Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

STRESS VÀ NGHỊ LỰC Ở NHỮNG NHÀ THAM VẤN TRONG ĐẠI DỊCH - Phần 1

Stress and Resilience Among Professional Counselors During the COVID-19 Pandemic
Tác giả: CLARK D. AUSLOOS
Nguồn: Journal of Counseling & Development - 2021

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Phần 1

Tóm tắt (Abstract)

Nghiên cứu hiện nay sử dụng một mẫu đại diện quốc gia trên những nhà tham vấn chuyên nghiệp (N=161) đang cung ứng dịch vụ trong đại dịch COVID-19, để khảo sát tầm mức của các vấn đề: stress phải nhận chịu (perceived stress), đáp ứng ứng phó (coping response), nghị lực vượt khó (resilience), stress hậu sang chấn tiên báo tình trạng kiệt sức (posttraumatic stress predict burnout), stress gây sang chấn thứ phát (secondary traumatic stress), và sự “hài lòng trắc ẩn” (compassion satisfaction – một cảm nhận mãn nguyện vì đã trắc ẩn, hỗ trợ người khác; trái với “compassion fatigue” – ND). Các kết quả đa phân tích hồi cứu cho thấy nghị lực vượt khó là yếu tố có liên quan tích cực mạnh mẽ với tình trạng “mỏi mệt vì lòng trắc ẩn” (compassion fatigue) và có mối liên quan tiêu cực mạnh mẽ với tình trạng kiệt sức (burnout). Mức độ stress nhận được cũng liên quan tích cực mạnh mẽ với kiệt sức. Nghiên cứu đã mang lại những gợi ý và những chiến lược giúp cho các chuyên viên tham vấn giảm thiểu những tác động của stress trong khi diễn ra đại dịch bằng cách quan tâm tự chăm sóc bản thân và gia tăng nghị lực vượt khó.

STRESS VÀ NGHỊ LỰC Ở CÁC CHUYÊN VIÊN THAM VẤN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Mặc dù COVID-19 đang gây ra những tác động lâu dài lên trên hệ thống y tế, các chính sách và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế trong thời gian tới, các tác động của đợt bùng phát dịch lên sức khoẻ tâm thần thì rõ ràng là đã hình thành. Các quan ngại về vấn đề sức khoẻ tâm thần liên quan COVID-19 là về tác động bất cân xứng của đại dịch đối với những nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm (tại Hoa Kỳ - ND): những cộng đồng dân da màu, người chuyển giới do thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực; những cộng đồng Mỹ gốc Á, du học sinh Á Châu và kiều dân trên các đảo ở Thái Bình Dương, khi phải đối diện với nạn kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử. Các chuyên viên tham vấn phải chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ cho các thân chủ, đặc biệt là những người đang chịu đựng những gánh nặng lớn lao và đang mang những nỗi khổ tâm ngày càng gia tăng, các vấn đề sức khoẻ tâm thần liên quan đến cách ly xã hội, phải thích ứng cuộc sống trong một tình trạng khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu, những bận tâm liên quan đến thất nghiệp hàng loạt, sợ bị nhiễm bệnh và suy trầm kinh tế. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu bắt đầu làm rõ những tác động gây huỷ hoại của đại dịch COVID-19 đối với sự an lành về tâm lý của dân số chung và trên những nhân viên y tế tuyến đầu, nhưng việc khảo sát tác động của đại dịch trên các chuyên viên tâm lý đang hành nghề thì vẫn chưa được thực hiện.

CÁC TRẢI NGHIỆM VỚI STRESS CỦA CHUYÊN VIÊN THAM VẤN

Như những chuyên gia làm công tác hỗ trợ, chuyên viên tham vấn phải làm nhiệm vụ lắng nghe thân chủ mà không bị cuốn hút vào những nỗi đau cảm xúc trong câu chuyện của họ. Những dữ liệu nghiên cứu hiện có đã cho thấy tình trạng stress đang gia tăng ở các chuyên viên tham vấn, và hậu quả là xảy ra những tình trạng như: “sang chấn uỷ nhiệm/sang chấn chịu thay” (vicarious trauma), “mệt mỏi vì trắc ẩn” (compassion fatigue) và kiệt sức (burnout). Trong một nghiên cứu gần đây, Moore và cs (2020) đã thực hiện một nghiên cứu định tính trên cơ sở đồng thuận (consensual qualitative research - CQR), trên một mẫu gồm 13 chuyên viên tham vấn, với các yếu tố khảo sát được xác định là có góp phần làm nên stress cho các cá nhân, bao gồm: những đặc trưng từ phía thân chủ (tình trạng không thể đoán trước, đòi hỏi/thao túng quá đáng, xung động…); tương quan động năng của mối quan hệ trị liệu (độ sâu của mối quan hệ, hiện tượng phản chuyển cảm, sự tương hợp giữa chuyên viên và thân chủ…); đáp ứng của chuyên viên tham vấn (khả năng ứng phó, suy xét và hiệu lực chuyên môn); và yếu tố bản thân chuyên viên về cả hai khía cạnh cá nhân và nghiệp vụ (personal versus professional self).

Những nghiên cứu khác cũng cho thấy có sự liên quan giữa tình trạng stress đang gia tăng ở các chuyên viên với tình trạng kiệt sức do phải xử lý các hiện tượng phản chuyển cảm (countertransference management), đối diện những tình thế lưỡng nan về đạo đức (ethical dilemma) và thể hiện lòng tự hoài nghi năng lực chuyên môn của bản thân (professional self-doubt). Việc cung cấp dịch vụ sức khoẻ tâm thần trong tình trạng thảm hoạ cũng gia tăng stress cho chuyên viên tham vấn theo những cách thức góp phần tạo nên những mối nguy hại có tính thấu cảm nghề nghiệp. Nghiên cứu của Lambert and Lawson (2011) phát hiện thấy rằng các chuyên viên tham vấn làm việc sau những cơn bão Katrina và Rita đã bị các tình trạng “compassion fatigue” và “vicarious trauma” nhiều gấp đôi so với cộng đồng các chuyên viên tham vấn nói chung của ACA.

Các chuyên viên nếu vẫn tiếp tục làm việc một khi đã bị suy giảm năng lực thì sẽ không còn hiệu quả trong vai trò trị liệu nữa và cũng sẽ có khả năng gây phương hại trực tiếp đến thân chủ. Mặc dù các nhà tham vấn chuyên nghiệp vốn là các chuyên gia trong việc mở ra không gian cho các thân chủ giải quyết nỗi khổ đau của họ, thế nhưng những việc này hiếm khi có thể mở rộng sang hướng giúp đỡ cho chính bản thân họ. Cần phải hiểu rõ những tác động của đại dịch lên đời sống cũng như chất lượng chuyên môn của những nhà tham vấn chuyên nghiệp bởi họ cũng có thể trải qua những hoàn cảnh gây stress mang tính hiện sinh giống như những thân chủ của mình. Với mức độ stress tăng cao ở các thân chủ, các chuyên viên tham vấn phải sẵn sàng để giúp giải quyết những nỗi bận tâm liên quan đến đại dịch của thân chủ, trong khi vẫn phải làm giảm thiểu các tác động của stress đối với chính họ, để bảo vệ sức khoẻ tâm thần và bảo vệ sự an lành của chính họ.

MỐI NGUY HẠI CÓ TÍNH THẤU CẢM NGHỀ NGHIỆP (EMPATHIC PROFESSIONAL HAZARDS)

Những nhà tham vấn chuyên nghiệp đang cung ứng dịch vụ sức khoẻ tâm thần cần phải biết duy trì những đường ranh giới lành mạnh (healthy boundaries) và tham gia đều đặn vào việc thực hành tự chăm sóc để có thể tiếp tục làm việc hiệu quả. Chẳng may là những nhà tham vấn vẫn phải liên tục nhận chịu sự tác động của những thách thức đáng kể từ nhiều việc như các vấn đề ngày càng khó khăn hơn của thân chủ, phải chuyển sang hình thức trị liệu từ xa (teletherapy), những khó khăn về tính bảo mật khi làm việc trực tuyến, những nghĩa vụ đạo đức và cả những trải nghiệm của chính cá nhân liên quan COVID-19. Những thách thức đó có thể gây tổn hại cho năng lực của chuyên viên tham vấn trong việc duy trì sự lành mạnh trong thời gian diễn ra đại dịch, và cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực trên chất lượng của cuộc đời hành nghề của họ. Phạm vi bài viết này không đủ để làm một tổng quan chi tiết, tuy nhiên tác giả vẫn cung cấp một mô tả vắn tắt về các tình trạng như sự “mỏi mệt vì lòng trắc ẩn”, kiệt sức và “sang chấn uỷ nhiệm”, vì chúng có liên quan đến sức khoẻ an lành của nhà tham vấn.

Sự mỏi mệt vì lòng trắc ẩn (compassion fatigue)

Trong vài thập niên qua, các nhà nghiên cứu đã chuyển sự chú ý sang việc tìm hiểu về tình trạng “mỏi mệt vì lòng trắc ẩn” nhằm thăng tiến sức khoẻ và sự an lành cho các nhà chuyên môn làm công việc hỗ trợ. Mỏi mệt do trắc ẩn là thuật ngữ chỉ tình trạng stress gây ra bởi việc giúp đỡ hoặc mong muốn giúp đỡ cho những người bị sang chấn (Figley, 1995). Những nhà chuyên môn làm công việc hỗ trợ khi mắc tình trạng này sẽ trải qua một sự giảm sút năng lực chăm sóc người khác như là kết quả của việc tiếp xúc trực tiếp với những nỗi khổ của thân chủ của họ và đã biết về những trải nghiệm sang chấn của thân chủ. Bản chất của nghề tham vấn, bằng nhiều cách khác nhau, đã đưa những ai đi theo nghiệp vụ này vào một rủi ro rất lớn có thể trải nghiệm tình trạng mỏi mệt do lòng trắc ẩn. Chẳng hạn như những nhà tham vấn được yêu cầu cần phải thể hiện sự thấu cảm, sự tôn trọng tích cực vô điều kiện, và bước vào thế giới của thân chủ sao cho có thể thấu hiểu được những trải nghiệm sang chấn của họ. Những trải nghiệm có tính thấu cảm, vốn là một đặc trưng cho nghề tham vấn, có thể hoá thành mối nguy nghề nghiệp do sự nhập tâm các trải nghiệm sang chấn của thân chủ từ đó làm tổn thương sự an lành của chuyên viên. Mặc dù sự mỏi mệt do trắc ẩn có thể phân biệt với kiệt sức và sang chấn uỷ nhiệm, tuy vậy các thể loại thách thức nghề nghiệp này có thể xuất hiện đan xen lẫn nhau.

Kiệt sức (burnout)

(Burnout - ẩn dụ như hình ảnh một que diêm đã cháy trụi – ND)

Kiệt sức chỉ tình trạng cạn kiệt sức lực kể cả về mặt thể lý, tình cảm lẫn tinh thần gây ra do sự tham gia liên tục vào những hoạt động nghề nghiệp đòi hỏi cao về mặt cảm xúc (emotionally demanding occupational situations) (Pines & Aronsin, 1988). Trong khi sự mỏi mệt do trắc ẩn thể hiện bằng một cảm nhận về sự thấu cảm và ưu tư sâu sắc về những con người đang đau khổ, thì kiệt sức chỉ tình trạng mất toàn bộ khả năng quan tâm chăm sóc người khác. Kiệt sức bao gồm một sự trộn lẫn các loại trải nghiệm, đặc trưng bởi cảm nhận mất hết sức lực, yếm thế, lo âu, bức rức, mỏi mệt, rút lui và giảm sút hiệu năng làm việc. Các yếu tố ảnh hưởng gây ra kiệt sức liên quan đến sự bất mãn trong bối cảnh của vai trò nghề nghiệp mà một người đảm nhận, ví dụ số giờ làm việc và cách tuyển dụng trong một môi trường làm việc độc hại và không được yểm trợ. Xét về khía cạnh hồi phục từ sau khi bị kiệt sức, người ta thấy những chuyên viên có những kỳ vọng phi thực tế và tính cầu toàn cao thì khả năng hồi phục kém hơn so với những chuyên viên có hiểu biết thực tế hơn về thế mạnh, thế yếu của bản thân, và về sở thích lựa chọn công việc (work preference).

Một nghiên cứu khác được thực hiện với những nhà tâm lý lâm sàng ở Nam Úc (South Australia) (với N=190) cho thấy các mức độ cạn kiệt về cảm xúc có liên quan có ý nghĩa với những tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và việc đòi hỏi tính kiểm soát cao trong trị liệu. Nhu cầu về tính kiểm soát trong trị liệu được đặc trưng bởi niềm tin của nhà trị liệu rằng cần phải có sự hiểu biết đầy đủ thì mới có thể trị liệu thành công. Những chuyên viên hỗ trợ nào càng xác thực khả năng kiểm soát cao về cảm xúc cũng như về công việc trị liệu thì càng dễ trải qua căng thẳng ở mức độ cao, mà điều này càng dễ đưa đến kiệt sức.

Do khả năng xảy ra trải nghiệm toàn diện về kiệt sức nên đòi hỏi phải có sự cân nhắc đặc biệt về những nhà tham vấn chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ trong thời gian đại dịch. Những nhà tham vấn trải qua tình trạng kiệt sức có thể tạo dựng những ý nghĩa khác biệt khiến có thể can thiệp vào khả năng tự chăm sóc bản thân họ. Sau sự bùng phát đại dịch COVID-19, những nhà tham vấn chuyên nghiệp đều đang cố gắng hỗ trợ cho nhiều thân chủ hơn trước đây, dành thêm thời gian để tham khảo tài liệu, đương đầu với những chướng ngại liên quan đến tính bảo mật, tính riêng tư và sự an toàn khi cung cấp dịch vụ trị liệu từ xa tại nhà. Sự hiện diện liên tục của những tác nhân gây stress liên quan đại dịch cũng có thể từ từ dẫn đến kiệt sức.

Sang chấn uỷ nhiệm (vicarious trauma)

Sang chấn uỷ nhiệm là một mối nguy nghề nghiệp khác mà các nhà tham vấn chuyên nghiệp phải đối mặt. Sang chấn uỷ nhiệm chỉ về những trải nghiệm sang chấn đột ngột phát sinh do nhận những thông tin đặc thù được trình bày bởi thân chủ. Trong khi kiệt sức có thể xảy ra ở bất cứ nghề nghiệp nào, tình trạng sang chấn uỷ nhiệm chỉ xảy ra ở các chuyên viên hỗ trợ làm việc với những người đã trải qua sang chấn (trauma survivors). Những chuyên viên bị sang chấn uỷ nhiệm sẽ trải nghiệm về những hình ảnh xâm nhập vào tâm trí (intrusive imagery) liên quan đến nội dung tình trạng của thân chủ, và đối diện với những thách thức liên quan đến sự tin cậy (trust), kiểm soát sự gần gũi mật thiết (control intimacy), tính an toàn (safety) và lòng quý trọng (esteem). Vì thân chủ cũng có thể đang trong những nỗi sợ liên quan đến COVID-19, hoặc đang trải nghiệm về cái chết, hấp hối, hoặc đang mắc bệnh nghiêm trọng, những nhà tham vấn và các chuyên viên sức khoẻ tâm thần khác khi làm việc trong thời gian đại dịch vốn cũng phải cung cấp dịch vụ tham vấn sang chấn (trauma counseling).  Một khi tình trạng sang chấn uỷ nhiệm hoà vào cùng với những trải nghiệm sang chấn của riêng mình, những nhà tham vấn chuyên nghiệp cũng có thể trở nên dễ mẫn cảm với sự khuấy động về cảm xúc, mà từ đó có thể dẫn đến sự mỏi mệt do trắc ẩn và kiệt sức.

NGHỊ LỰC VƯỢT KHÓ/SỨC CHỐNG CHỊU (Resilience)

Sự nuôi dưỡng nghị lực phản ảnh những quyết định mang tính chủ động hướng các cá nhân đến sự bình an và lành mạnh. Theo Lawson và Myers (2011), các chuyên viên tham vấn nên được nhắc nhở cần phải có chủ định trong việc theo đuổi những hành vi, cả về cá nhân lẫn về nghiệp vụ, sao cho có thể phát huy khả năng của họ hướng đến sự hài lòng đầy đủ hơn về những trải nghiệm trong công việc của họ. Nhữn chuyên viên tham vấn đang cung ứng dịch vụ hỗ trợ thảm hoạ, nếu thường xuyên thực hành tự chăm sóc bản thân, thì ít có khả năng rơi vào tình trạng kiệt sức, mỏi mệt do trắc ẩn và sang chấn uỷ nhiệm hơn những người không thực hành tự chăm sóc. Nhà tham vấn sức khoẻ tâm thần trong thảm hoạ nếu thực hành tự chăm sóc bản thân và quản lý stress tốt sẽ có nhiều khả năng đạt được điều gọi là “sự tăng trưởng hậu sang chấn” (post-traumatic growth), gia tang mức độ hài lòng về nghề nghiệp và ít bị stress nghề nghiệp hơn. Thật vậy, các chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp nếu biết cách làm việc hướng đến việc xây dựng nghị lực thì có thể phòng tránh được sự mỏi mệt do trắc ẩn, sang chấn uỷ nhiệm và stress thứ phát, đồng thời lại gia tăng sự “hài lòng/mãn nguyện vì lòng trắc ẩn (compassion satisfaction). Sự hài long do làm việc với lòng trắc ẩn có thể nẩy sinh từ những hoạt động tạo nên cảm quan hài long/mãn nguyện khi giúp đỡ thân chủ. Các nhà tham vấn được nhắc nhở hãy xây dựng cho mình một nghị lực vượt khó để làm giảm nhẹ những khía cạnh đầy thách thức trong công việc của họ và gia tăng cảm nhận về mục đích công việc (sense of purpose), đặc biệt khi cung ứng dịch vụ trong thời gian xảy ra đại dịch.

Đón xem tiếp Phần 2

NHỮNG NGHIÊN CỨU HIỆN TẠI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...