Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

SỰ THUỘC VỀ - Phần 3

“Belonging-ness”

ADAM BLATNER

Blatner sinh năm 1937 tại Los Angeles. Tốt nghiệp Y khoa, ĐH Bang California tại San Francisco, 1963. Sau đó, tốt nghiệp chương trình nội trú chuyên khoa tâm thần ĐH Stanford, đi sâu nghiên cứu tâm kịch (psychodrama) và tích hợp nó với các cách tiếp cận tâm lý trị liệu khác. Ông có nhiều năm làm việc trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Ông viết nhiều sách chuyên khảo, tham gia giảng dạy và biên tập cho nhiều tạp chí chuyên ngành. Chúng ta sẽ trở lại về ông khi nói về đề tài Tâm kịch.

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂNThạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non.



Phần 3 và hết

Nguyên nhân của việc suy giảm sự thuộc về (Cause of Decreasing Belongingness)

Thời gian trôi qua, nguồn gốc truyền thống của sự thuộc về có thể mất đi hoặc phai nhạt. Chúng ta đang ở kỷ nguyên hậu hiện đại (postmodern era) được đặc trưng một cách cụ thể bởi tốc độ đổi thay đang tăng nhanh của thế giới. Như đã đề cập trước đây, thế giới ngày nay khác biệt rất nhiều về chất so với những gì mà nhiều người trung niên và cao niên đã từng sống và lớn lên. Hãy xem xét các xu hướng hiện tại này:

· Con người có thể di chuyển dễ dàng hơn, xa nhà để học đại học, công tác quân vụ (armed services), thực hiện sứ mạng hoà bình (peace corps), những doanh vụ mang tính quốc tế, lại có thể thay đổi giữa những công việc khác nhau như là một phần của quá trình xây dựng sự nghiệp.

· Phụ nữ học đại học và tham gia lực lượng lao động nhiều hơn, vì thế họ cũng di chuyển nhiều hơn.

· Ông bà chuyển đến những nhà hưu trí cách xa láng giềng của mình.

· Những khu dân cư cũ thay đổi hoàn toàn. (Nhà thơ Gertrude Stein lắc đầu về ngôi nhà thời thơ ấu của cô ở Oakland, California, thở dài nói: “Không còn nơi đó ở đó nữa rồi”).

· Con người thường xuyên gặp gỡ và thành hôn với nhiều kiểu người khác nhau hơn, điều này tạo nên đôi chút nhạt nhoà, đôi chút xung đột về tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc, văn hóa, giai tầng, âm nhạc, ẩm thực và nhiều thứ khác.

· Nhiều thể loại công việc ngành nghề mới xuất hiện, thậm chí không tồn tại ở những thế hệ trước, và chúng ta có thể mong đợi rằng khuynh hướng này sẽ tiếp tục và con cháu của chúng ta sẽ làm nên những thể loại công việc mà chúng ta ngày nay không thể hiểu.

· Tương lai không mấy tươi sáng vì tất cả chúng ta đang đối mặt với những thách thức từ hậu quả khôn lường của ô nhiễm, sự tuyệt chủng một số loài sinh vật, cạn kiệt nguồn tài nguyên, dân số quá đông, huỷ hoại môi sinh và nhiệt hoá toàn cầu...

· Thế giới của chúng ta đang bị phá vỡ bởi những người thách thức các định nghĩa về vai trò xã hội truyền thống. Dẫn đến việc chúng ta nghi ngờ về những kỳ vọng phù hợp với nền văn hóa của chúng ta về giới, giới tính, tôn giáo, uy quyền, học vấn và những phạm trù khác.

· Chúng ta cũng chịu thách thức trong việc ứng phó với những thuận lợi và bất lợi của sự tăng trưởng theo cấp số nhân của internet, các loại hình truyền thông khác và các mạng xã hội (ảo) lan tràn trong nước và quốc tế thông qua internet và các hình thức “truyền thông xã hội” của YouTube, FaceBook, Second Life, những trò chơi điện tử nhiều người dùng, nhắn tin văn bản trên điện thoại di động

Kết quả của tất cả những thay đổi này, những nguồn truyền thống chính của cảm nhận thuộc về đã bị suy yếu đáng kể:

·  Gắn kết với khu phố

· Gắn kết với đại gia đình

· Gắn kết với các câu lạc bộ, bạn học cùng trường, bạn cùng đi lễ nhà thờ, cùng tham gia những sự kiện cộng đồng

· Gắn kết với một nhóm sắc dân, nền văn hóa phụ đặc biệt, âm nhạc, ẩm thực, nghi lễ, lịch sử

· Gắn kết với những gì một người muốn trở thành, công việc mong đợi, vai trò xã hội

· Gắn kết với tương lai tích cực, cảm nhận mọi thứ sẽ tốt hơn đối với mọi người

Sẽ không tốt nếu chê bai những thay đổi này. Rõ ràng sự tiến triển kỹ thuật có thể được định hướng đôi chút nhưng hầu như không thể ngăn lại được. Dẫu sao, vẫn có thể công nhận tính tự nhiên của nhu cầu thuộc về, khôi phục phần lớn điều này bằng cách tạo ra những hoạt động chung một cách sáng tạo nhằm thúc đẩy trải nghiệm đó.

Điều chỉnh sự mất cân bằng (Correcting the Imbalance)

Nếu chúng ta nhận ra nhu cầu thuộc về đang tiềm ẩn như là một nỗ lực sâu thẳm trong cuộc sống, chúng ta có thể đáp ứng bằng nhiều cách thông minh hơn. Tôi sẵn sàng đón nhận những đề xuất của bạn, nhưng để khởi động, đây là một số cách tiếp cận có thể thực hiện:

1.    Chương trình ở trường học phải để trẻ kết nối với một mạng lưới xã hội tích cực. Nó không đủ để hỗ trợ lòng tự tôn của “cái ngã” (Chơi chữ: “self” esteem) – một thứ rõ ràng là đang được nuôi dưỡng nhờ vào sức sống chung của cả nhóm. Nếu có quá nhiều sự cạnh tranh, ngay cả những người chiến thắng cuối cùng cũng cảm thấy bị bỏ rơi ngay cả khi họ đạt được thành tích chớp nhoáng đó. Hãy nhớ đến nhu cầu cần được cân bằng (need for balance).

2.    Cần có thêm những cơ hội để trẻ cảm nhận sự thuộc về thong qua những trải nghiệm xã hội, những đội nhóm, những hoạt động sau giờ học. Đã từng có sự điên cuồng đánh giá quá mức thành tích học tập cá nhân. Tôi không giảm nhẹ chuyện học thuật, chỉ là chúng sẽ không bám rễ vào tâm trí và tâm hồn của những trẻ nhỏ đang sống lẻ loi và thiếu hụt stroke. Một số trẻ có điểm số tốt đang trong tình trạng trầm cảm và chúng ta cần một cách thức tốt hơn để chẩn đoán điều này! Ngay cả trong chuyện về sự “mất cân bằng hóa học”, chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao: những động vật mất trạng thái cân bằng cũng có sự thay đổi về nội tiết tố. (Tác giả nêu một ví dụ trong lĩnh vực sinh học để ẩn dụ cho điều đã nói ở trên – ND). 

3.    Chủ đề “thế giới cần bạn” (the world needs you) cần được nhấn mạnh như một phương châm chung, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, nhưng thực sự mọi lứa tuổi đều cần nghe về nó. Chúng ta cần nêu chi tiết về chủ đề này và phát triển nó. Nó tập trung vào những cách bất kỳ ai có thể tìm thấy được một nơi chốn thích hợp cho mình.

4.    Chúng ta cần có sự ưu tiên hơn không chỉ “hướng nghiệp” mà còn phải “phi hướng nghiệp”. (Tác giả chơi chữ: “vocational guidance” và “Avocational guidance” – với nghĩa của chữ sau là hướng dẫn cho trẻ về những hoạt động hướng đến vui thú, văn nghệ… Chúng tôi tạm dịch là “phi hướng nghiệp” – Chú thích của ND). Tôi đang tưởng tượng về những lớp học trong niên khoá của thời kỳ chuyển cấp (middle school period) được dành để xác định các lĩnh vực năng khiếu và yêu thích của học sinh. Phần lớn mọi người không đánh giá cao việc học sinh thực sự giỏi về điều gì và tự nhiên làm tốt điều gì. Hệ quả tất yếu khi ấy là các em sẽ có xu hướng thích làm những gì mình có thể làm một cách dễ dàng.

5.    Sự khác biệt, dị thường, lạ lùng – Dường như hầu hết mọi người đều “kỳ lạ” theo một cách nào đó. Chúng ta cần tán dương điều này bằng cách “tái định hình” (re-framing) về nó như là một đức tính tốt, như một phần của tính cá nhân, như một kênh khả thi cho cách sống riêng của một người trên thế gian này.

Điều này cũng phù hợp với một nghịch lý thú vị: Người ta cảm thấy thuộc về nhiều hơn khi họ cảm thấy sự khác biệt của mình được hoan nghinh hoặc ít nhất là được chấp nhận. Điều này phản ánh những nhu cầu khác về khám phá và theo đuổi những khác biệt cá nhân, ngay cả khi những điều này ít mang lại lợi ích cho nhóm và gia đình. Trong phân tâm học động năng này được biết như là quá trình “phân ly – cá thể hoá” (separation – individuation) đặc biệt xuất hiện ở khoảng 2 – 4 tuổi. (Theo lý thuyết của Margaret Mahler – Chú thích của người dịch).

6.    Tôi đã từng nói rằng điều này không luôn luôn dễ dàng đối với cha mẹ khi sắp xếp cuộc sống sao cho con họ có thể làm những công việc trong nhà, những việc hữu dụng thực sự với trẻ. Điều này cũng đúng đối với các trường học và các tổ chức. Cần chú ý đến việc tiếp sức cho người trẻ khi họ đang cống hiến sức mình. Cần có sự tán thưởng giữa các cá nhân – không cần nói những câu như “điều này thật tốt” quá nhiều – khiến việc chấp thuận có thể gây hiểu lầm – mà bằng cách thể hiện chu đáo hơn về việc những gì đã trẻ làm là có tính hữu ích, hiệu quả hoặc hữu dụng theo một cách nào đó.

7.    Khuyến khích là một nghệ thuật, một kỹ năng. Những người dẫn chương trình tốt biết rõ điều này bằng trực giác. Các giáo viên tốt hay những người trưởng nhóm dẫn dắt người trẻ cũng vậy. Đó không phải là những lời tâng bốc, mà là khả năng nhận ra những việc làm tốt để nêu gương. Alfred Adler, người sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân (Individual Psychology) những năm 1920 đã được hỏi vào giai đoạn cuối đời (giữa những năm 1930) để tổng hợp những hiểu biết của mình. Ông đã nhận lấy cơ hội này và nói, “Hãy khuyến khích trẻ nhỏ”. Đối với ông đây là nguyên tắc cực kỳ ý nghĩa, một kỹ năng nuôi dưỡng những khía cạnh tích cực của sự thuộc về đã kể trên. (Một điều cốt lõi đã được đưa ra ở đây với những ngôi trường theo phương pháp Montessori và sự thông thái trong cách tiếp cận của họ cũng phù hợp với việc đánh giá cao sự thuộc về này.)

8.     Đối với người lớn, điều tương tự với sự khuyến khích có thể được tìm thấy trong địa hạt nâng cao động lực (motivational enhancement), phổ biến trong thế giới của những nhân viên bán hàng, những nhà tư tưởng tích cực và những người tương tự. Một số tư tưởng của thời đại mới đang theo xu hướng này, như đã thấy trong sự phổ biến của cuốn sách và video, The Secret (Bí Quyết). Nó nói về những “thang âm cộng hưởng của việc nhận thức rằng dám tưởng tượng những điều tốt nhất không chỉ ở người khác mà còn về những điều tốt nhất và khát vọng ở bản thân của chính mình – dám làm và trông đợi những gì tốt đẹp nhất từ cuộc sống. (Càng có những trông đợi tích cực, bạn càng cảnh tỉnh khi các cơ hội xuất hiện, như một điểm khởi đầu cơ bản.) Họ sẽ nói rằng đây là lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecies), và mong đợi điều tốt đẹp nhất có khuynh hướng tạo ra điều tốt đẹp nhất. Tất cả những điều này có thể được gia tăng bằng cách thêm vào chiều kích liên cá nhân và hỗ trợ nhóm, sự khích lệ và thuộc về.

 (Lược bỏ phần nói riêng về chính trị Hoa Kỳ)

Tóm lại

Tôi dự đoán trong tương lai con người sẽ ngạc nhiên nhìn lại một vài điều tương phản trong nền văn hóa hiện tại của chúng ta, có lẽ theo cách mà chúng ta đã nhận thấy khi xem xét sự tương phản giữa cái hùng vĩ của những lâu đài và những trò phù phiếm của tầng lớp quý tộc Châu Âu ở thế kỷ 17 đến 19 đối lại với sự mất vệ sinh của thời đại đó. Tôi nghĩ rằng tương lai sẽ ghi nhận một sự chênh lệch tương tự giữa sự giàu có và xa xỉ trong một số khu vực với sự sự kém “vệ sinh về mặt xã hội” (social hygiene) có thể dẫn đến một tình trạng xa lánh ngày càng phổ biến và hàng loạt các rối loạn xã hội trong thời đại của chính chúng ta. Chúng ta cần nâng cao các công nghệ xã hội” (social technologies) để chúng có thể điều tiết lại sự tiêu dùng quá mức của các loại “công nghệ thô cứng” (hard technologies), hoặc nếu không thì thế giới của chúng ta sẽ giống như một trường mẫu giáo (Ẩn dụ - ND) mà trẻ nhỏ nhận được súng ống và đạn dược thật sự. Tôi hy vọng bài viết này và những cố gắng liên quan sẽ đóng góp vào nỗ lực này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...