Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

ĐỨA TRẺ BÊN TRONG CÓ THỂ CỨU VÃN MỐI QUAN HỆ CỦA BẠN

“How Your Inner Child Can Save Your Relationship”
Tác giả: BRYCE MATHERN, LPC,
Nguồn: BRASS BALLS TENDER HEART Relationship Coaching for Men, Denver, USA

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý trị liệu BV Đại học Y Dược Tp.HCM, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KH Xã hội-Nhân văn, ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Thành viên CLB Trăng Non.


                                                                                                                         

Đứa trẻ bên trong của chúng ta là những “chiến lược” (strategies) mà chúng ta đã phát triển vào giai đoạn đầu đời và được giữ lại trong phần bóng khuất (shadow) của sự nhận thức của chúng ta. Khi chúng ta mang đứa trẻ bên trong này vào trong tầm nhìn, chúng ta bắt đầu thấy cách mà chúng ta hạn chế chính mình khỏi những gì có thể là tốt nhất của chính mình. Bằng cách làm việc trên chủ đề đứa trẻ bên trong, chúng ta có thể chữa lành những tổn thương trong quá khứ và hướng đến những mối quan hệ lành mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

ĐỨA TRẺ BÊN TRONG CHÚNG TA LÀ GÌ?

Không có đứa trẻ bên trong theo nghĩa đen ở trong bạn, đây là một thực thể có tính ẩn dụ đang sống và ảnh hưởng lên cách mà bạn hành xử. Với tôi, tôi nghĩ về đứa trẻ bên trong như là một sự lập trình mà chúng ta đã phát triển khi còn nhỏ để sống sót trong hệ thống gia đình của mình. Đây là lúc chúng ta hình thành niềm tin của chính mình về bản thân. Khi những niềm tin được tạo nên, chúng ta có khuynh hướng sống với những niềm tin đó.

Trong một bài viết về đứa trẻ bên trong, Tiến sĩ Stephen Diamond nói về cách đứa trẻ bên trong kiểm soát chúng ta. “Người trưởng thành vô tình đã luôn luôn phải chịu ảnh hưởng hoặc điều chỉnh một cách ngầm ẩn bởi đứa trẻ bên trong vô thức này.” (Diamond, 2008)

Đây là cách đứa trẻ bên trong của chúng ta hoạt động và thể hiện. Khi chúng ta có niềm tin về chính mình như là “tôi thiếu khả năng”, chúng ta tiếp tục gạt bỏ khả năng của chính mình để thực hiện nhiều điều trong cuộc sống. Chúng ta giới hạn sự đóng góp của mình với công việc và gia đình bởi vì chúng ta tin rằng mình không thể làm điều đó. Đây không phải là giới hạn hiện tại khi trưởng thành mà là vì cái bản ngã trẻ hơn (younger self) của chúng ta đang điều hành cuộc sống của chúng ta.

Trên thực tế, có những người được gọi là người lớn hay người trưởng thành vẫn vô tình luôn chịu ảnh hưởng hoặc sự kiểm soát ngầm bởi đứa trẻ bên trong vô thức này. Đối với nhiều người, đây không phải là bản ngã của người lớn hướng dẫn cuộc sống của họ, nhưng đúng hơn là những thương tổn cảm xúc của đứa trẻ bên trong trú ngụ trong cơ thể người lớn. Một đứa trẻ 5 tuổi đang tung tăng trong hình hài một người 40 tuổi. (Diamond, 2008).

THIẾT LẬP MỘT “BẢN NGÃ GIẢ”

Khi trẻ nhỏ không nhận được sự hỗ trợ mà trẻ cần, đứa trẻ có thể bị kìm giữ lại tại giai đoạn phát triển đang diễn ra. Những đứa trẻ này không thể hiểu ý nghĩa trên thế gian này theo cách hiểu của người lớn. Trẻ tuyệt đối hóa mọi điều xảy ra. Nếu một người cha ruồng bỏ trẻ, trẻ sẽ tin rằng tất cả đàn ông sẽ ruồng bỏ mình. Nếu bị lạm dụng, trẻ sẽ tin rằng mình sẽ luôn bị lạm dụng. Trẻ không có khả năng nhận thức để thấy những sắc thái khác nhau của những điều đã xảy ra với mình.

Để sống sót trẻ phát triển nên một “bản ngã giả” (false self). Bản ngã giả (cái ngã không thật) là chiến lược mà trẻ tạo ra để sống trong một môi trường ít có tính nuôi dưỡng. Trẻ bắt đầu tin rằng nếu là chính mình thì sẽ không đủ để có được những nhu cầu trẻ cần. Bản ngã sai lầm này bộc lộ theo nhiều cách. Với nhiều trẻ, đây là cách làm khuếch đại lên hoặc làm lu mờ đi sinh khí của mình. Trẻ phải bộc lộ rất nhiều cách để có được sự chú ý của người chăm sóc hoặc trẻ sẽ “tắt ngấm” và hành động như thể là trẻ không quan tâm. Trong cả hai trường hợp, vẻ quyến rủ tự nhiên, dũng khí và sự hoạt bát của trẻ đều bị mất đi.

Trong quyển sách của mình, Về quê hương: Đòi lại và chữa lành đứa trẻ bên trong bạn (Homecoming: Reclaiming and Healing your inner child), John Bradshaw đã làm rõ điều này:

Tổn thương lớn nhất mà một đứa trẻ có thể nhận được là sự từ chối bản ngã đích thực của nó. Khi cha mẹ không thể xác nhận những cảm xúc, nhu cầu, mong muốn của trẻ, trẻ sẽ từ chối bản ngã thật của mình. Sau đó một bản ngã giả được thiết lập. (Bradshaw, 2015)

Việc không nhận biết đứa trẻ bên trong của mình sẽ khiến chúng ta trở nên bị phân mảnh, nghèo nàn về cảm xúc, đoạn giao với phần dễ tổn thương và sự cởi mở sâu bên trong chúng ta, trong khi đó những tổn thương nguyên thuỷ, ẩn sâu trong phần khuất tối, của chúng ta vẫn tiếp tục hướng dẫn chúng ta. - Robert Augustus Masters

MANG ĐỨA TRẺ BÊN TRONG VÀO TẦM NHẬN THỨC

Khi chúng ta đưa đứa trẻ bên trong vào tầm nhận biết của chúng ta, chúng ta bắt đầu nhận ra những điều kiện mà chúng ta đã trải qua trong những năm đầu đời. Chúng ta bắt đầu chấp nhận những tổn thương từ những gì đã xảy ra khi chúng ta còn nhỏ. Điều này cho phép chúng ta bắt đầu kiểm soát cuộc sống của mình thoát khỏi những sự điều kiện hoá đó.

Với sự nhận biết hiện tại về đứa trẻ bên trong, chúng ta có thể thoát ra khỏi mô hình quen thuộc đang vận hành cuộc đời của chúng ta. Ví dụ, nếu niềm tin cốt lõi là “tôi không có giá trị”, chúng ta có thể nhập vào đứa trẻ bên trong của mình khi mà chúng ta bắt đầu cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của việc “không đáng giá” ấy. Chúng ta chú ý làm chệch hướng sự chú tâm ra khỏi chuyện phải được nuôi dưỡng bởi ai đó và thay vào đó, chúng ta chạm đến cái ngã nhỏ bé của chúng ta và cho phép chính chúng ta có thể nhận được những lời khen tặng.

MANG ĐỨA TRẺ BÊN TRONG CỦA BẠN RA KHỎI PHẦN BÓNG KHUẤT 

Trong sách của mình, Hãy mang phần khuất của bạn ra khỏi bóng tối: Giải phóng bản thân khỏi các lực tiềm ẩn đang chi phối bạn (Bring your shadow out of dark: Breaking free from the hidden force that drive you), Robert Augustus Masters nói về nhu cầu cần mang cái ngã trẻ con của chúng ta ra khỏi phần bóng khuất và đưa nó vào trong tầm nhận thức của mình:

Các khía cạnh của sự điều kiện hoá nếu không được giải quyết hoặc bị ẩn giấu sẽ trở thành một phần trong cái bóng khuất (shadow) của chúng ta, vì vậy sự làm việc ở những tầng sâu với đứa trẻ bên trong chúng ta cũng sẽ bao gồm sự làm việc, ở nhiều tầng mức, với những thành phần trong cái bóng khuất của chúng ta. Làm việc với phần bóng khuất phải bao gồm làm việc với đứa trẻ bên trong của chúng ta; sau cùng, tuổi thơ là khoảng thời gian mà hầu hết quá trình điều kiện hoá của chúng ta được khắc ghi ở dạng nguyên bản. Hơn nữa, đôi khi đứa trẻ bên trong tự nó cũng được giữ lại trong phần bóng khuất của chúng ta, tuy chỉ một phần nào đó thôi. (Masters, 2018).

Khi chúng ta cố gắng nhận biết phần trẻ con bên trong chúng ta, chúng ta có thể gia tăng khả năng vượt qua những hành vi gây tổn thương cho những mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta bắt đầu xây dựng mối quan hệ với những phần này của bản thân mình. Như một bậc cha mẹ tốt, cái ngã người lớn của chúng ta bắt đầu nuôi dạy cái ngã trẻ thơ của chúng ta. Chúng ta có thể thiết lập những ranh giới và những giới hạn, trong khi đó hãy cho đứa trẻ này biết rằng giờ đây cái ngã người lớn của chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về đứa trẻ đó.

Chúng ta cần trải lòng với đứa trẻ bị tổn thương bên trong chúng ta, mà đó là cốt lõi của hầu hết những sự kháng cự của chúng ta. (Masters, 2018)

ĐIỀU NÀY THỂ HIỆN NHƯ THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG CỦA TÔI – TÁC GIẢ

Tôi may mắn lớn lên trong một hệ thống gia đình tương đối lành mạnh. Một phần trong con người tôi vẫn là những gì đã điều kiện hoá trước đây. Đứa trẻ bên trong tôi luôn muốn làm vừa lòng. Khi không làm được điều này, tôi cảm thấy giống như mình bị thất bại. Trong mối quan hệ giữa tôi với vợ, cảm nhận bị thất bại như thế đã thể hiện khá thường xuyên. Khi tôi có thể nhận ra điều này đang xuất hiện, tôi xoa dịu đứa trẻ bên trong của tôi, cho nó biết rằng tôi vẫn ổn tôi, thế là tôi đưa hệ thần kinh của mình trở lại trạng thái điều hoà hơn.

Việc phát triển mối quan hệ với cái ngã trẻ nhỏ của mình đã cho phép tôi thật sự có trách nhiệm đối với những điều kiện tuổi thơ của mình. Tôi không xem người khác là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ của tôi. Điều này trở thành phương tiện giúp tôi duy trì những mối quan hệ lành mạnh với những người mà tôi yêu thương. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...