Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

SÁNG TẠO HUYỀN THOẠI - Phần 2

“Creative Mythmaking”

Tác giả: ADAM BLATNER

Nguồn: Một phần trong bài giảng tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về Ý nghĩa Cá nhân (The Second International Conference on Personal Meaning), ở Vancouver, British Columbia, Canada vào ngày 21/7/2002) - Được đăng trên website của tác giả ngày 27/7/2002.

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non.



Xem lại Phần 1

Phần 2

VUI CHƠI (PLAY)

Thành tố thứ ba trong việc sáng tạo huyền thoại đã được gợi ý ở phần đầu, nhưng ở đây chúng tôi xin nói rõ hơn. Sự sáng tạo sẽ khởi sắc nhất trong một môi trường “vẫn an toàn khi sai sót” (fail-safe environment), trong một bối cảnh mà việc mắc lỗi không phải là vấn đề lớn cả. Sáng tạo đòi hỏi việc giảm bớt nỗi lo âu về việc đảm nhận những rủi ro trong một bối cảnh có tính vui chơi.

Vui chơi ở đây không có nghĩa là chuyện phù phiếm. Ít ai nghiêm túc như một đứa trẻ trong lúc chơi. Hơn nữa, đây còn có nghĩa sự linh hoạt trong mỗi khoảnh khắc, rằng không phải mọi việc đều phải có công hiệu ngay lập tức, rằng bạn có quyền tự do “bày bừa” một ý tưởng hoặc “ngớ ngẩn” thực hiện một kỹ thuật trong tiến trình cải thiện nó. Nó trái ngược với việc “đã biết câu trả lời thế nào là đúng” và chúng ta nên chú ý đến việc có quá nhiều kiểu giáo dục hiện đại trở nên mòn mỏi với những kiểu học tập dựa trên thực tế này (this fact-based type of learning). (Phải thừa nhận rằng, cũng có một nhu cầu nào đó đối với hình thức “học dựa trên thực tế”, những điều Hirsch mà gọi là “sự đọc hiểu văn hóa” (cultural literacy), nhưng khi cách tiếp cận này quá trớn, nó sẽ che mờ đi một phần lớn của thực tế đời sống, mà phần này vốn không dựa vào những gì được biết như là “thực tế”, nhưng chúng còn ảnh hưởng nhiều hơn trên những kỹ năng sống mà một người có thể ứng phó với những tình huống – mà rất nhiều kỹ năng sống trong số đó thậm chí không ứng phó với những sự việc thực tế, chúng ứng phó với những mối quan hệ với con người, với những cảm nhận, với sự nhạy cảm nghệ thuật liên quan đến một tình huống, với sự điều động và tài xử trí về mặt chính trị… Bạn cần có “kỹ năng chơi” (play skills) đối với những chiều kích này của cuộc sống).

KỊCH (DRAMA)

Thành tố thứ tư này là kịch tính hóa sự kiện. Thực vậy, có một nhu cầu cần phải biết bằng cách nào và khi nào thì nên “phi kịch tính” (non-dramatic), mà là vấn đề thực tế. Tuy nhiên, cũng như việc “học dựa trên thực tế” đã nêu ở trên (và những điều mà nó có liên quan), những thứ như cách nhận thức “phi kịch tính”, sự trao đổi tri thức, tính thuần lý và những điều tương tự, thực ra chỉ bao gồm một phần nào đó trong cuộc sống mà thôi, và đối với nhiều người, đó không phải là một phần quá lớn. Vâng, đối với nhiều người, sẽ tốt hơn nếu phần đó mở rộng ra thêm một chút – họ đã có thể sống với sự hợp lý hơn! Đây là lợi ích của liệu pháp nhận thức. Tuy nhiên, người ta có thể đã quá cường điệu về sự “diễn ngôn lấy ngữ nghĩa làm trung tâm” (logocentric discourse) – một thuật ngữ hoa mỹ của xu hướng hậu hiện đại dành cho các tương tác tập trung vào sự thảo luận hữu lý (reasonable discussion).

Cũng nên có một nơi trong đời sống dành cho sự bùng nổ và xuất hiện ra những màu sắc, mà một số dễ thu hút sự chú ý, với những thành tố cần được làm với những cảm nhận hơn là bằng những lý lẽ. Và bạn cần tự cho phép mình làm một số điều như thế trong đời sống của chính mình. Tôi nghĩ có lẽ tất cả chúng ta cần khoảng 5% chứng “hung cảm tự đại” (megalomania – một thuật ngữ chỉ tình trạng một người tự thấy mình có những khả năng và quyền hạn phi thường, gần giống với “grandiose” – ND), thật sự tin tưởng rằng bạn tuyệt vời – ít nhất theo một cách nào đó. Bạn có thể kìm giữ những điều này bên trong một thái độ nói chung là khiêm tốn - bởi vì khiêm tốn, bạn thấy đó, cũng có thể trở nên quá trớn. Đó là mục đích của những buổi tiệc hóa trang và lễ hội hóa trang, để giúp cho mọi người tái kết nối bằng một cách thức mãnh liệt, để cho những siêu anh hùng, những ông vua và những bà hoàng bên trong có dịp được được bộc lộ và được thưởng thức.

Kịch là một sự soạn thảo công phu mang tính nghệ thuật và thống hợp bởi thơ, vũ, hoạ và truyện, nó là một trong những chức năng tự nhiên nhất của con người. Đó là những gì chúng ta đã làm ngay từ thời kỳ con người còn ở trong hang động: chúng ta đã diễn xuất những câu chuyện về những sứ mạng anh hùng. Billy rơi xuống một cái hố và chúng ta phải sử dụng tài khéo léo của mình để đưa anh ấy ra. Sarah giúp chúng ta bắt giữ Kanguroo, và nói với mọi người cách cô ấy đã làm điều đó! (Xem bài viết của tôi trên trang web này về chủ nghĩa anh hùng thật sự là gì.) Vì thế chiều kích này cũng cần được đan kết trong sáng tạo huyền thoại: Dám tạo nên câu chuyện cuộc sống có gì đó mang vẻ kịch tính.

THÔNG DIỄN VÀ NGỮ NGHĨA (HERMENEUTICS AND SEMANTICS)

Thông diễn là một từ hay – nó là một thuật ngữ từng được sử dụng để mô tả hoạt động của công việc diễn giải. Dĩ nhiên chúng ta luôn diễn giải (interpreting) những trải nghiệm của mình, nhưng từ này giúp chúng ta nhận ra đó là một hoạt động, đặt một loại khuôn khổ xung quanh sự nỗ lực, và khi đã được đặt tên như vậy, nó mời gọi chúng ta xem xét rằng liệu có thể có những cách tốt hơn và tệ hơn để làm việc đó. Hơn nữa, thông diễn còn đề xuất một “nghệ thuật” diễn giải và đặt ra những ý tưởng và kỹ thuật để làm tốt điều này. Về nguồn gốc, thuật ngữ này từng được sử dụng trong nghiên cứu tôn giáo và trong phê bình văn học. Hiện nay, chúng ta hãy sử dụng ý tưởng chung này để giúp chúng ta khi trải qua thách thức của quá trình sáng tạo huyền thoại này.

Ý nghĩa của tất cả những trải nghiệm mà bạn có là gì? Bằng cách nào chúng ta có thể diễn giải mớ hỗn độn của những sự kiện này? À đây, có một kỹ thuật liên quan đến sự chú tâm về một số chủ đề nào đó rồi kết hợp chúng lại với nhau. Rồi có một kỹ thuật khác, liên quan đến việc nhận thức ra rằng mỗi sự kiện đều được diễn giải bởi bạn vào thời điểm khi nó xảy ra, và đó có thể là lúc đó, tâm trí bạn vẫn còn non nớt và đã sử dụng cách suy nghĩ giống như trẻ con hơn.

Tâm lý trị liệu có thể phần nào được xem như là một “nỗ lực thông diễn có tính tương tác” (interactive hermeneutic endeavor), xem xét lại câu chuyện đời của thân chủ - hoặc hàng trăm mẫu chuyện hợp thành nên nó – và kể lại những mẫu chuyện ấy theo một cách thức phong phú hơn. Thật vậy, phần nhiều chứng nhiễu tâm (neurosis) có thể được xem như là một sự diễn giải những sự kiện của đời sống nhằm hỗ trợ cho những “lối sống chủ bại” (self-defeating strategies). Khi đó, việc trị liệu sẽ bao gồm việc tái diễn giải (re-interpretation) những sự kiện này và tái kiến tạo (re-construction) những chiến lược sống thích nghi hơn dựa trên những diễn giải hữu dụng hơn ấy. (Đây được gọi là “tâm lý học chuyện kể” (narrative psychology) và nó liên quan đến rất nhiều học thuyết kiến tạo cá nhân - personal construct theories). Trong khi vạch ra cách phát triển này trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, chúng ta có thể ứng dụng nó vào nhiệm vụ giúp đỡ mọi người tái kiến tạo ý nghĩa đời sống của chính họ (re-construct the meanings in their own lives) và thậm chí hướng đến những đoạn kết viên mãn hơn.

Một chủ đề có liên quan ở đây là sự xuất hiện của lĩnh vực ngữ nghĩa học (semantics), liên quan đến thông diễn học (hermeneutics), trong đó công nhận rằng những ngôn từ không chỉ có những “nghĩa đen” – tức những định nghĩa (definitions) hoặc những “ngụ nghĩa” (denotations) – mà còn mang màu sắc và sức nặng của cảm xúc trong đó nữa – tức những “hàm nghĩa” của chúng (connotations). Thật vậy, việc “tung hứng” cách thức sử dụng những từ này là phần đóng góp lớn của thuật tu từ (rhetoric) – phần cốt lõi sống động của những chương trình giảng dạy kinh điển ở Hy Lạp và La Mã thời cổ đại. Ngoài ra, việc sử dụng những lực cảm xúc chứa trong ngôn từ cũng là một thành phần chính của thuật tuyên truyền, quảng cáo và biên tập hoặc làm báo có tính thiên lệch. Ngày nay, chúng ta sử dụng thuật ngữ “spin-doctor” để chỉ những người phụ tá về mặt chính trị tìm cách diễn giải những sự kiện để hỗ trợ cho những ứng cử viên của họ. Nhưng tất cả đều chỉ là một mớ những ngôn từ hỗn độn.

Trong tâm lý trị liệu, xuất phát từ xu hướng kiến tạo trong liệu pháp gia đình (arising from the field of constructivism in family therapy), thuật ngữ “tái lập khung” hoặc “tái định dạng” (re-framing) đã xuất hiện. Nó thật sự đã sử dụng những nguyên tắc của ngữ nghĩa học trong dịch vụ trị liệu. Chẳng hạn, khi xác định Johnny là “can đảm” thay vì chỉ đơn thuần là “bướng bỉnh”có thể tạo ra sự khác biệt trong cách gia đình này hiểu về hành vi của Johnny. Bước tiếp theo là lập lại cách làm tương tự với những người lành mạnh đang suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống của chính họ.

ẨN DỤ (METAPHOR)

Liên quan đến chủ đề vừa nêu trên đây, có một số thuận lợi khi sử dụng một cách có ý thức những hình thức truyền thông không lời (analogies) khi nói về tính phức tạp khó nắm bắt của đời sống - những điều không thể bắt đầu bằng cách đặt tên. Tuy thế, một số chủ đề có thể được định rõ – đây thuộc về vai trò của thông diễn học, là xác định chủ đề - và những tên gọi được chọn thường phản ánh về bối cảnh mà chúng là một phần trong đó. Trong một hoặc nhiều chặng như thế, đó chính là một “hành trình mang tính tâm linh” (spiritural journey). Đối với những loại sự kiện ấy, chính “những thầy chữa từng bị tổn thương (wounded healers), là những người sử dụng những ký ức và sự trân trọng về điều gây tổn thương cho họ, sau đó giúp đỡ người khác đang chịu đựng những nỗi đau tương tự.” Mặc dù đây không nhất thiết là điều phải nghĩ đến bên trong ẩn dụ về sự chữa lành: “Cha tôi không bao giờ dạy tôi (bất kể điều gì) về cách thức phải làm thế nào và tôi nhận ra rằng tôi cần kỹ năng đó, vì thế tôi sẽ bảo đảm con tôi sẽ học nó.” Đây là ta đang làm việc trên một ẩn dụ tương tự, nhưng về một mô hình giáo dục.

Có rất nhiều ẩn dụ hữu dụng trong tâm lý trị liệu (xem bài của tôi về chủ đề ấy trên trang web này) và rồi một vài ẩn dụ trong số đó có thể được áp dụng để kiến tạo nên ý nghĩa của cuộc sống.

HOẠT ĐỘNG NHÓM (GROUP ACTIVITIES)

Sáng tạo huyền thoại thậm chí có thể hiệu quả hơn khi được tham gia như là một phần của những hoạt động nhóm. Đó có thể là một hội thảo phát triển cá nhân tại một trung tâm phát triển, hoặc là một nhóm thường xuyên chuyên về viết. Có những nhóm viết dành cho phụ nữ, nhóm viết nhật ký của người cao niên, hoặc những nhóm hỗ trợ mất mát theo những cách khác nhau nhấn mạnh đến ý nghĩa “hiện sinh” sâu sắc hơn của đời sống. Có rất nhiều lợi ích đối với làm việc nhóm đã được Yalom liệt kê trong sách của ông về tâm lý trị liệu nhóm. Bạn sẽ nhận ra có biết bao chủ đề trong đời sống của mình có thể được chia sẻ với người khác, và bạn cũng có thể cho và nhận được sự hỗ trợ. Ý tưởng sáng tạo của người khác sẽ là chất xúc tác cho những suy nghĩ sáng tạo của chính bạn. Bạn nhận được những phản hồi trung thực về khuynh hướng quá khiêm tốn hoặc quá tự cao của mình.

Ngoài ra cũng có một sự bình đẳng và cùng nhau tốt đẹp được biểu trưng qua hình ảnh một vòng tròn gồm 5 – 20 người cùng làm việc với nhau. Theo tôi, cỡ nhóm tốt nhất khoảng 9 người để mọi người sẽ nhận được sự lưu tâm cá nhân vừa đủ.

NHỮNG LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT (THE ARTS)

Những loại hình nghệ thuật không chỉ bao gồm những hoạt động có tổ chức như vẽ, sơn, nặn tượng, thơ, múa và chuyển động, âm nhạc, ca hát cùng nhiều thể loại kịch khác nhau, mà còn có cả những hình thức nghệ thuật ít rõ rang hơn. Người ta có thể biến khu vườn của họ thành ra một công trình điêu khắc, hoặc trang trí nội thất cho ngôi nhà của họ. Họ có thể biến cách chơi với con mình thành một thể loại kịch nào đó, và những bức thư họ viết cho bạn bè, thậm chí là thư điện tử, được biến thành một thể loại thơ văn.

Sáng tạo huyền thoại có thể bao gồm việc làm những gì mà thi sĩ ngày xưa vẫn làm: Trong tiến trình kể một câu chuyện họ có thể bật ra một bài hát, một điệu nhảy hoặc một nghi thức nhỏ. Bạn cũng có thể làm những điều đó. Khi bạn viết những ký ức của mình, hoặc chia sẻ những câu chuyện với bạn bè và gia đình, cho xem một bức hoạ có lần bạn đã vẽ, hoặc một sản phẩm không phải do chính bạn làm nhưng có ý nghĩa với bạn vào lúc đó. Hoặc cũng có thể ngâm một bài thơ.

KỂ CHUYỆN (STORY-TELLING)

Suy nghĩ về cuộc sống của bạn giống như một câu chuyện dậy sóng. Hãy tưởng tượng rằng bạn cũng là một người viết tiểu sử được trả lương cao và có nhiều kinh nghiệm, một nhà văn có khả năng khám phá những chủ đề kịch tính trong cuộc sống của một con người và viết nó thành một quyển sách thú vị, bán chạy nhất. Sau đó, hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn cũng có những chủ đề dành cho những nỗ lực của người viết tiểu sử này. Chủ đề nào sẽ được đưa ra? Tựa đề quyển tự truyện của bạn là gì? Có phải có những cụm từ khoá nào đó phù hợp với triết lý sống của bạn? Tựa đề của các chương thành phần là gì?

Một hoạt động liên quan khi bạn tạo ra câu chuyện đời của chính bạn, hoặc kể ra một vài chương thành phần của nó, ngụ ý về một truyền thuyết hoặc huyền thoại cổ điển, hoặc như một hình ảnh hoặc một chuyện kể có tính thần thoại khác. Thật vậy, câu chuyện đời của bạn cũng thực sự góp phần vào trong những huyền thoại tập thể rộng lớn này, ít nhất ở một mức độ nào đó. Hãy để những phần tương tự này thêm gia vị vào sự nhận thức của bạn về câu chuyện đời của mình, chuyển nó thành một thể loại “thần thoại cá nhân” (personal mythology). Có nhiều sách đã được viết về tiến trình này.

Hãy tiếp tục thực sự kiến tạo ký ức của bạn hoặc tự truyện của bạn. Hãy nghĩ đến việc nó có thể có ý nghĩa cho đến đời con cháu bạn, đặc biệt trong kỷ nguyên con người đang cố gắng tái khám phá và tìm hiểu về nguồn cội của mình. Việc nói về nguồn cội của chính mình về sau sẽ có tác dụng giúp “neo giữ” cho chính lớp hậu duệ của bạn.

HÃY TIẾP TỤC DUY TRÌ (KEEP IT UP)

Đây là một tiến trình diễn ra lien tục. Hãy cho phép nó diễn ra lúc rảnh rỗi. Nếu cuộc đời đang đưa bạn gần hơn đến cái chết, bạn cũng có thể dành thêm một chút chú tâm hơn cho nó. Hãy cảm thấy tự do để xem đi xem lại những gì bạn đã làm, thêm vào những chủ đề mới, xóa bỏ những cách diễn giải đã lỗi thời. Bạn không có nghĩa vụ phải trước sau như một. Việc bạn thực sự thay đổi tâm trí của mình về một số chuyện mới chính là một góc cạnh thú vị hơn trong toàn bộ câu chuyện lớn này.

Ngoài ra, khi tôi đang trình bày bài nói chuyện này, một nghiên cứu sinh đã lưu ý rằng bạn cần cẩn thận lựa chọn cho mình những người bạn đồng hành trong nỗ lực này. Nhiều người không có những kỹ năng, và thậm chí không đánh giá cao bản chất của hoạt động này, họ sẽ dễ trì hoãn, e sợ, chán nản, hoặc bằng cách nào đó thấy phiền khi bạn cố gắng tham gia vào hoạt động sáng tạo huyền thoại cùng với họ. Vì vậy hãy kiểm tra xem bạn đang khám phá những chủ đề này ở đâu và bằng cách nào và ngay cả khi bạn đang cùng với những tâm hồn tương hợp với bạn, cũng hãy khởi động họ theo tinh thần của tất cả những điều này, để họ có thể cảm nhận theo cùng hướng nghĩ của bạn.

Ví dụ, bạn có thể cùng với một số người quan tâm đến việc khám phá ý nghĩa đời sống, nhưng hệ thống niềm tin của họ vẫn bị neo giữ lại trong một lòng trung thành với một số học thuyết nhất định nào đó và, để có hiệu quả, bạn sẽ phải làm việc với, hoặc ít nhất là đề cập đến, những nền tảng niềm tin của họ. Vì vậy có một số loại hình nghệ thuật thậm chí để đan kết những nguyên lý lại với nhau như đã kể trên.

TÓM TẮT

Sáng tạo huyền thoại có thể là một trong những hoạt động giúp nâng cao cuộc sống tốt hơn. Đó là một cách có ý thức để đối đầu với các lực gây tha hóa và các khuynh hướng tự nhiên tạo ra sự trơ lỳ và vô nghĩa về mặt tinh thần. Nó cung cấp một cách thức tốt để xây dựng cộng đồng, một hoạt động hữu dụng cho gia đình, thậm chí là một cách thức suy tư mang tính tâm linh.

(*) Tác giả Adam Blatner sinh năm 1937 tại Los Angeles. Tốt nghiệp Y khoa, ĐH Bang California tại San Francisco, 1963. Sau đó, tốt nghiệp chương trình nội trú chuyên khoa tâm thần ĐH Stanford, đi sâu nghiên cứu tâm kịch (psychodrama) và tích hợp nó với các cách tiếp cận tâm lý trị liệu khác. Ông có nhiều năm làm việc trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Ông viết nhiều sách chuyên khảo, tham gia giảng dạy và biên tập cho nhiều tạp chí chuyên ngành.

Đây là một phần được trích từ bài giảng với tựa đề “Chủ nghĩa hậu hiện đại và sáng tạo huyền thoại” (Postmordernism and Creative Mythmaking) của tác giả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...