Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

HỌC THUYẾT VỀ NHÂN CÁCH CỦA ROLLO MAY

Rollo May Theory of Personality - Analysis
Nguồn: UK Essays – 5/7/2017 

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Rollo Reese May (1909-1994)


Rollo Reese May sinh ngày 21/4/1909, tại Ada, bang Ohio, Hoa Kỳ, bởi Earl Tittle và Matie Boughton; ông là con trai đầu lòng và là con thứ hai trong gia đình có sáu người con. Cả bố và mẹ đều không được học hành đến nơi đến chốn và có động cơ rất thiên về trí thức trong gia đình. Cha mẹ của May không hợp nhau và hôn nhân của họ kết thúc bằng việc ly hôn (C.George Boeree, 1998, 2006, tr.1).

Chị gái của May được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và người cha đổ lỗi cho căn bệnh là do học hành quá nhiều. Lớn lên May không được ở gần bố mẹ và rất ghét mẹ, ông xem mẹ mình như một "mụ mèo đáng ghét". Ông tin rằng hành vi của mẹ mình và việc chị gái mắc bệnh tâm thần phân liệt đã khiến ông trải qua hai cuộc hôn nhân thất bại. (Rabinowitz, Good, & Cozad, 1989).

May kết hôn ba lần và có hai cuộc hôn nhân thất bại, từ người vợ đầu tiên, ông có ba người con một trai và hai gái. Ông duy trì cuộc hôn nhân trong 30 năm vì những đứa con, nhưng sau đó nhận ra cuộc hôn nhân này chẳng thể làm gì để khá hơn và sau cùng ly hôn với người vợ đầu tiên. Cuộc hôn nhân thứ hai cũng không thành. Người phụ nữ cuối cùng mà ông kết hôn tên là Georgia Miller Johnson và là một nhà phân tâm theo trường phái Jungian và cuộc hôn nhân đó kéo dài từ năm 1988 cho đến khi ông qua đời vì bệnh lao (Theo Wikipedia, ông mất vì bị suy tim - ND). Con trai ông, Robert Rollo, là người điều hành tham vấn tại Đại học Amherst cùng với người em gái song sinh, Carolyn Jane, là một nhân viên xã hội, cũng vừa là một nghệ sĩ, và đứa con thứ ba là Allegra Anne, một nhà biên soạn phim tài liệu và là một bà mẹ đơn thân của hai đứa con đa chủng tộc được nhận nuôi (Bugental, 1996, tr.418).

Rollo May theo học tại Đại học Bang Michigan, về chuyên ngành Anh ngữ và bị yêu cầu rời khỏi trường vì đã trở thành biên tập viên của một tạp chí sinh viên cấp tiến, sau đó ông chuyển đến Đại học Oberlin, nơi ông nhận bằng cử nhân vào năm 1930. Sau khi tốt nghiệp, ông theo đuổi nghệ thuật và đã đi du lịch qua châu Âu với một nhóm nghệ sĩ. Ông đã ở lại châu Âu từ 1930 đến 1933, và ngoài việc nghiên cứu nghệ thuật, ông dạy tại Trường Đại học Hoa Kỳ (American College) ở Hy Lạp, từ đó ông tham gia các cuộc hội thảo mùa hè do Alfred Adler giảng dạy ở Vienna, Áo Quốc.

Vào năm thứ hai sống ở Châu Âu, ông bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời mình khi bị mắc phải căn bệnh lao. Trong khi nằm trong viện điều dưỡng, ông phải đối mặt với khả năng tử vong, ông đã dành nhiều thời gian để đọc các tác phẩm văn học. Tình cờ ông đọc được những tác phẩm của một nhà văn có tên là Soren Kierkegaard, một nhà văn tôn giáo người Đan Mạch, một người được truyền cảm hứng từ trào lưu hiện sinh. May trở nên có cảm hứng từ những ngôn từ thông thái của Soren Kierkegaard mà từ đó đã mang lại cho May nguồn cảm hứng để hình thành nên lý thuyết của riêng mình (C.George Boeree, 1998, 2006).

Rollo Reese May được biết đến nhiều nhất với tư cách là một nhà tâm lý học hiện sinh của Hoa Kỳ và ông được xem là cha đẻ của liệu pháp tâm lý hiện sinh (existential psychotherapy). May cũng liên quan đến với tâm lý học nhân văn; ông có một cách nghĩ khác về sự tồn tại của con người, sau đó như một nhà tâm lý học, sự tồn tại của con người trong ông trở nên rõ nét hơn theo chiều kích bi kịch.

Theo C.George Boeree, (1998, 2006) về Lý thuyết Nhân cách của May, đã phát biểu rằng Rollo Reese May, đã sử dụng các thuật ngữ khác nhau và phát minh ra các từ mới từ một số những ý tưởng cũ của chủ nghĩa hiện sinh, ví dụ từ “định mệnh” (destiny) cũng tương tự như “bị ném vào” (thrownness) và nó cũng liên hệ với ý niệm “sa xuống” (fallenness) - có nghĩa là một phần cuộc sống của con người là điều đã được xác định cho họ, ông cũng đưa ra một ví dụ khác về từ “can đảm” (courage), được sử dụng thường xuyên hơn một thuật ngữ vốn thường dùng theo truyền thống là “tính đích thực” (authenticity), vì nó có nghĩa là một người đối mặt với nỗi lo âu của mình và sau đó vượt lên trên nó (C.George Boeree, 1998, 2006).

* Thrownness: Khái niệm được đưa ra bởi triết gia Đức, Martin Heidegger, khi ông xem sự hiện hữu của con người như là được “ném” vào thế gian (Tiếng Đức: “geworfen”) – ND.

Theo Serlin và llene, công việc của May được duy trì bằng sự cân bằng giữa bóng tối và ánh sáng, giữa kinh nghiệm và trí tuệ. May xem xét những chủ đề cơ bản về sự tồn tại của con người chẳng hạn như bản chất của cái ác, tình yêu và ý chí, ý nghĩa của nỗi lo âu cũng như tầm quan trọng của huyền thoại. May đã truyền cảm hứng cho nhiều người và điều này đến từ khả năng của anh ấy trong việc đặt tên cho một khoảng trống để tạo ra một khuôn mặt cho nó, đặt tên cho cái ác nhưng hướng tới điều thiện, nhìn thấy sự vô nghĩa nhưng là để khám phá ý nghĩa và đối mặt với cái chết nhưng lại để tạo ra sự sống. May tham gia phong trào phản chiến và nhiều hoạt động xã hội khác, ông đã dạy dỗ và dìu dắt vô số sinh viên và tự gọi mình là một “kẻ nổi loạn tao nhã” (gentle rebel) (Serlin, llene A. Tikkun, 1995, tr.65), khi đối diện với một thế giới ngày càng trở nên phi nhân tính. .

Những lý thuyết về nhân cách của Rollo Reese May: Trong khi chịu ảnh hưởng của Freud, Kierkegaard và Tillich, ông đã phát triển một lý thuyết về nhân cách dựa trên triết học hiện sinh và từ đó, ông chấp nhận thuật ngữ sau: Dasein – một từ tiếng Đức có nghĩa là “hiện hữu” – (Tiếng Đức - da: "there"; sein: "to be") có nghĩa là một người cụ thể trong một thế giới có thời gian cụ thể và tồn tại trong một số những hoàn cảnh cụ thể.

BA PHƯƠNG THỨC CỦA SỰ TỒN TẠI THEO MAY (May’s Three Modes of Existence)

Umwelt là tương tác với thế giới vật chất,

Mitwelt là tương tác với những người khác, và

Eigenwelt là tương tác với chính mình.

Xa lánh (alienation) là khi một người trở nên xa rời với khía cạnh bản chất, dẫn đến cảm giác cô đơn, trống trải và tuyệt vọng, điều này xảy ra bởi vì ba phương thức tồn tại đều trở nên xa lạ với bản chất và với những người khác.

May mô tả về sự tự do mà trong đó một người có thể tự do lựa chọn ý nghĩa cho sự tồn tại của chính mình. Vì một người được tự do lựa chọn kiểu người mà họ trở thành, họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ trở thành; hoàn cảnh số phận của một người có thể được tán dương hoặc bị đổ lỗi là tuỳ vào bản chất của sự tồn tại của họ, bởi vì chúng ta có trách nhiệm với chính mình. Bản thể học (Ontology) là môn nghiên cứu về sự hiện hữu. Trong chủ nghĩa hiện sinh, phân tích bản thể học (ontological analysis) nhắm đến việc tìm hiểu bản chất của con người nói chung và của cá nhân nói riêng. Hiện tượng học (Phenomenology) là môn nghiên cứu về trải nghiệm có ý thức vì nó tồn tại đối với con người khi không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm bớt, phân chia hay ngăn cách nó. Tính đích thực (Authenticity) là khi con người sống cuộc sống của họ phù hợp với các giá trị mà họ tự do lựa chọn, họ đang sống cuộc sống đích thực. Tuy nhiên, nếu mọi người tuân theo các giá trị do người khác thiết lập, họ đã không thực hiện quyền tự do cá nhân của mình và do đó đang sống cuộc sống không đích thực (inauthentic lives); tính “không đích thực” có liên quan nhân quả đến chứng lo âu và tội lỗi mang tính nhiễu tâm, cùng cảm giác cô đơn, kém hiệu quả, tự xa lánh và tuyệt vọng. Cái chết bởi vì con người là phàm nhân và bởi vì chết sau cùng cũng là một trạng thái phi hiện hữu (state of nonbeing), việc nhận thức về cái chết là điều con người không thể tránh khỏi sẽ có thể gây ra lo âu. Nguồn gốc của sự lo âu là một phần trong sự tồn tại của con người và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ý thức về cái chết có thể tiếp thêm sức sống bằng cách thúc đẩy một người sống hết sức có thể trong một khoảng thời gian có hạn. Việc được “ném” vào thế gian đã định ra hoàn cảnh sống của một người mà việc này không thể kiểm soát được. Những tác giả khác theo thuyết hiện sinh gọi đây là việc “bị ném vào thế gian” (thrownness) và May gọi nó là “định mệnh” (destiny).

May là nhà tâm lý học hiện sinh duy nhất bàn về những giai đoạn nhất định, nhưng không nghiêm ngặt như sự phát triển theo trường phái Freud.

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN THEO ROLLO MAY

Giai đoạn “hồn nhiên” (Innocence) là giai đoạn trước khi có ý thức về bản ngã của một đứa trẻ sơ sinh (pre self conscious stage). Đó là một sự “hồn nhiên tiền luân lý” (innocent of premoral) - không có xấu cũng không có tốt, được mô tả giống như một con dã thú phải giết con mồi để ăn là vì con vật đó phải ăn, nó phải làm những gì mà nó buộc phải làm.

Giai đoạn “nổi loạn” (Rebellion), tương đương thời thơ ấu và vị thành niên, là khi mà cái tôi (ego) hay sự ý thức về bản thân (self counsciousness) đối lập với một người trưởng thành - từ kiểu nói “Không” khi là đứa trẻ mới 2 tuổi cho đến tình trạng “Hết Cách” (no way) ở tuổi thiếu niên - có nghĩa là người nổi loạn đòi hỏi sự tự do cho mình nhưng chưa hiểu về những trách nhiệm đi kèm theo đó. Một thiếu niên muốn sử dụng tiền trợ cấp của họ vào bất cứ việc gì họ muốn, nhưng đó vẫn là những việc mà cha mẹ phải cung cấp tiền, thế mà vẫn phàn nàn về việc cha mẹ không công bằng với mình.

Giai đoạn “bình thường” (Ordinary) là khi hình thành cái tôi của một người lớn bình thường, theo thông lệ và hơi nhàm chán, có lẽ họ đã học để được trách nhiệm, nhưng nhận thấy nó quá khắt khe, và vì vậy tìm kiếm nơi ẩn náu trong sự tuân thủ (conformity) và các giá trị truyền thống.

Giai đoạn “sáng tạo” (Creative) là lúc trở thành một người trưởng thành đích thực, là giai đoạn hiện sinh (existential stage), vượt ra khỏi cái Tôi và tự hiện thực hóa. Đây là một người, biết chấp nhận số phận, đối mặt với sự lo âu với lòng can đảm. 

TÌNH THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN CỦA CON NGƯỜI (Human Dilemma)

Theo May (1967), tình thế tiến thoái lưỡng nan của con người là khi con người có thể đồng thời xem mình vừa là chủ thể vừa là khách thể. Mô tả của May về sự phân đôi đối tượng-chủ thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, không phải lúc nào cũng nhất quán. Con người có khả năng xem mình như một đối tượng của những điều xảy ra với họ, mà những thứ đó cũng bị ảnh hưởng bởi số phận của họ. Những yếu tố khách quan (objectives), tức các biến số sự kiện (events of variables) được gây ra bởi stress có thể dẫn đến những hành vi của một người, đến lượt những hành vi này trở thành sự kích thích xảy ra theo những cách thức nhất định và ảnh hưởng trên cách thức người ta phản ứng lại với cách thức kích thích đó. Tính chủ quan (subjective) là khi người đó nhận thức được thực tế đang xảy ra với họ và hành động dựa trên những thông tin giúp họ xác định được trải nghiệm nào có giá trị và trải nghiệm nào không có giá trị đối với họ, và sau đó hành động dựa theo cách thức định hình của cá nhân họ (personal formulations) (May, 1977).

Cách mô tả của May về mối liên hệ tự thân (self-relatedness) thì được phân biệt với cách một người trở về với bản chất của mình. Đó là “khả năng của một người đứng ra ngoài chính mình, biết mình vừa là chủ thể vừa như là đối tượng của trải nghiệm, xem bản thân mình như là một thực thể mà chính mình đang tác động trong thế giới của các đối tượng” (May, 1967, tr. 75).

Con người có thể xem xét thế gian và chúng ta cũng có thể xem xét bản thân; việc xem xét và liên hệ tự thân hoặc ý thức về bản thân cho phép con người thoát khỏi thuyết tất định (determinism) và những ảnh hưởng cá nhân đối với những gì chúng ta làm. Ý thức về bản thân có thể mang lại cho chúng ta sức mạnh để đứng ngoài “chuỗi kích thích và phản ứng” cứng nhắc để tạm dừng lại và bằng cách tạm dừng lại đó có thể để gác một số gánh nặng sang một bên, có thể sắp xếp lại một số quyết định và những gì mà mình sẽ đảm nhận lấy trách nhiệm (May, 1953).

Theo cảm nhận của May về hai nhà tâm lý học Skinner và Rogers, ông cảm thấy rằng họ đã nhấn mạnh một trong hai mặt của tình thế lưỡng nan này, nhưng phải đổi lại bằng những thứ khác. Skinner đã tránh né tính chủ quan của những trải nghiệm. May thì cảm thấy rằng con người không phản ứng với trải nghiệm bên trong của họ về môi trường bên ngoài, mà họ xem xét môi trường bên ngoài dựa theo những kinh nghiệm trong quá khứ của họ và họ giải thích nó bằng các thuật ngữ biểu tượng của riêng họ về niềm hy vọng và nỗi sợ hãi (May, 1967).

Mô tả của May về sự chủ định (hoặc “ý định” - intentionality – một thuật ngữ triết học, chỉ hoạt động của tâm trí hướng về một/vài đối tượng bên ngoài – ND) hàm nghĩa là tất cả các hoạt động tâm trí đều hoàn toàn có tính chủ quan về cách thức nó được dự định hoặc cách nó liên quan đến các sự kiện từ bên ngoài của một người. Một ví dụ được đưa ra ở đây là: tình yêu là một trải nghiệm chủ quan nhưng người ta phải yêu một ai đó. Nhận thức là một trải nghiệm chủ quan, nhưng người ta phải nhận thức về một điều gì đó (May, 1969).

TẦM QUAN TRỌNG CỦA HUYỀN THOẠI

May (1991) tin rằng huyền thoại (Myth) là cách để tạo ra ý nghĩa trong một thế giới vô nghĩa, và là một mẫu hình tường thuật mang lại ý nghĩa cho tồn tại xã hội (Nguyên văn: “myth is the way of making sense in a senseless world, and is a narrative pattern that gives the significance to the society of existence”), các vấn đề trong xã hội như sự sùng bái, nghiện ma túy, tự tử và trầm cảm được bắt nguồn từ việc thiếu những huyền thoại có thể cung cấp cho các cá nhân một cảm giác an toàn bên trong của họ.

Lo âu và cảm giác tội lỗi

May thực sự quan tâm đến nỗi lo âu và tội lỗi của con người; ông bác bỏ cách giải thích của Freud về sự lo âu như là kết quả của những xung đột giữa nhu cầu sinh học của một người và nhu cầu của xã hội. May cảm thấy rằng phân tích của Freud quá dựa trên yếu tố sinh học và chia tách tâm trí ra các phần khác nhau (too biological and compartmentalized) và Freud chỉ xem sự lo âu như là kết quả của sự xung đột giữa các thành phần cái Ấy, cái Tôi và cái Siêu Tôi, nhưng thay vào đó May đã đồng thuận với định nghĩa hiện sinh của Kierkegaard vì lý thuyết của Kierkegaard về sự tự do và nỗi lo âu của con người luôn đi đôi với nhau.

Lo âu bình thường (normal anxiety) là khi một người trải qua nỗ lực mở rộng ý thức của mình hoặc khi các giá trị mới đến thay thế cho những giá trị cũ bởi vì có những thay đổi trong hoàn cảnh sống của con người và nó là một phần không thể thiếu của sự phát triển lành mạnh, lý thuyết của May cho rằng tất cả tình trạng gia tăng lo âu đều được tạo nên bởi sự đầu hàng của các giá trị quá khứ (Nguyên văn: “all growth of anxiety is the creation of surrender past values”) (May, 1967).

Lo âu nhiễu tâm (neurotic anxiety) là khi một người không đáp ứng được sự lo âu bình thường của họ vào thời điểm khủng hoảng thực sự trong quá trình phát triển của họ và những mối đe dọa cho các giá trị của họ, qua đó lo âu nhiễu tâm xuất hiện như là kết quả của sự lo âu bình thường trước đó chưa được đáp ứng (May 1967). Theo hiểu biết của tôi (tác giả) về lý thuyết về lo âu của May, là khi một người đang gặp vấn đề, nhưng vấn đề không quá lớn và có thể được giải quyết thì nỗi lo âu đó là bình thường. Ví dụ, khi đến lúc viết bài, sự lo lắng bình thường của tôi bắt đầu xuất hiện và tôi bắt đầu cảm thấy khó thở và sau đó thấy khó tập trung và rồi tôi phải đi ra ngoài một chút để thư giãn. Lo âu nhiễu tâm là khi một người có vấn đề và không thể kiểm soát cảm giác của mình, rồi bắt đầu nghĩ rằng cuộc sống sẽ trở nên không còn tốt đẹp đối với họ, họ có thể bắt đầu trở nên trầm uất, cảm thấy cô đơn, không làm được chuyện gì trong đời sống, nhưng tất cả cũng còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mà người ấy đang trải qua.

BỐN MÔ TẢ CỦA MAY VỀ TÌNH YÊU - SEX, EROS, PHILIA & AGAPE:

Tình dục (Sex) là động cơ sinh học có thể được thỏa mãn bằng cách tham gia vào quan hệ tình dục, giống như ăn có thể thỏa mãn cơn đói, cả hai đều có thể được kích hoạt bởi nhu cầu và sự sẵn có của đối tượng để thỏa mãn nhu cầu (May, 1969).

Một trong số các vị thần daimons quan trọng là thần ái tình Eros, mà đối với May là tình yêu chứ không phải tình dục, và trong thần thoại Hy Lạp là một vị thần nhỏ mang hình hài là một chàng trai và sau đó Eros đã chuyển thành một thần tình yêu bé nhỏ thường gây khó chịu (annoying little cupid). May hiểu rằng tình yêu là nhu cầu của con người, trong đó một người phải cùng với một người khác để trở thành “một” và được qui về một câu chuyện cổ Hy Lạp được kể bởi Aristophanes, rằng con người ban đầu là một sinh vật bốn chân, bốn tay và có hai đầu; và con người trở nên tự hào khi các vị thần đã tách con người ra thành hai, một nam và một nữ, và thao chúng ta như một lời nguyền với lòng khát khao bất tận muốn phục hồi lại nửa phần thân đã bị mất - theo May, giống như bất kỳ tiểu thần daimon nào, Eros cũng là một điều tốt cho đến khi nó “chiếm lấy” nhân cách và khiến người ta bị ám ảnh bởi nó. Cũng có thể tin rằng lý thuyết về ý chí (theory of will) là một khái niệm quan trọng khác và đó là khả năng một người tổ chức cuộc sống của họ để đạt được mục tiêu của họ và chính ý chí đó cũng là một daimon có thể có tiềm năng “tiếp quản” một người (take over a person). Một định nghĩa khác về ý chí là khả năng biến một ước nguyện trở thành hiện thực. (Boeree, C. George, 1998, 2006)

Philia là mô tả thứ ba về tình yêu - là tình bạn hoặc tình anh em.

Philia: Là một trong 4 từ chỉ về tình yêu trong tiếng Hy Lạp cổ: philia, storge, agape và eros. Trong bộ sách Nicomachean Ethics của Aristotles, “philia” thường được dịch là “tình bạn” hoặc “tình yêu thương” – Đối nghĩa với “phobia”, nghĩa là “sợ” – Chú thích của ND.

Theo May, Eros không thể tồn tại lâu nếu không có Philia vì sự căng thẳng sẽ là quá lớn do sự hấp dẫn và đam mê liên tục (May, 1969). Philia là sự thư thái trước sự hiện diện của người mình yêu và chấp nhận bản thể của người kia; nó chỉ đơn giản là thích ở cùng với người kia, thích an yên với người kia, thích nhịp điệu bước đi, giọng nói, toàn bộ con người của người kia.

Agape là kiểu yêu thương thứ tư, mà theo May (1969), là sự quan tâm vô vị lợi đối với người bạn đời của mình và là khía cạnh của tình yêu vô điều kiện.

MỘT KHOA HỌC MỚI VỀ CON NGƯỜI

Theo May, một cách tiếp cận của nghiên cứu về bản chất con người, không nên chỉ giới hạn trong các lĩnh vực như: tập hợp các thói quen, chức năng não, các đặc điểm được xác định về mặt di truyền, trải nghiệm ban đầu hoặc các sự kiện môi trường - tất cả những gì cần thiết cho khoa học về con người đều phải dựa trên đặc trưng bản thể học (ontological characteristic) của con người và rằng khoa học cần xem xét đến quyền tự do của con người và tầm quan trọng của những trải nghiệm hiện tượng học của họ, việc sử dụng các biểu tượng và huyền thoại cũng như khả năng đưa ra quyết định của quá khứ, hiện tại và tương lai – tất cả quá trình này đều phải được xem trọng.

Những nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện bởi hầu hết các nhà lý thuyết hiện sinh đều không quan tâm đến tính chính xác thực nghiệm (empirical validation) của các khái niệm của họ. Họ tin rằng nơi xác nhận các khái niệm của họ chính là khi diễn ra cuộc sống thường ngày, hoặc trong những tình huống trị liệu, chứ không phải trong phòng thí nghiệm vận hành tự động hoặc trong những môi trường làm khảo sát. Theo Van Kaam (1966), một nhà tâm lý học hiện sinh đã tóm tắt quan điểm này như sau: “Những loại trải nghiệm như trách nhiệm, khiếp sợ, lo âu, tuyệt vọng, tự do, tình yêu, ngạc nhiên hay sự quyết định, không thể được đo lường hoặc thử nghiệm; chúng đơn giản ở đó và chỉ có thể là giải thích trong sự cho sẵn của chúng” (Van Kaam, 1966). (Nguyên văn: “Experience such as responsibility, dread, anxiety, despair, freedom, love, wonder or decision cannot be measured or experimented with, they are simply there and can only be explicated in their givenness”).

May không bác bỏ ý tưởng nghiên cứu khách quan về con người, mà chỉ cảm thấy rằng phương pháp luận khoa học truyền thống là không phù hợp, nhưng ông cảm thấy, điều cần thiết phải có đó là một cách tiếp cận nghiên cứu con người những sinh thể mang tính toàn thể, phức tạp và độc nhất. Nhiều ngành khoa học hoan nghênh ý tưởng của Mays về việc phát triển một khoa học phù hợp hơn trong việc nghiên cứu về con người và không dựa trên các giả định và kỹ thuật của khoa học tự nhiên (Hergenhanh & Olson, 2007).

PHẦN KẾT LUẬN

Học thuyết về nhân cách của Rollo Reese May rất có tính truyền cảm hứng, với tư cách là một nhà tâm lý học, ông coi mọi người như những con người chứ không chỉ như là những đối tượng thực nghiệm. Các lý thuyết của ông giải thích về các loại lo âu khác nhau và ý nghĩa của chúng trong bản chất con người, ông cũng giải thích sự khác biệt của tình yêu và ý chí đạt đến mục đích. Tôi (tác giả bài tiểu luận) cảm thấy rằng May Reese Rollo, thực sự quan tâm đến mọi người và khi ông mắc bệnh lao, ông thấy cần cho mọi người hiểu về cái chết và ý nghĩa của cái chết, và rằng mọi người cũng không nên sợ nó, bởi vì một ngày nào đó chúng ta sẽ rời khỏi thế gian này và cũng không nên sợ hãi đối với từ “cái chết”. Tôi nhớ đã nói với mẹ mình rằng tôi sợ già và sợ chết và tôi không hiểu tại sao mình lại cảm thấy như vậy, nhưng khi lớn lên và nhận ra rằng một ngày kia, chúng ta sẽ rời khỏi thế gian này vậy nên chúng ta vui hưởng phần đời còn lại. Đừng lo lắng về cái chết và Thượng Đế sẽ biết khi nào chúng ta cần phải rời đi…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...