Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

HIỂU VỀ NHỮNG NỖI KHỔ CỦA CON NGƯỜI – BÊN NGOÀI KHÁI NIỆM “TÂM BỆNH”

Nguyên tác: Martin Milton, Mark Craven and Adrian Coyle

BS NGUYỄN MINH TIẾN và nhóm dịch thuật CLB Trăng Non - 15/12/2015

Lời người dịch:

Bài được trích từ phần đầu của Chương 4: Understanding Human Distress: Moving beyond the concept of ‘psychopathology’ của quyển Therapy and Beyond: Counselling Psychology Contributions to Therapeutic and Social Issues; Edited by Martin Milton; © 2010 John Wiley & Sons, Ltd. ISBN: 978-0-470-71547-5

Bản dịch tiếng Việt tạm dừng tại đây, đủ để trình bày quan điểm đương thời về khái niệm “tâm bệnh”, không giống như những gì chúng ta vẫn thường hình dung theo cách diễn ngôn của giới y khoa tâm thần hoặc cách nhìn của giới chuyên môn tâm lý theo xu hướng hiện đại. Nếu có cơ hội sau này sẽ trình bày thêm các phần nội dung khác của sách!



Những thuật ngữ như “tâm bệnh”, “bệnh tâm thần” hoặc “rối loạn” đã trở thành một phần của sự diễn ngôn thường ngày, khi cần chỉ ra những con người “khác biệt”, khi muốn chứng minh cho sự gia tăng việc cung ứng các dịch vụ sức khỏe tâm thần và khi muốn thúc đẩy sự phát triển của những chuyên ngành như tâm lý lâm sàng, tham vấn và trị liệu tâm lý. Những giải thích theo kiểu giản lược hóa (reductionist explanations) về tâm bệnh đã trở nên nổi trội cả trong thế giới quan và thực hành khoa học lẫn trong ứng dụng trị liệu (Fee, 2000), gần đây nhất là bắt nguồn từ những cố gắng “có tính khoa học” nhằm để xác định và phân loại “một cách khách quan” các loại rối loạn khác nhau để đưa vào dưới một đề mục gọi là “bất thường”.

Tâm lý học tham vấn (counseling psychology) đang có một tình thế lưỡng nan: một mặt thì có sự đồng thuận về tính hữu dụng của tâm lý học khoa học (scientific psychology); mặt khác người ta công nhận rằng việc hiểu biết về “tâm bệnh” lại được điều tiết và phác họa thông qua những ý nghĩa có tính đặc hiệu về văn hóa, xã hội và lịch sử (Golsworthy, 2004, Parker và cs. 1995). Với ý nghĩ này, chủ đề về nỗi đau khổ và “tâm bệnh” là một chủ đề rộng và có thể được xem xét từ nhiều nhãn quan khác nhau. Một cách tiếp cận mà chúng ta đã có thể áp dụng đó là khám phá những “trương mục hiện tượng học” (“phenomenological accounts” – Chúng tôi dùng từ “trương mục” để dịch từ “account” thay vì dịch theo cách thông dụng hiện nay là “tài khoản” – Chú thích của ND) của những trải nghiệm về một số loại “rối loạn” (Knudson và Coyle, 2002, về việc “nghe được những giọng nói” chẳng hạn). Ngoài ra, chúng ta cũng đã có thể xem xét những chủ đề về tổ chức mà từ đó có ảnh hưởng đến các dịch vụ dành cho những người có các khó khăn đặc biệt, hoặc theo xu hướng truyền thống hơn, chúng ta đã có thể đã viết nên một trương mục về cách làm thế nào để áp dụng việc trị liệu cho một loại rối loạn đặc hiệu nào đó.

Thay vào đó, chúng ta đã chấp nhận một cách thức tiếp cận hậu hiện đại (postmodern approach) để nêu bật lên điều đã được mặc định trong các tài liệu kinh điển có liên quan đến khái niệm “tâm bệnh”. Chúng ta xem xét mối tương tác qua lại giữa học thuyết và thực hành, cùng các áp lực giữa một bên là học thuyết tâm lý vốn đã ăn sâu trong khuynh hướng hiện đại và bên kia là việc thực hành chuyên môn vốn phải đương đầu với cuộc sống của con người trong kỷ nguyên hậu hiện đại (Polkinghorne, 1992).

Nỗi khổ tâm – Một phác thảo ngắn theo dòng lịch sử

Nếu việc nghiên cứu lịch sử ngành nghề này là điều quan trọng, thì việc quan trọng không kém đó là xem xét những cách thức qua đó những “hành vi bất thường” và những nỗi khổ tâm (psychological distress) được hiểu như thế nào trong những nền văn hóa khác nhau theo diễn tiến thời gian. Vì những lý do có tính thực hành, trương mục mà chúng ta nhận được là một trương mục mang tính chất tuyến tính và đặc trưng cho phương Tây (linear and Western-centric account) và chúng ta sẽ phải chuyển cho các độc giả một trương mục có tầm mức bao phủ rộng hơn, ít tính chất tuyến tính hơn, và phải xem xét việc phát triển những hiểu biết thêm về những nỗi khổ tâm ở các khu vực khác nhau trên thế giới thông qua ánh sáng của những xem xét về văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử. Để có những ví dụ, có thể xem: Al-Issa (2000); Gielen et al. (2004); Hook and Eagle (2004); Horwitz (2002); Laungani (2004); Parker et al. (1995).

Một cuộc khảo sát về những văn bản chủ yếu viết về “tâm bệnh” (Bootzin và cs. 1993; Davison & Neal 1998; Halgin & Whitbourne 1993; Holmes 1998; Kendall & Hammen 1998; Oltmans & Emery 1998; Rosenhan & Seligman 1995; Sarason & Sarason 1993) đã chứng minh cho thấy những quan điểm thay đổi theo lịch sử về những bất thường trong tâm lý. Tất cả các văn bản đều cho thấy rằng đã từng có thời niềm tin tôn giáo về sự chiếm ngự của những linh hồn, ma quỷ hoặc phép thuật đã là căn nguyên của những khó khăn về tâm lý. Theo thời gian, những quan điểm ấy lúc thì đi song hành, lúc thì mở lối cho những tác văn mang tính huyền thoại của kỷ nguyên Hy Lạp cổ đại, và rồi chúng ta nhìn thấy sự phát triển của một phương pháp tiếp cận mang tính tự nhiên với đề xuất của Hippocrates cho rằng tất cả mọi căn bệnh (kể cả các rối loạn tâm thần) nên được giải thích dựa trên cơ sở các nguyên nhân thuộc về tự nhiên (natural causes). Thời Hy Lạp cổ đại là giai đoạn mà người ta bắt đầu phát triển tính hiếu kỳ về những chức năng thể lý và tâm lý, và cũng là lúc khởi đầu những “phương pháp khoa học” để khám phá những chủ đề ấy.

Trong lịch sử của “tâm bệnh học”, giai đoạn kế tiếp là thời Trung Cổ hay còn gọi là thời kỳ đen tối, một thời kỳ có rất ít tiến bộ về khoa học cũng như về y học mà tưởng chừng đã có thể xảy ra nhờ những đóng góp quan trọng trước đó của Hippocrates và Galen – dù rằng Galen với tính hài hước của mình đã có một số nhấn mạnh rõ rệt khía cạnh sinh học trong các đóng góp của ông về tâm bệnh, nhưng Hippocrates thì dường như lại tán thành một số cách tiếp cận mang tính trị liệu tâm lý ở một thể loại nào đó. Thời kỳ này cũng đi kèm với sự sống lại của những niềm tin về liên quan đến sự chiếm hữu bởi những linh hồn. Sau sự sụp đổ của Đế quốc La Mã, người ta đã tìm kiếm sự an toàn bằng rất nhiều cách giải thích theo kiểu siêu nhiên về các hiện tượng gây sầu khổ hoặc khó hiểu đối với con người. Đạo Cơ Đốc phát triển lên từ một thiểu số người bị ngược đãi, đã tôn thờ tín ngưỡng chính thức trong Đế quốc này kể từ thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, và đã góp phần hình thành quan điểm về những nỗi khó khăn về tâm lý, với biểu hiện “bệnh tâm thần” được hiểu như là kết quả của việc rời bỏ Chúa, còn “trầm cảm” được xem là có liên hệ chặt chẽ với tội lỗi (nhưng hãy xem Kroll & Bachrach, 1986, và thấy rằng những quan điểm như thế không hẳn mang tính chất độc hại như quan điểm rằng “bệnh tâm thần” là do ma quỷ ám).

Hai thế kỷ 17 và 18 được xem là Thời đại của Lý tính và Kỷ nguyên Ánh Sáng bởi vì chủ nghĩa duy lý và phương pháp khoa học một lần nữa đã trở lại, thay thế cho niềm tin tôn giáo, như những cách thức tìm hiểu về thế giới tự nhiên (điều này không hẳn có tính phổ quát). Có hai quan điểm mang tính cạnh tranh với nhau và vẫn còn được phản ảnh trong những tranh luận cho đến hiện tại: đó là những cách thức giải thích về tâm bệnh dựa trên yếu tố sinh học hay là dựa trên yếu tố tâm lý. Mặc dù vẫn còn căng thẳng giữa hai cách giải thích trên, người ta vẫn đạt đến một mức độ đồng thuận về việc giảm thiểu cách trình bày trong xã hội về những lực siêu nhiên như là những nguyên nhân của những hành vi bất thường. Dù nói thế, những ý kiến về phép thuật hoặc linh hồn vẫn còn là một phần trong quan điểm về nguồn gốc của những nỗi đau khổ về tâm lý tại một số bối cảnh sống ở châu Phi (Vd. Mulatu, 1999; Teuton và cs., 2007). Khoảng cuối thế kỷ 18, những cách giải thích siên nhiên đã chính thức được thay thế bởi tính hợp lý và những quan sát có tính khoa học. Nhưng dĩ nhiên là, cho đến ngày nay, nhiều người vẫn còn quy cho tâm bệnh có liên quan đến số phận, là sự trừng phạt hoặc một sự cắn rứt lương tâm.

Sự khởi đầu cho những tư duy và thực hành mang tính hiện đại được cho là kể từ thế kỷ 19, khi nhà vật lý học William Griesinger (1817-1868), người đã làm sống lại lý thuyết về bệnh tâm thần của Hippocrates khi ông ủng hộ việc cho rằng bệnh tâm thần là có nguyên nhân thực thể. Cũng như trong các đóng góp khác của mình, Emil Kraepelin, vào năm 1883, cũng đã cung cấp một sự phân loại các bệnh tâm thần dựa trên các cơ sở sinh học của chúng. Sơ đồ phân loại vẫn tồn tại lâu dài của Kraepelin đã chứng minh cho thấy nó là nền tảng cho việc hình thành sơ đồ phân loại của ngày hôm nay. Các tư liệu đã được xem xét lại tiếp tục được cập nhật thêm vào bằng cách thừa nhận ưu thế nổi trội của mô thức y học trong thế kỷ 20. Song hành với những sự phát triển này, Mesmer (1733-1815), Charcot (1825-1893), Janet (1859-1947), Breuer (1842-1925) và Freud (1856-1939), tất cả đều đã góp phần vào sự hiểu biết ngày càng tăng và những cách thức đáp ứng sẵn sàng hơn đối với “tâm bệnh”. Sự căng thẳng giữa hai cách lý giải về tâm bệnh – sinh học hay là tâm lý -  vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Dù có hữu dụng hay không thì những hiểu biết đặc biệt về tâm bệnh không thể thực hiện việc đánh giá chỉ theo kiểu “khách quan” hoặc “đúng đắn”. Điều quan trọng là cần phải xem xét những sự hiểu biết và lý giải về tâm bệnh bên cạnh việc khảo sát những phát triển đồng thời của khoa học hiện đại.

Những nhà tư tưởng của Kỷ nguyên Ánh Sáng đã thực hiện những cuộc phê bình về những uy quyền theo truyền thống cũng như theo tôn giáo, và những thứ ấy đã được thay thế bằng một niềm tin vào sự tiến bộ, vào lý tính và khoa học, cùng với một tầm nhìn vào thế giới theo cách đánh giá cao những tiến bộ vật chất, sự thịnh vượng, tự do cá nhân và công bằng xã hội, mà những thứ này được tìm thấy bằng những nguyên tắc hợp lý chứ không phải những nguyên tắc tôn giáo hay phép thuật (Billington và cs. 1998). Dĩ nhiên, cũng đã có một truyền thống về chủ nghĩa duy lý trong thần học (xem Aquinas kết nạp những ý tưởng của Aristotle trong thuyết thần học của ông vào thế kỷ 13, Owens, 1993) và các tài liệu quan trọng có dẫn ra những tranh luận về tính tương hợp giữa chủ nghĩa duy lý và tín ngưỡng tôn giáo (xem John Paul II, 1998; Polkinghorne, 2005; Swinburne, 1981; Ward, 2006). Quá trình này dẫn đến sự ưu thế của tư duy hợp lý nổi trội hơn so với cảm tính và chính trong Kỷ nguyên Ánh Sáng mà “điên” trở thành “một thứ có bản chất là chính nó” (a thing-in-itself), có thể được khám phá bằng những câu hỏi thực chứng không thiên vị (Foucault, 1965).

Sự gia tăng những “trương mục tâm lý” về nỗi khổ: Tâm lý học như một “Đứa Trẻ của Thời Hiện đại”

Tâm lý học có sự bắt đầu vào nửa sau thế kỷ 19, khi mà những nguyên tắc khoa học được áp dụng để nghiên cứu con người (Grigori, 1986). Khoa học đã phát triển một cách hữu hiệu việc mô tả những quy tắc chi phối thế giới tự nhiên và người ta đã tin rằng việc áp dụng những phương pháp của khoa học tự nhiên vào lĩnh vực nghiên cứu con người cũng sẽ mang lại nhiều hiểu biết có thể giúp tiên đoán được và kiểm soát được những hành vi của con người. Danziger (1979) đã đưa ra những dự định mang tính khai phóng theo kiểu tư duy hiện đại, khi cho rằng việc thâu thập những thông tin như thế sẽ giúp cho việc giáo dục trẻ em được hiệu quả, cải tạo được các tù nhân và chữa lành các “bệnh tâm thần”.

Tâm lý học đã chấp nhận quan điểm và niềm tin theo tư duy hiện đại, xem đó như là nền tảng căn bản hoặc bản chất cốt yếu. Có 4 giả định có tính bao quát của tư duy hiện đại đã ăn sâu vào ngành tâm lý học (Gergen, 1991). Đầu tiên là, có một tiên đề và một niềm tin trong thế giới có thể hiểu biết được này rằng: có một thực thể chủ quan căn bản mà người ta có thể hiểu rõ được nó. Thứ hai, bằng cách giả định về một chủ thể có thể nhận biết được, tâm lý học hiện đại đã được định dạng bởi một niềm tin về những bản chất có tính phổ quát. Thứ ba, tâm lý học đã chứng minh cho những niềm tin này khi nó cố gắng nghiên cứu tâm bệnh bằng cách phân loại chúng, để khám phá những quy luật, những nguyên tắc mà từ đó có thể khái quát hóa cho những trường hợp khác nhau, ở những thời điểm, tình huống và con người khác nhau. Ở đây, chúng ta nhận thấy một niềm tin rằng, thông qua phương pháp khoa học, những sự thật chắc chắn về “tâm bệnh là gì” và “cái gì gây nên chúng” đều có thể được khám phá. Mục đích này vẫn hiện diện rõ ràng trong những tài liệu như What Works for Whom? (Roth and Fonagy, 2005), một đơn cử điển hình cho kiểu “thực hành dựa trên chứng cứ” (Corrie, 2003; Hart & Hogan, 2003; Milton, 2002; Monk, 2003), và dĩ nhiên cũng được thấy bên trong những hệ thống phân loại như DSM-IV hoặc ICD-10. Có một niềm tin rằng những phương pháp phân loại như thế là có tính chất khách quan, nó ngăn trở việc đề cập những hệ tư tưởng và các giá trị khi mô tả và giải thích về tâm bệnh. Sau cùng (thứ tư), có một niềm tin rằng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu sẽ dẫn đến một sự sáng tỏ về các đặc trưng cơ bản của tâm bệnh (Gergen, 1991, 1992).

Mô hình khoa học đã có được một giá trị chưa từng có trong việc giúp chúng ta hiểu biết về bản chất của “thực tại vật chất”. Tuy nhiên, Newman (2000) đã nêu rõ cách thức làm thế nào mà chủ nghĩa thực chứng của thế kỷ 20 đã đưa đến việc “khoa học hóa” môn lịch sử và việc hiểu biết về con người bằng cách cố gắng làm cho nó được giải thích một cách đầy đủ. Mô hình hiểu biết theo kiểu “giải thích và/hoặc tiên đoán” được bắt nguồn từ khả năng có thể trích dẫn theo kiểu suy diễn một mô tả mang tính định nghĩa về một hiện tượng đặc hiệu nào đó.

Sự thịnh hành của truyền thống khoa học dẫn đến việc phân loại các bệnh tâm thần, phỏng theo mô hình y khoa, được thấy đầy trong các hệ thống phân loại DSM và ICD. Cách nhìn dựa trên các hệ thống phân loại này cho rằng nó cung cấp một thứ cẩm nang tiện dụng để mô tả những chủ đề mà các nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần vẫn thường đối mặt. Nhìn từ nhãn quan hiện đại, cách tiếp cận này tạo nên những cảm quan khá thuyết phục trong việc hiểu, giải thích và chữa trị các vấn đề về tâm thần mà con người gặp phải (Schwartz and Wiggins, 1986) và nó có rất nhiều ảnh hưởng đối với những cơ sở y tế, những quyết sách của chính phủ và những vụ kiện tụng pháp lý tại Anh Quốc. Người ta giả định rằng việc chẩn đoán có thể cung cấp một điểm tham chiếu mà từ đó có thể bắt đầu những phương thức điều trị đã được tiêu chuẩn hóa. Hiểu rộng ra thêm về mặt lý lẽ, việc chẩn đoán một “rối nhiễu” về tâm lý hẳn sẽ mang lại một cảm quan về cách hiểu và cách giải quyết giống như một căn bệnh được thấy trong việc chẩn đoán theo kiểu y khoa. Tuy nhiên, không giống như những cách thức phân loại bệnh lý khác về phương diện y-sinh học, những cách thức lý giải trong ngành tâm thần học về căn nguyên của “tâm bệnh” thường xuyên có những dẫn nguồn rất mâu thuẫn với nhau (Grob, 1985; Klerman và cs. 1984) trong giới học thuật, tại phòng khám và cả trong đối thoại giữa những chuyên gia sức khỏe tâm thần khác nhau. Kết quả là, DSM-IV phải chấp nhận một phương pháp tiếp cận theo kiểu mô tả và không dựa trên căn nguyên để phân loại tâm bệnh.

Vì tầm quan trọng của việc phân loại, cách này trở nên có ý nghĩa khi được nhìn từ bên trong khuôn khổ đang chiếm ưu thế này. Tuy nhiên, việc đó không phải là không có vấn đề. Cơ sở của nhãn quan này là một thế giới “có thể nhận biết được” và một giả định cho rằng chúng ta có thể bộc lộ được bản chất của thế giới bên ngoài cũng như tâm trí bên trong của từng con người. Các hệ thống phân loại cho rằng mỗi rối loạn có thể được phân loại thành một thực thể riêng biệt, và rằng tâm bệnh là “một thứ có bản chất là chính nó” (thing in itself).

Chất vấn sự phân loại những nỗi đau khổ

Những giả định có tính thực tế này chịu sự thách thức bởi những quan điểm khác cho rằng những hiểu biết của chúng ta về bất cứ bệnh tâm thần nào cũng đều là những kiến tạo được định dạng về mặt tư tưởng và được củng cố bởi những thiết chế (ideologically-shaped and institutionally-reinforced constructions) chứ không phải là những “chân lý” (McNamee and Gergen, 1992). Để chúng ta có thể làm nên ý nghĩa cho cái khái niệm thế nào là “bất thường” thì phải cần đến một trương mục cho điều được gọi là “bình thường”. Hãy nhìn vào sự đối lập “bình thường/bất thường” trong một khuôn khổ rộng hơn về mặt lịch sử, chúng ta nhận thấy rằng cặp phạm trù này đơn thuần chỉ là sự lập lại tính đối lập giữa “tỉnh” và “điên”, “khỏe” và “bệnh” (Parker và cs. 1995). Việc sử dụng những hệ thống phân loại này có thể là, và thường là, để định nghĩa những điều lý tưởng về hành vi của con người, cũng như để phản ảnh và củng cố những hệ tư tưởng và các chủ đề văn hóa. Những ý nghĩa nổi trội đi kèm theo việc hiểu cái gì là bình thường, cái gì là bất thường, không chỉ giúp chế ngự và ảnh hưởng lên hành vi của con người, mà còn, như Hare-Mustin và Marecek (1990) đã nêu, giúp duy trì nguyên trạng và khẳng định lại thang bậc quyền lực. Chẳng hạn như tình trạng đồng tính, mãi cho đến khi có sự cải biên của hệ thống phân loại vào năm 1980, thì vẫn được DSM xếp loại là một rối loạn tâm thần, và việc này là nhằm tái xác nhận những chuẩn mực về đạo đức và văn hóa chống lại những hành vi tình dục phi dị tính (non-heterosexual behavior). Trái với những tiên đoán từ “dự án khoa học”, Kutchins and Kirk (1997) cho rằng khoa học, dữ liệu khoa học và các phát hiện nghiên cứu không phải là những yếu tố then chốt quyết định việc đưa vào hay loại bỏ chẩn đoán đặc biệt này trong DSM hay không; mà chính là bởi một cuộc tranh biện kéo dài suốt 20 năm về những niềm tin và các giá trị. Việc này làm tăng thêm sức mạnh cho các tác giả theo thuyết kiến tạo xã hội (social constructivist) để tuyên bố rằng những hệ thống phân loại và việc sử dụng các hệ thống ấy để xếp loại những sự vận hành chức năng “bất thường” chính là những “sản phẩm của thời gian và không gian”.

Việc thực hành trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đã sử dụng các phương pháp tiếp cận với một niềm tin làm nền tảng cho rằng để nêu ra một chứng bệnh, ta cần phải đặt tên cho nó. Thực tế là những hệ thống phân loại đã sử dụng một khuôn khổ làm việc theo kiểu y khoa và điều này đã đóng một vai trò đáng kể trong việc định dạng cho những khái niệm chuyên môn lẫn không chuyên môn về điều gọi là “thực tế lâm sàng” liên quan đến các khó khăn về tâm lý.

Gergen đã cảnh báo về mối nguy hiểm của việc cụ thể hóa một loại ngôn ngữ dùng mô tả các trạng thái tâm thần:

“Bằng cách kiến tạo một thực tại về sự khiếm khuyết về tâm thần, giới chuyên môn đang góp phần tạo nên những thang bậc về các đặc quyền, làm giảm đi mối tương quan phụ thuộc tự nhiên vốn có trong các nền văn hóa và làm họ cũng thích ứng theo với việc tự làm bản thân mình suy yếu đi. Sự nhu nhược của nền văn hóa vẫn đang tiếp diễn, vì thế khi những hành động thông thường được dịch nghĩa sang thứ ngôn ngữ đã được “chuyên môn hóa” để nói về các khiếm khuyết tâm thần, và nếu loại ngôn ngữ này cũng được gieo rắc rộng rãi, khi đó nền văn hóa sẽ đi đến chỗ tự kiến tạo chính nó theo loại ngôn ngữ ấy” (1990, p. 353).

Kinh nghiệm từ phòng trị liệu cho thấy rằng điều này không chỉ là một nguy cơ về mặt lý thuyết: Những thân chủ cũng sử dụng cách diễn ngôn của ngành tâm thần và tự chẩn đoán khi đến với các thầy thuốc. Khi phủ nhận sự tương ứng giữa ngôn ngữ và “thực tại”, những cách thức chẩn đoán và can thiệp sẽ trở nên có vấn đề, vì đó là những sự đánh giá mang tính “khách quan”, tách rời khỏi bối cảnh, những cách chẩn đoán và can thiệp sử dụng các hệ thống phân loại và các trạng thái lý thuyết mà chủ yếu được thiết lập từ những ẩn dụ của các khám phá khoa học (Lowe, 1999). Nếu chúng ta thay thế nhãn quan có tính biểu trưng – tham khảo của loại ngôn ngữ có trong những hệ thống phân loại này bằng kiểu nhãn quan tương tự như những giá trị và sự hiểu biết trong ngành tâm lý học tham vấn, tức là quan điểm về tính đáp ứng trong mối quan hệ và có tính tu từ khi hành văn (Shotter, 1993), khi ấy những thực tại được tạo nên bởi các hệ thống phân loại kia sẽ không còn được thấy như những trạng thái hiện hữu thực sự, mà thay vào đó như là những cách thức nói chuyện được định vị theo bối cảnh lịch sử mà từ đó cấu thành nên những hiệu ứng. Việc này sẽ cho phép chúng ta chấp nhận thực tại sống động trong khi thách thức các khái niệm. Tính phức tạp của việc thực hành đòi hỏi chúng ta phải xem xét mối liên hệ giữa các trải nghiệm khi được kiến tạo bởi các cách thức diễn ngôn, những trải nghiệm hiện tượng học các cách thức mà những trải nghiệm ấy đang liên hệ với nhau.

Ảnh hưởng trên việc thực hành

Các mô hình thực hành theo xu hướng hiện đại (modernist models of practice) được hình thành dựa trên giả định về một nguyên nhân nằm ẩn dưới tình trạng bệnh lý, mà sự định vị nguyên nhân ấy nằm bên trong cá nhân bị bệnh, bệnh có khả năng được chẩn đoán và được chữa trị thông qua một hệ thống các kỹ thuật chuyên biệt (Kaye, 1999). Cá nhân thân chủ sẽ được chữa trị trong phạm vi bệnh lý, do vậy đã làm trệch hướng sự chú ý rời khỏi những yếu tố văn hóa – xã hội trong bệnh sinh của những nỗi đau khổ tâm lý…

Chân thành cảm ơn các bạn đã xem bài!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...