Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

LỜI TIÊN TRI TỰ-ỨNG-NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC - Phần 1

“Self-Fulfilling Prophecy in Psychology “
Tác giả: COURTNEY E. ACKERMAN, MA.
Nguồn: Positive Psychology - 05-02-2021

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu


Pygmalion và bức tượng Nàng Galatea trong truyền thuyết
Ẩn dụ về tiên tri tự-ứng-nghiệm 

Đã có bao giờ bạn tiên đoán điều gì đó về mình và rồi điều đó thành sự thật chưa?

Có lẽ bạn không cho rằng bản thân là một thầy bói, nhưng bạn chắc cũng nhận thấy rằng đôi khi bạn lại có khả năng tiên đoán chính xác một cách đáng kinh ngạc.

Chẳng hạn như, bạn có thể đoán trước rằng một dự án bạn đang thực hiện sẽ diễn ra vô cùng tốt, và cảm thấy cực kỳ chắc chắn về viễn cảnh khi mà sự nỗ lực của bạn được đền đáp và dự án của bạn được đón nhận một cách tích cực.

Hoặc là, bạn có thể cho rằng bài phát biểu mà bạn phải trình bày tại một sự kiện nghiệp vụ sẽ diễn ra một cách tệ hại, và do đó bạn chẳng hề ngạc nhiên khi bản thân nói lắp, nói sai và thường xuyên quên mất ý kế tiếp trong khi đang nói.

Mặc dù bạn có thể nghĩ những trường hợp này là vì bạn hiểu rõ chính mình cũng như năng lực của bản thân (và điều này có thể đúng), thì có lẽ bạn lại chưa hề nghĩ về những ảnh hưởng mà các tiên đoán này tạo ra đối với hành vi của bạn.

Khi niềm tin và kỳ vọng mà chúng ta có ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta ở cấp độ tiềm thức, thì chúng ta đang tạo ra điều được gọi là lời tiên tri tự-ứng-nghiệm.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá xem những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm là gì, vai trò của chúng trong tâm lý học và xã hội học cũng như cách chúng có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm.

Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm là gì?

Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm là một niềm tin hoặc dự đoán mà cá nhân có về một sự kiện trong tương lai sau đó thật sự ứng nghiệm bởi vì cá nhân đó đoan chắc về nó (Good Therapy, 2015)

Ví dụ, nếu bạn thức dậy và ngay lập tức nghĩ—có lẽ chẳng vì lý do cụ thể nào—rằng hôm nay sẽ là một ngày tồi tệ, thì lúc đó thái độ của bạn có thể khiến cho dự đoán của bạn trở thành sự thật. Bạn có thể cố gắng một cách vô thức để khẳng định niềm tin của bản thân bằng cách phớt lờ điều tích cực, khuếch đại điều tiêu cực và hành xử theo kiểu chẳng có vẻ gì là góp phần tạo nên một ngày thú vị cả.

Ý niệm này xuất hiện thường xuyên trong văn hóa và nghệ thuật, và rất nhiều ví dụ về nó có thể được tìm thấy trong các tác phẩm văn học.

Một trong những ví dụ kinh điển về lời tiên tri tự-ứng-nghiệm xuất phát từ thần thoại Oedipus (thường được phiên âm là Ơ-Đíp) của Hy Lạp. Trong câu chuyện, cha của Oedipus là Laius được cảnh báo rằng con trai ông rồi sẽ giết chết ông. Để tránh gặp phải định mệnh này, ông ta đã từ bỏ đứa trẻ và để nó chết.

Oedipus được tìm thấy và nuôi dưỡng bởi cha mẹ nuôi, với nhận định rằng họ là cha mẹ ruột của mình. Một ngày nọ, chàng cũng phải đối mặt với một lời cảnh báo thảm khốc—rằng chàng sẽ giết cha mình và kết hôn với người mẹ góa của mình. Tất nhiên, Oedipus không muốn giết người đàn ông mà chàng ta tin là cha mình hoặc kết hôn với người phụ nữ mà chàng ta tin là mẹ mình, vì vậy chàng rời nhà và cha mẹ nuôi của mình, lên đường hướng về thành thị.

Tại thành thị, chàng gặp một người lạ và xảy ra một cuộc chiến với người ấy. Một khi mà Oedipus giết chết người đàn ông xa lạ này, thì chàng ta kết hôn với người vợ góa của ông ta. Sau đó, chàng biết được rằng người đàn ông mà chàng đã giết là cha ruột của mình và rằng người vợ mới cưới thật ra là mẹ mình. Bằng cách cố gắng trốn tránh số phận, cả Laius và Oedipus đều đã hiện thực hóa những lời tiên tri.

Câu chuyện kịch tính này đã giúp cho lời tiên tri tự-ứng-nghiệm trở thành một phép tu từ phổ biến trong văn học và điện ảnh, nhưng nó cũng là một khái niệm được nghiên cứu nhiều trong tâm lý học.

Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm trong tâm lý học

Các nhà tâm lý học đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ về tác động của niềm tin và kỳ vọng của chúng ta đến kết quả sau cùng, nhất là khi chúng ta được thuyết phục rằng những dự đoán của mình rồi sẽ ứng nghiệm, ngay cả khi chúng ta không hề biết rằng mình đang có sự kỳ vọng.

Một ví dụ dễ hiểu khá phổ biến về lời tiên tri tự-ứng-nghiệm trong tâm lý học chính là “hiệu ứng giả dược” (placebo effect) (Isaksen, 2012). Hiệu ứng giả dược đề cập đến những cải thiện trong kết quả ghi nhận được ở các đối tượng nghiên cứu khoa học hoặc thử nghiệm lâm sàng, ngay cả khi những người tham gia thực chất không hề nhận được bất kỳ điều trị có ý nghĩa nào. Có thể thấy niềm tin của những người tham gia thật sự ảnh hưởng đến việc “điều trị” mà họ trải qua.

Hiệu ứng này được phát hiện trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và có thể mạnh mẽ đến mức các phương pháp quan trắc mới phải được sử dụng nhằm xem xét đến tác động của nó trên các phát hiện của thực nghiệm. Nghiên cứu về hiệu ứng giả dược đã chứng minh rằng niềm tin có thể là một thứ rất mạnh mẽ.

Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm trong xã hội học: Cách nhìn về lý thuyết của Robert Merton

Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm không chỉ là một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu tâm lý học, mà nó còn là một hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực xã hội học, lĩnh vực mà nó được phát hiện và định nghĩa lần đầu tiên bởi nhà xã hội học Robert Merton.

Merton sinh năm 1910 trong một gia đình nhập cư nghèo ở Đông Âu và lớn lên ở Philadelphia, nơi ông say mê xã hội học sau khi tham gia một lớp học tại trường Cao đẳng Temple College.

Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển sang Đại học Harvard và bắt đầu nghiên cứu dưới sự điều hành của một số nhà xã hội học hàng đầu thời bấy giờ.

Từ năm thứ hai tại Harvard, Merton đã tham gia công việc xuất bản cùng với những nhà xã hội học hàng đầu ấy, và cuối cùng bản thân ông trở thành một trong những nhà khoa học xã hội có ảnh hưởng nhất (Calhoun, 2003).

Có lẽ chính sự lớn lên của ông tại một trong những khu ổ chuột ở Nam Philadelphia đã tạo cơ sở cho lý thuyết của ông về lời tiên tri tự-ứng-nghiệm; sau cùng, sự phát triển của ông chính là một trong những quỹ đạo kinh điển của “giấc mơ Mỹ” mà thường đi kèm với niềm tin mạnh mẽ vào tài năng và năng lực của một người.

Merton đã đặt ra thuật ngữ "lời tiên tri tự-ứng-nghiệm", với định nghĩa là:

“Một nhận định sai lầm về tình huống khơi lên một hành vi mới khiến quan niệm sai lầm ban đầu trở thành sự thật”

(Merton, 1968, trang 477).

Nói cách khác, Merton nhận thấy rằng đôi khi niềm tin dẫn đến những hệ quả khiến thực tế khớp với niềm tin. Nói chung, những người đang ở trong một lời tiên tri tự-ứng-nghiệm thì sẽ không hiểu được rằng chính niềm tin của họ đã dẫn đến những hệ quả mà họ trông mong hoặc họ lo sợ—và đó thường là không có chủ ý, không giống như động lực tự thân (self-motivation) hoặc sự tự tin (self-confidence).

Những lời tiên tri này có thể liên quan đến các quá trình nội tâm (tức là niềm tin của một cá nhân ảnh hưởng đến hành vi của chính họ) và/hoặc các quá trình liên cá nhân (tức là niềm tin của một cá nhân ảnh hưởng đến hành vi của người khác).

Hiệu ứng giả dược (placebo effect) là một ví dụ về lời tiên tri tự-ứng-nghiệm nội tâm: Việc nghĩ rằng người bạn đời đang gian dối góp phần khiến người đó thực sự trở nên lừa dối (Biggs, 2009).

Mặc dù những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, Merton cảm thấy hứng thú nhất trong việc hiểu về cách mà hiện tượng này diễn ra trong định kiến và phân biệt chủng tộc. Ông nhận thấy rằng những người có định kiến về chủng tộc có khả năng đối xử với những người thuộc chủng tộc khác theo một cách thức mà từ đó dẫn đến việc củng cố cho định kiến của họ.

Ví dụ, những người xem người da màu là kém hiểu biết thì thường tránh nói chuyện với họ, vì vậy mà cũng sẽ không có cơ hội để chứng tỏ người có thái độ phân biệt chủng tộc là sai.

Và không có gì đáng ngạc nhiên, khi cả một nhóm người bị đối xử như thể là họ kém hiểu biết, họ cũng không nhận được những cơ hội như bao người khác để họ có thể tích lũy tri thức và nâng cao năng lực của họ.

Khi người ta biết rằng tất cả mọi người xem họ là “người khác” hay “kém hơn”, thì hiệu suất trung bình của những nhóm người bị phân biệt chủng tộc sẽ thấp hơn. Đó quả là một chu kỳ bất hạnh.


Rosenthal và Hiệu ứng Pygmalion

Những nghiên cứu này gợi ý rằng không chỉ kỳ vọng của chúng ta đối với bản thân có ảnh hưởng đến kết quả, mà kỳ vọng của chúng ta về người khác cũng có tác động đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta đối với họ.

Một thí nghiệm cổ điển của Robert Rosenthal và Lenore Jacobsen vào thập niên 1960 đã cung cấp bằng chứng cho ý tưởng này. Kết quả từ thí nghiệm này (và các khám phá khác sau đó) cho thấy rằng kỳ vọng của giáo viên đối với học sinh ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh nhiều hơn bất kỳ sự khác biệt nào về tài năng hoặc trí thông minh.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm của họ tại một trường tiểu học công lập, nơi họ chọn ngẫu nhiên một nhóm trẻ và nói với giáo viên rằng những học sinh này đã tham gia Bài kiểm tra Harvard về Khả năng Tiếp thu Biến tố Ngôn ngữ (Harvard Test of Inflected Acquisition) và được xác định là “những trẻ vượt trội” (growth-spurters). Họ giải thích rằng những đứa trẻ này có tiềm năng rất lớn và có khả năng sẽ phát triển rất nhiều về trí tuệ trong năm tới.

Họ thu thập dữ liệu về hiệu suất của tất cả học sinh và so sánh kết quả đạt được của học sinh “bình thường” so với kết quả đạt được của “những đứa trẻ vượt trội”. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những học sinh mà giáo viên mong đợi sẽ học tốt (tức “những trẻ vượt trội” được chọn ngẫu nhiên) thực sự đã cho thấy sự tiến bộ hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.

Bởi vì bọn trẻ không được báo về kết quả Bài kiểm tra Khả năng Tiếp thu giả (false) ban đầu, vậy nên cách lý giải duy nhất cho những kết quả này là kỳ vọng của giáo viên đã ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.

Hiệu ứng này, được gọi là Hiệu ứng Pygmalion (Pygmalion Effect), là một ví dụ về một lời tiên tri tự-ứng-nghiệm liên quan đến những tiến trình liên cá nhân (interpersonal processes). Như Rosenthal đã nói:

"Khi chúng ta mong đợi một số hành vi nhất định của người khác, chúng ta có khả năng hành động theo những cách khiến hành vi mong đợi có nhiều khả năng xảy ra hơn"

(Rosenthal & Babad, 1985).

Chu kỳ của lời tiên tri tự-ứng-nghiệm

Thật không khó để thấy rằng những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm có thể dẫn đến các chu kỳ suy nghĩ và hành vi—cả tốt lẫn xấu.

Khi chúng ta tin vào điều gì đó về bản thân, chúng ta có nhiều khả năng hành động theo những cách tương ứng với niềm tin của chúng ta, do đó củng cố niềm tin của chúng ta và khuyến khích hành vi tương tự dễ xảy ra.

Tương tự, khi chúng ta tin điều gì đó về người khác, chúng ta cũng có thể hành động theo những cách khuyến khích họ xác nhận các giả định của chúng ta, do đó củng cố niềm tin của chúng ta về họ.

Chúng ta sẽ chẳng bận tâm nhiều về các chu kỳ này khi mà kết quả là tốt đẹp, tuy nhiên chúng ta lại có một thuật ngữ chung cho những chu kỳ này khi kết quả là tiêu cực: đó là “vòng luẩn quẩn” (vicious cycles).

Một người thường xuyên nghi ngờ khả năng làm việc của mình có thể vô tình phá hoại chính bản thân. Vì rằng anh ta chắc chắn rằng công việc của mình là xoàng xĩnh, anh ấy có thể tránh bỏ nhiều thời gian và công sức vào nó hoặc hoàn toàn tránh luôn sự làm việc.

Điều này dẫn đến việc thiếu thực hành và kinh nghiệm, để rồi lại khiến cho nghiệp vụ của anh ta càng yếu kém, tiếp tục kéo theo việc tự nghi ngờ bản thân và thậm chí là hạ thấp lòng tự trọng (lower self-esteem).



Hình ảnh trên đây minh hoạ về những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm có thể dẫn đến những chu kỳ suy nghĩ và hành vi, cả tốt lẫn xấu:

1. Đầu tiên, chúng ta nuôi dưỡng một niềm tin hoặc một tập hợp các niềm tin về bản thân;

2. Những niềm tin này ảnh hưởng đến hành động của chúng ta đối với người khác;

3. Hành động của chúng ta đối với người khác, được hình thành bởi niềm tin của chúng ta về họ, tác động đến niềm tin của họ về chúng ta;

4. Niềm tin của họ khiến họ hành động theo những cách phù hợp với những niềm tin đó đối với chúng ta, điều này củng cố niềm tin ban đầu của chúng ta về chính chúng ta.

Chu trình này có thể áp dụng trong nhiều trường hợp và tình huống, nhưng đặc biệt dễ dàng xác định từng bước trong các tình huống giống như trong nghiên cứu nổi tiếng của Rosenthal về hiệu ứng Pygmalion (mặc dù có sự thay đổi ở bước đầu tiên):

1. Các giáo viên có thể có trước những định kiến (preconceived notions) về một số học sinh của họ — họ tin rằng một số học sinh vốn dĩ là những học sinh tài năng và đầy triển vọng, trong khi họ coi những học sinh khác là kẻ gây rối hoặc yếu kém về trí tuệ;

2. Một giáo viên có thể vô tình đối xử với những học sinh “có triển vọng” theo những cách phù hợp với niềm tin của họ, ví dụ: giúp đỡ trẻ nhiều hơn, khuyến khích trẻ làm tốt; và đối xử với những sinh viên “phiền phức” theo những cách tương tự phù hợp với niềm tin của họ. Ví dụ: quyết định không đầu tư nhiều công sức vào việc dạy các em, cho phép các em này “lướt qua” (skate) với những bài tập tầm thường;

3. Học sinh có thể thấy mình giống như cách mà giáo viên của các em thấy - những học sinh có triển vọng cảm thấy tự tin và có động lực, trong khi những học sinh phiền phức cảm thấy không thông minh và kém cỏi;

4. Sau đó, học sinh có thể hành động theo những cách phù hợp với niềm tin của các em về bản thân mình, củng cố những giả định ban đầu của giáo viên về các em.

Chu kỳ của lời tiên tri tự-ứng-nghiệm có thể tốt đối với những học sinh “có triển vọng”, nhưng chu kỳ này có thể gây hại cho những em được cho là kém cỏi hoặc thiếu năng lực bởi chính bản thân và/hoặc bởi người khác.

Xem tiếp Phần 2 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...