(*) Tựa được đặt lại
Tựa đầy đủ: Mối
quan tâm của việc sử dụng các vật nổi trong cách tiếp cận những phần đau đớn nhất
trong lịch sử của bệnh nhân và gia đình của họ
Tựa gốc: “Intérêt
de l'utilisation des objets flottants dans l'approche des pans les plus
douloureux de l'histoire des patients et de leur famille”
Bản tiếng Anh: “Interest
of the use of floating objects in the approach of the most painful parts of the
history of patients and their families”
Tác giả: FLORENCE CALICIS – Nhà tâm lý trị liệu hệ
thống người Bỉ. Bà đã sang sang VN nhiều lần trong những năm qua để tham gia
công tác đào tạo trong các khoá huấn luyện về tâm lý trị liệu hệ thống tại
Tp.HCM.
Nguồn: CairnInfo - 12/01/2006 - Liệu pháp Gia
đình 2006/4 (Tập 27), Tr. 339- 359
Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Xem lại Phần 1
Phần 2
ĐỊNH NGHĨA VẬT THỂ NỔI VÀ MINH HỌA LÂM SÀNG
P. Caillé và Y. Rey đã phát triển
một loạt các phương tiện trị liệu được gọi là “vật thể nổi” (floating objects) mà
họ sử dụng để tạo điều kiện gặp gỡ với thân chủ của mình. Trong số đó, chúng ta
có thể dẫn ra các ví dụ như: trò chơi ngỗng hệ thống (systemic goose game), câu
chuyện hệ thống (systemic tale), mặt nạ (masks), gia huy (coat of arms – những
tấm huy hiệu của gia đình), tạc tượng với những người thật (sculptures with the
living statues/family sculpting) và các bức tranh vẽ về giấc mơ… Trong quá
trình này, những tác giả khác cũng đã phát minh ra thêm những cách làm mới. Chúng
tôi xin dẫn ra đây “genogram tưởng tượng” của J. Ollié và D. Mérigot (2001).
Những vật thể nổi này là phương
tiện gặp gỡ và khám phá, giúp lấp đầy khoảng không gian trung gian (intermediate
space) trong suốt phiên trị liệu và cho phép thân chủ bắt đầu tìm hiểu điều gì
đó mới mẻ về chúng, tạo liên kết giữa các khía cạnh trong văn hóa gia đình của
họ (về cách sống, cách nghĩ, cách cảm của họ) và vấn đề đưa họ đến trị liệu.
Tại sao gọi là "nổi"?
Bởi vì những vật thể này, giống như những chiếc phao (F: bouées; E: buoy) trên
mặt nước, trôi nổi trong khoảng trung gian. Chúng không thuộc về nhà trị liệu
hay cũng không thuộc về thân chủ, mà thuộc về cuộc gặp gỡ trị liệu. Đó là một sự
đồng kiến tạo (co-construction).
Sự khác biệt với các liệu pháp tâm
lý hệ thống cổ điển là gì? Trong các phương pháp tiếp cận truyền thống, những thông
tin mới sẽ xuất hiện trong cuộc gặp gỡ giữa nhà trị liệu và thân chủ, bởi những
“can thiệp đầu vào” (inputs) mà nhà trị liệu thực hiện, đặc biệt là những giả
thuyết (hypotheses) mà nhà trị liệu hồi đáp, sự tái lập khung (reframing), những
câu hỏi mà nhà trị liệu đặt ra, những biện pháp can thiệp khiến gia đình thân
chủ tự suy ngẫm về bản thân họ, hoặc thậm chí những tương tác mới được tạo nên
hoặc được chỉ định…
*Đoạn này tác giả
đang nói về cách can thiệp hệ thống theo kiểu cổ điển ban đầu, dựa trên lý thuyết
điều khiển học bậc một, với hệ thống gia đình như một “hộp đen” – black box, những
tác động của nhà trị liệu với gia đình là những “input” và phản ứng từ gia đình
là “output” – Chú thích của người dịch.
Trái lại, trong cách tiếp cận qua
trung gian (F: l’approche médiatisée; E: mediated approach) được mô tả ở đây, các
vật thể nổi trở thành sự hỗ trợ mà thân chủ và nhà trị liệu cùng làm việc để tạo
ra và chính sự sáng tạo này giúp bộc lộ ra ý nghĩa, một ý nghĩa mới. Ở đây, chính
các vật thể trôi nổi, như một phương tiện trung gian, sẽ giúp cho việc bộc lộ ấy.
Nhãn quan này đã điều chỉnh lại
vị trí và chức năng của nhà trị liệu: Nhà trị liệu chịu trách nhiệm về việc lập
khuôn khổ, tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ trị liệu, nhưng không còn chịu trách
nhiệm về nội dung của cuộc làm việc, tức là những khám phá. Trách nhiệm này thuộc
về thân chủ. Như P. Caillé (1994) đã viết, điều này giải phóng nhà trị liệu khỏi
cảm giác lo lắng khi phải chịu trách nhiệm về mặt nội dung.
Tất nhiên, trong quá trình trị
liệu, nhà trị liệu chuyển từ vị trí cổ điển hơn sang vị trí mới này khi ông ấy/bà
ấy gợi ý sử dụng một loại vật thể nổi. Hai thái độ ấy không xung khắc với nhau,
nhưng không thể diễn ra đồng thời. Vật thể nổi được “nhà trị liệu đưa ra vào một
thời điểm nào đó trong quá trình trị liệu và sau đó được gỡ bỏ khi chúng đã làm
xong vai trò của mình. Chúng tạo ra một quy tắc chung được chấp nhận để quản lý
mối quan hệ trị liệu trong một khoảng thời gian nhất định”. (P. Caillé, 1994).
Mục đích của bài viết này không
phải là để mô tả đầy đủ về các vật thể nổi và phương pháp luận của chúng (methodology),
mà là để giới thiệu với bạn đọc những triết lý của chúng và nhấn mạnh mối quan
tâm về chúng, để gợi ý cho người đọc hoặc có thể muốn đi sâu thêm về chúng, hoặc
để có thể phát minh ra những cách áp dụng của riêng mình. Chúng tôi sẽ minh họa
điều đó bằng một tình huống lâm sàng.
Tôi nhận cuộc hẹn trị liệu bởi một
người trong số ba anh em, đó là ba người đàn ông: Bruno (31 tuổi), Marc (29 tuổi)
và Jonas (26 tuổi). Ở phiên làm việc đầu tiên, họ đến cùng với người chuyển gửi
(référent), là vị bác sĩ tâm thần đang điều trị cho Jonas, người em út, với chẩn
đoán là "loạn thần" (psychotic).
Bác sĩ tâm thần của Jonas kể lại
rằng ở tuổi 20, Jonas trải qua tình trạng suy sụp tâm thần kéo dài (Nguyên văn:
“décompensation psychique” – Sự mất khả năng bù trừ về tâm trí). Anh ta đã sống
ba năm lang thang, sau đó phải nhập viện điều trị tâm thần trong hai năm. Jonas
hiện đang sống trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi. Anh ấy hiện ổn định, một vài
năm qua không còn tình trạng suy sụp và sống tương đối phù hợp với thực tế - điều
này cho phép có thể sử dụng các vật thể nổi, vốn bị chống chỉ định với những bệnh
nhân có triệu chứng hoang tưởng.
Bruno và Marc, mỗi người sống với
bạn đời của mình và vẫn thường xuyên gặp nhau. Vị bác sĩ tâm thần nhận thấy việc
điều trị của ông cho Jonas không có nhiều tiến triển, bệnh nhân của ông ta vẫn bị
"vướng mắc" vào sự kiện cái chết của mẹ lúc anh ta 13 tuổi, mà không
thể cảm nhận được gì hoặc nhớ lại điều gì về những năm sau đó. Vị bác sĩ cho rằng
đã đến lúc Jonas phải kết nối lại với hai người anh em mà anh đã cắt đứt quan hệ
sáu năm trước. Ông cho rằng hai người anh đó có thể rất đáng giá đối với Jonas,
để tìm ra "những mảnh ghép còn thiếu" (the missing pieces of the
puzzle). Như cách mà E. Tilmans và M. Meynckens (1999) đã dạy tôi (tác giả bài
viết), tôi thường mời người đã chuyển gửi thân chủ cùng đến để dự phiên làm việc
đầu tiên để phân tích yêu cầu cùng với người này, để xem ý nghĩa của việc chuyển
gửi thân chủ đến với tôi có ý nghĩa gì đối với người này và cũng như đối với từng
thành viên của gia đình. Thật thú vị khi khám phá cách mà mỗi người tuân thủ dự
án/kế hoạch trị liệu (therapy project) cũng như mức độ miễn cưỡng của họ, để họ
có thể tự đánh giá bản thân về quá trình này và xem xét những rủi ro tiềm ẩn theo
cách nhìn của họ.
Ba anh em nói rằng họ đang yêu
cầu kết nối lại thông qua các phiên trị liệu, tuy nhiên, họ bày tỏ nhiều dè dặt
và lo ngại về những tác động tiềm ẩn của các cuộc làm việc với gia đình. Một mặt,
họ muốn những cuộc làm việc này vì họ muốn tăng cường sự liên kết của họ theo
cách này, nhưng họ sợ khi tất cả phải làm việc cùng một lúc. Theo họ, họ không
muốn quay lại mọi thứ. Họ nói thêm: "Chúng tôi muốn nhìn về tương lai, chứ
không phải quá khứ". Một nỗ lực đầu tiên trong các cuộc trị liệu gia đình
hai năm trước đó đã không thành công bởi vì, theo họ nói, là nhà tâm lý tiếp nhận
họ đã muốn "đào sâu vào những điều đau khổ quá nhanh". Do đó, việc
chia sẻ quá khứ của họ dường như là đáng sợ và đầy rủi ro đối với họ. Vì vậy,
tôi đã được cảnh báo, tôi biết rằng cần phải có sự thận trọng.
Trong những phiên trị liệu đầu
tiên, có hai điều khác thường đã gây ấn tượng với tôi. Đầu tiên, việc sử dụng từ
"đổ vỡ" (E: break; F: cassure) để mô tả thời điểm mà cuộc đời của họ
thay đổi, đó là nói khi mẹ của họ qua đời vì ung thư bạch cầu khi họ lần lượt ở
vào các lứa tuổi 18, 16 và 13. Trong câu chuyện của họ, cứ như thể cuộc sống được
chia làm hai phần, “trước” và “sau”. Phần trước đề cập đến một thời thơ ấu dường
như rất hạnh phúc và phần sau được mô tả là rất đau khổ, với tất cả mọi người đều
thấy mình lạc lõng và trong nỗi cô đơn lớn lao. Điều thứ hai gây ấn tượng với
tôi là cách họ nói về mẹ của họ, người mà họ đồng lòng mô tả là một người mẹ lý
tưởng, hào phóng, chu đáo và cũng rất hấp dẫn, bởi vì bà đã thu hút được sự cảm
thong của tất cả mọi người. Mặt khác, chúng tôi nói rất ít về người cha và những
gợi ý hiếm hoi đối với tôi dường như khá là tiêu cực về ông. Tuy nhiên, tôi cảm
thấy chuyện về ông ấy vẫn đang hiện hữu, nhưng dưới dạng điều chưa được nói (E:
the unsaid; F: le non-dit). Khi tôi đề nghị kết hợp nội dung về người cha vào cuộc
làm việc của chúng tôi, về mặt thông tin cơ bản, tôi đã phải đối mặt với sự phản
đối kịch liệt, họ đã nói với tôi cùng bằng một giọng điệu "đó là một ý tưởng
rất tồi tệ". Vì thế, có rất ít không gian dành chủ đề này, với sắc thái và
sự nhập nhằng nước đôi trong cách họ về cha mẹ của họ.
Ở giai đoạn này, họ vẫn chưa thảo
luận về bệnh tật của người mẹ, cái chết của bà ấy và hậu quả của nó đối với mỗi
người trong số họ. Tôi cảm thấy rằng điều này khiến họ sợ hãi… Tôi nhận thức được
tầm quan trọng của việc tôn trọng nhịp điệu của họ.
Qua các phiên làm việc, tôi biết
được những điều sau:
Jonas sinh ra đã bị hở vòm miệng
("sứt môi"), điều này làm khơi lên một thái độ bảo vệ quá mức ở người
mẹ đối với cậu.
Cha mẹ họ đồng thuận sống ly
thân lúc ba người con ở tuổi 15, 13 và 10. “Họ không còn hoà hợp nhau được nữa,
họ quá khác biệt”, ba người con nói với tôi như thề. Cả ba sau đó cùng sống với
mẹ và giữ liên lạc rất hiếm hoi với cha.
Rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn và
tinh thần chung, theo họ, có vẻ vẫn ổn.
Ba năm sau, khi họ 18, 16 và 13
tuổi, người mẹ mắc bệnh ung thư máu, 6 tháng sau bà qua đời. Mãi cho đến giờ
phút cuối, bà mẹ vẫn từ chối không thông báo cho Jonas, bà cho rằng cậu con út
quá mỏng manh để đương đầu với cú sốc. Chỉ Bruno và Marc được thông báo.
Khi mẹ mất, những đứa con trở
nên rối loạn. Marc nói: “Tôi đột nhiên bị tước mất người giám hộ của mình”.
Jonas nói: “Cú sốc ấy quá mạnh”. Họ cảm thấy hoàn toàn bất lực và bất lực. Giai
đoạn tiếc thương bị lướt nhanh qua bởi sự trở lại của người cha trong cuộc sống
hằng ngày của họ, một người cha mà khi đó được mô tả là đầy vẻ tức giận và lầm
lì. Sau đó khi ông ta đến định cư trong ngôi nhà mà người mẹ đã ở cùng các con,
ông ta đã xóa mọi dấu vết của vợ cũ và đề nghị ba đứa con, mỗi đứa ở trong mỗi phòng
riêng, khiến cả ba trải nghiệm việc này như một cách thao túng của cha nhằm
ngăn họ gặp nhau và nói về mẹ.
Họ tiếp tục kể: “Chúng tôi
không bao giờ được nói về cái chết của mẹ”. Người cha dường như đã cài đặt một
lệnh cấm nói về người mà cả ba vẫn còn trung thành, nhưng cái giá phải trả là
gì? Họ yêu cầu tôi ôn lại giai đoạn lịch sử bị kiểm duyệt này của họ. Họ nói rằng
họ không biết gì về kinh nghiệm của nhau. Họ tin rằng mình đã sẵn sàng để chia
sẻ nó ngay lúc ấy. Chúng tôi đã trải qua năm tháng từ lúc trị liệu.
Ngay cả khi những lời trình bày
bắt đầu được “nới lỏng”, tôi vẫn bối rối trước sự dè dặt mà cả anh em họ biểu
hiện trước đó và sự trung thành của họ với việc cấm nói ra điều đó. Liệu làm thế chẳng phải là quá sớm? Tôi nhớ những
gì họ đã nói với tôi về những cố gắng đầu tiên khi họ nói về chuyện gia
đình. Tôi đã thận trọng. Tôi cần sự bảo đảm để có thể tiếp tục, tôi nghĩ chúng
ta phải “đạp thắng hơn là nhấn ga” (brake rather than accelerate). Liệu chúng tôi
có thể tiến lên phía trước, cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của nhau, đặc biệt là về
trải nghiệm mất đi người mẹ, nhận rủi ro khi nói chuyện sâu hơn về thời gian “trước”,
nhưng trên tất cả là về thời gian “sau” sự gãy vỡ? Và gợi lại cốt chuyện với ý định
là để hiểu rõ hơn về các yếu tố gây ra sang chấn trong quá trình sống của họ? Để
kiểm tra những điều này, tôi đã viết cho họ một câu chuyện.
Câu chuyện hệ thống (systemic
tale) là một câu chuyện ẩn dụ mà nhà trị liệu viết ra từ những chất liệu do gia
đình mang đến. Lịch sử được kiến tạo phải có tính "tương đồng" (analogous)
với lịch sử của gia đình, nghĩa là nó phải có nhiều điểm giống nhau. Mặc dù có
tính tương đồng, câu chuyện vẫn có thể chuyển đổi từ thực tế của họ, nó tạo khoảng
cách tách biệt với chính nó: câu chuyện phải được bố trí ở một thời gian khác,
một địa điểm khác và các nhân vật chính trên sân khấu, thường không phải là con
người, mà là vay mượn từ thế giới động vật, thực vật hoặc khoáng vật, hoặc thậm
chí từ thế giới những đồ vật. Câu chuyện phải ở dạng chưa hoàn thành: nó kết
thúc bằng việc kịch tính hóa một tình huống tiến thoái lưỡng nan (dramatization
of a dilemma) mà nhà trị liệu nhận thấy trong gia đình và mỗi thành viên có mặt
sẽ viết phần tiếp theo của mình, một đoạn kết của câu chuyện theo cách nhìn cá
nhân của mình. Các phiên bản khác nhau được chia sẻ trong phiên trị liệu và cho
những ý nhận định về chúng. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng câu chuyện hệ thống
là một sự đồng kiến tạo. Tôi đã đọc cho họ câu chuyện được tôi viết cho họ:
Ngày
xưa, trên bờ biển ở vùng Bretagne, có một ngọn hải đăng lớn và nguy nga. Một ngọn
hải đăng kiên cố, uy nghi và những con sóng của Đại Tây Dương vỗ về bên dưới....
Một
lượng lớn khách du lịch đã bị nó thu hút và dường như bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của
nó. Một thứ mê hoặc ảo diệu tỏa ra từ nó…
Xung
quanh ngọn hải đăng ấy, có ba chiếc thuyền nhỏ đang thường xuyên giong buồm bơi
quanh. Chúng đến và đi một cách lặng lẽ trong chu vi được thắp sáng bởi ngọn hải
đăng.
Con
thuyền nhỏ nhất ít ra xa hơn hai chiếc kia… Một tấm ván của chiếc thuyền nhỏ ấy
bị nứt và nó không dám mạo hiểm ra quá xa.
Một
ngày nọ, xảy ra một cơn bão đặc biệt nghiêm trọng, ngọn hải đăng đã bị hư hại
và tắt hẳn. Ba chiếc thuyền nhỏ, đột ngột bị mất đi điểm tham chiếu đáng tin cậy
nhất của chúng, tất cả đều bị mất. Chúng trông giống như những con vật, lúc thì
hoảng loạn, khi thì như bị hóa đá. Làm thế nào để điều hướng những con thuyền
khi không còn ngọn hải đăng này? Điều gì có thể giúp chúng tiếp tục hành trình
và tìm ra bến cảng? Chúng có thể bị đi lạc hoặc bị đắm. Biển ở Bretagne rất
nguy hiểm, với sóng cao, gió lớn.
Nhân
viên quản lý cảng biển khẩn cấp gọi cho người phụ trách đơn vị quản lý của đội
tàu nhỏ này. Lúc đó, ông này đang thực hiện một nhiệm vụ ở nước ngoài, nơi ông
chịu trách nhiệm cho một xưởng đóng tàu lớn. Nhìn thấy những gì đang xảy ra
trong cảng, ngọn hải đăng tắt, tình trạng vô trật tự đang xảy ra cho ba chiếc
thuyền của ông ta, ông ta quyết định phải sắp xếp mọi thứ vào trật tự. Ông đã sửa
đổi kiến trúc của cảng, gia cố bến tàu, chia bến tàu thành nhiều ngăn và hạn
chế tàu ra vào. Ông ta cho mấy chiếc thuyền của mình neo đậu cách xa nhau ra. Ông
cũng đã phá hủy phần còn lại của ngọn hải đăng đã bị hư hỏng và sau đó đã xây dựng,
ngay trung tâm của cảng, một tháp điều khiển cao, để ông trú ngụ trên đó.
Còn
đâu sự tồn tại của những con thuyền! Thật buồn, thật phẫn uất, thật hỗn độn biết
bao!
Phải
mất một thời gian dài mới giải thoát những con thuyền khỏi nơi neo đậu, rất nhiều
nơi neo đậu, nơi xấu có, tốt có… Như thể cả ba chiếc thuyền vừa muốn điều đó lại
vừa sợ điều đó. Lẽ nào, sau bao khó khăn, tốt hơn hết là quên đi quá khứ và tự đi
theo lộ trình của riêng mình? Nhưng phải chăng đó là sự phản bội quá khứ và sẽ đối
mặt với nhiều nỗi cô đơn?
Trong khi đọc câu chuyện, sự
chú tâm và cảm xúc trong phòng là rất mạnh. Ba anh em đã sẵn sàng thực hiện nhiệm
vụ viết phần tiếp theo. Cả ba người sau đó đã đọc to câu chuyện của họ. Jonas đã
khiến tôi kinh ngạc với khả năng bắt tay vào việc và tạo ra một câu chuyện vừa đậm
chất cá nhân lại vừa có văn phong trôi chảy, trong khi ở phiên trị liệu, anh ấy
gặp khó khăn trong việc bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng và và khó bắt
kịp cuộc đối thoại.
Đón
xem tiếp Phần 3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét