Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

TAM GIÁC KỊCH KARPMAN - Phần 1

Tựa đầy đủ: Tam giác kịch Karpman: Nạn nhân, Người cứu hộ và Kẻ hành hạ

“The Drama Triangle: Victims, Rescuers and Persecutors”

Tác giả: KELLEN VON HAUSER  - Licensed Professional Counselor tại Austin, Texas, Hoa Kỳ
Nguồn: KelleVision (Website của tác giả)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Phần 1

Tam giác kịch (Drama Triangle), đôi khi còn được gọi là tam giác Karpman, là một kiểu kịch bản có ảnh hưởng mạnh mẽ mà thân chủ có thể thấy bản thân họ bị khóa chặt lại bên trong đó. Tam giác được lập nên bởi ba vai trò khác nhau: nạn nhân, người cứu hộ và kẻ hành hạ (victim - rescuer - persecutor). Cả ba vai trò này cùng vận hành để tạo nên một chu trình “quy lỗi và chịu tội” (blame and guilt cycle) mà qua đó, cả ba “người chơi” đều né tránh việc nhận lãnh trách nhiệm đối với những cảm xúc, niềm tin và hành vi của họ.

Chức năng của trò chơi đặc biệt này là nhằm hướng sự chú ý của những người chơi ra khỏi những lỗi lầm của chính mình và chuyển chú ý sang lỗi lầm của người khác. Nó cũng tác động khiến người chơi xao lãng việc nhận lãnh trách nhiệm về những nhu cầu và hành vi của chính mình, đồng thời tránh né việc nói thật về những gì đang thực sự diễn ra. Thay vào đó, năng lượng của họ được tái chuyển hướng sang những việc như quy lỗi, bào chữa và cứu vớt. Cường độ trò chơi càng mạnh mẽ thì người chơi càng trở nên né tránh trách nhiệm đối với những gì đang thực sự diễn ra. Những người tham gia vào trò chơi này đã phát triển một cách vô thức dựa trên kịch bản mà họ đã chọn và thích chơi với nhau như thế thay vì phải chịu đựng những sự nhàm chán của thực tại đời sống hoặc phải nhận trách nhiệm cho những cảm xúc và việc làm của chính mình. Đáng chú ý là những việc như quy lỗi người khác và phản ứng chối bỏ lại có tác dụng rất mạnh trong trò chơi này. Nếu bạn không tin, hãy quan sát điều gì xảy ra khi một trong số những người chơi đưa ra đề nghị mọi người hãy có trách nhiệm với bản thân. Những nỗi sợ hãi sẽ xuất hiện. Những việc như công kích, quy lỗi, chịu tội hoặc lôi kéo sẽ nhanh chóng trở nên leo thang. Hầu hết những người chơi đều nghĩ rằng mình là người ở “chiếu trên” (“trên cơ”) trong cuộc chơi này nhưng không nhận ra rằng mỗi người chơi đều phải trả một cái giá nào đó nhằm duy trì vai trò chơi của mình.

Ba vai trò trong tam giác được kể ra như sau:

1.   Nạn nhân – “Cứu tôi”, “Thương giúp tôi”, “Cô gái đang sầu khổ”

Những nạn nhân thường giữ lấy một niềm tin rằng họ không có khả năng tự chăm lo cho bản thân. Họ nuôi dưỡng những nhu cầu về lòng tự trọng từ một người cứu hộ bằng cách nói với người kia rằng họ cần và xem trọng người cứu hộ trong việc chăm lo giúp cho họ. Nạn nhân thường cảm thấy mình bị bạc đãi, bị chèn ép, thất vọng, bất lực và hổ thẹn. Họ thường than phiền về sự trầm uất hoặc gần như trầm uất của họ do bởi vị thế rõ ràng là vô vọng và bất lực của họ. Họ chối bỏ trách nhiệm đối với cuộc sống và chối bỏ luôn cả năng lực để thay đổi. Trong vai nạn nhân, họ chối bỏ trách nhiệm đối với những thất bại và thậm chí tránh né cả những cố gắng.

Tất cả mọi người đều có lúc nào đó cần đến sự hỗ trợ. Nhưng những nạn nhân thì lại tạo nên một phong cách sống theo kiểu như thế và nó có thể trở thành bản sắc của họ. Họ có thể đặt ra các thỉnh cầu được giúp đỡ do bởi họ quá yếu đuối, không được khỏe, quá rồ dại hoặc không đủ thông minh. Họ sử dụng tính chất dễ phụ thuộc của họ để trói buộc người khác (người cứu hộ hoặc đôi khi là chính những kẻ hành hạ) vào với họ. Họ là những bậc thầy trong việc bày tỏ sự trân trọng và tri ân mà những người cứu hộ lại rất muốn nhận, nhưng rồi họ lại oán giận vì đã ban cho những trân trọng, tri ân ấy và cũng oán giận người cứu hộ đã nhận lấy những thứ ấy. Nỗi oán giận này hình thành cho đến khi chúng rõ ràng phá hỏng những nỗ lực của người cứu hộ, kế đó họ sẽ đổ lỗi cho người cứu hộ vì những thất bại và chuyển vị thế của mình trở thành vai trò của kẻ hành hạ. Những nạn nhân “lắm chiêu” sẽ sử dụng loại hành vi theo kiểu thụ động – gây hấn (passive-aggressive) để phá hỏng những nỗ lực của người cứu hộ. Một trong những kiểu chơi mà họ thích dùng đó là cách nói “Vâng, nhưng mà…”. Họ hết lòng đồng ý, nhất trí với mọi  giải pháp mà người cứu hộ đưa ra, nhưng lại viện ra một lý do gì đó để giải thích vì sao họ không thể làm được. Điều cốt yếu là những nỗ lực của người cứu hộ sẽ phải thất bại bởi nếu không thì người là nạn nhân sẽ trở nên mạnh mẽ và… mất vai trò là nạn nhân. Người cứu hộ thường cũng tiếp tục cuộc chơi với cùng lý do. Do vậy, họ duy trì tình trạng bị chốt giữ lại trong vũ điệu này, mỗi người tuần tự luân phiên đổ lỗi cho người kia về điều được gọi là sự thất bại của họ.

Nạn nhân thường được người cứu hộ đưa đến gặp nhà trị liệu như một “bệnh nhân chỉ định” (identified patient) để được chữa trị. Một nhà trị liệu thiếu sáng suốt có thể đứng ra đảm đương trách nhiệm và tạm thời trở thành một đỉnh thứ ba trong cái tam giác ấy, bị mắc kẹt vào một cơ chế động năng mạnh mẽ trước khi có thể nhận ra được điều gì đã xảy ra.

Nạn nhân cũng là người “nuôi dưỡng” vai trò của kẻ hành hạ. Một kẻ hành hạ “tốt” (về vai trò – N.D.) là một điều vô giá đối với nạn nhân bởi vì nó giúp giải thích rõ thêm tình trạng của nạn nhân cho mọi người thấy rằng kẻ hành hạ đang “xâm hại” nạn nhân. Kẻ hành hạ cũng có thể là cá nhân hoặc những tổ chức. Những nạn nhân có thể than phiền về việc những tổ chức như Cơ quan Bảo vệ Trẻ em, các dịch vụ pháp lý, cơ quan thuế vụ, các cơ y tế và chăm sóc sức khỏe tâm thần… vì những nơi này đòi hỏi họ phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của họ và không cung ứng cho họ những sự chăm lo mà họ nghĩ mình xứng đáng được hưởng.

Nạn nhân cũng có thể trách móc một cách vô lý là người cứu hộ đã hành hạ hoặc ngược đãi họ để làm tang thêm tình trạng là nạn nhân của họ trong mắt người khác. Họ có thể buộc tội người đồng hôn phối (vợ hoặc chồng) của họ đã đánh đập họ mặc dù chuyện này không xảy ra. Một nạn nhân lớn tuổi có thể trách tội những đứa con đang chăm sóc họ là đã bỏ bê họ. Một nạn nhân đã trưởng thành có thể trách cha mẹ đã yêu thương một đứa con khác nhiều hơn nếu cha mẹ không đáp ứng với những yêu sách của mình. Những nạn nhân thậm chí có thể cung cấp những khai báo sai lạc cho những cơ quan như cảnh sát, các dịch vụ chăm sóc trẻ em, dịch vụ chăm sóc người lớn, mục sư của gia đình hoặc bác sĩ y khoa. Những lời cáo buộc sai trái này được thực hiện nhằm khơi lên sự thông cảm của những tác nhân thứ ba.

Cái giá phải trả để cho người có vai trò nạn nhân nhận được sự chăm sóc đó là tâm trạng trầm uất thường thấy như là kết quả của sự tuyệt vọng và bất lực luôn hiện diện để duy trì vai trò nạn nhân. Tình trạng phụ thuộc cũng là một cái giá khá cao khác mà nạn nhân phải trả nếu họ không chịu dành thời gian trong đời để học cách đảm nhận trách nhiệm với chính bản thân mình và khiến họ tiếp tục lệ thuộc vào một phụ huynh mà người này sẽ có thể qua đời sau đó. Nạn nhân khi đó vẫn lớn lên ở tuổi trưởng thành nhưng không có kỹ năng ứng phó trừ khi họ tranh thủ được một người cứu hộ khác đến để chăm sóc cho họ.

2.   Người cứu hộ - “Để tôi giúp cho”, “Anh hùng”, “Người tốt”

Người cứu hộ thường tin rằng nhu cầu của chính họ là không quan trọng và rằng họ đang chế phục những nhu cầu của chính mình để sống vì nhu cầu của người khác. Họ tin rằng giá trị duy nhất của chính họ chính là phải thông qua sự giúp đỡ người khác. Chúng ta thường nhìn thấy vai trò người cứu hộ ở những nhân viên xã hội, những điều dưỡng viên, những nhà hoạt động chính trị, và không may là có cả những nhà trị liệu tâm lý, nếu những người này không khơi thông được những vấn đề của chính mình. Khi những người cứu hộ ép lại nhu cầu của bản thân một cách quá mức, họ sẽ trở nên bị kiệt sức (burnout) và có thể quay lại oán giận những người mà họ đang cứu hộ. Dẫu là một người chăm sóc một người cha hoặc mẹ đang phụ thuộc cần được nuôi dưỡng hoặc là một nhân viên xã hội đã ban cho quá nhiều khiến trở nên kiệt sức và thất vọng đối với những cư dân mà người này đang phục vụ, kết quả dẫn đến thường sẽ là sự công kích hoặc kết tội những ai đang cố gắng giúp đỡ (như là kẻ hành hạ) hoặc những người đang vì nghĩa mà phải chịu khổ ải (tức là nạn nhân) (Tiếng Anh trong nguyên bản: “martyrdom” – N.D.)

Những người cứu hộ thường cảm thấy họ bị sai khiến, bị sử dụng và không được tôn trọng bởi những người mà họ đang cứu giúp. Do có những cảm nhận này, họ có thể chuyển từ vị thế người cứu hộ sang vị thế kẻ hành hạ, nhưng hiếm khi họ tự xem mình là nạn nhân. Khi những cảm nhận này xuất hiện, họ có thể “chơi quân bài” như một vị thánh tử đạo (martyr) và những cách nói như thế này có thể được nghe thấy: “Sau tất cả những gì tôi đã làm cho bạn…”, “Chẳng có điều gì tôi là là đủ cả”, hoặc “Chẳng ai coi trọng tôi cả”. Họ thường bước vào những mối quan hệ khi họ được cần đến với hy vọng rằng sự lệ thuộc của người khác vào họ sẽ giúp họ gắn kết với vị thế người cứu hộ và tránh cho vị thể người cứu hộ không bị người khác bỏ quên.

Hầu hết những người cứu hộ đã không thể nhận biết được họ có khả năng đến đâu đối với những người mà họ “cứu giúp”, cũng như không biết rằng việc họ làm đã khiến những người ấy trở nên “nhi hóa” như thế nào. Hầu hết họ tự xem mình như thể hoàn toàn “vô ngã” (selfless), với toàn những dự định tốt đẹp và thực sự thì một số những công việc họ làm cũng có thể mang đến những kết quả tốt. Nhưng đó không phải là một bức tranh toàn cảnh. Có một phần tưởng thưởng lớn lao khi đứng vai trò làm người cứu hộ. Từng việc làm mang tính cứu hộ có thể nuôi dưỡng cái Tôi của người ấy và đó là một chiến thuật tốt để nuôi dưỡng cho lòng tự trọng vốn đã thấp của người này. Họ cứu hộ người khác để làm gia tăng cảm nhận về giá trị bản thân của họ, để gia tang quyền năng của họ đối với người khác, để phán xét, bảo bọc hoặc để kiểm soát người khác “vì mục đích tốt đẹp cho chính những người ấy”. Họ có thể bị chọc tức bởi những kẻ hành hạ và chuyển sang thành vị thế nạn nhân.

Bất kể họ nghĩ rằng nạn nhân cần đến sự giúp đỡ của họ nhiều hay ít, việc cứu hộ cho một ai khác chỉ có thể tạo nên một nạn nhân. Đây chính là điểm khác biệt đáng kể giữa một người cứu hộ và một người hỗ trợ, nuôi dưỡng một người khác. Người cứu hộ xem người kia như một nạn nhân, bất lực, mất khả năng và phải cần đến những kỹ năng của người cứu hộ để tồn tại. Một người hỗ trợ thực sự thì lại xem người mình giúp như là một con người đang sống, với trí tuệ và nghị lực để vượt qua nỗi khó, nhưng có thể đôi lúc người ấy cần đến một sự trợ lực hoặc một bờ vai để khóc. Người cứu hộ thích kiểm soát sự trợ giúp trong mối tương tác của tam giác kịch tính. Còn trong những mối tương tác lành mạnh, người có nhu cầu được giúp đỡ vẫn còn khả năng tự kiểm soát và người hỗ trợ thực sự thì chỉ giữ vai trò trợ lực. Người cứu hộ thường duy trì vị trí ưu thế trong mối quan hệ và làm cho nạn nhân bị “nhi hóa” vì họ thường nắm giữ quyền hành và trách nhiệm về phần mình. Một người hỗ trợ thực thụ vẫn dành thân chủ giữ quyền chính trong việc tự khắc phục những khó khăn của chính họ. Một người cứu hộ “giúp” bằng cách kiểm soát, quyết định và dẫn dắt. Một người hỗ trợ thực thụ sẽ “giúp” bằng cách để cho thân chủ dẫn dắt mình đi, để cho thân chủ thực hiện lựa chọn của chính họ và để cho thân chủ có khả năng tự kiểm soát tình huống của họ.

Những người cứu hộ thường nhận được nhiều điều từ những tương tác này. Họ thường được xem là “người tốt”, nhận được những tiếng thơm từ gia đình, bạn bè và cộng đồng vì tinh thần “quên mình” làm việc giúp đỡ người khác. Thế nhưng, vẫn có những cái giá mà họ phải trả cho những cảm nhận, suy nghĩ và hành động của họ. Họ thường xuyên phải kiềm chế những nhu cầu của chính mình để dành phần cho những nhu cầu của người khác, không biết cách nhân danh và nói lên trực tiếp đâu là những gì mà họ cần. Họ thường làm việc quá sức và trở nên mệt mỏi. Và họ không thực sự đang giúp người khác. Việc thực sự giúp đỡ người khác phải làm sao để người đó có thể đứng lên và rồi rời xa khỏi bạn. Đó không phải là những gì mà người cứu hộ làm. Họ “giúp” người khác bằng cách giữ những người đó trong trạng thái bất lực và phụ thuộc vào vai trò cứu hộ của họ mà thường thì vai trò cứu hộ ấy sau cùng sẽ kết thúc trong sự oán giận.

3.   Kẻ hành hạ – “Tất cả là lỗi của mày”, “Kẻ hung đồ”, “Kẻ ác”

Những kẻ hành hạ một cách đặc trưng sẽ quy lỗi cho nạn nhân về tính phụ thuộc của người này và quy lỗi cho người cứu hộ bởi những gì người đã cho phép làm. Kẻ hành hạ làm việc này mà không cung cấp bất cứ giải pháp có tính xây dựng nào để giải quyết vấn đề.

Nạn nhân có thể chấp nhận vai trò của kẻ hành hạ nếu như họ nhận thấy rằng họ không nhận được sự bảo vệ hoặc sự cứu giúp mà họ nghĩ họ đáng được nhận. Họ có thể đóng vai kẻ hành hạ cho một người cứu hộ mà họ cảm thấy rằng người này đã khiến cho họ bị thất bại. Họ cũng có thể là một người cứu hộ cảm thấy mình không được tôn trọng hoặc bị điều khiển bởi một nạn nhân, rồi sau đó đã chọn lại vị thế kẻ hành hạ cho chính người nạn nhân đã từng đòi hỏi quá nhiều hoặc không tôn trọng những nỗ lực của chính họ. Kẻ hành hạ cũng có thể là những con người đã bị tổn thương, những người xem thế giới này như một nơi chốn nguy hiểm và họ cảm thấy cần “ra tay” trước khi người khác “ra tay” với họ.

Vai trò kẻ hành hạ thường bắt nguồn từ sự tủi hổ. Họ cảm thấy và lo sợ về khả năng yếu kém của mình, tự nâng mình lên bằng cách kéo ngã người khác. Họ bù đắp những thiếu sót của mình bằng cách chú tâm vào những yếu kém của người khác. Họ thường cố gắng sửa chữa người khác bằng cách kết tội, khiển trách hoặc cưỡng ép. Cả người cứu hộ lẫn kẻ hành hạ đều cần đến nạn nhân để cảm nhận vị trí ưu thế của họ. Kẻ hành hạ bằng từ ngữ thường “khiển trách nạn nhân” bằng những cách nói như “chúng nó đáng bị như thế” hoặc “đó là những gì mà mày phải nhận”.

Một số kẻ hành hạ còn sử dụng các cách chơi theo kiểu đấu tranh về pháp lý, tự kiên định về tín ngưỡng hoặc thậm chí sự công kích về thể lý. Kẻ hành hạ thường đặc trưng bởi vẻ bề ngoài có tính kiểm soát mạnh mẽ, quy lỗi người khác về những vấn đề của họ và sống trên đời với lòng giận dữ. Họ có cảm nhận mạnh mẽ về điều gì là “chính đáng”, “công bằng” và “đúng đắn” và trừng phạt những ai mà họ cho rằng đã xâm phạm những giá trị có tính phổ quát này (theo ý họ).

Những kẻ hành hạ thường là những “kẻ chịu tội thay” (scapegoat), mặc dù “kẻ chịu tội thay” cũng có thể được chuyển đổi sang vai trò nạn nhân (“Ôi, hãy xem tôi đã bị đối xử tệ như thế nào!”) hoặc vai trò người cứu hộ (“Tôi đã cứu giúp mọi người để chứng minh với họ rằng tôi là một người tốt”).

Những nạn nhân hoặc người cứu hộ nào đang cố gắng duy trì tam giác kịch tính này thì đều có thể được xem là những kẻ hành hạ. Nạn nhân có thể bắt lỗi một người cứu hộ đang rời đi bằng một kiểu nói như sau “làm sao mà bạn lại đành lòng dừng việc chăm sóc cho tôi?” và người cứu hộ cũng có thể bắt lỗi nạn nhân với kiểu nói là “Bạn có thể thôi không đòi hỏi gì ở tôi nữa được không?”. Cả hai đều có thể được xem là kẻ hành hạ bởi người muốn duy trì cuộc chơi.

Cách duy nhất để kẻ hành hạ có thể bước ra khỏi tam giác kịch tính này là họ phải nhận lấy trách nhiệm về những hành vi của chính họ. Họ phải ngừng việc tập trung chú ý đến những hành vi của người khác và phải nhìn vào những hành vi của chính họ. Họ cần phải ngưng việc công kích và quy lỗi, đồng thời phải làm sao để thay đổi chính họ thay vì là thay đổi người khác.

Phần tưởng thưởng mà vai trò kẻ hành hạ nhận được đó là họ có thể chối bỏ sự yếu kém khả năng của mình bằng cách tập trung vào sự yếu kém của người khác. Họ rất giỏi trong việc giữ cho vở kịch được tiếp tục, bởi vì họ sẽ đến với nạn nhân và than phiền rằng người cứu hộ đã cư xử với nạn nhân như với một đứa trẻ và coi thường người ấy, rồi lại xúi giục sự xung đột giữa nạn nhân và người cứu hộ. Hoặc họ có thể đi đến người cứu hộ rồi than phiền về sự bất lực, hay đòi hỏi và sự thiếu tôn trọng mà nạn nhân đã thể hiện với người cứu hộ, rồi khởi sự một cuộc chiến theo cách đó. Trò chơi được ưa thích của họ là “Để cho mày và nó đấu với nhau”. Bằng cách giữ cho vở kịch được tiếp diễn, họ có thể chối bỏ và lãng quên được những nhược điểm và yếu kém của bản thân họ. Cái giá họ phải trả là lúc nào cũng bị những cảm giác kích động, bực tức, oán giận và đây là cách thức khiến họ trở nên khó khăn khi sống với đời. Nó có thể khiến họ trở nên xa lánh với những mối quan hệ và những tình huống làm việc bởi vì người khác sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi với những ai có biểu hiện tiêu cực như thế. Nó cũng khiến họ khó có thể thừa nhận cái khía cạnh yếu mềm, dễ tổn thương của họ. Họ không phải là một nhân vị trọn vẹn. Tất cả năng lượng của họ được dành cho việc tức giận, khiến họ mệt mỏi và khiến người khác phải xa lánh. Nguồn năng lượng tiêu cực này cũng sẽ thu hút những kẻ hành hạ khác, những người hay phàn nàn và hay bắt lỗi khác đến với họ, và vì thế họ thường xuyên đắm chìm trong một cái bể chứa đầy những điều tiêu cực.

Đón xem tiếp Phần 2: Trò chơi và thoát khỏi trò chơi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...