Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

5 TRÁCH NHIỆM CỦA CHUYÊN VIÊN THAM VẤN HỌC ĐƯỜNG

“5 Responsibilities of the School Counselor”
Nguồn: U.S. Bureau of Labor Statistics, School and Career Counselors
Đăng trên: CounselingOnline BlogWake Forest University

Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường



Sự gia tăng số lượng học sinh nhập học ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thong, cả tư thục lẫn công lập, dự kiến sẽ dẫn đến nhu cầu về chuyên viên tham vấn học đường ở Hoa Kỳ sẽ tăng lên 12% từ năm 2012 đến năm 2022. Nếu bạn đang xem xét phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này thì việc hiểu về các trách nhiệm của mình trong tương lai là rất quan trọng.

[Tác giả bài viết đang nói đến tình hình học đường ở Hoa Kỳ, tuy vậy, khuyến nghị vừa nêu cũng đúng trong mọi hoàn cảnh, ngay cả ở Việt Nam: Một sự xem xét việc phát triển nghề nghiệp cần phải hiểu về cả những trách nhiệm nghề nghiệp của bản thân trong tương lai – Chú thích của TN Online]

Tham vấn cho học sinh

Tất nhiên, tham vấn cho học sinh là một trong những trách nhiệm chính của chuyên viên tham vấn học đường. Nghiên cứu cho thấy rằng các chuyên viên dành ít nhất 80 phần trăm thời gian của họ để làm việc với học sinh cả trực tiếp lẫn gián tiếp, và phần lớn thời gian này là dành cho việc tham vấn trực tiếp.

Các chuyên viên tham vấn học đường sử dụng những kiến thức mà họ đã học được tại trường lớp chính quy, chẳng hạn như Thạc sĩ Tham vấn - Tham vấn học đường (Master of Arts in Counseling – School Counseling), để cung cấp các buổi tham vấn cá nhân hoặc tham vấn nhóm cho học sinh. Hình thức tham vấn này có thể giúp học sinh khắc phục các vấn đề về hành vi, cải thiện kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng về tổ chức, thiết lập mục tiêu học tập, giải quyết các khó khăn trong mối quan hệ bạn bè hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân. Các chuyên viên tham vấn học đường làm việc tại các trường trung học cũng có thể giúp học sinh thiết lập các mục tiêu nghề nghiệp, bảo đảm việc học tại trường lớp phù hợp để đạt các mục tiêu theo định hướng nghề, đồng thời xác định những gói hỗ trợ về tài chính hoặc những cơ hội tiềm năng cho việc tập sự theo nghề.

Liên lạc với giáo viên và phụ huynh

Chuyên viên tham vấn học đường không chỉ làm việc riêng với học sinh. Trong một số trường hợp, sự tham gia của giáo viên hoặc phụ huynh trong quá trình tham vấn là cần thiết. Ví dụ, tham vấn viên có thể liên lạc với giáo viên để phát triển các chiến lược hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong học tập. Tham vấn viên cũng có thể gặp phụ huynh học sinh để thảo luận với họ về những cách hỗ trợ cho việc học tập tại nhà và tối ưu hóa kết quả học tập. Tham vấn viên cũng có thể liên lạc với giáo viên và phụ huynh trong các trường hợp liên quan đến học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc những học sinh có vấn đề về hành vi nghiêm trọng.

Giới thiệu/Chuyển gửi học sinh đến với những nguồn hỗ trợ bên ngoài

Trong một số trường hợp, các vấn đề có thể khiến chuyên viên tham vấn học đường cảm thấy khó có thể giải quyết trong bối cảnh trường học. Trong những trường hợp này, tham vấn viên có thể giới thiệu học sinh đến các cơ quan bên ngoài, những nơi có năng lực chuyên trách hơn trong việc hỗ trợ những vấn đề bận tâm của học sinh. Ví dụ, một chuyên viên tham vấn có thể hướng dẫn phụ huynh rằng học sinh cần được thực hiện các trắc nghiệm tâm lý. Theo luật phúc lợi trẻ em, chuyên viên tham vấn học đường cũng phải báo cáo các trường hợp trẻ em bị lạm dụng hoặc bỏ bê cho các cơ quan hữu trách có liên quan.

Tham gia vào các Ủy ban Hỗ trợ Học tập và Phúc lợi cho Học sinh (Student Welfare and Learning Support Committees)

Chuyên viên tham vấn học đường là một phần không thể thiếu trong ủy ban hỗ trợ học tập và phúc lợi học sinh của trường. Các nhà tham vấn học đường thảo luận về mối quan tâm của học sinh với các thành viên khác của ủy ban, thu thập và chia sẻ thông tin liên quan đến các vấn đề hỗ trợ học tập và phúc lợi của học sinh. Là một thành viên trong các ủy ban này, nhà tham vấn học đường cũng phát triển, điều phối và đánh giá các sáng kiến thúc đẩy phúc lợi của học sinh và cải thiện các tiêu chuẩn học tập

[Phúc lợi của học sinh (Student Wellfare) bao gồm nhiều mặt liên quan đến những nhu cầu cơ bản của học sinh về điều kiện sống, sức khoẻ, phát triển, các quyền về pháp lý, vv… chứ không chỉ liên quan đến chuyện dạy và học trong trường. Hiện chưa thấy có một cơ cấu làm việc tương tự tại VN – TN Online]

Đánh giá và Cải thiện Chương trình Tham vấn

Chuyên viên tham vấn học đường nên cố gắng làm cho chương trình tham vấn ở trường của họ trở nên tốt nhất có thể. Chuyên viên tham vấn học đường có trách nhiệm quan sát các phương pháp tham vấn hiện có và xác định các vấn đề cần được cải thiện. Sau đó, các nhà tham vấn nên đưa ra các đề xuất của họ với ban giám hiệu hoặc hiệu trưởng nhà trường và vận động cho những thay đổi có lợi cho tất cả nhân viên, học sinh và thành viên gia đình của họ.

Là chuyên viên tham vấn học đường có thể là một thách thức, nhưng những chuyên gia trong ngành này đã khẳng định rằng những trách nhiệm như vậy thường đi kèm với những phần tưởng thưởng to lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...