Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

10 KỸ THUẬT TRỊ LIỆU NHÂN VỊ TRỌNG TÂM - Phần 2

“10 Person-Centered Therapy Techniques Inspired by Carl Rogers”
Tác giả: COURTNEY E. ACKERMAN, MA. in Positive Organizational Psychology
Nguồn: Positive Psychology - 17-05-2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non


Xem lại Phần 1

Phần 2

NHÃN QUAN NHÂN VỊ TRỌNG TÂM HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?

“Khi thực hiện tốt chức năng của mình, nhà trị liệu có thể đi sâu vào bên trong thế giới riêng tư của người khác đến mức họ không chỉ làm sáng rõ những ý nghĩa mà thân chủ có thể nhận biết mà còn cả những ý nghĩa bên dưới mức độ có thể nhận biết.” - Carl Rogers

Trích ngôn trên đây của Carl Roger nhấn mạnh một điểm quan trọng: thành công của thể thức trị liệu này nằm ở mối liên kết cực kỳ quan trọng giữa thân chủ và nhà trị liệu. Nếu mối quan hệ này không thể hiện sự tin cậy, tính xác thực và những cảm nhận tích cực lẫn nhau, thì sẽ không có bất kỳ lợi ích nào cho cả hai phía.

Rogers xác định 6 điều kiện cần có đối với sự thành công của liệu pháp thân chủ trọng tâm:

1, Thân chủ và nhà tham vấn có sự tiếp xúc tâm lý (một mối quan hệ).

2, Thân chủ đang xáo trộn cảm xúc, trong một trạng thái không hài hòa (incongruence).

3, Nhà tham vấn có tính chân thành (genuine) và nhận biết được cảm xúc của chính mình.

4, Nhà tham vấn có sự quan tâm tích cực vô điều kiện đối với thân chủ.

5, Nhà tham vấn có sự hiểu biết mang tính thấu cảm (empathic understanding) đối với thân chủ và khung tham chiếu bên trong của họ và tìm cách trình bày những trải nghiệm này với thân chủ.

6, Thân chủ nhận thấy nhà tham vấn có sự quan tâm tích cực vô điều kiện đối với họ và hiểu được những khó khăn mà họ đang đương đầu. (Noel, 2018)

Khi thỏa 6 điều kiện này, sẽ có tiềm năng to lớn tạo nên sự thay đổi tích cực.

Cách thức tạo hiệu quả của liệu pháp thân chủ trọng tâm là tự nhiên mở rộng những điều kiện sau: Nhà trị liệu và thân chủ cùng thảo luận về những vấn đề hiện tại của thân chủ, nhà trị liệu thực hành việc lắng nghe chủ động (active listening) và bày tỏ sự thấu cảm (empathize) với thân chủ, thân chủ tự quyết định điều gì sai và có thể làm gì để điều chỉnh nó. (McLeod, 2015)

Rõ ràng trong các công trình của Rogers, ông rất xem trọng giá trị của các trải nghiệm trực tiếp của thân chủ, và rất ít nhấn mạnh vào sự “thông minh và hiểu biết” hoặc tính chuyên môn kỹ thuật của các nhà trị liệu – bao gồm cả chính ông!

PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT CỦA LIỆU PHÁP THÂN CHỦ TRỌNG TÂM

“Chúng ta nghĩ, chúng ta nghe nhưng hiếm khi chúng ta nghe với sự hiểu biết thật sự, thấu cảm thật sự. Nhưng lắng nghe chủ động là điều rất đặc biệt, là một trong những lực mạnh mẽ nhất cần cho sự thay đổi mà tôi biết đến.” - Carl Rogers

Kỹ thuật duy nhất được công nhận là có hiệu quả và được áp dụng trong liệu pháp thân chủ trọng tâm là lắng nghe không phê phán (listen nonjudgmentally). Và thế là đủ!

Trên thực tế, rất nhiều nhà trị liệu và nhà tâm lý theo trường phái thân chủ trọng tâm xem sự phụ thuộc vào “kỹ thuật” của nhà trị liệu như là rào cản hơn là lợi ích đối với việc trị liệu. Quan điểm của trường phái Rogers là sử dụng kỹ thuật có thể tạo ra hệ qua “phi cá nhân hóa” (depersonalizing – tức là làm mất đi những đặc trưng riêng, độc đáo của từng cá nhân – ND) trên mối quan hệ trị liệu. (McLeod, 2015)

Theo cách nói của Carl Rogers:

“Khi bạn ở trong sự đau khổ về tâm lý và có ai đó sẵn sàng nghe bạn mà không phán xét, không cố gắng chịu trách nhiệm về bạn, không cố gắng nhào nặn bạn, điều đó thật tuyệt vời!”

Trong khi lắng nghe chủ động là một điều quan trọng nhất và duy nhất trong liệu pháp thân chủ trọng tâm, có rất nhiều bí quyết và những đề nghị cho những nhà trị liệu thân chủ trọng tâm để gia tăng khả năng có những phiên trị liệu thành công. Trong nghĩa ấy, những bí quyết và đề nghị này có thể được xem là những “kỹ thuật” của liệu pháp thân chủ trọng tâm.

Saul McLeod (2015) phác họa 10 “kỹ thuật” này trong tâm lý học đơn giản (Simply Psychology) như sau:

1, Thiết lập những ranh giới rõ ràng (Set clear boundaries)

Ranh giới là điều quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng nó đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ trị liệu. Cả nhà trị liệu lẫn thân chủ cần những ranh giới lành mạnh để tránh việc mối quan hệ này trở nên không thích hợp hoặc không hiệu quả, chẳng hạn như phải loại trừ một số chủ đề nhất định trong thảo luận.

Cũng cần thiết lập những ranh giới thực tế hơn, vì dụ như thời lượng mỗi phiên là bao lâu.

2, Nhớ rằng, thân chủ là người hiểu biết tốt nhất (Remember – The client knows best)

Như đã đề cập từ đầu, liệu pháp này được thành lập dựa trên ý tưởng rằng thân chủ hiểu biết về chính họ, và đây là nguồn tốt nhất để nhận biết và thấu hiểu vấn đề cùng những giải pháp tiềm năng của họ. Đừng dẫn dắt thân chủ hay bảo họ điều gì là sai, thay vào đó hãy để họ nói với bạn về những gì là không ổn với họ.

3, Tác động như một “bộ cộng hưởng âm thanh” (Act as a sounding board)

Lắng nghe chủ động là điều cốt yếu, nhưng cũng rất hữu dụng khi nhà trị liệu phản ánh lại với thân chủ những gì họ đã nói. Thử nói những điều thân chủ nói bằng ngôn từ của bạn. Điều này có thể giúp thân chủ làm rõ hơn những suy nghĩ của chính họ và hiểu cảm xúc của họ tốt hơn.

4, Đừng phán xét (Don’t be judgmental)

Một yếu tố quan trọng khác trong liệu pháp thân chủ trọng tâm là không phán xét. Thân chủ thường loay hoay với những cảm nhận tội lỗi, tự đánh giá thấp bản thân và đơn giản tin rằng họ “không đủ tốt”. Hãy cho họ biết rằng bạn chấp nhận họ như con người mà họ đang là và bạn sẽ không từ chối họ.

5, Đừng quyết định thay thân chủ (Don’t make decisions for your clients)

Cho lời khuyên có thể hữu dụng, nhưng nó cũng có những nguy cơ. Trong liệu pháp thân chủ trọng tâm, đưa ra lời khuyên với thân chủ dường như là cách không thích hợp và không hiệu quả. Chính thân chủ mới là người quyết định và họ cũng là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này.

Công việc của nhà trị liệu là giúp thân chủ khám phá hệ quả của những quyết định hơn là hướng dẫn họ thực hiện bất kỳ quyết định nào.

6, Tập trung vào những gì họ thật sự nói (Concentrate what’s they are really saying)

Đây mới chính là lý do cần đến khả năng lắng nghe chủ động. Đôi khi thân chủ cảm thấy không thoải mái vào lúc bắt đầu mở lời hoặc họ có thể gặp trở ngại để có thể thấy điều gì đó ẩn trong câu chuyện của họ. Trong những tình huống này, hãy bảo đảm việc lắng nghe một cách cẩn thận với một tâm trí rộng mở - những vấn đề thân chủ đang nói ra có thể chưa phải là vấn đề thực sự.

7, Hãy chân thành (Be Genuine)

Như đã đề cập lúc đầu, liệu pháp thân chủ trọng tâm cần sự chân thành. Nếu thân chủ không cảm thấy nhà trị liệu của họ đáng tin và chân thành, thân chủ sẽ không tin tưởng bạn. Để thân chủ chia sẻ những chi tiết cá nhân về suy nghĩ và cảm nhận của họ, họ phải cảm thấy an toàn và thoải mái với bạn.

Hiện diện như chính con người thật sự mà bạn đang là, chia sẻ với thân chủ cả những nội dung thực tế lẫn những cảm nhận của bạn. Dĩ nhiên, bạn không nhất thiết phải chia sẻ những điều bạn không cảm thấy thoải mái, nhưng một cách chia sẻ thích hợp có thể giúp xây dựng nên một mối quan hệ trị liệu lành mạnh.

8, Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực (Accept negative emotions)

Đây là một kỹ thuật quan trọng đối với bất kỳ nhà trị liệu nào. Để giúp thân chủ khơi thông những vấn đề của họ và giúp họ bình phục, điều vô cùng quan trọng là hãy để họ bộc lộ cảm xúc của họ – cho dù đó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Thân chủ thậm chí, vào một lúc nào đó, cũng có thể bộc lộ sự giận dữ, thất vọng hay bực bội với bạn.

Hãy học cách chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của họ và thực hành mà không để tâm đến nó về mặt cá nhân. Thân chủ có thể cũng cần xoay trở trước những cảm xúc khó chịu, miễn là họ không xâm hại bạn, và cách hữu ích là bạn chỉ cần giúp họ vượt qua nó.

9, Cách nói quan trọng hơn nội dung nói (How you speak can be more important than what you say)

Giọng nói của bạn có ảnh hưởng lớn đến những gì thân chủ nghe, hiểu và áp dụng. Hãy bảo đảm là giọng nói của bạn phải chừng mực và đồng bộ với tác phong tiếp cận không phán xét và có tính thấu cảm của bạn.

Bạn cũng có thể sử dụng giọng nói của mình để nhấn mạnh những cơ hội để thân chủ có thể suy nghĩ, phản ánh và cải thiện sự hiểu biết của họ; ví dụ bạn có thể sử dụng giọng nói để làm chậm lại cuộc đối thoại khi đang bàn đến những điểm chính yếu, cho phép thân chủ suy nghĩ xem cuộc trò chuyện đang dẫn đến đâu và thân chủ muốn đi tiếp đến đâu.

10, Tôi có lẽ không phải là người giúp tốt nhất (I may not be the best person to help)

Điều rất quan trọng là bạn biết chính mình là nhà trị liệu và có thể nhận ra giới hạn của bạn. Không có nhà trị liệu nào hoàn hảo và không có chuyên gia sức khỏe tâm thần nào có thể mang đến cho mỗi thân chủ chính xác điều họ cần.

Nhớ rằng, không có gì hỗ thẹn khi nhận ra rằng tầm mức của vấn đề hoặc thể loại nhân cách của thân chủ mà bạn đang làm việc đã vượt quá khả năng chuyên môn của bạn. Trong những trường hợp đó, đừng tự trách bản thân – hãy trung thực và hãy cung cấp cho thân chủ bất kỳ nguồn lực nào khác để họ tiếp tục quá trình được chữa lành và phát triển xa hơn.

Thư mục PDF này từ học viện Úc của những nhà tham vấn chuyên nghiệp cũng liệt kê một số kỹ thuật hữu ích của liệu pháp thân chủ trọng tâm. Một số kỹ thuật này trùng với những kỹ thuật đã đề cập ở trên, nhưng tất cả đều hữu ích!

 

Một số kỹ thuật trong liệu pháp thân chủ trọng tâm – Theo Viện Các Nhà Tham vấn Chuyên nghiệp Australia

1, Hài hòa (Congruence): Kỹ thuật này đòi hỏi nhà trị liệu phải chân thành và khả tín, và đảm bảo rằng những biểu hiện trên nét mặt và ngôn ngữ cơ thể của nhà trị liệu phải đồng bộ với lời nói của họ.

2, Quan tâm tích cực vô điều kiện (Unconditional Positive Regard): Như đã mô tả ở trên trong bài này, sự quan tâm tích cực vô điều kiện là cách thực hành với sự chấp nhận, tôn trọng và quan tâm đến thân chủ; nhà trị liệu nên làm việc với nhãn quan rằng thân chủ đang làm những gì tốt nhất có thể trong hoàn cảnh của họ cùng với những kỹ năng, kiến thức sẵn có của họ.

3, Thấu cảm (Empathy): Điều này rất quan trọng với nhà trị liệu để bộc lộ với thân chủ rằng họ hiểu những cảm xúc của thân chủ hơn là chỉ cảm thấy thương cảm.

4, Không hướng dẫn (Nondrectiveness): Nền tảng của liệu pháp thân chủ trọng tâm, “không hướng dẫn” (còn gọi là “phi điều hướng” – ND) ngụ ý về một phương pháp cho phép thân chủ dẫn dắt phiên trị liệu; nhà trị liệu nên tự kiềm chế việc đưa ra lời khuyên hoặc lên kế hoạch cho những hoạt động trong các phiên làm việc.

5, Phản ảnh những cảm nhận (Reflection of feelings): Lặp lại những gì thân chủ đã chia sẻ về cảm nhận của họ; điều này giúp thân chủ biết nhà trị liệu đang lắng nghe một cách chủ động và hiểu những gì thân chủ đang nói cũng như đem đến cho họ một cơ hội đi xa hơn nữa trong việc khám phá những cảm nhận của bản thân.

6, Câu hỏi mở (Opening questions): Kỹ thuật này ngụ ý nói đến loại câu hỏi tinh túy của “nhà trị liệu” (the quintessential “therapist” question) – “Điều đó khiến bạn cảm thấy thế nào?” Dĩ nhiên, đây không chỉ là câu hỏi mở duy nhất có thể được sử dụng trong liệu pháp thân chủ trọng tâm, nhưng đây là một câu hỏi mở tốt có thể khuyến khích thân chủ chia sẻ.

7, Diễn đạt lại (Paraphrasing): nhà trị liệu có thể để thân chủ biết rằng họ hiểu những gì thân chủ nói bằng cách lặp lại những gì họ nói bằng ngôn từ của nhà trị liệu; điều này cũng có thể giúp thân chủ sáng rõ hơn cảm xúc của mình hoặc bản chất của vấn đề.

8, Khuyến khích (Encourgers): “Ừm”, “Hãy tiếp đi”, và “Rồi sao nữa?” là những từ, cụm từ rất tuyệt vời trong việc khuyến khích thân chủ tiếp tục nói; những cách này có thể đặc biệt hữu dụng với những thân chủ còn e ngại, hướng nội hoặc sợ không dám mở lời và dễ bị tổn thương. (J&S Garrett, 2013).

THÔNG ĐIỆP MANG THEO

Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ cung cấp cho bạn sự hiểu biết tốt hơn về liệu pháp thân chủ trọng tâm và khuyến khích bạn suy nghĩ về bản thân mình như là một bậc thầy và là chuyên gia của những trải nghiệm của chính mình. Bạn là người duy nhất có thể hiểu những vấn đề, những chủ đề, những nhu cầu, những khao khát và những mục đích của bạn và chính bạn là người phải giải quyết những vấn đề đó để đạt đến những mục đích ấy.

Đây cũng là một trách nhiệm được thêm vào khi bạn hiểu ra rằng bạn chịu trách nhiệm cho việc cuộc sống của bạn được khai mở như thế nào, nhưng nó cũng có thể khiến bạn tự do hơn rất nhiều.

Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn làm việc dựa trên việc xây dựng lòng tin với chính bản thân mình, tin vào những kiến thức và kỹ năng có thể đưa cuộc đời bạn từ chỗ “sống đời tẻ nhạt” trở thành sống một cuộc đời đích thực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...