Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

10 KỸ THUẬT TRỊ LIỆU NHÂN VỊ TRỌNG TÂM - Phần 1

“10 Person-Centered Therapy Techniques Inspired by Carl Rogers”
Tác giả: COURTNEY E. ACKERMAN, MA. in Positive Organizational Psychology
Nguồn: Positive Psychology - 17-05-2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non


Phần 1

Ý tưởng về một “liệu pháp thân chủ trọng tâm” (client-centered therapy) dường như là dư thừa – bởi sau cùng thì có liệu pháp nào mà chẳng “tập trung vào thân chủ”?

Thuật ngữ này hiện nay nghe có vẻ dư thừa, nhưng vào lần đầu tiên mới phát triển thì đây là một ý tưởng mới lạ.

Trước khi các liệu pháp nhân văn (humanistic therapies) được giới thiệu vào những năm 1950, các hình thức trị liệu thực sự có sẵn lúc đó chỉ gồm liệu pháp hành vi hoặc liệu pháp tâm động học (McLeod, 2015). Những cách tiếp cận này tập trung vào những trải nghiệm vô thức và tiềm thức của thân chủ hơn là những gì diễn ra “trên bề mặt”.

Nhiều hình thức trị liệu phổ biến ngày nay tập trung vào thân chủ hơn là tâm lý trị liệu trong đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn có một hình thức trị liệu chuyên biệt tách xa với các hình thức trị liệu khác do trọng tâm của nó được đặt vào thân chủ và một mối ác cảm không thích mang đến cho thân chủ bất kỳ sự định hướng nào.

“Tri nhân giả trí, tự tri giả minh” (Biết người là thông minh, biết mình mới thực là trí tuệ)

(He who knows others is wise; he who knows himself is enlightened)

_ Lão Tử _

Làm thế nào để áp dụng trích ngôn này của Lão Tử vào trong liệu pháp thân chủ trọng tâm? Học cách biết chính mình và người khác là điểm then chốt của tiếp cận nhân vị trọng tâm.

THẾ NÀO LÀ LIỆU PHÁP THÂN CHỦ TRỌNG TÂM? MỘT ĐỊNH NGHĨA

Liệu pháp thân chủ trọng tâm (Client-Centered Therapy) còn được biết như là tham vấn thân chủ trọng tâm (Client-Centered Counseling) hoặc liệu pháp nhân vị trọng tâm (Person-Centered Therapy), được phát triển trong thập niên 1940 và 1950 như là một sự đáp ứng lại với những liệu pháp ít có tính cá nhân (personal) và nhiều tính “lâm sàng” (clinical) đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực này vào lúc đó.

Đây là một hình thức trị liệu bằng lời nói có tính không hướng dẫn (non-directive – Còn dịch là “phi định hướng”), có nghĩa là cho phép thân chủ dẫn dắt cuộc trò chuyện và không nỗ lực lèo lái thân chủ dưới bất kỳ hình thức nào. Cách tiếp cận này cô đọng trong một phẩm chất quan trọng: sự quan tâm tích cực vô điều kiện (Unconditional Positive Regard). Điều này có nghĩa là nhà trị liệu không phán xét thân chủ vì bất kỳ lý do gì, thể hiện thái độ hoàn toàn chấp nhận và nâng đỡ. (Cherry, 2017)

Đây là ba phẩm chất chính tạo nên một nhà trị liệu thân chủ trọng tâm tốt:

1, Sự quan tâm tích cực vô điều kiện (Unconditional Positive Regard): Như đã lưu ý ở trên, sự quan tâm tích cực vô điều kiện là một phần thực hành quan trọng đối với nhà trị liệu thân chủ trọng tâm. Nhà trị liệu cần chấp nhận thân chủ như họ đang là, cung cấp sự hỗ trợ và thể hiện sự quan tâm bất kể thân chủ đang trải qua những điều gì.

2, Chân thật (Genuineness): Nhà trị liệu thân chủ trọng tâm cần cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cảm nhận của mình với thân chủ. Điều này không chỉ đóng góp vào mối quan hệ cởi mở và lành mạnh giữa nhà trị liệu và thân chủ, mà còn mang đến cho thân chủ một kiểu mẫu giao tiếp tốt và cho thân chủ thấy rằng cũng sẽ không sao nếu ở trong trạng thái dễ tổn thương.

3, Sự hiểu biết có tính thấu cảm (Empathetic Understanding): Nhà trị liệu thân chủ trọng tâm phải dành sự thấu cảm đối với thân chủ, vừa để tạo lập một mối quan hệ trị liệu tích cực lẫn để hành động như một tấm gương soi, phản ánh trở lại những suy nghĩ và cảm nhận của thân chủ; việc này sẽ cho phép thân chủ tự hiểu tốt hơn về chính họ.

Những đặc trưng đáng chú ý khác của liệu pháp thân chủ trọng tâm hoặc nhân vị trọng tâm đó là thuật ngữ “thân chủ” thường được sử dụng thay vì “bệnh nhân”. Những nhà trị liệu thực hành cách tiếp cận này nhìn nhận thân chủ và nhà trị liệu như là một nhóm bao gồm các đối tác bình đẳng chứ không phải như giữa chuyên gia và bệnh nhân. (McLeod, 2015)

CARL ROGERS: NGƯỜI SÁNG LẬP LIỆU PHÁP THÂN CHỦ TRỌNG TÂM

Carl Rogers được xem là người sáng lập ra liệu pháp thân chủ trọng tâm và là cha đẻ của những gì ngày nay được biết là những liệu pháp “có tính nhân văn”, trong khi nhiều nhà tâm lý cũng có đóng góp vào trào lưu này, Carl Roger được xem là người đi đầu trong quá trình tiến triển của liệu pháp nhờ vào cách tiếp cận độc đáo của ông.

Nếu cách tiếp cận của ông được cô đọng trong một trích ngôn, thì đây là một lựa chọn tốt:

“Với tôi, trải nghiệm là phần có ý nghĩa lớn nhất. Nền tảng của tính xác thực là trải nghiệm của riêng tôi. Chẳng phải ý kiến của người khác và cũng chẳng phải ý kiến của tôi có thẩm quyền như trải nghiệm của tôi. Chính là để trải nghiệm rằng tôi phải quay trở lại, trở lại nhiều lần để khám phá mỗi lúc một gần hơn với sự thật, như nó đang diễn ra bên trong chính tôi.”

Carl Rogers)

Trải nghiệm của thân chủ là ưu tiên tối thượng trong liệu pháp thân chủ trọng tâm.

CÁCH TIẾP CẬN ROGERIAN TRONG TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Cách tiếp cận của Rogers trong trị liệu là cách tiếp cận đơn giản hơn so với những cách làm trước đó. Thay vì đòi hỏi nhà trị liệu đào sâu vào tâm trí vô thức của bệnh nhân, một tiến trình vốn mang tính chủ quan lại phơi bày nhiều chỗ sai sót, ông đã đưa cách tiếp cận của mình dựa trên ý tưởng rằng có lẽ tốt hơn khi đặt trọng tâm vào phần tâm trí có ý thức của thân chủ.

Theo ngôn từ của Rogers:

“Chính thân chủ là người biết những gì gây tổn thương, con đường nào cần đi, những vấn đề nào là cốt yếu, những trải nghiệm nào đã từng được chôn sâu. Điều bắt đầu hiện đến trong tôi đó là, trừ phi tôi có nhu cầu chứng minh sự thông minh và hiểu biết của mình, tôi hẳn sẽ làm tốt hơn khi dựa vào thân chủ để điều hướng cho sự chuyển động của tiến trình.”

Carl Rogers

Cách tiếp cận này đánh dấu một sự chuyển biến đáng kể, khác xa với kiểu mối quan hệ mang tính xa cách và có thứ bậc giữa bác sĩ tâm thần và bệnh nhân như trong phân tâm học và các hình thức trị liệu khác trong thời kỳ đầu. Không còn mô hình “tiêu chuẩn” trong trị liệu - giữa một chuyên gia và một thường dân không chuyên – mà nay, là một mô hình bao gồm: một chuyên gia về các học thuyết và kỹ thuật trị liệu và một chuyên gia về trải nghiệm của thân chủ (đó chính là thân chủ).

Rogers tin rằng mỗi cá nhân là duy nhất và trên thực tế, sẽ không có một quy trình chung phù hợp với tất cả (Kensit, 2000). Thay vì xem xét suy nghĩ, mong ước, niềm tin của chính thân chủ là thứ yếu trong quá trình trị liệu, Rogers lại xem những trải nghiệm của thân chủ là yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình này.

Hầu hết những hình thức trị liệu hiện nay của chúng ta dựa trên ý tưởng này và chúng ta xem đó là điều hiển nhiên: thân chủ là một đối tác trong mối quan hệ trị liệu hơn là một bệnh nhân bất lực và trải nghiệm của họ giữ vai trò then chốt cho quá trình triển nở và phát triển với tư cách là một cá nhân độc đáo.

Bên cạnh cách thức tiếp cận lấy thân chủ làm trọng tâm, tâm lý trị liệu theo Rogers cũng khác biệt so với một số liệu pháp khác về giả định cho rằng mọi người đều có thể có lợi từ liệu pháp thân chủ trọng tâm và có thể chuyển đổi từ một cá nhân có năng lực tiềm tàng (potentially competent individual) trở thành một người có năng lực đầy đủ (a fully competent one). (McLeod, 2015).

Cách tiếp cận của Rogers nhìn con người là một cá nhân hoàn toàn tự chủ và có thể thực hiện những nỗ lực cần thiết để hiện thực hoá tất cả tiềm năng của họ và mang lại sự thay đổi tích cực trong cuộc sống.

MỤC TIÊU CỦA LIỆU PHÁP THÂN CHỦ TRỌNG TÂM

“Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp tôi đã đặt ra câu hỏi: Tôi có thể điều trị, chữa bệnh hoặc thay đổi người này như thế nào? Giờ đây tôi lại hỏi: Bằng cách nào tôi có thể tạo nên một mối quan hệ để người này có thể sử dụng nhằm phát triển chính cá nhân của mình?”

Carl Rogers

Như nhiều hình thức trị liệu hiện tại (như liệu pháp chuyện kể hoặc liệu pháp nhận thức - hành vi), những mục đích của liệu pháp thân chủ trọng tâm tuỳ thuộc vào thân chủ. Tuỳ theo bạn yêu cầu ai, ai là nhà trị liệu, ai là thân chủ, bạn có thể sẽ nhận được một loạt các câu trả lời khác nhau – và không có câu nào sai.

Tuy nhiên, nói chung vẫn có một số mục đích mang tính bao quát mà các liệu pháp nhân văn hướng đến:

Những mục đích chung đó là: (Buhler, 1971):

Tạo điều kiện tăng trưởng và phát triển cá nhân

Loại bỏ hoặc giảm nhẹ cảm giác đau khổ

Gia tăng lòng tự tôn và mở long để trải nghiệm

Nâng cao sự hiểu biết về bản thân của thân chủ.

Trong thực tế, những mục đích này có phạm vi bao phù rất rộng, gồm một loạt các mục tiêu nhỏ hơn, nhưng cũng thường thấy là việc thân chủ tìm đến với những mục đích trị liệu của riêng mình. Liệu pháp thân chủ trọng tâm thừa nhận rằng nhà trị liệu không thể thiết lập những mục đích hiệu quả đối với thân chủ, bởi vì họ thiếu sự hiểu biết đầy đủ về thân chủ. Chỉ có thân chủ mới có đủ sự hiểu biết về chính mình để thiết lập những mục đích trị liệu hiệu quả và như mong muốn.

Những lợi ích nói chung có thể đạt được bao gồm:

Có sự đồng thuận nhiều hơn giữa cái ngã lý tưởng và cái ngã thật sự của thân chủ

* Hiểu biết và nhận thức tốt hơn

* Giảm bớt sự phòng vệ, bất an và tội lỗi

* Tin tưởng vào bản thân hơn

Những mối quan hệ lành mạnh hơn

* Cải thiện khả năng tự bộc lộ

* Cải thiện sức khỏe tâm thần về mặt tổng thể (Noel, 2018)


Đón xem tiếp Phần2: Nhãn quan - Phương pháp và Kỹ thuật


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...