Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

TÂM THẦN HỌC LÀ NGUYÊN NHÂN CHỨ KHÔNG PHẢI GIẢI PHÁP

“Psychiatry Is the Cause, Not the Solution”

Nguồn: Mad In America – 8/8/2021

Tác giả: KENDRA CAMPBELL

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Tiến sĩ Kendra Campbell là một bác sĩ tâm thần học toàn diện (holistic psychiatrist), người đam mê nâng cao nhận thức về những tác hại do việc dung thuốc để điều trị cho những trải nghiệm của con người gây ra. Cô đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Free Range Psychiatry để trao quyền cho mọi người chữa lành các bất ổn thông qua với kết nối với sự thông tuệ bên trong của họ (inner wisdom). Cô cũng thành lập Free Range Fellowship để giáo dục những chuyên viên trị liệu về tâm thần học toàn diện và kết nối tâm - thể (mind-body connection).

Mad in America là tổ chức các blog của một nhóm nhà văn đa dạng. Những bài đăng này được thiết kế để phục vụ như một diễn đàn công khai cho một cuộc thảo luận — nói rộng hơn — về tâm thần học và các phương pháp điều trị của nó. Các ý kiến bày tỏ là của riêng người viết.

Tôi gần đây đã được liên lạc với một người mẹ đang rất quẫn trí (thông qua việc tôi làm bác sĩ tâm thần toàn diện). Bà kể cho tôi nghe câu chuyện về việc con trai của bà (hãy gọi tên cậu ấy là Jason) bắt đầu gặp vấn đề khó khăn với sự chú ý và tập trung. Giống như các bà mẹ được khuyến khích làm trong nền văn hóa ở Mỹ, bà đã đưa Jason đến một bác sĩ tâm thần, người đã chẩn đoán cậu ấy mắc chứng ADHD và bắt đầu cho anh ấy dùng các thuốc hưng thần (stimulant).

Ban đầu, thuốc có vẻ giúp ích, nhưng sau đó mẹ của Jason nhận thấy rằng cậu thực sự đã trở nên tệ hơn so với trước khi bắt đầu dùng thuốc. Cuối cùng con trai bà bắt đầu bị mất ngủ trầm trọng, thường xuyên cáu kỉnh, và sau đó bắt đầu hành xử rất lạ thường và nói rằng mình là con của Chúa. Mẹ của Jason đã làm theo lời khuyên là đưa con trai đến phòng cấp cứu địa phương. Tại đó, Jason được cho là bị hưng cảm (manic), được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) và được bắt đầu điều trị bằng một loại thuốc ổn định tâm trạng (mood stabilizer) và cho thuốc điều trị loạn thần không điển hình (atypical antipsychotic medication).

Khi Jason xuất viện vài tuần sau đó, người ta không thể nhận ra cậu được nữa. Cậu đã tăng 30 cân (pound) và hầu như không thể nói được. Anh ta trông giống như một zombie và thường xuyên nói về việc tự sát. Mẹ của Jason đã liên lạc với tôi vì bà đã đọc về tâm thần học toàn diện và muốn biết liệu tôi có thể giúp được gì không.

Tôi đã nghe những biến thể của những câu chuyện loại này vô số lần trước đó. Đôi khi các chẩn đoán khác nhau, các loại thuốc được kê toa khác nhau, nhưng liệu trình là như nhau. Một phiên bản phổ biến khác của câu chuyện loại này thường liên quan đến một người từng trải qua các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm và đã được kê đơn thuốc chống trầm cảm (antidepressant), sau đó gây ra các triệu chứng hưng cảm và sau đó dẫn đến chẩn đoán rối loạn lưỡng cực.

Mặc dù các tình tiết có khác, chủ đề chung vẫn là giống nhau: Một người nào đó bắt đầu có “các triệu chứng tâm thần”, họ được chẩn đoán mắc một chứng rối loạn tâm thần nào đó và được kê đơn thuốc. Do dùng thuốc, họ trải qua các triệu chứng tâm thần thậm chí còn nghiêm trọng hơn và rồi họ lại được chẩn đoán mắc một chứng rối loạn tâm thần khác, và thường là nghiêm trọng hơn. Câu chuyện tiếp tục với ngày càng có thêm nhiều loại thuốc và chẩn đoán cứ được thêm vào theo thời gian. Ngoài ra, bệnh nhân cũng bắt đầu gặp các hiệu ứng phụ do thuốc, thường được dán nhãn là các triệu chứng mới, dẫn đến việc có thêm nhiều chẩn đoán hơn và thậm chí nhiều loại thuốc được dùng hơn. Một khi cái vòng luẩn quẩn của thuốc, triệu chứng và chẩn đoán bắt đầu, nó giống như một con tàu hoả đã lao đi.

Nếu tôi là một bác sĩ tâm thần theo “kiểu qui ước” (conventional psychiatrist), tôi sẽ nói rằng trường hợp bệnh được mô tả ở đây minh họa cho việc ADHD và rối loạn lưỡng cực là những “tình trạng bệnh đi kèm” (comorbid conditions), có nghĩa là chúng thường xuyên xảy ra cùng lúc ở cùng một người. Các bác sĩ tâm thần thông thường sử dụng DSM-5 (“thánh kinh của ngành tâm thần”) để chẩn đoán các tình trạng tâm thần dựa trên một hệ thống danh mục kiểm tra (checklist system). Nếu bạn có các triệu chứng x, y và z, thì bạn hẳn là đã mắc chứng rối loạn đó.

Việc một người thoả các tiêu chí và được chẩn đoán mắc nhiều chứng rối loạn tâm thần là điều cực kỳ phổ biến. Trên thực tế, trong cả cuộc đời hành nghề của mình, có lẽ tôi chỉ gặp một số ít bệnh nhân được chẩn đoán mắc chỉ một chứng rối loạn tâm thần.

Một khi chẩn đoán được lập từ bảng danh mục kiểm tra, các loại thuốc sau đó sẽ được kê đơn để điều trị cho cái gọi là rối loạn và các triệu chứng. Đây được coi là một cách tiếp cận hợp lý của hầu hết các bác sĩ tâm thần theo qui ước.

Bây giờ tôi sẽ kể câu chuyện tương tự như ở trên, nhưng từ nhãn quan (toàn diện - holistic) của tôi. Jason lớn lên trong một gia đình đầy tình thương. Tuy nhiên, khi lên 5, Jason đã bị chính người chú của mình lạm dụng tình dục mà gia đình không hề hay biết. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến Jason, và trên thực tế, nó ảnh hưởng đến cậu ở cả bình diện tâm lý, thể chất lẫn tinh thần. Chấn thương chưa bao giờ được xử lý và do đó nó tiếp tục tái hiện trong cuộc đời của Jason ở cả ba bình diện.

Jason đổ lỗi cho bản thân về sự lạm dụng tình dục và niềm tin trong tiềm thức cậu cho rằng cậu là một người tồi tệ, không xứng đáng được yêu thương. Niềm tin tiềm thức này được thể hiện theo nhiều cách, bao gồm cả trong mối quan hệ với những người khác và thậm chí qua cả việc lựa chọn các loại thực phẩm không lành mạnh mà Jason đã thực hiện. Sau cùng, tác động về thể lý ấy trở nên nghiêm trọng đến mức cơ thể của Jason bắt đầu thể hiện những dấu hiệu cho thấy mọi thứ không ổn. Bộ não của cậu không còn hoạt động trơn tru và cậu gặp vấn đề trong việc tập trung và duy trì sự chú ý.

Những thông điệp cơ thể này thường được các bác sĩ tâm thần gọi là "triệu chứng", nhưng chúng thực sự là cách cơ thể truyền đạt thông tin về việc bản thân một người đang đau khổ. Các triệu chứng được gọi là cơ hội và lời mời gọi từ cơ thể để thay đổi, học hỏi và phát triển.

Thật không may, những thông điệp này được vị bác sĩ tâm thần của Jason giải thích là các triệu chứng của ADHD, ông cho rằng nguyên nhân hoàn toàn là do sinh học và Jason đã uống thuốc hưng thần theo chỉ định. Vì thuốc điều trị tâm thần chỉ nhằm điều trị các triệu chứng và không giải quyết được nguyên nhân cơ bản, nên ít nhất là chúng chỉ tạm thời che giấu đi các triệu chứng. Trong trường hợp của Jason, thuốc hưng thần không những không thực sự điều trị được vấn đề cơ bản mà còn gây ra nhiều tác dụng phụ.

Sử dụng thuốc hưng thần liên tục có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe do cơ thể phải cố gắng duy trì sự cân bằng nội môi (homeostasis). Trong trường hợp này, thuốc hưng thần sau cùng đã gây ra các triệu chứng y hệt như tình trạng rối loạn lưỡng cực (mất ngủ, cáu kỉnh và loạn thần). Những biểu hiện của Jason trong phòng cấp cứu có thể là do sự kết hợp của những tác dụng phụ của thuốc và các vấn đề ban đầu chưa được điều trị. Khi những thông điệp ban đầu từ cơ thể của ai đó bị bỏ qua, các triệu chứng có xu hướng tiến triển theo mức độ nghiêm trọng, và đó là những gì đã xảy ra trong trường hợp của Jason.

Sau khi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, Jason được bắt đầu dùng thuốc ổn định tâm trạng (mood stabilizer - còn gọi là thuốc “ổn định khí sắc”) và thuốc chống loạn thần không điển hình, đây là “quy trình tiêu chuẩn” (standard protocol) trong tâm thần học qui ước. Thật không may, sai lầm đầu tiên đã lặp lại một lần nữa, và do đó Jason không những không cảm thấy tốt hơn mà còn cảm thấy tệ đi rõ rệt hơn. Thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần không thực sự điều trị các vấn đề cơ bản và đi kèm với các hiệu ứng phụ rất lớn. Một lần nữa, những lời cầu cứu của cơ thể Jason lại bị phớt lờ và những loại dược chất cực mạnh đã được nạp vào cơ thể, gây ra tình trạng béo phì, trạng thái giống như zombie của cậu.

Cảm thấy kinh khủng và tuyệt vọng, nhiều bệnh nhân trong hoàn cảnh như Jason đã van nài và cầu xin ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, những lời cầu xin này thường được bác sĩ tâm thần và gia đình họ dán nhãn là “không tuân thủ điều trị”. Ngoài ra, nếu Jason cố gắng ngừng các loại thuốc điều trị tâm thần của mình, cậu có thể trải qua “triệu chứng cai thuốc” (withdrawal) rất nghiêm trọng, tình trạng này có thể biểu hiện giống như chứng loạn thần đang tệ đi nhiều hơn hoặc thậm chí có thể có ý định tự sát. Tuy nhiên, các triệu chứng cai thuốc của anh ấy sẽ được các bác sĩ tâm thần thông thường gọi là “tái phát” và bằng chứng cho thấy Jason cần tiếp tục dùng những loại thuốc này trong suốt quãng đời còn lại của cậu.

Trong trường hợp của Jason, anh may mắn là mẹ anh đã tìm thấy một lựa chọn khác. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là hầu hết bệnh nhân không may mắn như vậy.

Khi câu chuyện của Jason được nhìn nhận từ một nhãn quan toàn diện (holistic perspective), rõ ràng là việc bị lạm dụng tình dục khi mới 5 tuổi và không chia sẻ điều này với bất kỳ ai đã tác động sâu sắc đến anh ấy. Chúng tôi biết rằng chấn thương chưa lành và không được xử lý có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý, y khoa cũng như tinh thần cho đến khi nó được giải quyết một cách thích hợp.

Cách tiếp cận điều trị toàn diện đối với các triệu chứng của Jason sẽ trông khá là khác so với cách tiếp cận tập trung vào thuốc như qui ước. Là một bác sĩ tâm thần học toàn diện (holistic psychiatrist), tôi sẽ ưu tiên việc chữa lành sang chấn của Jason. Ngoài việc thực hiện tâm lý liệu pháp, tôi khuyên cậu ấy nên thay đổi chế độ ăn uống để nuôi dưỡng não bộ và cơ thể của mình và thúc đẩy nhanh quá trình bình phục. Tôi cũng sẽ làm việc với Jason để tái kết nối với cơ thể của chính cậu, với gia đình, bạn bè, cộng đồng và với tinh thần của chính cậu.

Tôi đã làm việc với nhiều bệnh nhân có những câu chuyện rất giống với Jason, và tôi nhận thấy rằng việc sử dụng phương pháp tiếp cận toàn diện (holistic approach) cho phép tôi đồng hành với họ trong hành trình bình phục. Thay vì chỉ kê đơn thuốc để điều trị các triệu chứng, chúng tôi đi sâu vào các vấn đề của người bệnh để hiểu những gì đang xảy ra bên trong cơ thể, tâm trí và tinh thần của họ. Bằng cách giúp bệnh nhân kết nối lại với con người thật của họ, tôi có thể đi cùng với họ để chữa lành những bất ổn và đau khổ. Thông qua cách tiếp cận toàn diện, chúng ta có thể hoàn toàn tránh việc dùng thuốc hoặc ngừng các loại thuốc do bác sĩ tâm thần đã khởi sự theo kiểu qui ước.

Trong trường hợp của Jason, những vấn đề ban đầu về sự chú ý và tập trung của cậu ấy có thể bắt nguồn từ sang chấn thời thơ ấu chưa được giải quyết. Tôi nhận thấy rằng sang chấn và các yếu tố gây stress khác thường là gốc rễ bắt nguồn của nhiều vấn đề tâm lý và y khoa. Nhìn Jason từ góc độ này, người ta có thể dễ dàng thấy tại sao thuốc không bao giờ là giải pháp. Thuốc không chỉ không hiệu quả trong việc điều trị các sang chấn mà còn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất kết nối do sang chấn ban đầu gây ra.

Câu chuyện này nêu bật lên cho ta thấy về một sự mạnh mẽ rời bỏ những cách tư duy theo kiểu tâm thần học qui ước. Khoa tâm thần học “bán” (sell) cho chúng ta một câu chuyện rằng những người mắc các bệnh tâm thần là do yếu tố sinh học gây ra, vì thế nên được điều trị bằng các thuốc tâm thần. Họ tạo ra một huyền thoại (myth) về sự phổ biến của các rối loạn tâm thần nghiêm trọng và nhu cầu ngày càng có thêm nhiều loại thuốc để điều trị những chứng bệnh ấy.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn là trái ngược với sự thật. Tôi tin rằng các rối loạn tâm thần thực sự là những tập hợp các thông điệp (collections of messages) về một điều gì đó ở tầng mức sâu hơn cần được giải quyết. Chúng là lời kêu gọi của cơ thể để giúp chữa trị một xung đột chưa được giải quyết. Ngoài ra, các loại thuốc tâm thần không chỉ không điều trị được vấn đề chưa được giải quyết, mà chúng chỉ tiếp tục bỏ qua và kìm nén lại vấn đề đó, có nghĩa là cơ thể phải gửi ra những thông điệp ngày càng to hơn và to hơn (louder and louder messages) để có thể được lắng nghe. Trên tất cả mọi chuyện, thuốc còn gây nên những hiệu ứng phụ mà sau đó thậm chí còn được lý giải là do các rối loạn tâm thần đang trở nên nghiêm trọng hơn, đòi hỏi các loại thuốc thậm chí còn mạnh hơn.

Khi nhìn qua lăng kính tổng thể (holistic lens), người ta có thể thấy rõ ràng rằng liệu pháp tâm thần học qui ước sẽ không bao giờ thực sự hiệu quả. Thay vào đó, nó chỉ kéo dài những vấn đề mà nó muốn điều trị.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...