Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

TÔ MÀU MANDALA NHƯ MỘT KỸ THUẬT GIÚP AN ĐỊNH TÂM TRÍ

“How to Use Coloring Mandalas as a Meditation Technique”
Tác giả: CATHY WONG – Chuyên gia dinh dưỡng, Nhà văn; Duyệt bởi:  MEGAN MONAHAN
Nguồn: Verywell mind – Cập nhật ngày 17/03/2020

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH – Chuyên viên Tâm lý - Thâm niên 15 năm công tác tại Khoa Tâm lý Lâm sàng (Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên), Bệnh viện Tâm thần Trung uơng 2, Biên Hoà, Đồng Nai. 


Hành động đơn giản là tô màu một bức tranh có thể khá hữu ích trong việc giảm stress và lo âu. Một cách phổ biến để làm điều này là tô màu các tranh mandala và sử dụng nó như một hình thức để định tâm (meditation).

[Lưu ý: chúng tôi không dịch chữ “meditation” là “thiền định” vì có thể gây hiểu lầm - TN Online].

Hình thức trị liệu nghệ thuật này đã trở nên phổ biến đối với người lớn cũng như trẻ em bởi vì nó là một bài tập thư giãn có thể giúp “cởi bỏ” tâm trí của bạn ra khỏi những việc khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những vòng tròn hình học được gọi là mandala có thể đặc biệt có lợi hơn so với các loại hình vẽ khác.

Mandala là gì?

Trong tiếng Phạn (Sanskrit), từ “mandala” (Phiên âm là Mạn Đà La) có nghĩa là "vòng tròn." Vòng tròn là một biểu tượng mạnh mẽ được tìm thấy trong mọi nền văn hóa. Chúng ta nhìn thấy chúng trong các vầng hào quang, bánh xe cầu nguyện (“prayer wheels” – Những bánh xe hình trụ, quay quanh một trục đặt thẳng đứng, xoay bằng tay khi cầu nguyện, theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng - ND) và các biểu tượng tôn giáo khác; những vòng tròn còn được thấy trong các kiến ​​trúc và trong thiên nhiên.

Mandala là những vòng tròn linh thiêng từ lâu đã được sử dụng để tạo điều kiện cho việc định tâm trong các tôn giáo ở Ấn Độ và Tây Tạng như Hindu giáo và Phật giáo. Nhiều tôn giáo khác, bao gồm Thiên Chúa giáo và Đạo giáo, cũng đã kết hợp các mandala vào thực hành tâm linh của họ.

Mandala có thể thực sự là những bản vẽ hoặc tranh vẽ. Chúng cũng có thể là những tác phẩm tạm thời, chẳng hạn như những mandala làm bằng cát, mà thường sẽ được xoá đi theo nghi lễ sau khi hoàn thành. Hình dạng vòng tròn chính của một mandala được lấp đầy với nhiều hình dạng hình học và biểu tượng. Những hình dạng này thường được lập đi lập lại theo những mô hình đối xứng sử dụng cách phối những màu đậm.

Quá trình tạo mandala cũng quan trọng như khi xem tác phẩm đã hoàn thành. Mục đích của cả hai giai đoạn là tập trung tâm trí và cơ thể, đó là lý do tại sao chúng là một công cụ lý tưởng để định tâm.

Mandalas như một liệu pháp nghệ thuật (Mandalas as Art Therapy)

Mandala cũng có thể được sử dụng như một công cụ có tính chữa lành trong thực hành định tâm. Tự thân việc định tâm (meditation) đã cho thấy là có tác dụng giảm sttress, chống trầm cảm , giảm đau và giảm huyết áp.

Nó cũng có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và kích thích giải phóng  melatonin, một loại hormone được cho là làm chậm quá trình lão hóa tế bào và tạo điều kiện cho giấc ngủ. Mặc dù người ta chưa rõ những tác động có thể có của mandala thị giác (visual mandala), nhưng nhiều người có thể thấy rằng chúng là những công cụ hữu ích cho việc thực hành định tâm của họ.

Mandala không chỉ là thứ để ngắm nhìn hoặc để định tâm vào đó. Hiện nay có những quyển sách in những mandala để tô màu mà bất kỳ ai cũng có thể thấy hữu ích. Tô màu một mandala bằng bút chì màu, bút màu, sơn hoặc phấn màu kết hợp những lợi ích của thực hành định tâm và nghệ thuật trị liệu thành một phương pháp thực hành đơn giản mà có thể thực hiện bất cứ lúc nào và ở đâu.

Những ai tô màu mandala thường trải nghiệm một cảm giác yên bình và hạnh phúc sâu sắc.

Đây là một công cụ đơn giản không yêu cầu bất kỳ chuyên môn nào, nhưng đáng chú ý nó có thể tạo nên cảm giác êm dịu và tốt lành (soothing and nourishing). Mandala không chỉ tập trung sự chú ý của bạn mà còn cho phép bạn thể hiện khía cạnh sáng tạo của mình, điều mà nhiều người trong chúng ta bỏ quên trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng có thể đặc biệt hữu ích cho:

*Trẻ em: Tô màu mandala có thể giúp trẻ em đối diện với cảm xúc và đối phó với bệnh tật. Thay vì nói ra cảm xúc của mình, nhiều trẻ thể hiện bản thân thông qua màu sắc và nghệ thuật. Tiến sĩ tâm lý học Barbara Sourkes đã sử dụng những "bánh xe cảm xúc- màu sắc" (color-feeling wheels) này cho trẻ em mắc bệnh ung thư và anh chị em của trẻ. Bà lưu ý rằng nó có thể được sử dụng với trẻ từ 3 tuổi trở lên và đó là một bài tập mà trẻ không sợ khi bày tỏ cảm xúc của mình giống như khi trẻ vẽ một bức tranh thông thường.

*Những người mắc bệnh nan y: Trung tâm Ung thư của Đại học California tại Irvine và Trung tâm Ung thư Đại học Pennsylvania là hai trung tâm ung thư duy nhất đã tổ chức những phòng thực hành mandala cho những bệnh nhân ung thư.

*Những người muốn bỏ thuốc lá: Với những lý do tương tự, nhiều người hút thuốc thường đan len khi họ bỏ thuốc lá, việc tô màu mandala cũng có thể giữ cho đôi tay bạn luôn bận rộn và giúp giảm stress. Bạn có thể mang theo quyển sách mandala của mình để có thể thực hành nó  (pick it up) trong vài phút bất cứ khi nào bạn cảm thấy thèm hút thuốc trở lại.

Tuy nhiên, mandala không dành cho tất cả mọi người. Tô màu một mandala liên quan đến các chuyển động lặp đi lặp lại và khả năng cầm nắm (gripping). Việc này có thể làm trầm trọng thêm cơn đau do viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp ở các ngón tay. Nó có thể gây đau ở những người bị hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome), bệnh viêm lồi cầu trên xương cánh tay (lateral epicondyliti) và các tổn thương do căng cơ lập đi lập lại khác.

(*) Bệnh viêm lồi cầu trên xương cánh tay (lateral epicondylitis – còn gọi là “tennis elbow”, tức là chứng đau khuỷu tay ở những người chơi tennis, do những cử động tay lập đi lập lại gầy ra – Chú thích của ND

Cách tô màu Mandala

Không cần phải làm gì nhiều khi tô màu một mandala với mục đích định tâm. Chỉ cần một vài bước đơn giản và một chút thời gian những khi bạn có thể ở một mình.

1, Bạn cần bút màu, chì màu, phấn, phấn màu, sơn hoặc bút dạ quang với nhiều màu sắc khác nhau.

2, In một mandala hoặc sử dụng một cuốn sách tô màu mandala.

3, Tìm một nơi yên tĩnh và thoải mái, nơi bạn có thể làm việc mà không bị sao nhãng.

4, Bắt đầu tô màu.

Khi tô màu, cố gắng không suy nghĩ quá nhiều về sự lựa chọn màu sắc của bạn và đừng lo lắng về việc kết hợp màu sắc. Hãy để bản năng hướng dẫn bạn. Sau khi bạn bắt đầu với màu đầu tiên, phần còn lại sẽ theo tự nhiên. Susan F. Fincher, tác giả của nhiều cuốn sách tô màu mandala, nói: "Mỗi màu trên mandala mời gọi thêm một màu khác, giống như một vị khách đề nghị đưa thêm bạn của họ đến bữa tiệc của bạn."(One color on the mandala invites another, like a guest who asks to bring his friend to your party)

Tìm Mandalas để tô màu

Có vô số nguồn mà bạn có thể tìm thấy các mandala để tô màu và tích hợp vào việc thực hành định tâm của mình. Các trang web như ColorMandala.com cho phép bạn in mandala từ máy tính của mình. Bạn cũng có thể tìm thấy sách tô màu mandala, chẳng hạn như sách của Fincher từ Shambhala Publications.

Tuy nhiên, một lựa chọn khác là vẽ mandala của riêng bạn. Bằng cách sử dụng các công cụ vẽ cơ bản như com-pa và thước đo góc, bạn cũng có thể tạo các mẫu hình học của riêng mình để tô màu. Chúng khá đơn giản và không có cách nào là đúng hay sai để vẽ, chỉ cần bắt đầu tạo các hình trong một vòng tròn lớn.

Quá trình lập đi lập lại của việc tô màu các hình thể trong một mandala có thể mang lại lợi ích cho người ở mọi lứa tuổi. Cố gắng tránh quan niệm cho rằng tô màu chỉ dành cho trẻ em. Thay vào đó, hãy sử dụng nó một cách xây dựng để dành ra khoảng thời gian yên tĩnh nhằm xoa dịu những suy nghĩ của bạn khỏi mọi căng thẳng và lo lắng mà bạn đang cảm thấy. Sự nhẹ nhõm bạn cảm thấy chỉ có thể khiến bạn ngạc nhiên thôi.

Với sự quan tâm đến lợi ích của các trẻ em thiểu năng và sự yêu thích hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chuyên viên Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cùng một số đồng nghiệp lập một nhóm hoạt động mỹ thuật giúp cho trẻ em, có tên là Nhóm Mỹ thuật MAP (viết tắt của Media-Art-Psychology). MAP cũng có nghĩa là “bản đồ” – có ý nghĩa theo chị giải thích đó là “chiếc bản đồ kết nối các con đường mở lối đi riêng”. Nhóm có mục đích là nhằm tạo cơ hội cho những trẻ em có rối loạn phát triển không có điều kiện đến trường lớp có thể tham gia nhóm để học thông qua lớp vẽ (miễn phí). Đồng thời nhóm cũng tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ và các buổi tập huấn nâng cao kiến thức cho phụ huynh của trẻ. Nhóm đã hoạt động trong nhiều năm qua và đang có kế hoạch phát triển thêm trong thời gian tới.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...