Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

NHỮNG KIỂU QUAN HỆ ĐỐI XỨNG VÀ BỔ SUNG

“Symmetrical and Complementary Relationships”
Tác giả: MARIE HARTWELL-WALKER, EdD
Nguồn: PsychCentral - August 11, 2017

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý trị liệu BV Đại học Y Dược Tp.HCM, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KH Xã hội-Nhân văn, ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Thành viên CLB Trăng Non.



Vào thập niên 1960 một nhóm các lý thuyết gia và tâm lý gia ở Viện Nghiên cứu Tâm thần (Mental Research Institute – MRI) ở Palo Alto, California bắt đầu áp dụng một cách thức mới để nghiên cứu về sự giao tiếp bên trong gia đình. Nhóm này nhận ra rằng những “cung phản hồi có tính tự củng cố và tự sửa chữa” (self-reinforcing and self-correcting feedback loops) có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thần kinh học, sinh học tiến hóa và thậm chí trong hệ thống điện và máy móc. Những hệ thống như như thế vẫn thường xuyên tự điều chỉnh. Một ví dụ hay đó là bộ phận điều hoà nhiệt độ (thermostat) trong nhà. Khi bộ điều nhiệt báo rằng nhiệt độ đang xuống thấp, lò sưởi sẽ được bật lên cho đến khi ngôi nhà ấm lên. Khi đạt đến nhiệt độ mong muốn, bộ điều nhiệt sẽ khiến lò sưởi biết được nó có thể tắt. Và cứ thế nó hoạt động xoay đi, xoay lại như vậy.

Nhóm nghiên cứu ứng dụng những quan sát này vào trong tâm lý học, thấy rằng khi con người trong gia đình giao tiếp với nhau, họ cũng đáp ứng bằng những khung phản hồi (feedback loops) tương tự. Họ thấy rằng các cá nhân không chỉ phản ứng với nhau mà còn phản ứng với những phản ứng của người khác. Điều này dẫn đến việc một người hoặc một nhóm lại phản ứng với những phản ứng đó và… trong một vòng cung giao tiếp bất tận (endless communication loop).

Một ví dụ hay được biết đến đó là mối quan hệ “theo đuổi - xa cách” (pursuer-distance) ở một số cặp đôi. Khi người theo đuổi (pursuer) cảm thấy có khoảng cách quá xa giữa họ với đối tác, họ sẽ làm chuyện theo đuổi. Nếu người giữ khoảng cách (distance) cảm thấy chật chội, họ sẽ rời ra xa để có thêm không gian. Nếu người giữ khoảng cách đi quá xa, người theo đuổi lại theo đuổi. Và nó hoạt động xoay qua, xoay lại như vậy.

Nhóm đã chọn thuật ngữ điều khiển học (cybernetics) để mô tả sự hiểu biết mới của họ về mối tương quan động năng trong gia đình (family dynamics),. Về nguồn gốc, từ này được Norbert Weiner sử dụng trong những năm 40, định nghĩa nó như là “khoa học nghiên cứu về sự điều khiển và giao tiếp ở những loài động vật và máy móc”.

Nhóm MRI xác định hai loại cung phản hồi: Kiểu đối xứng (symmetrical) – khi người ta đáp ứng lẫn nhau bằng những cách tương tự nhau và kiểu bổ sung (complementary) – khi một người “nhường nhịn” hoặc hỗ trợ người kia. Không có cách nào “đúng” hơn cách nào cả. Khi được bộc lộ theo một cách lành mạnh, mỗi cung phản hồi đều để lại kết quả đưa đến sự triển nở và thay đổi tích cực. Nhưng nếu không được kiểm định bởi những quy chuẩn văn hoá hoặc những giá trị tích cực, vòng giao tiếp có thể mất kiểm soát, trở nên không lành mạnh và mang tính hủy hoại.  

Nhóm này chỉ rõ hơn những cách lành mạnh cũng như không lành mạnh mà những mối quan hệ bổ sung hoặc đối xứng có thể vận hành.

Trong những mối quan hệ đối xứng lành mạnh (healthy symmetrical relationships), hai đối tác sẽ “soi gương” lẫn nhau. Sự thành công của một người sẽ nhận được sự đón mừng (tôn trọng, ngưỡng mộ) bởi người kia, mà sau đó người kia lại làm sao để có thành công ngang bằng và cũng nhận được sự chúc mừng (tôn trọng, ngưỡng mộ) về sự thành công của họ… Một ví dụ về mối quan hệ đối xứng không lành mạnh là sự cạnh tranh gay gắt giữa hai anh em hoặc hai chị em. Không ai trong số họ có thể làm vơi đi nỗi lo âu luôn ở mức cao của mình. Mỗi bên dành cuộc sống của mình để lo lắng dè chứng xem liệu em mình, anh mình hay chị mình có đang chống lại mình và làm sao tự nỗ lực để trở thành người giỏi nhất và tốt nhất.

Trong các mối quan hệ bổ sung lành mạnh (healthy complementary relationships), mô hình hành vi của mỗi người được làm cho “ăn khớp” hoặc bổ sung cho nhau. Đôi khi điều này thể hiện như một sự phân công lao động (division of labor), khi một người gánh vác một việc nào đó thì người kia ủng hộ cho sự thành công của người này; việc này khiến người kia cũng thành công hơn để sau đó nhận được sự ủng hộ trở lại. Cả hai người đều công nhận và đánh giá cao những đóng góp của người kia vào dự án này. Một mối quan hệ bổ sung không lành mạnh có thể được thấy trong những cặp đôi khi mà một người ở vị trí trội hơn, thể hiện sự kiểm soát và không tôn trọng người kia khiến người kia đáp ứng lại theo kiểu trở thành một nạn nhân càng ngày càng thụ động hơn.



Để có được sự giải thích toàn diện hơn về những mô hình giao tiếp như thế này, bạn có thể xem: Watzlawick, Beavin và Jackson, “Ngữ Dụng Học trong Giao Tiếp của Con Người: Một nghiên cứu về những mô hình tương tác, bệnh lý và nghịch lý,” (Pragmatics of Human Communication - A Study of Interactional Patterns, Pathologies and Paradoxes, Norton Books, 1967) - Norton Book, 1967.

Một số nhà tư tưởng cách tân và lỗi lạc nhất trong tâm lý học thời điểm đó, trong đó có danh nhân Gregory Bateson, Paul Watzlawick, Richard Fisch, Jules Riskin, Virginia Satir, Savador Minuchin, R.D. Laing, Irvin D. Yalom, Jay Haley, và Cloe Madanes đã bị thu hút bởi Palo Alto để tham gia vào nghiên cứu này và học hỏi lẫn nhau. Những công trình mang tính thực nghiệm và đổi mới của họ đã định hình một nền tảng cơ sở cho rất nhiều điều mà chúng ta thực hiện trong liệu pháp gia đình hiện nay.

Vì sao? Bởi vì công việc ở Palo Alto là một sự chuyển đổi gây chấn động về mặt tư duy. Điều khiển học đòi hỏi chúng ta không còn nhìn vào những hành vi có vấn đề của những cá nhân trong một gia đình, mà thay vào đó phải xem xét gia đình như một hệ thống, như một tổng thể có tính hữu cơ và sinh thái (organic and ecological whole) mà những thành viên của nó đang thường xuyên giao tiếp và phản ứng lẫn nhau.

Điều tất yếu khi đó là việc trị liệu sẽ chuyển từ việc chữa cho từng cá nhân sang trị liệu cho sự giao tiếp trong hệ thống này như một tổng thể. Vâng, lĩnh vực trị liệu gia đình đã tiến triển và thay đổi hơn 50 năm qua. Nhưng điều quan trọng là chúng ta không nên quên nguyên tắc cốt yếu từ công trình ban đầu này.

TẠI SAO PHẢI NHỚ ĐẾN ĐIỀU KHIỂN HỌC

Nó nhắc nhở chúng ta rằng không có mô hình nào là “đúng” trong việc thiết lập một mối quan hệ.

Chỉ có con người mới tin rằng cách mà chúng ta lựa chọn để cấu trúc mối quan hệ của chính mình là tốt nhất. Nhưng có rất nhiều cách lành mạnh (cả theo kiểu đối xứng lẫn theo kiểu bổ sung) để người ta có được một mối quan hệ ý nghĩa hoặc mối quan hệ hôn nhân. Cho dù bản thân nhà trị liệu đang sống trong một cuộc hôn nhân có quan hệ bổ sung - theo kiểu giữa một người là trụ cột gia đình và người kia là nội trợ, hoặc đang trong một mối quan hệ đối xứng - dựa trên những nguyên tắc bình đẳng, thì công việc của nhà trị liệu không phải là cổ suý cho những gì đang hiệu quả trong đời sống của riêng mình. Công việc của nhà trị liệu chính là phải tìm kiếm sự lành mạnh hoặc tiềm năng của sự lành mạnh trong những mô hình quan hệ riêng biệt của từng cặp đôi và giúp họ củng cố nó.

Không phán xét

Việc mô tả mô hình giao tiếp mà gia đình hay cặp đôi đang thể hiện sẽ giúp loại bỏ ý tưởng rằng có ai đó phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề. Thay vào đó, mỗi người trong số họ đều đang mắc mứu vào một mô hình đang gây ra đau khổ và tuy không cố ý, mỗi người vẫn đang gia cố cho mô hình đó.

Nó giúp “ngắt mạch” ý nghĩ cho rằng ai đã bắt đầu

Khi tư duy theo cách điều khiển học, người ta không thể chỉ ra là ai đã bắt đầu cho một tương tác có vấn đề. Điều này được hiểu là “phải có ai đó làm điều gì đó thì mới kích hoạt người khác” [Hiểu theo kiểu: “Không có lửa, sao có khói” – ND], nhưng thật là vô nghĩa khi cứ mãi đào bới cả lịch sử lên như vậy. Thực tế là A chỉ có thể bị kích hoạt nếu A có sự nhạy cảm đối với bất kỳ điều gì mà B làm và B khi làm nên “chuyện kích hoạt” ấy có thể đã không có bất kỳ ý nghĩ nào về việc B đang làm nên điều gì đó đối với A. Sẽ hữu dụng hơn khi nhìn vào sự tuần hoàn của tương tác giữa họ và giúp các bên liên quan có thể hiểu nó và quyết định cách thay đổi nó.

Đặt một cặp đôi (hoặc các thành viên trong gia đình) vào cùng một đội nhóm

Không quan trọng việc ai là người có lỗi và cũng không quan trọng việc ai là người đã khởi đầu, cách này sẽ dễ dàng giúp cho các cặp đôi hoặc những thành viên trong gia đình ngưng lại sự xung đột nhau và thay vào đó chuyển sự chú ý của họ sang việc cùng nhau giải quyết vấn đề.

Thay đổi mục tiêu trị liệu từ chỗ “sửa chữa” một cá nhân trở thành việc điều chỉnh một mô hình.

Trong khi người ta thực hiện một chuỗi “những phản ứng với những gì mà họ đang phản ứng lại với những phản ứng của nhau”, thì mục đích được đặt ra là phải phá vỡ chu trình này, chứ không định nghĩa vấn đề như là nhu cầu cần phải sửa chữa “vấn đề” của một hoặc vài người nào đó. Thông thì kiểu tư duy này có những ảnh hưởng thú vị. Cặp đôi hoặc gia đình sẽ thực hiện việc thay đổi mô hình giao tiếp của họ. Ngoài ra nó cũng làm giảm sự phòng vệ của các cá nhân và khiến mỗi người trở nên cởi mở hơn để làm việc trên những bận tâm riêng của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...