Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ - MỘT SỐ KHÍA CẠNH VỀ KỸ THUẬT (*) - Phần 1

(*) Tựa được đặt lại

“19 Narrative Therapy Techniques, Interventions + Worksheets”

Tác giả: COURTNEY ACKERMAN, MA, tốt nghiệp Chương trình Lượng giá và Tâm lý Tổ chức Tích cực (the positive organizational psychology and evaluation program) tại Đại học Claremont Graduate. Cô hiện đang làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cho Bang California và quan tâm đến việc nghiên cứu khảo sát, các chủ đề về hạnh phúc trong công việc và lòng trắc ẩn.

Nguồn: Positive Psychology - 15-04-2021

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

(*) Narrative Therapy – Trong bài dịch là “liệu pháp chuyện kể”, có cách dịch khác là “liệu pháp trần thuật”


Phần 1

Hãy tưởng tượng một bản trần thuật về “câu chuyện cuộc đời” của bạn, trong đó bạn là  một người hùng, chứ không phải là nạn nhân, của chính cuộc đời mình?

Có khả năng câu chuyện cuộc đời bạn kể cho chính mình và những người khác thay đổi tùy thuộc vào ai đang hỏi chuyện với bạn, tâm trạng của bạn và liệu bạn có cảm thấy như mình đang ở phần đầu, phần giữa hay phần cuối của câu chuyện nổi trội nhất của bạn.

Nhưng lần cuối cùng bạn dừng lại để xem xét những câu chuyện bạn kể là khi nào?

"CÂU CHUYỆN CỦA BẠN LÀ GÌ?"

Liệu pháp chuyện kể tập trung đầu tư vào câu hỏi này và xu hướng kể chuyện của chúng ta. Mục tiêu là tìm ra cơ hội để trưởng thành và phát triển, tìm thấy ý nghĩa và hiểu bản thân mình hơn.

Chúng ta sử dụng những câu chuyện để thông báo cho người khác, kết nối những trải nghiệm được chia sẻ, nói ra khi chúng tôi cảm thấy đời sống không ổn và thậm chí để phân loại những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Những câu chuyện sắp xếp các suy nghĩ của chúng ta, giúp chúng ta tìm ra ý nghĩa và mục đích cũng như xây dựng bản sắc của chúng ta trong một thế giới khó hiểu và đôi khi đơn độc này. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận ra những câu chuyện mà chúng ta đang tự kể cho chính mình và đang kể với những người khác, khi chúng ta nói về cuộc sống của chính mình.

Nếu bạn chưa từng nghe nói về liệu pháp này, bạn cũng không phải người duy nhất!

Liệu pháp chuyện kể là một phương pháp chuyên biệt và ít phổ biến nhằm hướng dẫn thân chủ hướng tới chữa bệnh và phát triển cá nhân. Nó xoay quanh những câu chuyện mà chúng ta kể với chính mình và với những người khác.

LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ LÀ GÌ? MỘT ĐỊNH NGHĨA

Liệu pháp chuyện kể là một hình thức trị liệu nhằm mục đích tách cá nhân ra khỏi vấn đề, cho phép cá ngoại hiện vấn đề của họ ra bên ngoài hơn là nhập tâm chúng vào bên trong (to separate the individual from the problem, allowing the individual to externalize their issues rather than internalize them).

Nó dựa vào các kỹ năng và ý thức về mục đích của chính cá nhân để hướng dẫn họ vượt qua những thời điểm khó khăn (Narrative Therapy, 2017). Hình thức trị liệu này được phát triển vào những năm 1980 bởi Michael White và David Epston (About Narrative Therapy). Họ tin rằng một phần quan trọng của việc điều trị là tách một người ra khỏi hành vi có vấn đề hoặc mang tính huỷ hoại của họ (White, 2015).

Ví dụ, khi trị liệu cho một người vi phạm pháp luật, họ sẽ khuyến khích người đó coi mình là người có lỗi, thay vì là một người phạm tội vốn đã “xấu”. White và Epston đưa ra mô hình trị liệu mới này theo 3 ý tưởng chính

1, Liệu pháp chuyện kể có tính tôn trọng (respectful)

Liệu pháp này tôn trọng quyền tự quyết và phẩm giá (agency and dignity) của mọi khách hàng. Nó đòi hỏi mỗi khách hàng phải được đối xử như một con người không bị thiếu sót, không bị khiếm khuyết, hoặc không “đủ tốt” dưới bất kỳ hình thức nào.

Những cá nhân tham gia vào liệu pháp chuyện kể là những người dũng cảm nhận ra các vấn đề họ muốn giải quyết trong cuộc sống của họ.

2, Liệu pháp chuyện kể có tính không quy lỗi (non-blaming)

Trong hình thức trị liệu này, thân chủ không bao giờ bị đổ lỗi cho các vấn đề của họ và họ cũng được khuyến khích không đổ lỗi cho người khác. Các vấn đề xuất hiện trong cuộc sống của mọi người là do nhiều yếu tố. Trong liệu pháp chuyện kể, sẽ không có lợi ích gì khi gán lỗi cho bất kỳ ai hoặc cho bất cứ điều gì.

Liệu pháp chuyện kể tách con người ra khỏi các vấn đề của họ, xem họ như những cá nhân toàn diện và có chức năng, những người dự phần làm nên những mẫu hình suy nghĩ hoặc hành vi mà họ muốn thay đổi.

3, Liệu pháp chuyện kể xem thân chủ như một chuyên gia (views the client as the expert)

Trong liệu pháp chuyện kể, nhà trị liệu không chiếm giữ không gian xã hội hoặc học thuật cao hơn thân chủ. Điều này được hiểu rằng thân chủ mới là chuyên gia trong cuộc sống của họ, và cả hai phía đều được trông đợi để đạt được sự hiểu biết này.

Chỉ thân chủ mới hiểu rõ cuộc sống của họ và có các kỹ năng và kiến ​​thức để thay đổi hành vi và giải quyết các vấn đề của họ (Morgan, 2000).

Ba ý tưởng này đặt nền tảng cho mối quan hệ trị liệu và chức năng của liệu pháp chuyện kể. Nền tảng của tiến trình trị liệu chính là cách hiểu này – một cách nhìn mà thân chủ có thể cảm thấy xa lạ nhưng cần có. Cũng sẽ khó khăn để có thể tạo ra một sự tách biệt rõ ràng giữa con người và những vấn đề mà họ đang gặp phải.

CÁC KHÁI NIỆM VÀ CÁCH TIẾP CẬN CHÍNH

Điều quan trọng trong liệu pháp tường thuật là phải phân biệt giữa “một cá nhân đang gặp vấn đề” (an individual with problems) và “một cá nhân là người có vấn đề” (problematic individual). White và Epston đưa ra giả thuyết rằng việc tự định danh một bản sắc cá nhân mang tính chất nguy hại hoặc bất lợi (harmful or adverse self-identity) có thể tác động tiêu cực sâu sắc đến chức năng và chất lượng cuộc sống của một người.

“Vấn đề là vấn đề, con người không phải là vấn đề.” (The problem is the problem, the person is not the problem)

Michael White và David Epston

Để đạt điều này, có một số chủ đề hoặc nguyên tắc chính của liệu pháp chuyện kể như sau:

1, Thực tại là thứ được kiến tạo về mặt xã hội (reality is socially constructed), có nghĩa là sự tương tác và đối thoại của chúng ta với những người khác tác động đến cách chúng ta trải nghiệm về thực tại.

2, Thực tại bị ảnh hưởng và được truyền đạt thông qua ngôn ngữ, điều này cho thấy rằng những người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể có những cách diễn giải hoàn toàn khác nhau về những trải nghiệm tương tự.

3, Việc hiểu được một câu chuyện có thể giúp chúng ta tổ chức lại và bảo tồn thực tại của mình. Nói cách khác, những câu chuyện và cách kể chuyện giúp chúng ta làm nên ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình.

4, Không có một “thực tại khách quan” hoặc một chân lý tuyệt đối; những gì đúng với chúng ta có thể không đúng với người khác, hoặc thậm chí không đúng với chính chúng ta ở vào một thời điểm khác (Standish, 2013).

Những nguyên tắc này gắn liền với trường phái tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernist school of thought), vốn xem thực tại như một khái niệm đang chuyển dịch, đang thay đổi và mang tính cá nhân sâu sắc. Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, không có sự thật khách quan - sự thật (truth – hay “chân lý”) là điều mà mỗi người chúng ta tạo ra, và chịu ảnh hưởng của các chuẩn mực và ý tưởng của xã hội.

Không giống như tư tưởng hiện đại (modern thought) vốn tuân theo những lý thuyết như là những gì thiêng liêng, tư tưởng hậu hiện đại giữ sự hoài nghi đối với những “câu chuyện kỳ vĩ” (grand narratives), hoài nghi về những cá nhân, những ý tưởng về một thứ “ngôn ngữ trung dung” (neutral language) và hoài nghi về một “chân lý phổ quát” (universal truth).

Do đó, tiền đề chính nằm phía sau liệu pháp chuyện kể là phải hiểu các cá nhân trong bối cảnh hậu hiện đại (postmodern context). Nếu không có chân lý phổ quát, thì con người cần phải tạo ra những chân lý giúp họ xây dựng một thực tại phù hợp với bản thân và những người khác. Liệu pháp chuyện kể mang đến những “kỹ năng định hình câu chuyện” (story-shaping skills).

Thật đáng ngạc nhiên khi việc giải quyết hoặc phủ định một vấn đề lại có thể trở nên dễ dàng hơn như thế, khi bạn không còn xem vấn đề như một phần được lồng ghép vào trong con người bạn, mà thay vào đó, đơn giản nó chỉ là một vấn đề.

5 KỸ THUẬT THÔNG DỤNG NHẤT CỦA LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ

Một số kỹ năng áp dụng để giải quyết vấn đề thông qua liệu pháp chuyện kể là những kỹ năng mà chúng ta có thể đã có; nhưng một số người thì cần bỏ công sức học hỏi và áp dụng.

5 kỹ thuật ở đây là những công cụ thường được sử dụng nhất trong liệu pháp chuyện kể.

1. Kể chuyện của một người (cùng nhau kể lại câu chuyện)

Là một nhà trị liệu hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần, công việc của bạn trong liệu pháp chuyện kể là giúp thân chủ tìm thấy tiếng nói của họ và kể câu chuyện của họ bằng ngôn từ của chính họ. Theo triết lý ẩn sau liệu pháp chuyện kể, việc kể chuyện là cách chúng ta tạo ra ý nghĩa và tìm thấy mục đích trong trải nghiệm của chính mình (Standish, 2013).

Việc giúp thân chủ phát triển câu chuyện của họ sẽ mang lại cho họ cơ hội khám phá ý nghĩa, tìm cách chữa lành và thiết lập hoặc tái thiết lập bản sắc cá nhân, tất cả các yếu tố tích hợp ấy giúp cho sự thành công của việc trị liệu.

Kỹ thuật này còn được gọi là “sáng tác lại” (re-authoring) hoặc “tái tạo lại câu chuyện” (re-storying), khi khách hàng khám phá những trải nghiệm của họ để tìm ra những biến thể cho câu chuyện của họ hoặc tạo lại một câu chuyện hoàn toàn mới. Từ những sự kiện giống nhau có thể kể ra thành hàng trăm câu chuyện khác nhau vì tất cả chúng ta đều diễn giải trải nghiệm theo những cách rất khác nhau và tìm ra được những cảm nhận về ý nghĩa (sense of meaning) khác nhau (theo Trung tâm Dulwich).

2. Kỹ thuật Ngoại hiện (Externalization Technique)

Kỹ thuật ngoại hiện dẫn thân chủ đến việc xem các vấn đề hoặc hành vi của họ như là điều gì đó ở bên ngoài, thay vì là một phần không thể thay đổi của chính họ. Đây là một kỹ thuật nói dễ hơn làm, nhưng có thể có tác động tích cực lớn đến sự tự tin và bản sắc cá nhân .

Ý tưởng chung của kỹ thuật này là: Bạn dễ thay đổi một hành vi hơn là thay đổi một đặc trưng nhân cách cốt lõi của bạn.

Ví dụ, nếu bạn dễ tức giận hoặc bạn tự xem mình là một người hay tức giận, thì về cơ bản bạn phải thay đổi điều gì đó rất căn cơ của bản thân để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn là một người có hành động hung hăng và dễ nổi giận, thì bạn chỉ cần phải thay đổi các tình huống và hành vi xung quanh vấn đề ấy thôi.

Nghe có vẻ như không có sự khác biệt đáng kể, nhưng có một sự khác biệt sâu sắc giữa suy nghĩ của một người tự cho mình là “một người có vấn đề” (a “problem” person) so với suy nghĩ mình là “một người đang mắc phải hành vi có vấn đề” (someone who engages in problematic behavior).

Ban đầu thân chủ có thể khó tiếp thu ý tưởng kỳ lạ này. Một bước đầu tiên là khuyến khích khách hàng của bạn không quá coi trọng chẩn đoán hoặc nhãn tự gán cho họ. Hãy làm cho thân chủ biết làm thế nào họ có khả năng tự mình tách ra khỏi các vấn đề và cho phép bản thân họ có được mức độ kiểm soát cao hơn đối với bản sắc cá nhân của họ (Bishop, 2011).

3. Kỹ thuật Giải kiến tạo (Deconstruction Technique)

“Giải kiến tạo” ngụ ý chỉ việc làm thuyên giảm các vấn đề mà thân chủ đang gặp phải, do đó giúp họ dễ hiểu hơn về một “bức tranh toàn cảnh”.

Các vấn đề có thể khiến chúng ta cảm thấy quá sức, mông lung hoặc không thể giải quyết được, nhưng chúng không bao giờ thực sự là nan giải (Bishop, 2011).

Quá trình giải kiến tạo sẽ làm cho vấn đề trở nên chuyên biệt hơn và giảm đi sự khái quát hóa quá mức (overgeneralizing); nó cũng làm rõ đâu là vấn đề cốt lõi hoặc các vấn đề thực sự là gì.

Ví dụ về kỹ thuật giải kiến tạo, hãy tưởng tượng có hai người đang trong một mối quan hệ lâu dài và họ đang gặp rắc rối. Một trong hai người cảm thấy thất vọng với việc người kia chẳng bao giờ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ hoặc ý tưởng của cô ấy với anh ta. Nếu chỉ dựa trên mô tả ngắn này, ta không thể có ý tưởng rõ ràng đâu là vấn đề, chứ chưa kể đến giải pháp có thể là gì.

Một nhà trị liệu có thể “giải kiến tạo” (deconstruct) vấn đề của thân chủ bằng cách yêu cầu họ trình bày cụ thể hơn về những gì đang khiến họ phiền muộn, thay vì chấp nhận một tuyên bố đại loại như như “vợ/chồng tôi không còn hiểu tôi nữa”.

Điều này có thể dẫn đến một ý nghĩ rõ hơn về những gì đang làm phiền lòng thân chủ, chẳng hạn như các chủ đề chung về cảm giác cô đơn hoặc thiếu vắng sự thân mật lãng mạn. Có thể thân chủ đã hiểu câu chuyện theo kiểu họ là nạn nhân của mối quan hệ vô dụng này, chứ không như là một người đang gặp khó khăn khi đối diện với sự cô đơn và gặp khó khăn khi nói ra tình trạng dễ bị tổn thương này với bạn đời của họ.

Giải kiến tạo vấn đề (deconstructing the problem) giúp hai bên hiểu được gốc rễ của vấn đề (trong trường hợp này là có một trong hai người đang cảm thấy cô đơn và dễ bị tổn thương) và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với họ (trong trường hợp này, như thể người bạn đời không cần đến họ hoặc không sẵn lòng cam kết giữ mối quan hệ hiện có).

Kỹ thuật này là một cách tuyệt vời để giúp khách hàng đào sâu vào vấn đề và hiểu được nền tảng của sự kiện hoặc mô hình căng thẳng trong cuộc sống của họ.

4. Kỹ thuật dựa trên những “hệ quả độc đáo” (Unique Outcomes)

Một kỹ thuật phức tạp nhưng quan trọng về khía cạnh kể chuyện của liệu pháp chuyện kể.

Kỹ thuật “hệ quả độc đáo” liên quan đến việc thay đổi cốt truyện (storyline) của chính mình. Trong liệu pháp chuyện kể, thân chủ nhắm mục đích kiến tạo một cốt truyện (construct a storyline) cho những trải nghiệm của họ để mang lại những ý nghĩa hoặc mang lại cho họ một bản sắc tích cực và hữu hiệu. Việc này không nên bị hiểu nhầm là “suy nghĩ tích cực” (thinking positive), mà là một kỹ thuật chuyên biệt giúp thân chủ phát triển những câu chuyện có tính thực tế hơn với cuộc sống (life-affirming stories).

Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ giới hạn chỉ trong một cốt truyện. Có rất nhiều cốt truyện tiềm năng mà chúng tôi có thể góp vào, trong đó có những cốt truyện có tính hữu ích hơn.

Giống như một cuốn truyện với nội dung có thể chuyển đổi góc nhìn từ nhân vật này sang nhân vật khác, cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều mạch kể khác nhau, với những quan điểm khác nhau, những trọng điểm khác nhau và điều quan tâm khác nhau. Kỹ thuật “hệ quả độc đáo” tập trung vào một hoặc một vài cốt truyện khác với cốt truyện đã từng chứa đựng nguồn gốc của các vấn đề.

Sử dụng kỹ thuật này nghe có vẻ giống như là đang né tránh vấn đề, nhưng thực ra nó chỉ là cách hình dung lại vấn đề (reimagining the problem). Những gì nghe có vẻ như là “một vấn đề” theo cách nhìn này thì có thể chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt hoặc vô nghĩa nếu nhìn  từ một nhãn quan khác. (Bishop, 2011).

Là một nhà trị liệu, bạn có thể giới thiệu kỹ thuật này bằng cách khuyến khích thân chủ lần theo những cốt truyện mới.

5. Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism)

Bạn có thể có một liên tưởng đặc biệt khi nghe thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh”, việc này khiến cho sự hiện diện của nó ở đây nghe có vẻ kỳ dị, nhưng xu hướng hiện sinh có thể được chứa đựng ở đây nhiều hơn bạn tưởng.

Chủ nghĩa hiện sinh không hẳn là một cái nhìn ảm đạm và vô vọng về một thế giới vô nghĩa.

Nói chung, những người theo chủ nghĩa hiện sinh tin vào một thế giới vốn không sẵn có những ý nghĩa (a world with no inherent meaning). Và nếu không có ý nghĩa nhất định nào, thì người ta có thể tạo ra ý nghĩa của riêng mình.

Bằng cách này, chủ nghĩa hiện sinh và liệu pháp chuyện kể đi đôi với nhau.

Liệu pháp chuyện kể khuyến khích các cá nhân tìm kiếm ý nghĩa và mục đích của mình thay vì tìm kiếm một “chân lý tuyệt đối” vốn đã không cộng hưởng một cách cần thiết với mình.

Nếu thân chủ của bạn là một người ham đọc sách, bạn cũng có thể cân nhắc đề xuất một số tác phẩm theo chủ nghĩa hiện sinh, chẳng hạn như các tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Albert Camus hoặc Martin Heidegger.

Đón xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...