Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

TẠI SAO “CÁC THẦY CHỮA” CÓ VẤN ĐỀ - Phần 3

“Why Shrinks Have Problems”
Tác giả: ROBERT EPSTEIN Ph.D. và TIM BOWER
Nguồn: Psychology Today - published July 1, 1997 - last reviewed on June 9, 2016

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non


Phần 3

Những “thầy chữa” bị tổn thương (wounded healer)

Có thể có khía cạnh thuận lợi (upside) của tất cả những vấn đề này ở các nhà tâm lý – nếu có thể nói như thế - một nhà trị liệu cần có trải nghiệm nỗi đau khổ để liên hệ với nỗi đau khổ của thân chủ. Khái niệm “Người chữa lành từng bị tổn thương” (wounded healer) này, tôi (tác giả) tin rằng nó đã đan xen vào bên trong kết cấu của ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần. Khi tôi là chủ nhiệm khoa tâm lý của một trường đại học, tôi đã giúp đánh giá những ứng viên cho chương trình tham vấn hôn nhân và gia đình. Tiến trình tuyển chọn này – phỏng vấn, viết luận… - được cấu trúc, mặc dù rất tinh tế, để lọc loại những người chưa từng trải đủ đau khổ. Còn gì nữa, tôi còn nghe những đồng nghiệp của tôi thể hiện sự quan ngại về những sinh viên hoặc những thực tập sinh, dù không phải là lỗi của họ, có xuất thân từ những gia đình toàn vẹn, không bị đổ vỡ.

Tuy nhiên, rất khó tìm thấy những dữ liệu hỗ trợ cho ý tưởng này. John Norcross khẳng định: “Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy rằng bạn cần có một lịch sử về những vấn đề tâm lý để trở thành một nhà trị liệu tốt”. “Trong một số nghiên cứu, chỉ trong vài phiên đầu tiên, (bệnh nhân thấy) những nhà trị liệu từng bị tổn thương sẽ có vẻ thấu cảm hơn một chút, nhưng ảnh hưởng này không kéo dài. Trải nghiệm về nỗi đau có thể làm gia tăng sự nhạy cảm của nhà trị liệu, nhưng điều đó không nhất thiết chuyển thành kết quả tốt.”

“Tôi không tin rằng nhà trị liệu phải có những trải nghiệm giống như thân chủ của họ”, tiến sĩ tâm lý Laurie Pearlman nói thêm, "Miễn là nhà trị liệu có thể cảm nhận những cảm xúc này, họ có thể kết nối với thân chủ".

Mặt khác, vào năm 1898, tiến sĩ tâm lý Pilar Poar và tiến sĩ John R.Weisz nhận thấy rằng những nhà trị liệu từng đối diện với những vấn đề nghiêm trọng trong tuổi thơ, sẽ giúp đỡ thân chủ trẻ em hiệu quả hơn trong việc nói về vấn đề của trẻ, có lẽ bởi vì họ thấu cảm hơn. Tuy nhiên, những nghiên cứu này trên thực tế chỉ là một hỗ trợ cho giả thuyết về những người chữa lành từng bị tổn thương (wounded healers hypothesis).

Những lời khuyên có tính trị liệu (Dành cho thân chủ - ND)

Nếu bạn đã từng tham gia trị liệu bởi vì cuộc sống của bạn có phần suy sụp, và bây giờ bạn phải xem xét nhà trị liệu của mình trong trường hợp cuộc sống của nhà trị liệu cũng suy sụp một phần nào đó? Vâng, chỉ xét về cơ bản. Bạn, có thể hoặc không, trong vị thế một thân chủ, có thể là người mang trách nhiệm chính trong việc nhận ra những dấu hiệu đau khổ hay tổn thương của nhà trị liệu, đặc biệt là khi bạn đang tìm đến một nhà trị liệu hành nghề độc lập. Chủ tịch đương nhiệm của hiệp hội tâm lý bang California (California Psychological Association), tiến sĩ Steven F.Bucky đã nói như thế này: “Sự thật về chủ đề này là thân chủ sẽ không nhận được sự bảo vệ nào, trừ khi có ai đó than phiền về một nhà trị liệu đang có vấn đề.”

Đây là một vài bí quyết để bạn (nếu là thân chủ - ND) tự bảo vệ mình khỏi những chuyên gia sức khỏe tinh thần đang bị rắc rối và có lẽ bằng cách nào đó, cũng giúp những chuyên gia đó vượt qua vấn đề của mình. Hãy nhớ rằng nhà trị liệu cũng là con người!

Đầu tiên, có lẽ sẽ an toàn hơn, hãy đưa vấn đề của bạn (chuyên viên) cho một nhà thực hành làm việc trong một cơ cấu nhóm. Những nhà trị liệu làm việc tách biệt và độc lập có lẽ sẽ có nguy cơ lớn nhất do những vấn đề của chính họ không được phát hiện và không được hỗ trợ. Mặt khác, nhà trị liệu làm việc trong các tổ chức chăm sóc có quản lý (managed care organizations) hoặc làm việc “dưới gọng kềm” của các công ty bảo hiểm cũng phải chịu những ràng buộc và căng thẳng đặc biệt, mà những điều này có thể hạn chế khả năng bạn được hỗ trợ.

Thứ hai, tin tưởng vào cảm nhận trong lòng của bạn. Kiburg nói: “Nếu bạn nhận ra là đang có một vấn đề, bạn không nên chối bỏ những gì mà bản năng đang nói với bạn”. Nếu trong phiên làm việc, có tiếng nói nhỏ bắt đầu vọng lên trong đầu bạn: “Đôi mắt của gã này nhắc tôi nhớ đến thằng bạn cùng phòng thời đại học khi nó lên cơn ảo giác”, bạn cũng đừng ngại đặt ra những câu hỏi.

Thật vậy, bất cứ lúc nào nhà trị liệu của bạn thể hiện những dấu hiệu rõ ràng về những đau khổ hoặc sự tổn thương cá nhân, bạn hãy bày tỏ sự quan ngại của bạn để nhà trị liệu lưu ý. (Lý tưởng là hãy làm điều đó với chút ít thời gian của nhà trị liệu sau khi phiên làm việc đã kết thúc). Nếu bạn không dễ dàng đưa ra vấn đề này với nhà trị liệu, hãy nói điều đó với một trong những đồng nghiệp của nhà trị liệu đó. Hoặc hãy xem xét tìm một nhà trị liệu khác. Nếu bạn nghĩ vấn đề của nhà trị liệu rất nghiêm trọng và có tiềm năng gây hại, hãy báo cáo điều đó với tổ chức chuyên nghiệp tương thích hoặc với cơ quan đã cấp phép. Bạn có lý do chính đáng để lo lắng nếu nhà trị liệu của bạn:

* Biểu lộ dấu hiệu mệt mỏi thái quá, như mắt đỏ hoặc ngái ngủ.

* Đụng chạm vào người bạn một cách không thích hợp hoặc cố gắng nhìn bạn với vẻ xã giao.

* Bạn ngửi thấy mùi rượu, hoặc nhìn thấy chai rượu hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy trong văn phòng.

* Có khó khăn khi nhìn hoặc nghe.

* Nói dông dài về những vấn đề hiện tại chưa giải quyết của chính họ (chuyên viên). Điều này được xem là một sự “vi phạm ranh giới” (boundary violation) và nó đặc biệt là rất đáng ngại, bởi vì đó thường là “một sự mở đầu để tiến xa thêm đến chủ đề sắc giới” (prelude to a sexual advance). Trên thực tế, khi nhà trị liệu nói về những vấn đề chưa giải quyết của họ có nhiều khả năng sẽ tiến thêm đến chuyện tình dục hơn là thực sự đang tiếp xúc với thân chủ.

* Có khó khăn khi nhớ những gì bạn nói với họ từ tuần trước.

* Nhiều lần trễ, hủy hoặc bỏ lỡ phiên làm việc

* Có vẻ thẩn thờ hoặc xao nhãng.

Hãy liên hệ những những tổ chức ngành nghề có uy tín hoặc tổng đài điện thoại để giúp xác định những tổ chức hoặc nơi trị liệu xứng đáng. (Theo hoàn cảnh nơi bạn sống)

Giờ đây, họ muốn kê đơn thuốc (Uh Oh, Now They Want Drugs)

Có điều này sẽ khiến bạn chấn động. Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ (APA) với 150.000 thành viên đang tích cực vận động hành lang để những nhà tâm lý có đặc quyền được kê đơn thuốc. Những chương trình thí điểm đang được tiến hành và một số người nghĩ rằng các nhà tâm lý có thể phân phát thuốc cho bệnh nhân của họ trong vòng 5 năm tới. Có quá nhiều khác biệt giữa các bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý. Mặc dù vậy, vấn đề gây lo lắng thêm đó là: Liệu đặc quyền được kê đơn sẽ không đặt nhà tâm lý vào nguy cơ lạm dụng chất cao hơn?

Không may thay, câu trả lời là có. Ai cũng biết rằng những ngành nghề và chuyên khoa dễ dàng tiếp cận với thuốc cũng có tỷ lệ nghiện chất cao nhất. Tiến sĩ tâm lý Perter Nathan, Đại học Iowa, nói rằng “Nếu những nhà tâm lý có đặc quyền kê đơn, tôi nghĩ sẽ một sự gia tăng mạnh mẽ về việc lạm dụng thuốc của họ. Chúng ta không thích nói về điều này nhưng đó là điều chắc chắn xảy ra.”

Bác sĩ tâm thần Malkah Notman, Đại học Harvard, cũng không yên tâm về khả năng dành đặc quyền kê đơn cho những nhà tâm lý. Bà nói: “Nhà tâm lý có thể gây ra nhiều thiệt hại dù không nhiều như một bác sĩ tâm thần có thể làm. Với việc kê đơn thuốc, bạn có thể rất nhanh chóng vướng vào những rắc rối. Kê toa thật sự có rất nhiều rủi ro. Ngay cả trong huấn luyện y khoa, rất nhiều người cũng bị tụt hậu.”

*Chú thích của Trăng Non Online: Bài viết bởi Robert Epstein và Tim Bower, công bố từ 1/7/1997, duyệt lại ngày 9/6/2016. Câu chuyện về các nhà tâm lý ở Mỹ được quyền kê toa thuốc cho bệnh nhân đã thực sự diễn ra sau đó. Ở Việt Nam, đã từng có nơi thực hiện điều tương tự này khi máy móc dựa theo mà không hiểu hết về thực trạng ở Mỹ. Rất mong bạn đọc chú ý để tránh những sai lầm đáng tiếc về sau!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...