Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

KỸ THUẬT DỰ ĐỊNH NGHỊCH LÝ VÀ SỰ CHUYỂN BIẾN

Paradoxical Intention Techniques and Changing

Nguồn: Exploring Your Mind

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu



Kỹ thuật dự định nghịch lý là cách lý tưởng để ứng phó với chứng mất ngủ. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm!

Viktor Frankl, cha đẻ của liệu pháp ý nghĩa (logotherapy), đã đề xuất kỹ thuật “dự định nghịch lý”. Mục tiêu của các kỹ thuật này là làm giảm thiểu những đau khổ do một số hành vi gây ra thông qua sự hài hước và tính chất mâu thuẫn (humor and contradiction).

Một nghịch lý sẽ chứa đựng hai yếu tố cùng tồn tại nhưng lại có tính chất loại trừ lẫn nhau. Mặc dù không có vẻ gì là như vậy, nhưng con người thật sự đã không ngừng dịch chuyển trong khuôn khổ nghịch lý ngay từ thuở đầu đời. Ví dụ, một người có thể yêu và ghét cùng một người.

Ở mức độ trị liệu, các kỹ thuật dự định nghịch lý có thể hướng mọi người phân tích các vấn đề của họ theo một logic có vẻ trái ngược nhau. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, các kỹ thuật này là rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm của nhà trị liệu. Hãy tiếp tục đọc để khám phá chi tiết hơn về nội dung của chúng.

Kỹ thuật dự định nghịch lý và việc đối phó với nỗi sợ hãi

Viktor Frankl lưu ý rằng mục tiêu chính của kỹ thuật dự định nghịch lý là làm giảm bớt nỗi sợ hãi riêng biệt của bệnh nhân. Theo quan điểm của ông, người ta phải thay thế một nỗi sợ hãi bệnh lý bằng một dự định hoặc một mong muốn mang tính nghịch lý. Ngoài ra, kỹ thuật này về cơ bản là áp dụng cho những người bị mắc chứng lo âu nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, người này không có nỗi sợ hãi cụ thể mà thay vào đó, là họ lại sợ chính nỗi sợ.

Nỗi sợ hãi bệnh lý đó sẽ dẫn đến một sự bế tắc. Ngoài ra, khi một người vừa sợ không đạt được những điều họ muốn lại vừa suy nghĩ một cách ám ảnh về nỗi sợ đó, thì chính điều này sẽ dẫn đến thất bại. Việc này tạo ra một vòng luẩn quẩn mà họ có thể phá vỡ bằng các kỹ thuật dự định nghịch lý.

Do đó, điều mà dự định nghịch lý hướng tới chính là giúp bệnh nhân học cách để “thích” những gì họ sợ. Ví dụ, một người bị chứng nói lắp (cà lăm) có thể được yêu cầu nói lắp càng nhiều càng tốt. Nhà trị liệu nên bảo họ làm điều đó trước mặt người khác và yêu cầu họ chỉ dừng lại khi khiến mọi người cười. Nghịch lý thay, điều này có thể giúp họ hết bị nói lắp.

Các kỹ thuật dự định nghịch lý

Khi một người muốn thông qua dự định nghịch lý để khắc phục khó khăn, việc đầu tiên người đó cần phải làm đó là ngưng những mong muốn kiểm soát hoặc thay đổi các triệu chứng của họ. Thay vào đó, nhà trị liệu khuyến khích họ chủ động biểu hiện các triệu chứng và, nếu có thể, hãy khuếch đại chúng lên. Điều vô cùng quan trọng là bệnh nhân phải từ bỏ mong muốn kiểm soát những gì xảy ra với họ và sẵn sàng làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Bước tiếp theo là áp dụng các kỹ thuật dự định nghịch lý, về cơ bản là gồm những kỹ thuật sau:

Kê đơn triệu chứng (Symptom prescription): Đây là kỹ thuật phổ biến nhất. Bệnh nhân phải tự nguyện kích động các triệu chứng của họ. Điều này cũng áp dụng cho những người tuyên bố rằng họ không kiểm soát được bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của mình.

Hạn chế và ngăn chặn sự thay đổi một cách nghịch lý (Paradoxical restriction and containment of change): Ngăn cản tất cả các hành vi dẫn đến thay đổi hoặc cải thiện và đưa ra một quan điểm bi quan. Điều này tốt cho những người bị bế tắc.

Đổi tâm thế (Posture change): Xem xét chuyện của bệnh nhân với cái nhìn hoàn toàn bi thảm, rồi khuếch đại các vấn đề và khiếm khuyết của họ. Kỹ thuật này là hoàn hảo cho những người phàn nàn nhiều hoặc là đang chịu thử thách.

Lên lịch để “tái phát vấn đề” (Relapse scheduling): Ở đây, nhà trị liệu phải làm cho bệnh nhân tự nguyện lập lại hành vi mà họ muốn loại bỏ. Có nghĩa là tìm cách loại bỏ ý nghĩ rằng bệnh nhân có thể kiểm soát hoàn cảnh của họ.

Sử dụng sự bối rối và gây nhiễu (Confusion and interference): Nhà trị liệu thể hiện bản thân một cách bối rối và rối rắm khi bệnh nhân nói về các vấn đề của họ một cách phiến diện và rối rắm. Điều này khuyến khích họ mô tả chính xác hơn những gì xảy ra với họ.

Dự đoán kết quả và kiên trì thực hiện (The anticipation of results and patient utilization): Xác định trình tự những hành vi có vấn đề thông qua những gì bệnh nhân tự ghi nhận lại; sau đó khuếch đại những khó khăn mà bệnh nhân có thể gặp phải khiến họ phải thay đổi trình tự đó.

Hiệu quả của những kỹ thuật này

Kỹ thuật dự định nghịch lý về cơ bản được chỉ định cho những người “chỉ biết trông chờ thất bại” khiến ngăn trở những gì họ có thể đề xuất hoặc những người quá ít khả năng nhận ra những nguồn lực của mình để đối mặt với khó khăn. Chủ yếu là những người mang nỗi ám ảnh lớn hoặc nỗi ám sợ mà họ không thể giải quyết và điều đó, trong cả hai trường hợp, đều tạo ra rất nhiều đau khổ.

Trong thực tế, những kỹ thuật này đã được chứng minh là khá hiệu quả. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể hiểu biết chính xác về cơ chế của những hiệu quả của các này.

Các kỹ thuật dự định nghịch lý được sử dụng trong các loại liệu pháp khác nhau. Khó khăn chính là chúng là đòi hỏi nhà trị liệu phải rất lành nghề. Nếu không, bệnh nhân sẽ kết thúc với việc xem những kỹ thuật này như một sự thao túng tầm thường mà họ không muốn tham gia.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...