Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

ALLEN FRANCES NÓI VỀ DSM-5, BỆNH TÂM THẦN VÀ TRỊ LIỆU MANG TÍNH NHÂN VĂN - Kỳ 1

"Allen Frances on the DSM-5, Mental Illness and Humane Treatment"

Nguồn: PsychoTherapy.Net - 2008

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Lawrence Rubin (LR) với Allen Frances (AF), một bác sĩ tâm thần nổi tiếng, người từng đứng đầu nhóm chuyên trách soạn thảo DSM-IV (DSM-IV Task Force), để bàn về những sai lầm trong quá trình chẩn đoán hiện nay và cách làm thế nào để chỉnh sửa lại hệ thống cung ứng dịch vụ sức khoẻ tâm thần đang bị phá hỏng.

Chú thích: DSM – Viết tắt của Diagnostic and Statistic Manual of Mental Disorders, tức “Sổ tay/Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần” của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ - APA.

Các mốc thời gian ra đời các phiên bản của DSM như sau: 1952: DSM-I; 1968: DSM-II; 1974: Bản in lại DSM-II; 1984: DSM-III; 1987: DSM-III-R; 1994: DSM-IV; 2000: DSM-IV-TR và 2013: DSM-5. Kể từ lần 5, DSM được đánh số thay vì chữ số La Mã như 4 lần đầu.

Lawrence Rubin – Tâm lý gia Hoa Kỳ, Chuyên viên tham vấn sức khoẻ tâm thần, Chuyên viên trị liệu và giám sát về liệu pháp trò chơi, phụ trách chương trình tham vấn tại St. Thomas University và làm việc tại khoa lâm sàng của Capella University.

Xem thêm về Allen Frances


 
Lawrence 'Larry' Rubin (trái) và Allen Frances (phải)

Kỳ 1

DSM-5 ĐÃ SAI Ở NHỮNG CHỖ NÀO

LR: Lần đầu tiên tôi thấy trở nên quen thuộc với công việc của ông là vào khoảng cách đây 5 năm, khi đó tôi đang giảng dạy môn tâm lý học dị thường (abnormal psychology). Vì thế tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói rằng ông đã có một sự tiến triển nghề nghiệp rất đáng chú ý. Ông đã từng tham gia vào việc chuẩn bị cho các kỳ xuất bản của DSM-III, sau đó đứng đầu nhóm chuyên trách của DSM-IV để rồi lại trở thành một người chỉ trích đanh thép đối với phiên bản kế tiếp của nó, đó là DSM-5. Ông đã bao giờ chỉ trích DSM-III và DSM-IV như đã làm thế với DSM-5?

AF: À vâng, tôi đã làm việc về DSM-III, và tôi là một trong số các tiếng nói có tính bảo thủ nhằm hạn chế bớt sự phấn khích trong việc mở rộng các chẩn đoán ra ngoài tầm những gì mà tôi nghĩ là hợp lý. Tôi đã cố hết sức, mà hầu như không thành công trong việc tạo ra lực cản cho điều mà tôi xem là một hệ thống chẩn đoán đã được mở rộng chưa từng có. Đối với DSM-IV, chúng tôi đã thiết lập những mức ngưỡng rất cao (very high thresholds) đối với việc thực hiện những thay đổi. Và kết quả là chỉ có 2 trong số 94 đề xuất mới về chẩn đoán được gửi đến chúng tôi là được bao gồm (trong DSM-IV). Chúng tôi đã nói với những người làm việc về DSM-IV rằng họ phải chứng minh qua tài liệu y văn rất cẩn trọng rằng họ có sử dụng việc tái phân tích dữ liệu trong những thử nghiệm thực địa hay không, và rằng bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Khi bạn đặt ra những tiêu chuẩn cao thì sẽ có rất ít những cải biên mới được tính đến ở đây.

Vì thế, mối bận tâm của tôi về DSM-5 đó là: các chuyên gia biên soạn nó lại nhận được những chỉ dẫn theo kiểu ngược lại; đó là lập ra một hệ thống chẩn đoán hơn là như một phương tiện còn để trống và dành cho sự sáng tạo (Nguyên văn: “to take the diagnostic system more as a blank slate and to be creative” – ND). Và nếu nói về những gì tôi đã học được trong quãng thời gian 40 năm làm việc về các phiên bản của DSM thì đó là: nếu có điều gì đó có thể sử dụng sai thì nó sẽ được sử dụng sai, đặc biệt là khi có thêm sự khích lệ về tài chính.

Và “pharma”, những đại công ty dược phẩm, đã đưa ra những khích lệ về tài chính khổng lồ để bảo đảm rằng mọi quyết định trong DSM đều sẽ bị lạm dụng bằng sự mở rộng này, khiến cho những ai trải qua kiểm tra (khám – ND) đều sẽ được chữa trị như là “có bệnh”. Họ sẽ trở thành người tiêu dùng những viên thuốc tốt nhất. Và các công ty dược phẩm trở thành những chuyên gia “bán những  căn bệnh để rồi bán lẻ những viên thuốc ấy” (“become experts in selling the ill to peddle the pill”). Vì thế, tôi rất lấy làm quan ngại là DSM-5 sẽ gây ra một hệ quả tiêu cực đó là mở đường cho những điều mà tôi xem là những cách chẩn đoán rất hoang dại (fairly wild diagnosing), và gia tăng việc sử dụng thuốc quá mức (excessive use of medication), đặc biệt ở trẻ em, cũng như cả ở người trưởng thành và người già.

LR: Vì thế sẽ phải làm nên ngày càng nhiều những chẩn đoán; làm ra tiền, cho phù hợp với các công ty dược phẩm?

AF: Tôi nghĩ đó là một sự hiểu lầm. Những người làm điều này không phải là một nỗ lực để giành được sự ưu ái giữa các công ty dược phẩm, mặc dù nhiều người trong số họ có mối liên hệ nào đó, mối liên hệ tài chính với dược phẩm. Tôi cũng không nghĩ rằng đó là động lực dẫn đến việc mở rộng DSM-5. Tôi nghĩ rằng xung đột lợi ích về trí tuệ quan trọng hơn nhiều và khó kiểm soát hơn nhiều so với khía cạnh tài chính. Và các chuyên gia trong lĩnh vực này luôn theo hướng mở rộng việc chẩn đoán ưa thích của họ. Họ luôn có thể tưởng tượng ra một bệnh nhân mà họ từng gặp, người không thể phù hợp với các tiêu chí hiện có và họ không lo lắng nhiều về việc chẩn đoán sai.

Họ bận tâm nhiều hơn đến việc bỏ sót bệnh nhân hơn là dán nhãn sai cho một người mà lẽ ra không nên được chẩn đoán. Tôi nghĩ những người làm việc biên soạn DSM-5 là người trung thực. Tôi không nghĩ rằng họ có khuynh hướng giúp đỡ các công ty dược phẩm, nhưng kinh nghiệm của họ với tư cách là các chuyên gia trong lĩnh vực này đã không khái quát đầy đủ cho cho việc thực hành ở mức trung bình.

Vì thế, nếu bạn đang làm việc như một bác sĩ tâm thần nghiên cứu về một tình trạng rất kỳ lạ tại một bệnh viện của trường đại học, khi nhìn thấy những bệnh nhân được lựa chọn kỹ càng, có nhiều thời gian với từng bệnh nhân và sử dụng các công cụ chẩn đoán cẩn thận, bạn sẽ có một ý tưởng về điều có thể có ý nghĩa. Điều đó hoàn toàn không phù hợp với thực hành chăm sóc ban đầu, nơi hầu hết các chẩn đoán được thực hiện và hầu hết các loại thuốc được kê đơn. Tôi nghĩ rằng các chuyên gia đang đưa ra quyết định có thể hợp lý trong tay của họ, nhưng điều đó sẽ hoàn toàn đáng sợ một khi được sử dụng rộng rãi trong thực hành nói chung.

LR: Vì vậy, dường như có sự mất kết nối giữa các nhà nghiên cứu đang trong “bầu khí yếu loãng” này với những người thực hành ở “tuyến đầu” vốn nhìn thấy những người bệnh mỗi ngày!

AF: Chính xác. Và tôi nghĩ rằng điều này phù hợp với tất cả các biểu hiện; những gì chúng ta đang thấy trong tâm thần học hoàn toàn không đặc biệt cho riêng nó chút nào. Rằng mọi ngành y học đều có khuynh hướng cố hữu mang tính chất tự động dẫn tới việc chẩn đoán quá mức. Gần đây, các hướng dẫn mới về tăng huyết áp đã dẫn đến việc có thêm 40 triệu người được gọi là “tăng huyết áp”. Các hướng dẫn không nên để trong tay các hiệp hội nghề nghiệp. Chúng nên được thực hiện bởi những người trung lập (neutral). Và các chuyên gia được cần đến, nhưng đừng cho phép họ đưa ra những kết luận cuối cùng . (Nguyên văn: “And use experts, but don’t allow them to call the final shots”).

 

Đón xem tiếp Kỳ 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...