Is Criticism of DSM-5 ‘Anti-psychiatry’? -
Updated Jul 24, 2013
Tác giả: ALLEN FRANCES, MD - Professor Emeritus of Psychiatry and
former Chair at Duke University
Nguổn: HUFFPOST - HuffPost là một trang tin tức
trực tuyến và blog về tin tức và ý kiến của Mỹ. Quan điểm trên trang web hướng
về chính trị cánh tả (Theo Wikipedia)
Người dịch : BS NGUYỄN MINH TIẾN
Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ
(APA: The American Psychiatric Association) chưa một lần nào đề cập đến những
câu hỏi thuộc phạm vi trách nhiệm được đặt ra về DSM-5. Thay vì thế, họ luôn
luôn theo đuổi việc khuyến cáo trong quan hệ công cộng để lập đi lập lại mấy câu “thần chú” vô nghĩa rằng đã có nhiều chuyên gia làm việc cật lực cho DSM-5,
rằng đây là sự phản ánh những gì mới nhất trong khoa học và rằng đó là một tiến
trình cởi mở nhất chưa từng có.
Khi mà hơn 50 hiệp hội về sức
khoẻ tâm thần đề nghị cần phải có một cuộc xét duyệt lại dựa trên chứng cứ và
mang tính độc lập về những đề xuất mới gây tranh cãi trong DSM-5, thì APA đã gạt
bỏ tất cả. Cứ mỗi khi những người chủ trương DSM-5 và tôi được mời để tranh biện,
họ luôn luôn từ chối gặp mặt đối mặt để thảo luận các chủ đề theo từng chủ điểm.
Những “chủ điểm nói chuyện” (talking points) của họ, những đôi tai không lắng
nghe và cách tiếp cận theo kiểu thủ thế (circle the wagons approach) của họ đã
tước mất cơ hội để DSM5 có cơ hội rất cần thiết để tự sửa chửa trước khi nó được
công bố một cách vội vã.
Trong hoạt động quan hệ công cộng
diễn ra êm đẹp gần đây nhất của APA (2013), vị chủ tịch của hiệp hội đã đưa ra
hai thỉnh cầu gây kinh ngạc – đó là xem những chỉ trích đối với DSM-5 gần như
tương đương với thái độ “chống tâm thần học” (anti-psychiatry) và xem những chỉ
trích đó như là biểu hiện của sự kỳ thị đối với các bệnh tâm thần.
Patrick Landman, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng
người Pháp, người đã viết một quyển sách nổi tiếng về DSM-5, đã có một đáp từ mạnh
mẽ trước cuộc tấn công mới đến từ APA:
Chúng ta cần làm rõ – phản đối
DSM-5 không phải là phản đối tâm thần học. Mới đây, các lãnh đạo APA đã miêu tả
tất cả những sự phản đối DSM-5 như là một hình thức “chống tâm thần học”. Đây
quả là điều vô lý!
Cách thức tu từ như thế có mục
đích là gây mất uy tín cho những người chỉ trích để cho DSM-5 không phải đối mặt
với những lập luận nghiêm túc và có cơ sở của họ.
Sự phản đối các phương pháp và
những thay đổi trong DSM-5 là điều đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm hàng
chục nghìn bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng, chuyên viên tham vấn, chuyên
viên công tác xã hội cùng những chuyên viên sức khoẻ tâm thần khác.
Những người phản đối DSM-5 thuộc
về những trường phái tư duy khác nhau, nhưng cùng hợp nhất lại vì một nỗi lo khi
xem đó không phải là một thứ tiếng nói an toàn hoặc có tính khoa học. Tất cả
chúng ta đều đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực tâm thần học và không thể bằng bất
cứ cách suy diễn tưởng tượng nào mà lại có thể bị xem là “chống tâm thần học”.
Thật vậy, chúng ta đang cố gắng để cứu lấy ngành tâm thần học khỏi những sai
sót của DSM-5.
Chủ đề “kỳ thị” ở đây tương
đương với một sự nguỵ biện để đánh lạc hướng dư luận (Nguyên văn: “a red
herring” – Thành ngữ “cá trích đỏ” – ND). Chúng ta quan tâm sâu sắc đến phẩm hạnh
và quyền của tất cả những người cần đến tâm thần học và hết lòng tranh đấu chống
lại bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào đối với những bệnh nhân tâm thần.
Hầu hết những ai phản đối DSM-5
đều không phản bác việc phân loại bệnh tâm thần. Chúng ta xem đây là một việc
thiết yếu về dịch tễ học, cho nghiên cứu cũng như cho thực hành lâm sàng. Những
gì chúng ta tranh luận ở đây là sự khả tín về mặt khoa học (scientific
reliability), tính chắc chắn (validity) và sự hữu dụng (usefulness) của các chẩn
đoán mới trong DSM5, ngoài ra còn tính đến cách làm bảo thủ và thiếu tổ chức
khi nó được biên soạn.
Ngay cả những người chỉ trích
DSM-5, dẫu có đặt vấn đề về “mô hình giản lược sinh-y học” (reductionist
bio-medical model), cũng không chất vấn về sự góp phần của khía cạnh sinh học
trong bệnh lý tâm thần. Họ luôn có thiện ý đối với những bước đột phá khoa học
thực sự, nhưng họ từ chối chấp nhận một lối tư duy thuần tuý chỉ dựa trên khía cạnh
sinh học. Họ không phản bác việc dung thuốc khi thuốc có tác dụng mang lại sự
thuyên giảm và hồi phục cho bệnh nhân.
Sau cùng, DSM-5 sẽ dẫn đến việc
chẩn đoán quá mức (over-diagnosis) và gia tăng xu hướng “y khoa hoá” (over-medicalization)
đối với những thể loại hành vi mà bao lâu nay vẫn được xem là một phần của những
biểu hiện khác nhau ở người bình thường (chẳng hạn như đau buồn do tang chế) và
DSM-5 sẽ kích hoạt những “làn sóng bệnh giả tạo” (Nguyên văn: “false epidemics”
- Ở đây không dịch “epidemics” là “bệnh dịch” được – ND) và đưa đến việc kê toa
thuốc không thoả đáng mà việc này tự nó cũng gây ra những nguy hiểm (đặc biệt
là cho trẻ em). Việc nói ra những điều như thế chẳng hề làm bất cứ điều gì để gọi
là “chống tâm thần học” mà thay vào đó còn là sự đồng thuận với những ý nghĩa
chung và… Vâng, để bảo vệ tâm thần học nữa là…
Cảm ơn Giáo sư Landman! Thật
tuyệt vời khi quan sát ông tranh biện với Chủ tịch APA về vấn đề này – Liệu việc
phản đối DSM5 là “tâm thần học chuyên nghiệp” (pro psychiatry) hay là “chống
tâm thần học” (anti-psychiatry). Chúng ta có thể yên tâm để đánh cược xem ai có
thể thắng, nhưng những cuộc tranh biện như thế sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Bộ phận
quan hệ công cộng (PR – Public Relations) của APA sẽ không bao giờ chấp thuận
làm thế.
Vì thế hãy tiếp tục tìm xem những
đợt quảng cáo liên tục đầy chiêu trò của APA (continued flow of desperate APA
puffery) – và đừng ngạc nhiên gì về sự yếu kém chất lượng của DSM-5 (lack of
DSM-5 substance). Không thể biện minh cho điều không thể biện minh được!
Tác giả Allen Frances là giáo
sư (professor emeritus) tại Đại học Duke University và là người đứng đầu nhóm
chuyên trách biên soạn DSM IV (DSM-IV task force). Thiết nghĩ, ông là người
hoàn toàn đủ tư cách để phát biểu về DSM5 – ND.
BS Patrick Landman, người được trích phát biểu trong bài, là BS tâm thần nhi, nhà phân tâm, nhà nghiên cứu tại Đại học Paris, người đứng đầu tổ chức STOP DSM FRANCE. Đại diện cho cuộc tranh đầu của giới phân tâm Pháp chống lại DSM-5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét