“Narrative House: A Metaphor
for Narrative Therapy – A Tribute for Michael White”
Tác giả: RENÉ VAN WYK – PhD Psychology, Đại học Johanesburg, Nam Phi
Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN
Xem lại Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Phần 4 và hết
MỐI
LIÊN QUAN GIỮA HỆ QUẢ ĐỘC ĐÁO VÀ CÂU CHUYỆN THAY THẾ
Việc xâu chuỗi những hệ quả độc
đáo lại với nhau giúp cho người kể chuyện có cơ hội tạo lập và gọi tên cho một
câu chuyện thay thế (Semmler & Williams, 2000; White & Epston, 1995).
Nó cung cấp những viên gạch để xây dựng nên một câu chuyện được sáng tác lại.
Nó cho phép cá nhận định hình lại những giá trị của chính mình thay vì là những
giá trị mà các vấn đề đã “ấn định” cho họ (Freedman, Epston & Lobovits,
1997; White & Epston, 1990). Các hệ quả độc đáo đóng vai trò như những
nguyên liệu thô để xây dựng nên những cách mô tả mới về bản thân, làm nên những
câu chuyện thay thế với một bản ngã mới có năng lực (Durrant & Kowalski,
1998). Những câu chuyện thay thế giúp phát huy khả năng của thân chủ trong việc
tự kiểm soát những cảm nhận và những hành vi mà trước đó đã từng cảm thấy quá sức
chịu đựng.
Theo Morgan (2000, tr.72), việc
gọi tên cho câu chuyện thay thế sẽ mang đến những thuận lợi sau đây:
* Tiến trình đó giúp cá nhân
càng tách bản thân ra khỏi câu chuyện nổi trội xa hơn, tạo ra một khoảng không
để xem xét theo những cách khác.
* Những nguyện vọng cá nhân sẽ
trở nên rõ ràng hơn để người đó dễ dàng hơn trong việc thực hiện những sự lựa
chọn.
* Việc đặt tên cho cả câu chuyện
nổi trội lẫn câu chuyện thay thế sẽ giúp cá nhân định ra một khuôn khổ cho việc
phác hoạ và lên kế hoạch cho những sự kiện sắp tới trong tương lai.
* Những cái tên này cũng đóng
vai trò như những điểm tham chiếu cho những đối thoại trong tương lai giữa thân
chủ và nhà trị liệu.
* Qua việc thân chủ đặt tên cho
câu chuyện thay thế, nhà trị liệu cũng có thể khơi gợi và khám phá câu chuyện
thay thế ấy, đồng thời cũng có thể hỏi về những lựa chọn và nguyện vọng của
thân chủ.
* Việc đặt tên cho câu chuyện
thay thế cũng cho phép có khoảng không gian cho việc phát triển những cách mô tả
sâu xa hơn và khám phá thêm những nội dung đó.
CẢNH
QUAN VỀ HÀNH ĐỘNG – CẢNH QUAN VỀ BẢN SẮC VÀ Ý THỨC
(Landscape of Action vs
Landscape of Identity and Consciousness)
Trong khi Freedman & Coombs
(1996) nêu chủ đề về cảnh quang hành động và sự ý thức thì Morgan (2000, tr.60)
và White (1989, 1991, 2004a, 2004b) cũng nêu chủ đề về “các cảnh quan hành động
và bản sắc”. Michael White thích dùng thuật ngữ “cảnh quan bản sắc” (landscape
of identity) để chỉ thuật ngữ “cảnh quan ý thức” (landscape of consciousness)
của Freedman và Coombs (1996), vì ông cho rằng chính bản sắc của thân chủ mới
là phần chịu tác động thông qua quá trình trị liệu (White 2004a; White, 2004b).
Đó chính là phần ảnh hưởng qua lại (interplay) giữa cảnh quan bản sắc/ý thức
và cảnh quan hành động từ đó khuyến khích sự tham gia mang tính trải nghiệm và
thấu cảm với nhân vật trong câu chuyện (story character) (Freedman &
Coombs, 1996; Morgan, 2000; White 2004a; White, 2004b).
Những câu hỏi về ý nghĩa được
được khởi sự để khám phá cảnh quan bản sắc/ý thức, việc này giúp cho người kể
chuyện có cơ hội phản ảnh về những ước muốn và năng lực trong cảnh quan hành động
(Freedman & Coombs, 1996). Nên có một sự đan kết tới-lui và những câu hỏi
qua-lại giữa hai cảnh quan này – cảnh quan bản sắc/ý thức và cảnh quan hành
động (Freedman & Coombs, 1996; White, 2004a; White, 2004b). Để khám phá và
phản ảnh những ý nghĩa và những hệ quả được mong muốn về những cảnh quan thay
thế trong tương lai cả về hành động lẫn về bản sắc, thì cả hai cảnh quan đều cần
được thăm dò (Morgan, 2000). Cảnh quan hành động là sự mở ra một câu chuyện khi
đang cùng thảo luận với thân chủ, được giải thích như là những điều về “ai,
chuyện gì, khi nào, ở đâu và như thế nào” – bằng những ngôn từ khác, tác nhân,
dự định/mục đích và tình huống (Freedman & Coombs, 1996). Việc thăm hỏi về
cảnh quan hành động sẽ thăm dò những quan điểm và những mô thức của nhiều loại
tính cách trong những tình thế và hoàn cảnh cụ thể. Morgan (2000) cho rằng việc
thăm hỏi về cảnh quan hành động không chỉ hỏi về những chi tiết trong một hệ
quả chuyên biệt, mà còn hỏi về những sự kiện và những hành động liên hệ với nó.
White (1991) cho rằng những câu
hỏi về cảnh quan bản sắc sẽ hỗ trợ cho cá nhân phát triển nên một cảnh quan hành động mới để thay thế, bằng cách bộ lộ:
* Bản chất của những nguyện vọng
và ước muốn của họ
* Chất lượng mối quan hệ
* Chi tiết liên quan đến những
trạng thái có dự định của họ
* Khám phá những niềm tin mới
hình thành
* Bản chất của những cam kết có
dự định
VAI
TRÒ CỦA NHỮNG “ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC NÓI” (NOT-YET-SAID) TRONG LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ VÀ
MỐI LIÊN HỆ GIỮA NHỮNG ĐIỀU ĐÓ VỚI HỆ QUẢ ĐỘC ĐÁO
Semmler & Williams (2000)
đã nêu ra rằng chính nhà trị liệu là người có vai trò hướng dẫn và giúp bộc lộ
những khả năng đã bị bỏ qua trong những trải nghiệm của thân chủ và KHÔNG nằm
trong thành phần của câu chuyện bị bão hoà vấn đề. Việc khám phá lịch sử của một
vấn đề sẽ mở ra khả năng để tìm thấy những câu chuyện thay thế về chính vấn đề
đó, đó chính là “những điều chưa được nói” (Morgan, 2000). Đây là một cuộc tìm
kiếm những câu chuyện “đối kháng với vấn đề” (anti-problem stories), giúp mang
đến “những kỹ năng, khả năng, năng lực và sự cam kết của người đó” mà những điều
ấy vốn không là thành phần nằm trong vấn đề (Morgan, 2000, tr.59).
Anderson và Goolishian (1992)
nhấn mạnh đến cách tiếp cận với tâm thế “không biết” (not-knowing approach)
trong liệu pháp chuyện kể, trong đó nhà trị liệu nên theo đuổi việc tìm kiếm những
“điều chưa được nói”. Nhà trị liệu, vì thế, sẽ được dẫn đắt bởi thân chủ. Tâm
thế “không biết” cho phép những điều “không-nhìn-thấy-trước” trở thành địa hạt
của những tiềm năng. Đây là một sự khai triển từ những “điều chưa được nói đến”,
những khả năng chưa được hiện thực hoá, để cho phép thân chủ có được sự hiểu biết
khác về vấn đề của họ. Những chuyện kể chưa được nói đến, như những nhân tố mới
và những ý nghĩa mới, có thể mang đến sự thay đổi nơi thân chủ. Tâm thế không
biết cho phép diễn ra sự thay đổi như một điểm xuất phát để đi đến việc hình
thành những câu chuyện mới chưa từng được kể (not-yet-said new stories). Sự
khai triển những điều chưa được nói được hình thành bởi tính hiếu kỳ (tò mò) của
nhà trị liệu, bởi tâm thế không biết và sự sẵn lòng để biết của nhà trị liệu,
những điều đó giúp mở ra, phóng thích ra một khoảng không gian cho sự đối thoại,
cho phép phát triển câu chuyện kể về những khả năng mới và sự tự do cá nhân.
Theo White (1989), việc kể lại
câu chuyện diễn ra thông qua việc khảo sát và khám phá những thế mạnh tiềm ẩn của
một cá nhân mà trước đây chưa từng được nghĩ đến và cũng nên được thảo luận với
thân chủ theo một mẫu hình về những triển vọng có tính ước đoán (a pattern of
speculative prospects). Điều quan trọng đối với niềm tin và sự trân trọng đón
nhận việc kể lại câu chuyện của thân chủ, đó là những người có ý nghĩa khác
cũng nên được nhớ lại và được “mời gọi” đi vào sự thảo luận để tìm kiếm những ý
nghĩa mới. Sự tưởng nhớ lại cũng bao gồm việc tái kết nối với cả những người đã
khuất, những người mà thân chủ đã ấp ủ tình yêu thương (Monk, 1997; Nasim;
2007). Tưởng nhớ lại những con người có ý nghĩa khác cũng góp phần phát huy khả
năng kể lại và sáng tác lại về những kỳ vọng trong tương lai của thân chủ đương
đầu với câu chuyện bão hoà vấn đề trước đó. Việc hồi tưởng cũng bao gồm những
niềm an vui và những hỗ trợ được gợi ra từ trong ký ức về những con người, kể cả
những người xa lạ, những người đã có đóng góp quan trọng và tích cực trong cuộc
đời của thân chủ, bằng cách “mời” những con người như thế để tạo nên, theo cách
ẩn dụ, một nhóm thành viên cùng chung hưởng câu chuyện thay thế mới được tái tạo
của thân chủ (Payne, 2006). Trị liệu sẽ kết thúc khi câu chuyện thay thế của
thân chủ đã đủ phong phú để xác định và duy trì cuộc sống theo một cách kể mới.
ĐỐI
KHÁNG LẠI VỚI VẤN ĐỀ (CONTRADICTING THE PROBLEM)
Việc ngoại hiện vấn đề là một sự
chỉ báo cho thấy những cá nhân đã tách vấn đề ra khỏi bản thân của họ (Epston,
1994; Epston, 1998; Morgan, 2000). Sự ngoại hiện sẽ làm cho người kể mạnh mẽ
hơn trong việc xử lý và tách bản sắc của mình ra khỏi vấn đề, cho phép phản ảnh
những hệ quả tích cực, mở đường đi đến câu chuyện thay thế đáng mong muốn hơn
(Barry, 1997; Freedman, Epston, Lobovits, 1997). Nó cũng cho phép thân chủ trở
nên tự do trên bình diện cá nhân và thoát ra khỏi sự tạo khuôn của những ý tưởng,
thói quen và cách hành vi bị dồn nén trong nội tâm lâu nay, để có thể diễn ra một
một định nghĩa mới về bản thân (O’Hanlon, 1994). Tuy nhiên, sự ngoại hiện không
phải là nhằm phá huỷ vấn đề, mà là để phát huy khả năng của thân chủ trong một
mối quan hệ đúng đắn hơn với vấn đề đó, vì vấn đề cũng không hẳn nằm ở vấn đề,
mà phải nhấn mạnh đến mối quan hệ của thân chủ với vấn đề đó (Epston, 1998).
Sự ngoại hiện giúp tách thân chủ
ra khỏi vấn đề và trở nên nhận lãnh trách nhiệm đối với vấn đề đã gây áp chế đó
và tái lập một thực tại thông qua những câu chuyện nổi trội mới (Merscham,
2000). Sự ngoại hiện được thúc đẩy khi có sự xuất hiện một cử toạ để làm chứng
cho câu chuyện mới và vì thế góp phần làm bền vững câu chuyện ấy. Ví dụ, thân
chủ có thể được hỏi: “Ai sẽ là người đầu tiên nhận ra bạn khi bạn ‘trục xuất’
được chứng ‘trầm cảm’ của mình?” (Durant & Kowalski, tr.88). Kế đó, những hệ
quả độc đáo sẽ giúp tạo nên một nền tảng để dựng lên trên đó là những điều ngoại
lệ, giúp cho thân chủ nhận ra những giải pháp. Cả việc ngoại hiện và việc nhận
diện những hệ quả độc đáo sẽ giúp thân chủ mạnh mẽ hơn trong việc nhìn lại bản
thân và những người khác bằng một nhãn quan không còn bị bão hoà vấn đề. Nhận
diện những hệ quả độc đáo và ngoại hiện vấn đề bằng ẩn dụ sẽ mang lại một sự giảm
nhẹ rất nhiều cho thân chủ, tạo ra một khoảng không gian để làm mất đi vai trò ảnh
hưởng của những ý tưởng cố chấp và hạn hẹp mà lâu nay đã làm hao mòn cuộc đời của
thân chủ (Morgan, 2000). Việc này cho phép phát triển một câu chuyện thay thế,
khám phá những hệ quả độc đáo và kể lại câu chuyện với những kỳ vọng trong
tương lai.
VAI
TRÒ CỦA VIẾT THƯ TRONG LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ
Epston (1998) cho rằng, đối với
ông, việc viết thư có khả năng tạo sự liên hệ lâu dài với liệu pháp chuyện kể,
và rằng đa số những thân chủ của ông đều đã nhận được một lá thư sau mỗi lần gặp
gỡ. Khác với những cuộc đối thoại, thường có tính thoảng qua khiến thân chủ,
khi rời khỏi phiên trị liệu, phải cố gắng nhớ lại chính xác những ngôn từ đã dùng
trong cuộc nói chuyện, những lá thư thì lại là chứng tích của cuộc trị liệu.
David Epston (1998) nói rằng một số thân chủ đọc đi đọc lại những lá thư mà ông
viết cho họ, ngay cả nhiều năm sau khi trị liệu, để ôn lại những tiến bộ mà họ
đã đạt được bằng cách ngoại hiện vấn đề và cải thiện cuộc sống của họ. Epston
xem việc viết thư như một việc làm quyện chung vào với trị liệu, để làm cho trị
liệu trở nên minh bạch hơn với thân chủ. White và Epston (1990) đã đưa vào quy
trình viết thư việc báo lại những thong tin hữu ích từ phiên làm việc cũng như
thêm vào đó những câu hỏi và những phản ảnh của họ về phiên làm việc.
NHỮNG
LỜI MỜI GỌI TỪ TƯƠNG LAI
Epston, Lakusta & Tomm
(2006, tr.65) đã giới thiệu khái niệm về “nỗi ám ảnh từ tương lai bởi những
bóng ma thân hữu” (haunting from the future by friendly ghosts), trong đó thân
chủ được mời gọi hãy tưởng tượng mình đứng ở thời điểm 15-20 năm sau để đánh
giá lại về chính hiện trạng lúc này của mình. Nên cởi bỏ những kềm giữ (free
rein) đối với những bóng ma ám từ tương lai nhưng có tính thân hữu này, để thân
chủ có thể đáp ứng bằng một phản ứng từ tương lai đối với một phiên bản tốt nhất
về sự tự kết tội trong hiện tại (respond to a future reaction to the best
version of a current conviction) (Epston, Lakusta & Tomm, 2006). Một bóng
ma thân hữu (một bạn ma) hư cấu được mời mời từ tương lai, đến để “ám” thân chủ
trong hiện tại và mời thân chủ hãy tưởng tượng cách khéo léo xoay trở với hoàn
cảnh hiện tại. Tương tự, một thân chủ cũng có thể được mời gọi hãy thiết kế một
nghi thức chào đón trong một lễ hội ở tương lai để lưu niệm về một câu chuyện
thành công cũng ở tương lai.
Những lời mời gọi từ tương lai
tương tự như khái niệm về sự mời gọi một người bạn tưởng tượng đến để cùng giải
quyết vấn đề (Betterton & Epston, 1998). Một bé gái 10 tuổi đã tiết lộ cho
Epston biết cô đã làm như thế nào để mời một người bạn tưởng tượng đến để giúp
cô chống lại thói quen mút ngón tay về đêm, giúp cô khi cô đơn, khi làm bài tập
về nhà và thâm chí như một người bạn thực sự. Thuận lợi của những người bạn tưởng
tượng là họ luôn luôn có tính hay giúp đỡ và luôn luôn đối xử tốt với bạn.
Epston (1998) gọi khả năng có những người bạn tưởng tượng này là sự thuận lợi từ
một khả năng dị thường.
KẾT
LUẬN
Năng lực tự hiện thực
(self-realisation) được phát triển qua liệu pháp chuyện kể bằng cách tạo điều
kiện cho tính tự chủ và phát huy tiềm năng của thân chủ. Việc giải kiến tạo qua
liệu pháp chuyện kể gây thách thức cho những cá nhân vốn có một nhân cách bị cố
định bằng cách phải đứng vào vị thể đương đầu với những diễn ngôn mạnh mẽ đã được
tạo lập bởi xã hội. Điều này diễn ra bằng cách (hai phía) cùng làm việc
(collaboratively) để xem xét những hạn chế do những diễn ngôn như thế gây ra.
Việc đặt tên cho một câu chuyện thay thế cho phép thân chủ “viết lại một cốt
chuyện đối lập” (counter-plot), phát biểu ra những tác động của nó mà mô tả sâu
sắc về câu chuyện thay thế. Việc này làm nên một sự liên kết với một cảnh quan hành động mới được tạo lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét