Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

CHUYÊN VIÊN THAM VẤN HỌC ĐƯỜNG và SỰ KẾT NỐI VỚI CÁC NHÂN VIÊN NHÀ TRƯỜNG

“Connect with Staff as a School Counselor”

Tác giả: COUNSELOR CHELSEY

Nguồn: Confident Counselors – 4/10/2017

Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường



Trở thành chuyên viên tham vấn học đường hoặc chuyên viên tâm lý học đường đôi khi sẽ có cảm giác như mình chỉ sống trong một hòn đảo tách biệt khỏi thế gian. Bạn không phải là giáo viên, bạn cũng không phải là nhân viên hành chính; nó thường khiến bạn có cảm giác như mình không thật sự thuộc về nơi này. Mọi việc sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi nhiều chuyên viên tham vấn học đường hoặc chuyên viên tâm lý học đường thường xuyên phải di chuyển qua lại nhiều cơ sở trường học khác nhau, và chỉ có mặt ở một trường nào đó chỉ vài ngày trong tuần. Vậy nên việc kết nối với các giáo viên/nhân viên nhà trường là một thách thức không nhỏ đối với các chuyên viên tham vấn tâm lý. [Tình trạng làm việc được nói đến là ở Hoa Kỳ, khi một chuyên viên làm việc với nhiều trường – Chú thích của TN Online].

Khi mới trở thành một chuyên viên tham vấn học đường, tôi (tác giả bài viết) đến làm việc ở trường 2-3 ngày một tuần, văn phòng của tôi ở tầng hầm, và tôi được thuê qua trung gian một cơ quan làm dịch vụ sức khỏe tinh thần, điều đó có nghĩa là tôi thậm chí còn không có địa chỉ email của trường. Tôi nghĩ là những người làm việc chung với tôi đôi khi còn quên mất sự hiện diện của tôi.

Mặc dù chúng ta đi làm không phải là để kết bạn, nhưng cảm giác được kết nối với những người xung quanh cũng là điều quan trọng. Tôi nhận ra rằng khi cảm thấy được kết nối và đánh giá cao, tôi sẽ hào hứng làm việc và nỗ lực hết mình. Tôi cũng nhận ra rằng nếu các giáo viên/nhân viên không biết tôi ở đó, có thể họ sẽ không cần đến dịch vụ của tôi. Họ không thể giới thiệu học sinh đến, họ không thể yêu cầu tôi tham gia vào việc lập những kế hoạch điều chỉnh hành vi của học sinh và họ cũng không thể trao đổi với tôi về những chiến lược xây dựng văn hóa ứng xử như thế nào là tối ưu cho lớp học của họ. Tôi biết rằng nếu tôi muốn công việc của mình hiệu quả hơn, cần phải thay đổi điều gì đó. Các giáo viên/nhân viên của trường cần phải biết đến sự hiện diện của tôi.

Tôi rất vui được chia sẻ với các bạn một số bước mà tôi đã thực hiện để từ một “cô gái ở tầng hầm” không ai biết đến đã trở nên có được những mối quan hệ tuyệt vời với nhiều đồng nghiệp của tôi.

LỘ DIỆN

“Xa mặt thì cách lòng”. Thật không may, đây có thể là một vấn đề đối với nhiều chuyên viên tham vấn học đường. Nếu giáo viên và nhà trường không nhìn thấy bạn đủ nhiều, họ khó có thể nhớ đến bạn. Như tôi đã đề cập ở trên, văn phòng của tôi từng ở tầng hầm của trường học. Rào cản vật lý này có nghĩa là tôi chỉ có thể "vô tình" gặp các giáo viên trên đường đến phòng vệ sinh hoặc khi đi lấy nước uống. Sau nhiều ngày cô đơn, tôi quyết định nỗ lực để được lộ diện. Dưới đây là một số chiến lược mà tôi đã sử dụng:

- Hãy đến lớp học để nhận học sinh, thay vì gọi các em xuống phòng làm việc của mình,

- Đi dạo dọc các hành lang trước giờ làm việc hoặc khi tan tầm,

- Hãy gửi một lời chào đến bất kỳ giáo viên/ nhân viên nào mà bạn gặp, 

- Tham dự các cuộc họp mà bạn cảm thấy có ích, ngay cả khi không bắt buộc.

TÌM ĐỒNG MINH

Việc phải có một lịch trình bận rộn và thậm chí có thể không có mặt toàn thời gian tại trường, khiến tôi có rất ít thời gian để kết nối với đội ngũ nhân viên nhà trường. Thay vì cố gắng kết nối với mọi người trong trường, hãy tập trung vào những người mà bạn phải làm việc gần gũi nhất và những người có thể hỗ trợ công việc của bạn trong trường. Có thể đó là một giáo viên có một số học sinh trong lớp đang gặp khó khăn về hành vi, đó cũng có thể là vị chuyên viên tâm lý của trường, hoặc có thể đó là vị giáo viên về giáo dục đặc biệt. Cho dù đó là ai, hãy bắt đầu từ họ. Làm quen, đến lớp học của họ, trò chuyện với họ. Tìm những người đánh giá cao bạn và công việc của bạn, và tập trung nỗ lực của bạn vào đó.

KẾT NỐI VỚI GIÁO VIÊN BÊN NGOÀI TRƯỜNG HỌC

Điều này không chỉ có nghĩa là gặp gỡ với giáo viên bên ngoài trường học, mà còn có thể là kết nối thông qua cuộc sống của họ bên ngoài trường học về đời sống riêng của họ. Các giáo viên trong trường của bạn có con không? Hỏi thăm về chúng, hỏi thăm tình hình học tập của chúng, mua ủng hộ những chiếc bánh bán để gây quỹ cho phong trào mà các trẻ ấy tham gia, hỏi xem ảnh của những trẻ ấy… Cũng giống như tham vấn chỉ là một phần trong cuộc sống của bạn, việc dạy học cũng chỉ là một phần trong cuộc sống của các giáo viên này. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để kết thân. Bạn cũng có thể làm điều này bằng cách kết nối thông qua các sự kiện bên ngoài. Trường học của bạn có tổ chức phong trào gì không? Hãy đăng ký tham gia. Trường của bạn có tổ chức đi ăn với nhau không? Nhờ họ mang về cho bạn một chiếc bánh ngon nào đó. Tận dụng các cơ hội để kết nối với đội ngũ với tư cách cá nhân, chứ không chỉ với tư cách là một chuyên gia.

NỖ LỰC

Giống với bất kỳ mối quan hệ bạn bè nào, việc xây dựng mối quan hệ với giáo viên và các nhân viên khác của trường cần sự nỗ lực và chủ động. Có thể có chút khó chịu khi viên thư ký chuyên môn của nhà trường nhìn thấy bạn đi đi lại lại 50 lần một ngày, nhưng đó cũng có thể là cách nhắc nhở cô ấy về việc gọi cho bạn khi có một phụ huynh cần ghé đến làm việc. Có thể bạn sẽ không thoải mái khi ăn ở phòng nghỉ của giáo viên với một giáo viên khác mà bạn không thân lắm. Tuy nhiên, sự cố gắng đó sẽ giúp các nhân viên trong trường có cơ hội để hiểu hơn về bạn và công việc tuyệt vời của bạn, ngay cả khi điều đó có gây ra chút ngượng ngùng cho bạn.

Chuyên viên tham vấn học đường là những người bận rộn. Quay vòng giữa các khủng hoảng của học sinh, các nhóm tham vấn, các tiết dạy trên lớp, các buổi họp về kế hoạch cá nhân cho học sinh (IEP), thì dường như chẳng còn lại nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội để kết nối với đội ngũ nhà trường có thể rất quan trọng đối với niềm an vui và hiệu quả làm việc của bạn.

Bài viết trên đây phản ánh nhãn quan của người viết, một chuyên viên tham vấn học đường trong những năm đầu vào nghề tại Hoa Kỳ. Còn nhiều khía cạnh khác trong mối quan hệ nghiệp vụ mà một chuyên viên tham vấn học đường cần chú tâm phát triển khi làm việc với đội ngủ nhân viên nhà trường nơi mình công tác. Bạn đọc có thể xem và liên hệ với hoàn cảnh VN và những nội dung ấy có thể sẽ được phân tích tiếp ở những bài khác trên Blog Trăng Non Online sau này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...