Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

HIỆU ỨNG MCGURK VÀ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ĐEO KHẨU TRANG KHI GIAO TIẾP

(*) Tựa được đặt lại

Tựa gốc: “What Is the McGurk Effect? How COVID-19 Masks Impact Communication”

Tác giả:  SHERRI GORDON - Duyệt bởi: RICH SCHERR

Nguồn: VeryWellMind - Ngày 02/ 02/2021

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH - Tốt nghiệp cử nhân tâm lý Đại học Văn Hiến, TpHCM, năm 2006. Thâm niên 15 năm công tác tại Khoa Tâm lý Lâm sàng (Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên), Bệnh viện Tâm thần Trung uơng 2, Biên Hoà, Đồng Nai. 



Khi nói chuyện với người khác thông qua khẩu trang, những gì bạn nhìn thấy và nghe thấy không đồng nhất với nhau và bạn có thể cảm thấy khó khăn để theo dõi cuộc trò chuyện giống như cách bạn làm mà không có khẩu trang - thậm chí bạn có thể hiểu sai những gì đang được chia sẻ. Do đó, não của bạn có thể cố gắng thuyết phục bạn rằng bạn đang nghe thấy điều gì đó chưa được nói ra. Khi điều này xảy ra, nó được gọi là hiệu ứng McGurk.

Hiệu ứng McGurk

Hiệu ứng McGurk là gì? Loại giao tiếp sai lệch (miscommunication) này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1976 bởi Harry McGurk và John MacDonald.

Hiệu ứng McGurk là một hiện tượng giao tiếp xảy ra khi ai đó nhận thấy rằng chuyển động môi của người khác không khớp với những gì họ thực sự đang nói.

Vì vậy, đối với một số người, những gì họ nghe được hoàn toàn khác với những gì đang thực sự được nói. Đầu vào thị giác của họ chồng lên những gì họ đang nghe và thuyết phục bộ não của họ rằng họ đang nghe một điều gì đó hoàn toàn khác.

Nghiên cứu về Hiệu ứng McGurk

Trong một nghiên cứu về hiệu ứng McGurk được thực hiện bởi các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Y Baylor College of Medicine, những người tham gia được yêu cầu nhắm mắt khi nghe video có người phát ra âm thanh "ba ba ba".

Khi những người tham gia được yêu cầu mở mắt và xem kỹ đoạn video đó nhưng không có âm thanh, họ báo cáo rằng có vẻ như người đó đang nói "ga ga".

Và, trong phần cuối cùng của thử nghiệm, video đã được phát lại khi bật âm thanh. Những người tham gia được xem và nghe đoạn video và những ai nhạy cảm với hiệu ứng McGurk cho biết họ đã nghe thấy "da da da."

Rõ ràng, âm thanh này không khớp với các manh mối về thị giác hoặc thính giác mà họ đã báo cáo từ phần trước của thử nghiệm. Vì vậy, thí nghiệm là một minh họa của hiệu ứng McGurk.

Hiệu ứng McGurk xảy ra bởi vì não đang cố gắng phân giải những gì nó nghĩ rằng nó đang nghe bằng một âm thanh gần hơn với những gì nó đang nhìn thấy.

Khẩu trang tác động đến giao tiếp như thế nào

Khi nói đến việc đeo khẩu trang trong đại dịch COVID-19, hiệu ứng McGurk là một khái niệm có thể hữu ích trong việc hiểu tại sao việc không nhìn thấy môi của ai đó có thể khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn.

Ví dụ, hiệu ứng McGurk nhấn mạnh rằng mọi người sử dụng cả mắt và tai của họ để hiểu những gì mọi người đang nói — ngay cả khi thỉnh thoảng nó tạo ra kết quả không chính xác.

Mặc dù đúng là hiệu ứng McGurk có thể ít xảy ra hơn khi một người bị che miệng khi nói, nhưng nó cũng chứng tỏ rằng khi miệng của một người bị che lại thì những người khác đã mất đi một phần quan trọng của quá trình giao tiếp - miệng và môi của người nói.

Hành động che phần lớn khuôn mặt của bạn bằng khẩu trang có thể khiến mọi người khó biết bạn đang cảm thấy thế nào hoặc bạn muốn giao tiếp điều gì.

Khẩu trang làm gián đoạn tín hiệu bằng lời nói và phi ngôn ngữ

Nói chung, giao tiếp phụ thuộc vào cả tín hiệu bằng lời nói và không lời (phi ngôn ngữ). Một khẩu trang can thiệp vào cả hai điều đó.

Ví dụ, khẩu trang thường che một phần lớn khuôn mặt của một người, điều này khiến mọi người khó nhận diện môi hoặc xử lý các tín hiệu phi ngôn ngữ. Và vì miệng bị che, nó cũng có thể dẫn đến giọng nói bị nghẹt. Cả hai yếu tố này làm cho việc giao tiếp với một chiếc khẩu trang càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, trong những trường hợp bình thường, môi và miệng thể hiện trạng thái tinh thần của bạn. Tuy nhiên, với việc bịt miệng bằng khẩu trang, những người mà bạn tương tác phải xác định cảm giác của bạn bằng những dấu hiệu thị giác rất hạn chế.

Điều này đặc biệt khó khăn đối với người khiếm thính, những người thường dựa vào cách đọc môi (lip-reading) để hiểu những gì mọi người đang nói. Nếu môi của người đang nói bị che bởi khẩu trang, người khiếm thính có thể gặp khó khăn để hiểu những gì đang được nói với họ.

Làm thế nào để cải thiện giao tiếp bằng khẩu trang

Rõ ràng là mọi người dựa vào cả dấu hiệu hình ảnh và âm thanh để nghe và hiểu người khác, nhưng điều quan trọng là phải học cách giao tiếp với người khác một cách hiệu quả mặc dù thực tế là bạn đang đeo khẩu trang.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Một cách tuyệt vời để cải thiện khả năng giao tiếp bằng khẩu trang là cố gắng nghĩ xem các bộ phận nào trên cơ thể bạn có thể dễ được nhìn thấy. Những bộ phận mà người khác có thể nhìn thấy bao gồm mắt, lông mày, bàn tay và cột sống của bạn (giúp bạn kiểm soát về tư thế của cơ thể). Tất cả những điều này giúp bạn sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với người khác.

Trên thực tế, theo khuyến nghị dành cho các bác sĩ phòng cấp cứu trong một Nghiên cứu về Bệnh Tâm thần Phân liệt, mọi người sự dụng các bộ phận cơ thể có thể nhìn thấy của họ để giao tiếp hiệu quả hơn với người khác khi đeo khẩu trang. Bạn cũng có thể làm như vậy.

Các tác giả đã đề xuất một số chuyển động cơ thể mà bạn có thể dựa vào để cải thiện giao tiếp khi đeo khẩu trang: [3]

* Lông mày: Nhấc lông mày của bạn để thể hiện sự ngạc nhiên hoặc tạo thành chữ "V" để thể hiện sự tức giận. Những người khiếm thính thường sử dụng lông mày của một người để giải thích những gì người khác đang nói.

* Tay: Sử dụng cử chỉ tay để truyền đạt tốt hơn những gì bạn đang cố gắng diễn đạt. Ví dụ, chuyển động tay nhanh có thể cho thấy bạn đang hào hứng với điều gì đó.

* Tư thế cơ thể: Cách bạn đứng có thể nói lên nhiều điều về cảm giác của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang khom lưng, bạn có thể cho thấy rằng bạn đang bị trầm uất. Nếu bạn đứng cao với vai vuông, bạn có thể trông căng thẳng hoặc đang ở trong tình trạng cảnh giác cao.

Để giao tiếp tốt hơn với người khác khi đeo khẩu trang, hãy nhớ cố gắng kết hợp nhiều chuyển động cơ thể hơn vào các cuộc trò chuyện của bạn.

Cải thiện giao tiếp với người khiếm thính khi khẩu trang

Đối với những người khiếm thính, nên dùng khẩu trang bằng một tấm chắn trong suốt ở phía trước để cho phép họ đọc khẩu hình của người nói.

Tương tự như vậy, giãn cách xã hội cũng có thể mang lại lợi ích ngoài ý muốn. Với Zoom meeting or Google Meet, những người bị khiếm thính có thể chọn sử dụng phụ đề chi tiết, cho phép các từ đang được nói xuất hiện trên màn hình.

Thêm vào đó, các ứng dụng như thế này cho phép người nói đang được cách ly, chỉ xuất hiện trên màn hình, có nghĩa là ngoài việc nghe giọng nói và đọc chú thích, họ còn có thể đọc môi. Do đó, họ (người khiếm thính) có thể thấy những cuộc họp kiểu này có lợi hơn những cuộc họp trực tiếp.

 Một số người thích giao tiếp qua khẩu trang

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng một số người có thể thấy nói chuyện khi mang một chiếc khẩu trang khiến họ cảm thấy thoải mái hơn. Như các tác giả trong Nghiên cứu bệnh Tâm thần Phân liệt nêu trên có lưu ý, đối với một số người - đặc biệt là những người hay lo lắng về việc bị người khác soi xét nét mặt của mình – thì việc đeo khẩu trang có thể giúp họ giao tiếp thoải mái hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...