THẠCH TRẦN BẠCH LONG – Chuyên viên tâm lý học đường
Bài ghi nhận về những trải nghiệm chân thực từ một thành viên
trong nhóm thể nghiệm tâm kịch tại CLB Trăng Non năm 2021.
Tâm Kịch - Một thứ trải
nghiệm đứng giữa những lằn ranh tương phản. Nơi mà một phương pháp chuyên môn
được tạo ra để diễn tả lại những khung cảnh rất đời. Nơi hòa trộn giữa những
“vai trò”, “bối cảnh” được định trước và “những nét diễn” sáng tạo từ người
tham gia. Nơi va chạm giữa cái “ảo” trong kịch với niềm tin thật, chuyện đời thật
của con người. Có lẽ vì thứ thật mà ảo, ảo mà thật này nên những người tham gia,
trong đó có tôi, có dịp lắng nghe những khía cạnh ẩn sâu trong con người mình
lên tiếng.
Xem lại Phần 1
Phần 2
Trải nghiệm lần 2
Buổi diễn kịch
Ở lần trước khi tham gia trải nghiệm, tôi đặt sự tập
trung chủ yếu vào những suy tư về mối quan hệ của
những thành viên trong gia đình để tìm ra vài khám phá mới. Ở lần đó, tôi ít
khi liên hệ với bản thân. Những câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình về “những nỗi sợ
khi phát biểu ý kiến” hoặc “sự e dè của tôi khi tranh luận để dành quyền lợi”
trong phần trước là những suy tư bất chợt xuất hiện, khi tôi đặt bút viết bài
này – tức là sau hôm diễn ra tâm kịch gần 7 tháng. Còn trong thời điểm đó, cách
tôi liên hệ với chính mình mang màu sắc của việc “phát biểu một khám phá về bản
thân để cho người khác nghe” hơn là “khám phá cho chính mình”.
Nhìn từ bên ngoài, hai trạng thái mà
tôi nhắc đến là rất giống nhau và cách thể hiện ra ngoài nếu có thì cũng như
nhau. Nhưng cái khác ở chỗ, khi tôi liên hệ bản thân theo kiểu “khám phá để cho
người khác nghe” thì những điều tôi nói là kết quả của một quá trình tôi suy
nghĩ về những tình thế của nhân vật trong vở kịch từ đó rút ra một “kết luận”
cho bản thân. Thường thì trạng thái này xuất hiện khi tôi nhận được câu hỏi “Bạn rút ra được điều
gì cho bản thân?” mà trước câu hỏi đó trong tâm trí tôi chưa hề có một đáp án
nào. Quan trọng hơn, những câu trả lời kiểu này của tôi tuy hay dở khác nhau
nhưng nhìn chung nó chủ yếu mang tính lý thuyết và ít khi nào thật sự tạo ra
thay đổi trong cuộc sống đời thường của tôi. Với kiểu thứ hai, “khám phá cho
chính mình” những khám phá kiểu này đến một cách đột ngột thường trong quá
trình tôi thực hiện kỹ thuật “độc thoại” hoặc đảo vai”, hoặc đôi lúc có thể
xuất hiện ngay sau một tình huống mà tôi ấn tượng ngay trong vở kịch. Những
khám phá kiểu này không nhất thiết là một đáp án mà nó thường đến với tôi dưới
dạng những câu hỏi. Những câu hỏi này là có
tính “thách thức” cực lớn với hệ thống niềm tin tuyệt đối của tôi. Cái hay là
những câu hỏi này rất thực tế và ngay khi xuất hiện nó đã hầu như ngay lập tức
cho tôi một gợi ý về cách phản ứng mới trong cuộc sống. Và tất nhiên, nó đến
trước câu hỏi “Bạn đã rút ra dược điều
gì cho bản thân”. Tôi phải mô tả lại hai trạng thái này, vì ngay khi tôi ý thức
về sự khác biệt của hai trạng thái đó, tôi đã bắt đầu trải nghiệm “tâm kịch”
vói một tâm thế hoàn toàn khác. Cách mà tôi cảm nhận về những diễn biến cũng
như những điều tôi rút ra đã trở nên rất khác so với lần đầu tiên.
Lần 2 này, tôi vào vai một người cha dượng
trong một gia đình với nhân vật chính là một người con trai. Chúng tôi diễn lại
khung cảnh mâu thuẫn của người cha dượng với mẹ của chàng trai ấy. Lần này, tôi
không cố ý làm bất cứ điều gì hay suy nghĩ gì trong lúc diễn kịch. Tôi cho phép
bản thân buông tay khỏi những tò mò về lý thuyết cũng như sự quan tâm về những
bài học rút ra. Tôi vừa là tôi nhưng cũng chẳng phải tôi khi diễn kịch. Vừa là
tôi là bởi tôi thả hết những suy nghĩ về tính đúng sai về việc tôi đang làm,
tôi hành động theo những phản ứng tự
động khi một tình huống xảy ra, tự động trong tâm trí “một dòng lệnh” xuất hiện
và cứ thế làm theo “dòng lệnh” đó. Và một chuyện nực cười xảy ra, khi diễn xong vở kịch, tôi lại thấy lúc tôi tự động cứ thế làm theo những
“dòng lệnh” của tâm trí là lúc tôi có cảm giác gần nhất với chính mình. Nhưng sở
dĩ tôi có cảm giác gần với mình nhất lại đến từ cái bối cảnh “không phải tôi”
mà tâm kịch đã tạo ra. Đó là cảm giác bạn biết chắc nhân vật này không phải bạn,
khung cảnh này chỉ là
kịch và bạn được tự do sáng tạo những cách phản ứng mà không bị phê phán đúng
sai. Ôi sao chúng ta phải khổ như vậy các bạn nhỉ! Cuộc sống mà tôi đang sống
đã làm gì mà đến độ tôi chỉ dám là tôi khi biết nhân vật mà tôi thể hiện chắc
chắn “chẳng phải tôi”. Đó là một dấu hỏi lớn với tôi và cũng có thể là với tất
cả chúng ta.
Trong vở kịch, tôi đã thể hiện sự tức
giận và quyết đoán của mình, khác hẳn với thần
thái “ôn nhu” mà bình thường tôi hay thể hiện. Tôi đã quyết đẩy tình huống lên
cao trào và lựa chọn rời đi khi thấy bản thân không nhận được sự tôn trọng cần
thiết. Mọi quyết dịnh chỉ diễn ra trong tích tắc mà không hề có một chút khoan nhượng – một cách thể hiện chưa bao giờ có
cơ hội xuất hiện trong đời thực. Đến đây, một câu hỏi lớn bắt đầu xuất hiện
“Tôi là ai?”. Tôi có thật là một chàng trai ôn nhu, thường hay nhường nhịn, hay sự ôn nhu ấy chỉ là lớp vỏ cho một
con người vị kỷ bốc đồng. Tôi là
một người cân nhắc kỹ khi ra quyết định hay là một con người chỉ mất chưa đầy một
giây để có lựa chọn của mình? Tôi luôn tự hào khi nhận được lời khen là giống
bà tôi – với sự nhân ái, trầm tĩnh của một người tu đạo. Nhưng bây giờ, tôi lại
phải đặt lại câu hỏi: “Tôi có thật sự thoải mái với bản thân không? Sự nhân ái,
trầm tĩnh tôi thể hiện là bản chất con người tôi hay chỉ là chiếc mặt nạ để che
đi một con quỷ đang bị nhốt bên trong?”. Đó lại là một câu hỏi “nặng ký” với tôi trong thời
điểm đó. Thật may, lần trải nghiệm tâm kịch này được chúng tôi thống nhất chia
ra làm hai giai đoạn. Một buổi tham gia đóng kịch và buổi tiếp theo sẽ là lúc
phát biểu suy nghĩ, cảm nhận và thảo luận những chủ đề đã trải nghiệm. Những câu hỏi lớn
ở trên là những câu hỏi đã theo tôi trong suốt 3 ngày – một khoảng thời gian đủ
để một câu hỏi len lỏi vào mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nó đã cho tôi một cái
nhìn rõ ràng trước khi đưa ra thảo luận.
Trải nghiệm lần 2
Buổi thảo luận
Rồi buổi thảo luận đến,
tôi chỉ chờ câu: “Bạn có câu hỏi gì hoặc
phát biểu gì cho bản thân qua buổi hoạt
động hôm trước?” để nêu lên câu hỏi của mình. Thật sự thì sở dĩ tôi hứng thú với
việc nêu lên những suy nghĩ của mình như thế là bởi tôi tin tưởng vào nhóm sinh hoạt tâm kịch và thầy – người đóng
vai trò là “đạo diễn” của hoạt
động kịch. Qua quá trình học tập ở đây, tôi cảm thấy tin tưởng vào những buổi thảo luận như thế này, vì
qua đó, sẽ có cách để giúp
tôi đi qua những nút thắt khó khăn này. Đôi
lúc, tôi ngại đặt ra những câu hỏi không phải vì tôi nhút nhát mà bởi vì tôi
không muốn người khác phải rơi vào tình huống khó xử khi không thể trả lời câu
hỏi của tôi. Bạn không nghe lầm đâu, tôi đã từng thường xuyên đặt ra những câu
hỏi như “Làm phước mà cứ nghĩ tới việc đầu thai lên tiên cảnh thì cái đó không
phải tham lam sao?” khi có một vị sư hoặc một người nào đó thuyết phục nhà tôi
quyên góp và đem mấy cái phước đức ra làm lý do. Và kết quả họ đã “đứng như trời trồng” còn tôi thì nhận được những ánh mắt
không mấy thiện cảm từ tất cả mọi người. Khi đi học ở trường, tôi cũng có những
trải nghiệm tương tự khi học một vài môn như: tự nhiên xã hội, lịch sử, địa lý,
… Đến năm cấp 2 tôi đã dần hiểu ra lý do, mọi người đang nghĩ là tôi muốn thể
hiện bản thân chứ họ không tin rằng đó đơn thuần là những câu hỏi của tôi khi
nhìn thấy những điều mà tôi cảm thấy không hợp lý. Nên mới có chuyện, tôi thường
xuyên hỏi những câu hỏi mà tôi đã biết chắc người
được hỏi dễ có thể có câu trả
lời hơn là thật sự hỏi để nêu lên cái khó của
mình. Tôi nói về kỷ niệm này là vì
tôi muốn nhấn mạnh thêm một làn nữa về vai trò của môi trường “không phán xét”
của tâm kịch nói riêng và tâm lý trị liệu nói chung. Nó không đơn thuần chỉ là
một lý thuyết để nói để đọc mà nó được xem như yêu cầu tiên quyết đảm bảo tính
hiệu quả cho bất kỳ động thái hỗ trợ tâm lý nào. Nó không đơn giản là một kỹ
thuật, mà phải thật sự đến từ sâu trong mỗi
cá nhân. Thân chủ hay người trải nghiệm bằng một cách nào đó họ cũng cảm nhận
được “người đối diện” có chấp nhận họ hay không. Không phải chỉ vài câu “tôi hiểu”,
“gật đầu” như nhiều người vẫn tưởng
Quay lại với cái khó của tôi về “con
người thật” của mình. Qua quá trình thảo luận, tôi đi tới một cái nhìn mới từ
câu hỏi ban đầu như thế này: Chúng ta không thể
tách từng phản ứng nói riêng và con người nói chung ra khỏi bối cảnh. Nếu bối cảnh
xung quanh là một thứ luôn thay đổi, lẽ nào phản ứng của một con người lại phải
“bất biến” sao? Một nét tính cách
nào đó tôi gọi nó là tôi, thế là tôi dùng nó như một phản ứng tuyệt đối cho tất
cả những hoàn cảnh khác nhau, lẽ nào như thế mới là lành mạnh sao? Tôi đi đến một
điểm nhìn mới về chính mình, tôi không
đánh giá “nhường nhịn” là tốt và “bốc đồng” là xấu hay “người tu” là tốt và “con quỷ”
là xấu nữa. Tôi tự do hơn trong cách phản ứng của mình. Tất nhiên đây là một
góc nhìn có phần trái với “lẽ thường” mà không phải ai cũng chấp nhận. Nếu bạn không đồng ý với
nó, không sao cả! Hãy cứ ở đó vì
góc nhìn hiện tại của bạn có một ý nghĩa riêng. Và sự “tuyệt vời” từ góc nhìn
đó đối với bạn cũng “tuyệt vời” như thể góc nhìn này đối với tôi. Chúng ta chẳng
cần phải có góc nhìn giống nhau miễn sao ta an ổn trong cái góc nhìn của ta là
được. Mà nếu không được như thế thì cũng chẳng sao, vì đó là dấu hiệu
cho thấy chúng ta có thể sắp khám phá một
điều mới lạ.
Những bình luận, nhận định và câu hỏi của tôi rút ra từ quá trình trải nghiệm
tâm kịch có thể bạn đã nghe qua đâu đó ở một vài quyển sách hoặc một người nào
đó. Tôi cũng vậy, những điều như: không phán xét, không so sánh, con người
không hề là một thứ bất biến, không cố gắng lại là cách quay về với chính mình vv… mà tôi đều đã từng đọc
qua. Nhưng khoảng cách giữa “kiến thức” ta thu được từ sách vở và “trải nghiệm”
cái ta có được từ chính cảm nhận của ta là cả một bầu trời xa cách. Với tôi, lý
thuyết sẽ chỉ thật sự có giá trị khi nó đến từ miệng một người đã dùng đời mình
để trải nghiệm nó chứ không phải đến từ những quyển “từ điễn sống” trên các diễn
đàn. Tôi có thể nói răm rắp về “vô vi”, về “mâu thuẫn”, về “sự tác động của bối cảnh tới con
người”… nhưng để làm gì khi chính tôi lại không hề thấy được sự chuyển biến mà
những lý thuyết đó đã mang lại cho cuộc đời mình. Tâm kịch, genogram, vẽ trị liệu…
là những công cụ, phương pháp tuyệt vời để chuyển “lý thuyết” thành “trải nghiệm”
của mình. Trước khi tất cả trở thành một phần con người chúng ta ngoài đời thực.
Lời kết
Giờ chúng ta thoát vai nhé. Khi vào vai
một cậu bé kể cho bạn nghe về tâm kịch, tôi đã cảm thấy có một chút lo lắng vì
không biết những trải nghiệm này có mang lại giá trị nào cho quý độc giả hay không? Nhưng nếu
bạn đã đọc đến đây, tôi thật sự cảm ơn vì sự lắng nghe nhiệt thành từ bạn.
Một cậu bé chỉ đơn giản kể hết những gì
mà nó biết, bản thân cậu bé cũng không biết những điều nó kể là sai hay đúng, tốt
hay xấu. Nó cũng không biết nó sẽ kể gì tiếp theo trong suốt câu chuyện, đơn giản
là bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu dù là kiến thức, kỷ niệm, niềm tin, nụ cười…
tất cả sẽ được kể.
Nhưng có một điều chắc chắn là: cậu bé
đã cảm thấy rất vui vì có được những người bạn thật sự đã lắng nghe.
Còn bạn thì sao?
Khi vào vai một người lắng nghe câu
chuyện này bạn cảm thấy như thế nào?
Cảm
ơn mọi người!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét