Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

NĂNG LỰC VƯỢT KHÓ TRONG TÂM LÝ HỌC TÍCH CỰC – Phần 1

Resilience In Positive Psychology - Great Facts To Know

Tác giả: SANDIP ROY – Bác sĩ, Thành viên Uỷ hội Y tế Quốc gia Ấn Độ (NMC), Nhà sáng lập đồng thời là Tổng biên tập The Happiness Blog của Positive Psychology Blog tại Ấn Độ.

Nguồn: Happiness Blog

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



Từ “resilience”, được sử dụng trong các lĩnh vực tâm lý học, sinh thái học và ngành kỹ thuật công chánh, với cùng một nghĩa như nhau, đó là: “Khả năng đề kháng và hồi phục khi trải qua những hoàn cảnh hiểm nghèo, nghiệt ngã” (The word resilience is used in psychology, ecology, and engineering. The meaning remains the same — resistance and recovery from distress). Trong bài, chúng tôi sẽ dịch là “nghị lực/năng lực vượt khó” – TN Online.

Phần 1

NĂNG LỰC VƯỢT KHÓ TRONG TÂM LÝ HỌC LÀ GÌ

Năng lực vượt khó trong tâm lý học là khả năng của con người trở lại trạng thái tốt hơn sau nghịch cảnh hoặc điều kiện khốn khó. Năng lực vượt khó của cá nhân không chỉ là sự khôi phục mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng mà còn tìm thấy những ý nghĩa trong trải nghiệm đó. Ledesma (2014) định nghĩa năng lực vượt khó về tâm lý là “khả năng khôi phục sau nghịch cảnh, thất bại và rủi ro.”

Năng lực vượt khó có nhiều tên gọi khác: sức chịu đựng, tính bền bỉ, sự gan dạ, tính ngoan cường, sự dũng cảm chịu đựng, khí chất, tính gan góc, và sự mạnh mẽ. Chúng ta sử dụng những thuật ngữ này để chỉ sự hồi phục sau những điều bất hạnh và sự gian khổ. Những con người đầy nghị lực sẽ chiến đấu với những sự kiện gây stress, thoát khỏi những trải nghiệm đó và thường cũng trưởng thành từ những đau khổ đó.

Điều tốt đẹp này không phải là một phẩm chất của một số người vốn sinh ra đã có. Tất cả chúng ta đều có năng lực vượt khó, nhiều hay ít thì tùy người. Các nhà tâm lý học cam đoan rằng đây là một kỹ năng có thể rèn luyện để nó mạnh mẽ hơn giống như bất kỳ kỹ năng nào khác. Họ nói khả năng tự nhiên của chúng ta đối với sự tang trưởng hậu sang chấn (Post-traumatic growth) là điều rất đáng chú ý. Sự tăng tưởng hậu sang chấn có nghĩa là trở thành một người có năng lực tốt hơn sau một trải nghiệm gây sang chấn.

Theo Ann Masten, giáo sư tại đại học Minnesota College về phát triển con người và giáo dục (Education and Human Development) năng lực vượt khó là “khả năng của một hệ thống động năng (dynamic system) đáp ứng một cách thành công với sự xáo trộn đang đe dọa đến chức năng, khả năng tồn tại của hệ thống, hoặc là sự phát triển trong tương lai của hệ thống đó”.

“Con người không chỉ có khả năng xử lý những cú vấp ngã mà còn có thể đứng dậy và trở nên mạnh mẽ hơn sau cú ngã”

Nhà tâm lý học Bonanno – người chuyên về năng lực vượt khó

Một giáo sư tâm lý học ở đại học Colombia, và là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực mất mát và sang chấn, George A. Bonanno, đã làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực năng lực vượt khó.

Bonanno nhận thấy rằng cách mà hầu hết chúng ta đáp ứng với sự mất mát và sang chấn không giống như những gì các chuyên gia khác đã nghĩ.

Trước khi Bonanno đến với địa hạt năng lực vượt khó, các nhà tâm lý học ở khắp nơi cho rằng hiếm khi con người phát triển sớm một năng lực vượt khó sau khi trải qua sang chấn. Ý tưởng được chấp nhận để giải thích điều này đó là những ai không thể hiện các phản ứng rõ ràng với sự mất mát trước khi phát triển trở lại cái ngã bình thường của họ là do hoặc họ tự lừa dối với bản thân, hoặc họ đang kiềm chế cảm xúc của bản thân.

“Bonanno đã phá vỡ huyền thoại cho rằng con người phải buồn bã trước khi họ có thể ứng phó”

Nhóm của Bonanno đã khảo sát 2.752 người ở New York sau vụ tấn công 11/9 (2001) tại trung tâm thương mại thế giới. Họ nhận thấy rằng 65% người tham dự không có hoặc chỉ có một triệu chứng của PTSD (rối loạn stress hậu sang chấn – ND) trong 6 tháng.

Thêm nữa, có hơn một nửa số người được giúp đỡ trong nỗ lực giải cứu ở sự kiện 11/9, hoặc ở khu vực thảm họa trong suốt vụ tấn công này, cũng được báo cáo có một vài hoặc không có triệu chứng của PTSD.

Bonanno đã rút ra 3 kết luận mang tính đột phá từ nghiên cứu này:

1.      Năng lực vượt khó khác với sự bình phục (recovery).

2.      Năng lực vượt khó là một đặc điểm phổ biến, chứ không phải là hiếm.

3.      Có rất nhiều lộ trình để hình thành năng lực vượt khó.

Bonanno nói “Năng lực vượt khó là trải nghiệm cốt lõi trong những phản ứng của con người với mất mát và sáng chấn”. Có nghĩa là con người có năng lực vượt khó thậm chí trong khi họ đang đối diện với stress hay mất mát cùng cực. Họ không đợi đến khi sự kiện đó qua đi mới bắt đầu quá trình ứng phó.

Bonanno cũng làm lay chuyển thế giới khi ông tuyên bố rằng những “liệu pháp hỗ trợ đau thương do mất mát” (grief therapy) không mang lại bất kỳ lợi ích tích cực nào về tổng thể. Ông chỉ ra rằng nó gây hại nhiều hơn là đem lại lợi ích, bởi vì 1/3 những người này trở nên tồi tệ trong những liệu pháp liên quan đến đau thương mất mát (grief).

Khi tin tức có thể xấu nhất xảy đến, bạn gần như chắc chắn sẽ vượt qua nó mà không bị tổn thương. Tất cả mọi người đều như vậy cả”.

George A. Bonanno (The other side of sadness – Tác phẩm của Bonanno về tình trạng mất người thân, cuộc sống sau mất mát và nghị lực sau những mất mát)

Bonanno chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều có thể tìm ra những cách hiệu quả để xử lý những thách thức trong cuộc sống, một số người khác làm điều này theo những cách hỗn độn. Ông ấy đưa ra cụm từ “ứng phó tệ” (coping ugly) để chỉ những tiến trình như thế.

Trong “ứng phó tệ”, năng lực vượt khó của một người thường làm phát sinh những đặc điểm không hoàn toàn giống con người tự nhiên của họ. Nó xảy ra khi họ cố gắng kiểm soát tình huống và làm điều gì đó trong tình huống đó.

Ví dụ một người đang hồi phục sau một tai ương có thể đột nhiên bắt đầu hành xử như thể là một người ái kỷ.

Ý NGHĨA CỦA NĂNG LỰC VƯỢT KHÓ

Trong tâm lý học tích cực positive psychology), năng lực vượt khó có nghĩa là khả năng

·  Thể hiện sự dũng cảm trong những lúc nghịch cảnh và khó khăn,

·   Sử dụng sức mạnh và nguồn lực có thể để kháng cự và ứng phó,

·  Hồi phục và phát triển thịnh vượng sau những sự kiện và trải nghiệm này.

Những người có năng lực vượt khó thường tìm thấy một mục đích trong khi trải qua nghịch cảnh và phát triển nhiều khả năng hơn sau sự kiện đó. Triết gia người Đức Nietzsche biết rõ điều này và đã nói:

Điều gì không giết chết bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn.

Tất cả chúng ta đều có thể học cách gia tăng năng lực vượt khó. Nhưng khi một người nhượng bộ quan điểm này, họ không thể xây dựng năng lực vượt khó, họ trở nên dễ dàng thiên về phía chấp nhận trạng thái dễ bị tổn thương hơn và dễ nhận chịu thất bại hơn.

NĂNG LỰC VƯỢT KHÓ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ

Năng lực vượt khó không có nghĩa là chúng ta từ chối những cảm xúc khó chịu và tiêu cực của chúng ta.

Khi chúng ta từ chối những cảm xúc tiêu cực của mình, một cách vô thức chúng ta đã chịu thua chúng. Điều này làm giảm năng lực vượt khó của chúng ta. Nhưng khi chúng ta chấp nhận chúng và cho phép chúng “chảy qua” chúng ta (allow them to flow over us), chúng ta có thể lại lại sự kiểm soát và bắt đầu tiến trình hồi phục khỏi tình huống gây ra chúng.

Những cảm xúc và sự biểu hiện những cảm xúc tiêu cực của chúng ta là dấu hiệu của sức mạnh tinh thần. Và những điều đó phát triển năng lực vượt khó chống lại chúng.

TẠI SAO ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI CÓ NĂNG LỰC VƯỢT KHÓ

Tại sao điều quan trọng là chúng ta cần có sức bật trở lại?

Nếu không có năng lực vượt khó con người không thể sống sót suốt qua 200.000 năm với những thảm họa và nghịch cảnh và phát triển nên trí thông minh bậc nhất trên trái đất này.

Năng lực vượt khó là một phần tự nhiên trong kinh nghiệm sống sót của con người sau bất kỳ sự kiện gây stress nghiêm trọng nào, chẳng hạn như đại dịch Corona. Những người có năng lực vượt khó tốt có thể xử lý nghịch cảnh và tái thiết cuộc sống của họ sau bất kỳ thảm họa nào.

Năng lực vượt khó là điều rất quan trọng bởi vì nó đem đến cho chúng ta sức mạnh để xử lý và vượt qua hoàn cảnh gian khó. Ai không có năng lực vượt khó mạnh mẽ có thể sẽ bị giữ chặt dưới áp lực và hướng đến những cách thức không lành mạnh để ứng phó với stress.

Năng lực vượt khó quan trọng bởi vì:

·  Nó cho phép chúng ta phát triển những chiến lược để bảo vệ chính bản thân mình chống lại những trải nghiệm bi thảm.

·  Nó giúp chúng ta giữ vững sự kiên định trong cuộc sống trong suốt khoảng thời gian gây stress và sang chấn.

·  Nó giúp chúng ta tự bảo vệ bản thân mình trước một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và tự sát.

Nghị lực cũng là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của người hạnh phúc. Và chúng ta, những con người, cũng phải giỏi giang để sau cùng tìm ra con đường dẫn đến hạnh phúc.

Đón xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...