Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

MỘT CÁCH NHÌN VỀ THIÊN ĐƯỜNG - Kỳ 2

THẠCH TRẦN BẠCH LONG
Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường 



Kỳ 2

Ta đã đánh mất những gì?

Ta bắt đầu với định nghĩa thiên đường, rồi nó đưa ta đến những sợi dây cơ bản đã gắn ta vào nó là sự thỏa mãn và an toàn. Chúng ta lướt qua những kết luận vội vàng kết tội thiên đường để cùng khám phá sự đóng góp của nó cho cuộc đời ta. Sở dĩ tôi phải tóm tắt lại, vì tôi muốn chúng ta cùng nhìn lại những “điều tốt đẹp” này thêm một lần. Vì chúng ta sắp phải đi đến một thái cực ngược lại từ chính trong những điều tốt đẹp ấy. Bởi nếu có gì đó thiên đường lấy đi của chúng ta thì nó thường đến từ chính cái mà ta được nhận từ nó.”Vật cùng tắc biến. Vật cực tất phản” (Dịch học tinh hoa – Thu giang Nguyễn Duy Cần)

Thiên đường đã đến như một nàng thơ để xoa dịu những nỗi đau thực tại của con người, nhưng cũng chính thiên đường đã vô tình lấy đi sự tập trung và sự nhạy cảm vốn có của con người ấy. Chuyện tình của chúng ta với thiên đường vốn là một chuyện tình đẹp cho đến một ngày khi phải đối mặt với nỗi đau – một sự thật tất yếu của cuộc sống, ta hồ hởi nói ra câu ”Nỗi đau ơi, ta không sợ mi nữa. Giờ ta đã có thiên đường. Nàng ấy vẫn ở bên ta và khi nàng ấy thật sự xuất hiện thì đó cũng là dấu chấm hết cho mi”. Và ngay khoảnh khắc đó, con người bắt đầu đứng lặng vì nhận ra “Thiên đường vẫn chưa xuất hiện”.  Chúng ta cố gắng trấn tĩnh chính mình bằng việc cố gắng khẳng định “Ta tin, ta rất rất tin rồi một ngày thiên đường sẽ đến”. Những khi ta nói “tin” đó cũng là lúc sâu trong ta lại càng khẳng định nó chưa phải là sự thật”. Nỗi đau cơ thể ta đang chịu đựng là thật? Cảm xúc đau khổ ta đang có cũng rất thật? Chỉ mỗi nàng thơ “thiên đường” luôn dừng lại ở hai chỉ ‘niềm tin”. Và để nàng thơ ‘thiên đường” có cơ hội thành sự thật cao hơn, ta bắt đầu một cuộc hành trình đuổi hình bắt bóng để khẳng định tính tồn tại của thiên đường thay vì hành trình chữa lành bệnh tật và những nỗi đau. Tất nhiên, thiên đường cũng là một liều thuốc giảm đau hữu hiệu cho những tổn thương nhưng chừng nào ta chưa ý thức đầy đủ những khía cạnh của nó, sẽ sớm thôi ta lại oằn oại trước cơn đau. Những câu hỏi về tính chắc chắn của thiên đường cứ ám ảnh chúng ta, ta đã cược rất nhiều cho hành trình đi tìm nàng thơ ấy. Ta đọc nhiều sách, học thiền, yoga, nghi lễ, tìm danh sư… Nhưng biến “thiên đường” – một niềm tin thành điều ta có thể cảm nhận và trải nghiệm trực tiếp – một sự thật, luôn lẫn tránh chúng ta. Ta sẽ luôn trải qua một cảm giác biến thiên cảm xúc: thất vọng về thực tại - hy vọng khi tin vào thiên đường - thất vọng khi không tài nào xem nó là sự thật - hy vọng khi tìm được sách mới, thầy mới, phương pháp mới - rồi thất vọng khi thực tại luôn là những cảm giác, cảm xúc bất định và… ta vẫn không thấy thiên đường. Thật là một “chuyện tình buồn” của tất cả chúng ta.

Rời bỏ thế giới ngôn tình, ta đến với vùng đất của những ý nghĩa ngầm ẩn trong tâm trí, khi ta tìm kiếm thiên đường như một nơi có điều kiện sống toàn mãn thì đó cũng là lúc ta khẳng định thực tại ta đang sống là một thứ bất toàn. Khi ta xem một vị thần - cá thể sống trên thiên đường - vượt thoát mọi đau khổ là thứ ta hướng tới, thì cũng là lúc ta ngầm khẳng định ta - một cá thể - có đầy đủ những cảm xúc vui buồn giận, bình yên đau khổ... là một thứ cần bị vượt qua. Làm sao chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp của ánh mặt trời ban mai, làm sao chúng ta có thể nghe âm thanh du dương của tiếng chim hót… khi trong ta đã sớm rút ra một kết luận “Dù ở đây có đẹp đến mấy nhưng cũng không thể sánh với thiên đường”. Làm sao ta có thể cảm nhận dược tình yêu, làm sao chúng ta có đủ sự bao dung để chấp nhận chính mình… khi ta đã sớm nói cái thân thể này, tâm trí này chỉ là tạm bợ, nhơ nhuốc và cần được vứt bỏ? Và khi ta đã không thể kết nối với chính mình, không thể cảm nhận vẻ đẹp của thế giới và không trân trọng thực tại thì những câu nói mà chúng ta hay truyền tay nhau như: “từ bi”, “buông bỏ”, “chấp nhận bản thân”… sẽ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu không hơn không kém. Như cách mà Alan Watts từng viết trong quyển “Biết ta đích thực là ai” như sau: “Không có việc thiện nào được khởi đầu ở nơi con người day dứt vì tội lỗi, sợ hãi và trống rỗng trong trái tim, cũng như chẳng có dự tính nào vững chắc cho tương lai có thể được dự liệu bởi kẻ không biết sống trong hiện tại”. Dần dần, sự nhậy cảm của chúng ta với hoàn cảnh trở nên chai sạn. Ta quen thuộc hơn với việc tìm thấy sự xoa dịu từ những lời hứa hẹn bên ngoài hơn là đối mặt và nhận ra những vẻ đẹp ngay trong chính bối cảnh của mình. Ví dụ như: Khi một cơn đau xuất hiện, ta sẽ nhìn nó như một thứ “xấu xa”  mà quên mất chính những cơn đau ấy là những tiếng chuông để ta ý thức được tổn hại của thể để sớm cân bằng và tìm đường chạy chữa. Nói vui là: “Khi ta đau bụng, nếu có gì đó muốn cơn đau này kết thúc nhanh nhất thì đó phải là cái bụng. Đằng này ta còn nhìn nó như một thứ tệ hại - một nguyên nhân”. Hoặc khi một cơn giận xuất hiện, ta liền chán ghét, kết tội nó là thứ cảm xúc tiêu cực. Mà quên rằng nó xuất hiện là vì muốn bảo vệ ta khỏi những tổn thương. Người bạn “Giận” đã luôn đi cùng ta bảo vệ ta vậy mà loài người” đành lòng gán cho người bạn ấy hai từ “tiêu cực.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...