Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH VÀ TANG LỄ: VẬT THỂ NỔI - Phần 4

Bài gốc: Deuil et Thérapie Familiale: Quels Objets Flottants?
Dịch từ bản tiếng Anh: Mourning and Family Therapy: What Floating Objects?
Tác giả: JEAN-PAUL GAILLARD, YVELINE REY
Nguồn: Cairn.Info - Liệu pháp Gia đình 3/2001 (Quyển 22), Tr. 251-268

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



"Chúng tôi luôn tìm kiếm lời giải thích khi chúng là những đại diện mà chúng tôi chỉ có thể cố gắng phát minh ra" - P. Valéry (Bản điều trần số 1, trang 837)

Những đoạn in nghiêng được lấy từ một văn bản, chưa được xuất bản của Lucien Halin, với sự cho phép của ông

Xem lại Phần 1- Phần 2Phần 3

Phần 4 và hết

 

"Vật thể lưu hành" của tang chế

Vật thể lưu hành: circulating objects (E) - objets circulants (F)

Bowlby (1984), khi quan sát những đứa trẻ bị tách khỏi mẹ, đã mô tả một "hội chứng phản ứng với sự chia ly", trong đó ông phân chia thành ba giai đoạn: phản đối, tuyệt vọng, tách rời (protest – despair - detachment). Sau đó (Bowlby và Parkes 1980), điều chỉnh mô hình này với tang chế ở người lớn, ông đã hoàn thành mô hình của mình và phân chia thành năm giai đoạn: sững sờ, khẩn cấp để thu hồi đối tượng, rối loạn, tuyệt vọng, tổ chức lại (stupor - urgency to recover the object - disorganization – despair - reorganization).

M.F. Bacqué và M. Hanus, những người đã nghiên cứu các quy trình tang chế trong nhiều thập kỷ, tác giả của “Que sais-je? Le mourning” (2000), phân biệt năm giai đoạn: trạng thái sốc (sự ngưng trệ về tâm-thể), hành vi tìm kiếm và thoái lùi, hung hăng và tức giận, biểu hiện đau buồn vì thương tiếc, chấm dứt quá trình đau thương.

Elisabeth Kübler-Ross (1975), một bác sĩ đã dành cả cuộc đời chuyên môn của mình để hỗ trợ người hấp hối, đưa ra một đường cong biểu diễn (cung tuyến) về thương tiếc (mourning curve) không liên quan đến tang quyến, mà liên quan đến chính những người đang cận kề cái chết. Đường cong này có năm giai đoạn: phủ nhận (sốc), tức giận (cảm xúc), mặc cả, trầm cảm và chấp nhận (gia tăng tính tự chủ).

Nếu chúng ta so sánh hàng loạt các giai đoạn này, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng sự khác biệt là rất ít và chỉ nhấn mạnh sự kiên định của các tác giả về chi tiết này hay chi tiết khác mà thôi. Dường như các tác giả đều đồng ý đối với hầu hết các nét chung và thứ tự diễn ra các giai đoạn khác nhau. Đối với đường biểu diễn của Kübler-Ross, chỉ mô tả quá trình đau thương của bản thân, có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng của nó với các chuỗi mô tả (của các tác giả) khác: trên thực tế, trong nhiều năm chúng tôi đã làm việc để hình thành và giám sát các đội chăm sóc, chúng tôi có thể thấy rằng đường cong này mô tả một cách rất cụ thể, không chỉ các trạng thái mà người hấp hối đi qua, mà còn cả những trạng thái mà những người chăm sóc người hấp hối, cũng như của thân nhân của những người hấp hối, đã trải qua.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, ngoài các phương pháp tiếp cận theo kiểu giản lược này, các giai đoạn ấy còn tiến triển từ tập hợp các tương tác phức tạp, mà tùy theo yếu tố con người và bối cảnh, có thể duy trì những đặc trưng động năng của tiến trình, hoặc ngược lại, sẽ ngăn trở nó dưới tác động của vòng lặp đệ quy (recursive loops/bouclages récursifs) hoặc sự tuyến tính hóa (linearization).

Vòng xoắn ốc, vòng lặp và sự tuyến tính hóa của vòng xoắn ốc (Spiral, loops and linearization of the spiral)

Sơ đồ ví dụ về một vòng lặp và sự tuyến tính hoá

Giận dữ (colère)                                 Mặc cả (marchandage)

                       
                         Chối bỏ (denégation)

 Buồn bã tuyến tính hoá (tristesse linéariséc)

Trên thực tế, ba chuỗi giai đoạn nêu trên tuân theo một mô hình tư duy tuyến tính và quy chuẩn mà ít có sự tương đồng với các quan sát lâm sàng. Thật vậy, những gì quan sát lâm sàng cho thấy thì trông giống như một hình xoắn ốc với ít nhiều hỗn loạn hơn là một đường cong theo kiểu tuyến tính. Các nhóm tang quyến bị mất người thân (thương tiếc cho người khác hoặc thương tiếc cho chính mình) thì di động qua lại một cách lộn xộn quanh những vị trí không đổi: Một trong các thành viên của gia đình sẽ ở lại vị trí mà một người khác đã bỏ lại, trong khi một người thứ ba lặp lại một cách đệ quy hai hoặc ba vị trí mà anh ta điều hướng vô thời hạn (ví dụ: giữa sự từ chối, giận dữ và mặc cả), và một người khác dường như bị neo giữ lâu dài ở một vị trí duy nhất nào đó (ví dụ: tức giận hoặc buồn bã).

Để xây dựng và thử nghiệm một vật thể nổi mới và chuyên biệt hơn, chúng tôi đã chọn sáu vật phẩm/tiết mục (items) mà ít nhiều có thể tìm thấy trong mỗi chuỗi được tạo ở trên:

Trạng thái sốc - Từ chối - Giận dữ - Mặc cả - Tuyệt vọng – Sự thông thái

(State of shock - Denial - Anger - Bargaining - Despair – Wisdom)

Chúng tôi đã thử nghiệm sáu vị trí này bằng cách đưa ra từng tư thế riêng lẻ cho những tang quyến có người thân bị mất gần đây và nhiều năm trước của chúng tôi, một số rõ ràng đang đau khổ và một số người khác thì đã bình yên hơn. Tất cả không mấy khó khăn khi ghi nhận và mô tả về những thời điểm khác nhau ấy là đang hoặc đã xảy đến với họ. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm những thời khoảng này với những người chăm sóc (caregivers), và tất cả những người này cũng đã công nhận rằng những tình trạng khác nhau đó cũng thường xuyên xảy ra với họ, trước sự đau khổ và cái chết của bệnh nhân. Và rồi, chúng tôi đề nghị họ đến các gia đình tang quyến đã đến tư vấn bởi ​​chúng tôi?

Làm việc với gia đình về chủ đề mất người thân đặc biệt đau đớn

Bà D. điện thoại để đặt một cuộc hẹn cho gia đình của bà. Hồ sơ ghi nhận qua điện thoại mô tả đây là một gia đình thuộc tầng lớp lao động (cha và mẹ làm việc trong nhà máy) có ba người con: hai trai 19 tuổi và 14 tuổi, và một gái gái 7 tuổi. Ông bà nội sống ở một làng kề bên, ông bà ngoại đã mất khoảng 10 năm.

Khi được nhà trị liệu hỏi về lý do liên hệ, bà D. bật khóc cho biết con trai lớn của bà đã tự tử trước đó 2 tuần. Một cuộc hẹn đã được tổ chức ngay lập tức sớm nhất có thể, và cả gia đình hạt nhân đã được mời đến.

Khi cả gia đình bước vào văn phòng, có một sự tương phản rõ rệt về vẻ biểu hiện (Nguyên văn: “le contraste analogique est saisissant”): Ông D., một người đàn ông cao lớn 45 tuổi, vui tính; theo sau anh ta là đứa con trai 14 tuổi, khuôn mặt căng thẳng chứa đầy sự tức giận, sau đó là một cô gái trông có vẻ hoàn toàn lạc lõng và cuối cùng là người vợ, 40 tuổi, khuôn mặt tàn tạ vì tuyệt vọng và đẫm lệ.

Rõ ràng là sự mô tả đơn giản này giúp nhà trị liệu được tháo gỡ khỏi quan điểm cổ điển nếu tiếp nhận làm việc với chỉ một người; mà theo đó, trong trường hợp này, chỉ có bà D. mới có thể có lý do để đến với cuộc tham vấn.

Chúng tôi yêu cầu ông D. giải thích cho chúng tôi những gì đang xảy ra: ông nói thẳng với chúng tôi rằng bé Aline (7 tuổi) đã được thông báo rằng anh trai của cô bé đã bị tai nạn và không biết thêm gì nữa. Sau đó, chúng tôi giải thích với cô bé rằng sẽ có những cuộc thảo luận nghiêm túc giữa người lớn và trong thời gian này, cô sẽ phải đợi trong phòng chờ và sẽ được giải thích sau đó. Cô bé đồng ý đi chơi và chúng tôi đưa cho cô bé những cuốn sách, giấy và bút dạ dành cho trẻ em, yêu cầu cô bé vẽ ra một gia đình cho chúng tôi.

Chúng tôi nêu ý kiến với ông bà D. rằng sẽ hữu ích nếu nhanh chóng cho cô bé biết điều gì đã thực sự xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ dành thời gian để cùng suy nghĩ về việc này. Rồi họ thông báo thêm sau đó cho chúng tôi, rằng cô bé đã chứng kiến việc nhập quan và tham dự đám tang của anh trai.

Ông D., dao động giữa cười và khóc (thực tế là ông đang ở đỉnh điểm của sự kích động và tuyệt vọng), nói rằng ông đã “nặng lời " với người con cả của mình 2 ngày trước khi xảy ra thảm kịch, vì cậu cả đã làm hỏng chiếc xe của ông và còn tiêu hết tiền của mình một cách bừa bãi. Dạo gần đây, cũng vì điều này, mà quan hệ giữa cha mẹ và cậu con cả đã trở nên căng thẳng.

Cậu con trai cả đã treo cổ tự tử và người cha, cùng cậu con trai thứ hai, đã không tìm thấy anh ta cho mãi đến hai ngày sau đó, sau khi đã tìm kiếm khắp nơi suốt 24 giờ.

Như những gì nên làm trong liệu pháp hệ thống, chúng tôi thực hiện việc trao đổi thông tin qua lại với từng thành viên có mặt, nhấn mạnh những cảm xúc mà họ đang có và những chuyện mà họ đã trải qua.

Vào cuối phiên làm việc cực kỳ cô đọng và mạnh mẽ này, chúng tôi đề xuất phiên làm việc thứ hai để cùng làm việc về các giai đoạn mà gia đình sẽ trải qua, cùng nhau cũng như riêng biệt từng người. Chúng tôi cũng yêu cầu các bậc cha mẹ suy nghĩ về cách họ sẽ thông báo cho cô con gái nhỏ của họ về việc anh trai cô ấy đã chết như thế nào.

Phiên thảo luận về các giai đoạn của tang lễ

Khi trở lại làm việc, chúng tôi giải thích với gia đình D rằng bất cứ ai cũng đều trải qua những tình cảm và cảm nhận giống nhau khi mất đi một người thân yêu, và điều quan trọng là mọi người phải biết và nhận ra chúng ở bản thân cũng như ở những người thân khác, trong lúc đang khó khăn này. Cô gái cũng có mặt: bố mẹ vẫn chưa đủ can đảm để thông báo thêm cho cô ấy, nhưng vì cuộc làm việc đang đi vào cung tuyến (curve) nên không đòi hỏi chúng tôi phải đi sâu vào tất cả các chi tiết, chúng tôi quyết định rằng cô bé sẽ tham gia vào buổi làm việc chung. Trước tiên chúng tôi tìm hiểu tần suất gia đình đến viếng nghĩa trang: Ông D đã không đến đó trong 15 ngày, còn bà D. đến 2 ngày trước đó; Hervé (cậu con trai thứ 2) đã không ở đó trong một tháng (tức là kể từ đám tang) và Aline thỉnh thoảng đi với mẹ khi không phải đi học.

Chúng tôi gợi lên những đồ vật và quần áo thuộc về Cédric (cậu trai cả), nhấn mạnh cần phải suy nghĩ về việc cất giữ, phân phát hoặc vứt bỏ chúng đi, tùy theo mức độ quan trọng của chúng. Chúng tôi thông báo cho bà D. về điều có thể xảy ra rằng nếu một ngày nọ bà "nhìn thấy", hoặc cũng có thể bà đã "nhìn thấy", cậu con trai cả của bà kể từ sau khi cậu ấy qua đời, thì cũng không nên lo lắng vì đó là một hiện tượng tự nhiên rất thường thấy (Gaillard 1996).

Chúng tôi vẽ ra trước mặt họ một cung tuyến (curve/courbe) - với các giai đoạn: Trạng thái sốc - Từ chối - Giận dữ - Mặc cả - Tuyệt vọng - Thông thái và chúng tôi bắt đầu khám phá ở thể thức thông thường:

Sốc: Bà D đã ở trong tình trạng nằm phủ phục trong khoảng 15 ngày, Ông D trong trạng thái sốc 4-5 ngày (thực tế, ông vẫn còn sốc trong cuộc gặp đầu tiên: trạng thái kích động tâm lý của ông đã làm chứng cho điều đó), Hervé trong một tuần và Aline trải qua "một ngày không tin vào chuyện đó".

Chối bỏ:

Bà D: “Nó không giống như ông nói (chối bỏ): đó như một vết cắt (một cơn đau dữ dội và liên tục, vẫn còn một tháng sau cái chết của con trai bà). Bà D. vẫn còn bị sốc.

Ông D: "Khi tôi tìm thấy nó thì tôi không nghĩ nó đã chết: vẫn thấy nó đang tựa mình và suy nghĩ, tôi gọi nó, nói chuyện với nó, tôi nghĩ nó đang cầm điếu thuốc lá ... Khi quan tài chưa được đậy nắp, chúng tôi vẫn không tin vào điều đó… Một tuần sau đó, tôi vẫn đi tìm con tôi, tôi nghe tiếng bước chân của nó trong nhà, tôi nhìn xem xe của nó có ở trong sân hay không… (ông D khóc).

Hervé: "Cháu đã không thể tin được điều đó trong một tuần ...”

Aline: "Đôi khi cả nhà cháu tự nhủ rằng anh ấy có thể sẽ quay lại ...”

Giận dữ:

Ông D: “Ừ, thì vợ tôi trách tôi khó tính, bà ấy vẫn giận tôi… Tôi cứ luôn thấy mình có tội, cảm giác đó không rời khỏi tôi…”

Bà D: (gật đầu)

Hervé: (nghiến răng và mặt đanh lại) "Vâng, cháu giận bố: ông ấy không nên la mắng anh trai cháu, cháu muốn ông ấy ... (Ông D bật khóc, Bà D ngưng khóc)

Mặc cả:

Hervé: "Cháu tưởng tượng mình có một cỗ máy thời gian ...”

Ông D: "Tôi luôn tự nhủ rằng mình có thể làm được nhiều hơn cho thằng bé, rằng tôi lẽ ra phải nên ở đó, rằng tôi đã có thể nói (điều này điều nọ) ... (Lưu ý đây là những gì đến từ một gia đình khắng khít và người cha thực sự có mối quan hệ tuyệt vời với con trai cả của mình).

Bà D: Vẫn còn trong nỗi đau như bị cắt, bà không có biểu hiện gì về sự mặc cả.

Tuyệt vọng:

Ông D nói rằng bác sĩ đã khuyến nghị cho họ nghỉ làm việc một tháng: "Lâu quá rồi, có lẽ sau 7-8 ngày nữa tôi sẽ đi làm lại" (thoát khỏi tình trạng trầm cảm).

Bà D nói rằng bà không đủ sức để tiếp tục ngay, nhưng cũng sẽ hữu ích cho bà nếu trở lại làm việc.

Hervé nói rằng trên thực tế, cậu đã bắt đầu tha thứ cho cha mình và bật khóc, điều mà cậu chưa làm được trong phiên làm việc. Người cha đang ngồi bên cạnh cậu ôm lấy cậu dịu dàng trong vòng tay của ông và Hervé không đẩy ông ấy ra.

Chúng ta chỉ tiếp cận đến thời điểm xoa dịu để xác định rằng nó sẽ đến cho tất cả vào đúng thời điểm của nó, bởi vì cuộc sống vốn cần như thế. Cậu con trai đã chết được một tháng.

Chúng tôi không đề nghị phiên làm việc thứ ba, vì biết rằng gia đình D đã phải hy sinh tài chính lớn để chi trả cho hai buổi vừa qua; chúng tôi báo cho họ rằng chúng tôi luôn có mặt trên điện thoại để tiếp chuyện với tất cả họ.

Gia đình D. chia tay chúng tôi, người bố, người mẹ và Hervé tuyên bố mình đã "tốt hơn" khi đến hai buổi làm việc này; và hai bố mẹ sẽ thông báo cho Aline về cái chết của anh trai cô.

Liệu có thể có một sự hỗ trợ hệ thống cho gia đình có người thân bị mất?

Khi sử dụng trình tự hỗn loạn với 6 tiết mục này, chúng tôi vẫn thường xuyên quan sát hiệu quả của nó trong việc hồi sinh các tương quan động năng của tang chế và giảm bớt đau khổ (reliving dynamics of mourning and alleviating suffering). Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng tính "khô khan" của ngôn từ và sự tuyến tính quá mức trong cách trình bày này (digital “dryness” and its excessive linearity in the presentation) có thể được phát huy một cách thuận lợi, với sự tôn trọng nhiều hơn dành cho “vũ điệu tương tác” (interactional dance) nơi mà mọi chuyện đang được diễn ra (Gaillard, 2000) và có xem xét nhiều hơn đến cả những trao đổi không lời (analog). Trong nghiên cứu này trước khi tạo lập và xác nhận một kỹ thuật chuyên biệt hơn, chúng tôi đã giữ lại 6 “yếu tố bất biến” (invariants), mà chúng tôi liên kết với 18 “biến tố” (variants) được ghi lại trong bảng dưới đây. Liệu công cụ mới này có thể trở thành một loại vật thể nổi hay không, biết rằng theo định nghĩa thì đây không phải là các kỹ thuật nhằm để phòng ngừa hoặc hợp lý hóa, mà đúng hơn là những nghi thức thấm đẫm cảm xúc.

Bảng

6 yếu tố bất biến (Invariants): Sốc (État de choc) Chối bỏ (dénégation) Tức giận (colère) Mặc cả (marchandage) Trầm cảm (dépression) Sự thông thái (sagesse)

18 biến tố (Variants): Sự mù mờ (brouillard) - Phẫn nộ (ressentiment) - Sững sờ (stupeur) - Mặc cảm có lỗi (culpabilité) - Đầu trống rỗng (tête vide) - Sầu não (tristese) - Kích động (agitation) - Tuyệt vọng (désespoir) - Đau đớn (douleur) - Trống rỗng (vide) - Mù quáng (aveuglement) - Nhân nhượng (apaisement) - Tự dối lòng (mensonge à soi-même) - Đổi mới (renouveau) - Thịnh nộ (rage) - Phục hưng (renaissance) - Muốn huỷ hoại (envie de détruire) - Hoài niệm (nostalgie)

Bàn luận và kết luận        

Để trình bày phần đầu tiên của tác phẩm này, chúng tôi đã chọn các cấp độ ngôn ngữ khác nhau: điều dường như quan trọng đối với chúng tôi là phải thêm vào một sự trao đổi về “học thuyết ~ lâm sàng” có tính hợp lý, nhằm để biểu thị, khách thể hóa và chức năng hóa (Morin, 1993), cho một "giọng nói lồng tiếng" (voice over), mang tính thơ văn, mà đến  phần mình, nó sẽ có thể làm nên chiều kích của sự nhận cảm và chiều sâu của tình cảm con người, đặc biệt là trong chủ đề tang tóc và trị liệu.

Các khám phá khác nhau được báo cáo ở đây đã xác nhận rằng ý niệm về bối cảnh quả là phong phú hơn biết bao so với cấu trúc nhân cách hoặc bất kỳ kiểu phân loại giản lược nào, nó không chỉ như là một khuôn khổ để đọc hiểu một hiện tượng mà còn là điều kiện để trải nghiệm một kiểu giao tiếp ít xa lạ hơn – đó là tái tham gia vào một tiến trình động năng (dynamic process).

Nghiên cứu tiếp tục, như một việc đã định trước, với sự tôn trọng đạo đức về việc cởi mở trong lựa chọn. Từ cuộc trò chuyện này, nơi mà các mức độ trải nghiệm khác nhau có thể được gợi lên, đã xuất hiện một số điều quan trọng như sau:

* Công trình nghiên cứu về các “đường tuyến mô tả quá trình đau buồn” đã thách thức chúng ta về khía cạnh thời gian và cách thức mà nó được huy động, cả ở cấp độ cá nhân và gia đình, khi một sự kiện như thế xảy ra.

Các phản ứng cảm xúc đi kèm với quá trình đưa tang này liên quan đến cảm giác tuyệt vọng gắn với sự biến mất đột ngột, nỗi mất mát, sự đối mặt với cái chết, đôi khi được thêm vào một trải nghiệm mất phương hướng tạo ra bởi cú sốc của sự biến động đột ngột với “cấp độ chồng lên cấp độ”, đối với các thế hệ, địa vị, vai trò và các mối quan hệ trong gia đình cũng như với thế giới bên ngoài.

Sau đó, chúng tôi đang tiến rất gần đến những gì có thể được quan sát thấy trong stress sau sang chấn (De Clerq, 1995). Do đó, ý tưởng về một quy trình chuyên biệt trong việc chăm sóc các gia đình bị sang chấn do mất mát người thân, vạch ra một không gian đảm bảo những chức năng bảo vệ, nhưng có tính giới hạn, và sẽ cho phép triệu chứng chính, cụ thể là sự phá hủy mối liên kết bản sắc, có thể được tích hợp, ở mức tối thiểu, với diễn biến của các quá trình tâm lý và xã hội mang tính chất tàn phá và gây tan rã. Những tình huống “ranh giới” này, vẫn chưa được nghiên cứu kỹ càng, đã đặt ra câu hỏi về tính chắc chắn trong nhận thức luận của chúng ta đối với chủ đề về hiệu quả chữa lành của việc trị liệu. Sự “giải phức” cực độ (extreme decomplexification) được quan sát thấy ở một trường hợp (hoặc hàng loạt trường hợp) mất người thân, cả ở cấp độ cá nhân và gia đình, có thể đòi hỏi việc triển khai các công cụ mang tính “tái kiến tạo từng phần” với độ phức tạp tối thiểu (partially reconstructive tools of minimal complexity).

[Chú thích: Sự giải phức – decomplexification – Là quá trình làm cho đơn giản hoá một hệ thống hoặc một tiến trình, vốn/từng đơn giản, nhưng do sử dụng quá nhiều mà trở nên phức tạp, khó sử dụng hoặc không còn có thể sử dụng được. Hoặc là một quá trình tạo nên điều gì đó dễ dàng hơn từ điều được thấy là khó sử dụng – Theo Từ điển Urban Dictionary]

Câu hỏi phụ sau đó sẽ là: liệu việc khôi phục các điều kiện phức tạp tối thiểu trong các tương tác gia đình và xã hội có đủ hay không?

* Quan điểm về định hướng trị liệu tâm lý của chúng tôi dựa trên các mô hình tạo lập của gia đình (F: modèles fondateurs de la famille; E: founding models of the family) (Caillé và Rey, 1996) với việc đánh giá lại những hành động phục hồi dựa trên những quan sát chuyên biệt (Gaillard, 2000), trên tinh thần cởi mở mang tính kiến ​​tạo, mà dường như có lẽ chỉ có lợi cho việc thực hành của chúng tôi.

* Thử nghiệm được thực hiện với “vật thể nổi” ngay lập tức cho thấy lợi thế của việc sử dụng, trong lúc bổ sung phần này, có một thứ ngôn ngữ đã được sử dụng cho một nơi chốn khác, hỗ trợ giao tiếp không lời (analog) và mở ra một thế giới ẩn dụ.

* Đối với chúng tôi, trong mọi trường hợp, dường như công cụ này vừa duy trì tình trạng không thể đoán trước, đồng thời vừa như là người mang đến sự trật tự. Trò chơi ngỗng dường như tương ứng với yêu cầu kép này. Nó có thể được phong phú hoá thêm và được đưa vào giai đoạn khi mà chân dung gia đình đang tương ứng với các sự kiện đã chọn trong bước đầu tiên. Nó cũng có thể được bổ sung bằng một câu chuyện chưa hoàn thành (unfinished tale) (cách tiếp cận này cần phải được thử nghiệm và sẽ là chủ đề của một nghiên cứu khác). Điều quan trọng là thông qua câu chuyện được tái kiến tạo, sự kiện sẽ trở nên có ý nghĩa và “những cuộc khởi nghĩa cùng với thơ ca có thể sánh vai cùng nhau”, mở  đường cho một hình thức chữa lành khả thi và một khả năng tiếp cận đến việc tái đầu tư vào thế giới xung quanh mình. Khi chính những điều kiện cho sự tạo lập ý nghĩa bị phá hủy, chứ không chỉ bị xóa mất, những công cụ và mô hình cần phải được kiểm tra lại.

“Quan điểm hệ thống về sự mất người thân đặt ra các chức năng khác với những chức năng đã xảy ra trong đau buồn và thương tiếc. Đó là một khoảnh khắc mãnh liệt của sự tổ chức lại và sáng tạo, những khoảnh khắc kết nối lịch sử của một gia đình với những câu chuyện khác vốn tạo nên cuộc sống của loài người. Vầng tinh quang soi sáng cho họ, và sau đó, lịch sử của họ được tái tạo và họ sẽ tiếp tục lộ trình của mình".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...