mình và muốn ở một mình không nhất thiết là biểu thị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Một hiện tượng tương đối ít được nghiên cứu và mới được hình thành về mặt khái niệm đó là “sự ẩn cư bất toại” (Aloneliness) – một cảm nhận tiêu cực về việc không dành đủ thời gian cho bản thân. Ẩn cư bất toại đi kèm với một mong muốn cô độc nhưng chưa được đáp ứng (an unmet want of solitude) - Một sự bất mãn về lượng thời gian được dành để ở một mình. Đó là những người có ý định và động cơ để dành thời gian có chất lượng cho bản thân, nhưng những lý do bên ngoài thường tạo cản trở nên gây khó khăn cho việc sống với thời gian của riêng mình (difficult to act on me-time). Trong một loạt bốn nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã thiết lập khái niệm mới này như một lời giải thích khả dĩ cho việc cô độc/ẩn cư (solitude) có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc như thế nào.

Trong khi sự cô đơn (loneliness) được hiểu là sự bất mãn về mặt xã hội (social dissatisfaction), thì “ẩn cư bất toại” (aloneliness) được hiểu là một trạng thái “bất mãn phi xã hội” (asocial dissatisfaction) - một hình ảnh phản chiếu của sự cô đơn. Đó là sự không phù hợp giữa ý định dành thời gian để ở một mình và sự hài lòng về thời gian thực sự ở một mình. Nói thực tế ra, đó là sự khác biệt giữa mức độ ẩn cư mà bạn muốn và mức độ bạn cảm thấy bạn đang nhận được nó (difference between how much solitude you want and how much you feel you are getting it). Đó là sự khác biệt giữa thời gian thực sự và thời gian lý tưởng dành để ở một mình.

Ẩn cư bất toại được hình thành dựa trên cách chúng ta nhận thức về thời gian đã được sử dụng của chúng ta. Đó là việc bạn cảm thấy mình cần thời gian nhiều hơn hay ít hơn, chứ không phải là bạn có thể dùng được một thời lượng cố định nào đó một cách khách quan hay không. Càng có nhiều ý định và thời gian ở một mình lại không nhiều thì tình trạng ẩn cư bất toại càng cao. Những người nhút nhát có thể cảm thấy sự bất toại này một cách cao độ nếu mong muốn được ở một mình của họ không được đáp ứng và phải giao tiếp xã hội trái với ý thích của họ. Nếu sở thích cô độc (solitude) càng nhiều thì càng có thể làm tăng tình trạng ẩn cư bất toại (aloneliness) khi một người không hài lòng với thời gian ở một mình và muốn có nhiều hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ ẩn cư bất toại cao có liên quan vừa phải đến chứng trầm cảm bất kể họ dành thời gian ở một mình nhiều hay ít. Ngay cả khi mức độ ẩn cư bất toại thấp và thời gian ở một mình nhiều thì cũng có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng trầm cảm. Phát hiện này phù hợp với cách hiểu nói chung rằng nếu bị bắt buộc phải ở một mình, vượt quá khả năng của bạn, thì có nghĩa là sẽ bị cô đơn nhiều hơn - một chỉ báo rõ ràng cho thấy sức khỏe tâm thần sút kém.

Sau cùng, nhu cầu dành thời gian ở một mình vì những lý do tự thân là một cách thức chắc chắn để giảm stress. Nhưng khi các khía cạnh của phong cách sống ảnh hưởng đến nhu cầu đó và nhu cầu đó không được đáp ứng, thì lại có thể gây ra nhiều stress hơn. Quản lý tình trạng ẩn cư bất toại có thể là một cách rất hữu ích để làm cho sự cô độc (solitude) trở nên có hiệu quả với bạn. Việc bản thân tạo khoảng cách (distancing) để thoát khỏi sự choáng lấp của xã hội nhằm tìm kiếm sự bình an và yên tĩnh là một chiến lược để giảm bớt tình trạng ẩn cư bất toại từ mức độ cao và chuyển nó thành ẩn cư bất toại mức độ thấp. Mức độ ẩn cư bất toại thấp đi song hành với sự hài lòng khi có đủ thời gian ở một mình và là một dấu chỉ của hạnh phúc.

Các nhà nghiên cứu viện dẫn Giả thuyết Goldilocks (Goldilocks Hypothesis) để giải thích những phát hiện của họ - có những khác biệt giữa các cá nhân về mức độ tối ưu của việc nhận được “một thứ gì đó” để thấy được những tác động tích cực của nó. Thời điểm mà mọi người cảm thấy "điều này thật là hoàn hảo" thì có tính chủ quan. Ham muốn tình dục, tiệc rượu xã giao, ngủ nghỉ, khoảng cách xã hội, ẩn cư, hẹn hò vv… tất cả đều phụ thuộc vào nhu cầu, nhận thức và thực tế sống của mỗi cá nhân

Tương tác xã hội (và sự thiếu vắng chúng) có ảnh hưởng trên cảm xúc theo một cách độc đáo khác. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng những tương tác xã hội tạo ra một cung phản hồi (feedback loop) với trạng thái cảm xúc ban đầu, qua đó có thể khuếch đại những cảm xúc ấy khi chúng ta hòa nhập với xã hội. Theo một cách nào đó, điều này giải thích tại sao sự cô độc (solitude) làm giảm cường độ của cảm xúc – đó là do cơ chế phản hồi bị cắt đứt.

Khi nói đến giải độc mạng xã hội (social media detox), những lợi ích khó có thể được kể ra một cách dễ dàng. Một nghiên cứu được thực hiện trên 130 sinh viên đại học cho thấy rằng của việc kiêng sử dụng mạng xã hội không có tác động đối với chất lượng đời sống. Điều này có tính trái ngược với kết luận theo trực giác (counterintuitive) bởi vì xóa các ứng dụng mạng xã hội thường là một chiến lược để tìm kiếm sự cô độc (solitude) và tạo khoảng cách của bản thân với các khía cạnh xã hội giả tạo (pseudo-social aspects). Tuy nhiên, trong thực nghiệm này, với việc kiêng sử dụng mạng xã hội được kiểm tra trong tối đa 4 tuần, những người tham gia được yêu cầu hãy kiêng cữ để phục vụ cho việc nghiên cứu. Theo những phát hiện trước đây, ý định tìm kiếm sự cô độc của bản thân là yếu tố then chốt tạo nên những tác động tích cực của quá trình cai nghiện (giải độc - detox). Khía cạnh cốt lõi này đã không được xét đến ở đây (Ở đây, người tham gia nghiên cứu đã kiêng mạng xã hội theo yêu cầu của nghiên cứu, không phải theo chủ ý của mình – Chú thích của ND). Vì vậy, có lẽ, trừ khi một người thực sự có động cơ vì những lý do tự thân quyết định, việc cai nghiện mạng xã hội có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của họ.

Một loạt các yếu tố khác thúc đẩy hành vi sử dụng mạng xã hội của chúng ta và nhiều khía cạnh của nó có hậu quả cả tích cực lẫn tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần. Đây là điểm khởi đầu để hiểu phương tiện truyền thông xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như thế nào và nó có thể áp dụng như thế nào đối với sự cô đơn (loneliness), ẩn cư bất toại (aloneliness) và hành vi xã hội thụ động (passive social behavior).

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người tìm kiếm sự cô độc (solitude) vì những lý do tự thân sẽ trải nghiệm sự cải thiện về chất lượng sống. Đó là một phần quan trọng của hạnh phúc đối với những người nhạy cảm. Nhưng, sự cô độc do những nguyên nhân bên ngoài thì lại dẫn đến cô đơn. Thậm chí, nhu cầu về thời gian ở một mình không được đáp ứng (tức tình trạng ẩn cư bất toại - aloneliness) cũng có thể làm giảm hạnh phúc.

Một lưu ý có chút không liên quan, có một phiên bản cực đoan của sự cô đơn, xa lánh xã hội và ẩn cư bất toại ở Nhật Bản - đó là hội chứng Hikikomori – một sự rút lui xã hội có chủ ý kéo dài đến mức bỏ việc và bỏ trường bằng cách nhốt mình trong nhà. Hiện tượng văn hóa này thường thấy nhất ở nam giới người lớn, bỏ học đại học. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc trở thành Hikikomori có liên quan mật thiết đến quá trình điều trị tâm thần trong quá khứ và một số triệu chứng liên quan như hành vi ám ảnh, lo âu xã hội, lo âu trong những quan hệ liên cá nhân và rối loạn điều hòa cảm xúc. Một nghiên cứu khác thì chỉ ra sự kém gắn bó và phụ thuộc cảm xúc vào người khác. Cùng với những yếu tố đó, những yếu tố như initial aloneliness và sự cô độc do bị ép buộc từ bên ngoài có thể góp phần vào tình trạng này - Thời gian sẽ trả lời.

Tất cả những điều được các nghiên cứu này chỉ ra để cần đến giải độc xã hội

1. Khi có cảm giác cô đơn và dành thời gian ở một mình vì không có các lựa chọn tốt khác để thay thế, có liên quan đến sức khỏe tâm thần kém

2. Khi thời gian ở một mình, đặc biệt là đối với những người nhạy cảm cao, có thể cải thiện hạnh phúc và chất lượng cuộc sống

3. Có tình trạng ẩn cư bất toại - cảm giác tiêu cực xuất hiện do không dành đủ thời gian ở một mình - là một yếu tố quan trọng liên quan đến hạnh phúc

4. Có động lực nội tại để tìm kiếm sự cô độc là cách mạnh mẽ nhất để việc giải độc xã hội có thể phát huy tác dụng

5. Khi thời gian ở một mình làm giảm cường độ của cảm xúc tích cực và tiêu cực

 

Aditya Shukla: Cảm ơn bạn đã đọc; hy vọng bạn thích bài viết. Tôi điều hành Cognition Today để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về tâm lý học. Mỗi bài báo thường xuyên được cập nhật các kết quả nghiên cứu mới. Tôi là một nhà tâm lý học ứng dụng từ Pune, Ấn Độ. Yêu thích khoa học viễn tưởng, truyền thông kinh dị; Yêu thích nhạc rock, metal, synthwave và pop; không thể huýt sáo; có thể chơi đàn ghi ta.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...