Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

CA LÂM SÀNG VỚI LÝ THUYẾT CỦA BOWEN: CÁ BIỆT HOÁ BẢN THÂN - Phần 2

“Review of a case study in light of Bowen Theory: Differentiation of Self”

Tác giả: ESRA NIHAN BRIDGE - Kadikoy Counseling and Research Center

Nguồn: Life Skills Journal of Psychology, 2019; 3(5), 65-72

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1

Phần 2

Theo Bowen, các xung đột hôn nhân (marital conflict) được bắt nguồn từ sự cá biệt hoá kém và sự xung đột ấy tạo nên tình trạng áp lực cao bên trong các cặp đôi. Trong thời kỳ “trang điểm” (“make up” period), nguồn năng lượng tình cảm này xuất hiện dưới dạng sự gần gũi. Trong thời kỳ xung đột (conflict period), nó chuyển thành sự giận dữ. Xung đột hôn nhận định ra chu kỳ quan hệ của cặp đôi như sau: gần gũi, xung đột, xa cách, “trang điểm”, rồi lại gần gũi (Bowen, 1976).

Mất chức năng ở một trong hai người của cặp đôi (Dysfunction in one spouse) dường như là sản phẩm của một sự cá biệt hoá ở mức độ rất kém trong hôn nhân. Do trong thực tế sẽ có một trong hai người thích ứng với kiểu hôn nhân này, người ấy sẽ đánh mất bản thân mình và trở nên bị “tan biến” (Nguyên văn: “absorbed” – nghĩa là bị “hấp thụ”) bởi người bạn đời có ưu thế hơn. Bên cạnh việc mất đi vai trò chức năng của mình, người “thích nghi” cũng sẽ mất khả năng lấy những quyết định cho bản thân và trở nên hoàn toàn phụ thuộc. Khi tình trạng lo âu gia tăng bên trong mối quan hệ, nó sẽ kích hoạt một tình trạng mất chức năng ở người “thích nghi”, ví dụ các vấn đề về thể lý, vấn đề về cảm xúc hoặc vấn đề khó khăn trong quan hệ xã hội, mà từ đó có thể phát triển nên những bệnh mạn tính. Những căn bệnh này lại củng cố thêm sự “hấp thụ” tình trạng cá biệt hoá yếu kém.

Sự sút kém ở một hoặc vài đứa con (Impairment of one or more children) Điều này ngụ ý chỉ sự phóng chiếu nỗi lo âu từ cha mẹ sang cho các con, bởi việc quá lo lắng về những thái độ của con, sức khoẻ của con hoặc tương lai của con (Bowen, 1976). Bowen cho rằng sự yếu kém ở một đứa con thực ra là sự phóng chiếu của tính cá biệt hoá kém (a projection of undifferentiation) và quá trình này sẽ gây trở ngại cho sự cá biệt hoá bản thân của đứa con (Bowen, 1976). Tiến trình phóng chiếu trong gia đình (Family projection process) giải thích cho quá trình làm hỏng về mặt cảm xúc (process of emotional impairment) ở một hoặc vài đứa con. Lúc bắt đầu, sự phóng chiếu thường chỉ hướng đến một đứa con. Tuy nhiên, nếu mức độ cá biệt hoá (của cha mẹ) là rất kém, những đứa con khác cũng dần có thể bị liên quan (Bowen, 1976). Sự lựa chọn một đứa con thường có liên quan đến tình trạng stress của người mẹ khi sinh đứa con đó, vị trí người đó trong các anh chị em (sibling position – chẳng hạn đứa con cả hoặc đứa con út), giới tính (đặc biệt là đứa con duy nhất của giới tính đó) và mức độ gần gũi tình cảm giữa đứa con với cha mẹ (Bowen, 1976). Bowen nêu ra một ví dụ quen thuộc nhất đó là một người mẹ có hành vi bảo vệ đứa con quá mức để nhằm làm giảm bớt sự lo âu của chính mình (Cook, 2007).  Khi người mẹ cảm thấy lo lắng, đứa con cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, nỗi lo âu này đã được đứa con nhận lấy từ cha mẹ của nó và đứa con cũng nhận sự chăm sóc quá mức từ người mẹ. Tiến trình phóng chiếu này tạo nên sự hoà lẫn cảm xúc (emotional fusion) trong mối quan hệ và từ đó có thể dẫn đến tình trạng mất chức năng (dysfunction) cho đứa con (Bowen, 1976).

Sự đoạn giao về tình cảm (Emotional cutoff) mô tả một sự chia ly và tách bản thân ra khỏi gia đình gốc (family-of-origin) nhằm thoát khỏi xung đột. Bowen cho rằng hiện tượng bỏ nhà rời xa gia đình gốc là một dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc về mặt cảm xúc (emotional dependence), mà điều này cũng tạo nên tình trạng dễ tổn thương (Bowen, 1976). Sự nỗ lực để giải quyết các vấn đề về cảm xúc với các thành viên trong gia đình tự nó cho thấy một sự đoạn giao (cutoff) mà điều này có nguồn gốc từ một sự gắn bó không suôn sẻ (unresolved attachment) (Haefner, 2014).

Việc có mối quan hệ gắn bó không tốt đẹp với cha mẹ cũng là một chủ đề chính yếu của sự cá biệt hoá bản thân. Bowen tin rằng khi một người cá biệt hoá kém trải qua nhiều lo âu trong gia đình, người đó có khuynh hướng sẽ cắt đứt (đoạn giao) những tiếp xúc tình cảm bên trong gia đình (Skowron & Friedlander, 1998).

Sự đoạn giao tình cảm thường được chuyển từ các thế hệ trước sang các thế hệ sau và chúng có thể lập lại (Cook, 2007). Khi đã từng có một sự đoạn giao trong quá khứ, cũng có thể xảy ra các tình trạng xung đột hôn nhân, tự cô lập (withdrawal) hoặc đoạn giao tình cảm ở đời con sau này. Vì lý do đó, việc có sự đoạn giao trong gia đình ở các thế hệ trước có thể dẫn đến tình trạng mất chức năng trong gia đình và làm nên những thành viên cá biệt hoá kém (Bowen, 1976). Nghiên cứu của Jenkins và cs. (2005) đã hỗ trợ cho ý tưởng của Bowen khi nêu rằng sự đoạn giao tình cảm là những điều báo trước cho các vấn đề tâm lý (Jenkins, Buboltz Jr., Schwartz, & Johnson, 2005).

Quá trình phóng chiếu trong gia đình tiếp diễn qua nhiều thế hệ (Haefner, 2014). Tiến trình truyền lan đa thế hệ (multigenerational transmission process) nhấn mạnh đến việc chuyển những xung đột từ thế hệ này sang những thế hệ khác thông qua quá trình phóng chiếu bên trong gia đình. Như đã nêu trên, sau khi xuất hiện sự yếu kém ở một đứa con, đứa con đó không thể cá biệt hoá chính nó với cha mẹ và biểu hiện tình trạng mất chức năng. Kết quả là, người con ấy sẽ mang theo tình trạng cá biệt hoá kém của mình sang các thế hệ sau bằng cách dẫn dắt các con của mình theo chiều hướng cá biệt hoá kém (Bowen, 1976).

Bowen chấp nhận khái niệm về vị trí trong các anh chị em (sibling position) từ công trình của Toman’s (1961) và ông mô tả thuật ngữ này như là “những đặc trưng quan trọng của thứ tự sinh trong gia đình” (significant characteristics of birth order in the family). Khái niệm này rất quan trọng khi giải thích sự lựa chọn một đứa con trong quá trình phóng chiếu trong gia đình. Bowen giả định rằng đứa con cả là vị trí thường được chọn để hợp thành bộ ba (triangulated) với cha mẹ và con cả là người cá biệt hoá kém nhất (the least differentiated person) trong gia đình, trong khi vị trí con út thì thường là ngược lại (Bowen, 1976).

Sự thoái triển về mặt xã hội (Societal regression) minh hoạ cho mối liên kết giữa hệ thống gia đình và xã hội bên ngoài. Bowen tin rằng các vấn đề về cảm xúc trong gia đình cũng tương tự những vấn đề về cảm xúc bên ngoài xã hội. Khi có lo âu tồn tại, chức năng lý trí (trí năng) sẽ dừng lại và các quyết định cảm tính sẽ xuất hiện để làm giảm lo âu ở cả hai hệ thống đó (Bowen, 1976). Tình trạng mất chức năng này cũng có thể lập đi lập lại và không chỉ có thể được quan sát trong gia đình mà còn xuất hiện cả trong xã hội. Nói chung, sự lo âu sẽ gây nên tình trạng thoái triển (regression) về lại mức vận hành chức năng có trước đó ở cả hai hệ thống (Bowen, 1976).

Sau khi xem xét lý thuyết của Bowen, chúng ta nhất thiết phải vận dụng nó vào trong một nghiên cứu trường hợp (case study). Nghiên cứu ca sau đây đã được khảo sát, cho thấy những điểm tương đồng nổi bật đối với những đặc trưng của lý thuyết và phương pháp can thiệp này.

NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP

Amy là một phụ nữ 41 tuổi , gốc là người từ vùng Kavkaz (Caucasian), đã tìm đến trị liệu vì những vấn đề khó khăn trong mối quan hệ lãng mạn của bà. Bà mong được giúp về tình trạng thường xuyên hay khóc, cảm giác đau lòng và tình trạng giao tiếp không tốt giữa bà với người bạn tình của mình. Bà chưa bao giờ tìm đến sự hỗ trợ tâm lý và cũng chưa từng được chẩn đoán với bất cứ rối loạn tâm thần nào trước đó. Bà cũng chưa từng kết hôn và chỉ có một đứa con – một đứa con trai nay đã 17 tuổi. Bà và người bạn trai không sống cùng chỗ và họ đã có mối quan hệ với nhau trong hai năm qua.

Theo Amy, bà đã làm bất cứ điều gì mà người bạn trai đã yêu cầu, tuy nhiên, một hôm người đàn ông kia đã bày tỏ ý muốn rời xa bà (Nguyên văn: “her partner wanted some space from Amy”). Mặc dù cả hai không cắt đứt quan hệ, nhưng khi đến trị liệu, Amy liên tục khóc. Bà bận tâm quá mức đến việc mình nên làm gì để người tình có thể quay trở lại và liệu người ấy đang nghĩ gì về bà. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên tìm kiếm sự đồng tình với mình.

Bà là người lớn lên trong một gia đình có cha, mẹ, chị gái, và hai anh trai. Bà là người con út. Amy cho biết rằng vào giai đoạn đầu trong hôn nhân của cha mẹ, cha bà có mối quan hệ với một phụ nữ khác và mẹ thì chưa bao giờ tha thứ cho ông. Nhưng dù không tha thứ, họ vẫn duy trì cuộc hôn nhân cho đến khi người cha qua đời. Bà nói rằng cha mẹ bà đã dành cả đời để sống im lặng bên nhau. Vì Amy là con út và tất cả những anh chị lớn đã rời khỏi gia đình trước bà, nên Amy nói rằng bà đã mắc mứu rất nhiều vào mối quan hệ của cha mẹ mình. Mẹ luôn luôn nói chuyện với bà về cha bằng một cách nói rất tiêu cực và khiến cho Amy rất ghét cha trong suốt những năm tháng tuổi vị thành niên của bà.

Theo lời kể của mẹ, bà ngoại của Amy đã đến Mỹ sau khi kết hôn với ông ngoại. Amy chẳng bao giờ được thấy ông ngoại vì ông đã chết trước khi Amy ra đời. Amy cũng chỉ gặp bà ngoại được vài lần trong đời. Do bà ngoại có nhiều hôn nhân khác nhau (bà đã kết hôn 4 lần) nên mẹ của Amy cũng giữ một khoảng cách xa với bà ngoại. Mẹ cũng không duy trì sự tiếp xúc với các anh chị em, nên Amy cũng có mối quan hệ xa cách với các anh chị em họ của mình.

Amy giờ đang sống khác thành phố với mẹ. Bà nói chuyện với mẹ mỗi ngày và thường xuyên thăm viếng mẹ. Bà mô tả mối quan hệ này là rất gần gũi. Khi Amy gặp vấn đề với người bạn trai, bà có thể kể chuyện này cho mẹ nghe. Tuy nhiên, Amy bảo rằng trong thời gian này bà không nói nhiều về chuyện này với mẹ vì bà sợ mẹ sẽ buồn phiền. Amy nói rằng nếu mẹ mà biết về chuyện này, bà hẳn sẽ gọi điện và trách mắng người đàn ông kia, và việc đó có thể làm gia tăng thêm tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ của Amy với bạn trai.

Việc khảo sát mối quan hệ giữa Amy với người bạn trai cho thấy người đàn ông kia đã bị bắt gặp là đã quan hệ với một cô gái trên đường phố. Amy cũng lưu ý rằng người tình của bà từng có rất nhiều bạn bè nữ gợi cảm trong hồ sơ mạng xã hội của ông ta và những người phụ nữ ấy cũng thường hay gửi tin cho ông ta. Amy cũng nói rằng ông ta thỉnh thoảng yêu cầu bà gửi cho ông ta những bức ảnh khoả thân của bà và bà đã làm theo yêu cầu. Tuy nhiên, gần đây ông ta yêu cầu Amy gửi cho ông ta một bức ảnh khoả thân của Amy cùng với một người khác thì điều này đã khiến Amy cảm thấy rất khó chịu.

Xem xét kỹ cuộc đời của Amy và gia đình gốc của bà, thật dễ để nhận thấy rằng trường hợp này có thể minh hoạ cho những đặc trưng tương tự như những gì Bowen đã mô tả về mức độ yếu kém trong sự cá biệt hoá bản thân. Mặc dù trong trường hợp này có thể có những khía cạnh và những cách giải thích khác nhau, bài viết này xin chỉ tập trung vào lý thuyết của Bowen. Dựa trên những định nghĩa của những thuật ngữ đan xen nhau trong lý thuyết Bowen, ta có thể giả thuyết rằng Amy đang nỗ lực trong sự cá biệt hoá bản thân. Việc từng tham gia hợp thành bộ ba với cha mẹ, những sự đoạn giao cảm xúc, phản ứng dựa trên cảm tính, và mối quan hệ mắc mứu (enmeshed relationship) với mẹ, cùng mối quan hệ bị hoà lẫn với người tình, tất cả đều gợi ý về một mức độ cá biệt hoá bản thân yếu kém.

Lịch sử đứng về phía mẹ để đối đầu với cha của Amy có thể được định nghĩa là một sự hợp thành bộ ba (triangulation), trong đó Amy và mẹ là một bộ đôi (dyad) đối với người cha. Theo định nghĩa của Bowen (1976), đứa con út có nguy cơ bị hợp thành bộ ba trong xung đột hôn nhân của cha mẹ, và gia tăng khả năng tham gia vào trong mối quan hệ tam giác ấy. Ngay cả khi cha Amy qua đời, cũng dễ thấy rằng Amy cũng vẫn còn một mối quan hệ chặt chẽ với mẹ của mình.

Sự đoạn giao tình cảm cũng là một yếu tố quan trọng khác trong cuộc sống của Amy. Tính chất đặc trưng này cũng được chuyển từ gia đình của mẹ thành sự xa cách giữa Amy với các anh chị em của mẹ và các anh chị em họ của Amy và nó cũng hỗ trợ cho ý tưởng về một sự cá biệt hoá kém. Bowen (1976) cũng nhấn mạnh rằng rời bỏ nhà để cách xa với gia đình gốc cũng là một dấu chỉ khác của sự phụ thuộc tình cảm và nhu cầu cần có sự gần gũi.

Một yếu tố đáng kể khác cho thấy mức độ cá biệt hoá kém ở Amy đó là khuynh hướng lấy những quyết định dựa theo cảm tính. Ví dụ, khi Amy lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ đến Peru trong 4 ngày, bà cũng đã mời mẹ mình đi cùng. Tuy nhiên, bà mẹ đã thay đổi lịch trình và nơi đến, điều này khiến Amy phải chấp nhận đến một nơi mà bà không muốn trong kỳ nghỉ ấy. Khi tôi (tác giả) hỏi lý do tại sao, bà đáp rằng nếu như bà không đi và rồi khi mẹ bà qua đời, khi ấy bà hẳn sẽ cảm thấy rất tệ. Việc này cho thấy rằng người mẹ vẫn có thể ảnh hưởng trên các quyết định của Amy và Amy lại cảm thấy có lỗi khi mẹ đã bất chấp những cảm nhận của Amy. (Lưu ý: đây là cách phân tích theo ý riêng của tác giả bài viết – ND)

Sự hoà lẫn (fusion) cũng được thấy trong mối quan hệ giữa Amy với người tình. Bà đã chấp nhận những ý kiến của người tình và xem chúng như là những ý kiến của chính mình. Khi bà nhận ra người tình đã lừa dối mình, dù rằng trong lòng rất buồn, bà vẫn nói: “Mọi phụ nữ đều bị người tình của mình phụ bạc; đó không có nghĩa là thế giới này đã kết thúc”. Khi nhà trị liệu thách thức ý nghĩ này, Amy đã nói: “Bạn trai tôi đã nói như thế với tôi, và bởi vì anh ấy lừa dối tôi, thì điều này cũng không có nghĩa là anh ấy không yêu tôi, phải vậy không?”. Đây có thể được xem như là một sự đón nhận ý kiến của người khác như là ý kiến của chính mình và đang cố gắng để duy trì sự suy nghĩ độc lập (independent thinking). Trong mối quan hệ ấy, những người như Amy tìm kiếm sự chấp nhận, sự đồng thuận và sự gần gũi về tình cảm, việc này dẫn đến sự hoà lẫn (fusion) hoặc một mối quan hệ mắc mứu (enmeshed relationships) (Bowen, 1976).

Khi bạn trai của Amy muốn rời xa bà, Amy thể hiện phản ứng cảm xúc là khóc. Thay vì cho người tình có không gian riêng, bà lại gọi điện cho ông ta và khóc. Trong lúc thể hiện sự phụ thuộc tình cảm vào người bạn tình, Amy tiếp tục phản ứng một cách cảm tính, điều có thể minh hoạ cho một người có mức độ cá biệt hoá bản thân yếu kém.

Khi xem xét sự lưu chuyển những mô hình quan hệ từ các thế hệ trước sang các hệ sau, cũng có một thực tế rõ nét trong gia tộc của Amy. Chủ đề lừa dối cũng khởi đầu trong thế hệ cha mẹ, tự nó phóng chiếu trên những mối quan hệ trong tương lai ở thế hệ con cái. Sự lập lại  chủ đề lừa dối trong gia đình cũng hỗ trợ cho ý tưởng về một quá trình truyền lan đa thế hệ.

CAN THIỆP

Bowen (1976) cho rằng sức khoẻ về mặt cảm xúc ở một người không thể bị tách biệt với gia đình. Sử dụng sự hiểu biết này trong lý thuyết hệ thống gia đình, Amy và gia đình bà cũng có thể nhận được lợi ích khi được làm liệu pháp gia đình chú trọng đến cách tiếp cận hệ thống. Từ cách nhìn này, điều thậm chí còn quan trọng hơn đó là cần bao gồm nhiều thành viên trong gia đình để làm gia tăng mức độ cá biệt hoá bản thân, trong khi Amy thì chỉ tham gia vào việc trị liệu cá nhân.

McGoldrick and Carter (2001) nhấn mạnh vào những kỹ thuật trị liệu gia đình khi làm việc với một cá nhân bằng cách giải thích về các tương tác trong hệ thống, sự hoà lẫn, sự cá biệt hoá, sự hợp thành các bộ ba, sự tạo khoảng cách và đoạn giao như là những lĩnh vực cần được can thiệp. Các tác giả ấy đề cập đến sự giải trừ quan hệ bộ ba (detriangulation), việc mở thông một hệ thống đóng kín (opening up a close system) và đảm nhận những “vị trí Tôi” (I positions) là những kỹ thuật hiệu quả nhất trong khi sử dụng liệu pháp này.

Lý thuyết hệ thống gia đình khuyến khích việc sử dụng một biểu đồ gia tộc gồm nhiều thế hệ (multigenerational genogram) để thu thập thông tin về lịch sử gia đình (McGoldrick and Carter, 2001). Nhận dạng những mô hình quan hệ trong các thế hệ trước đó sẽ giúp ích cho Amy có được một sự thấu hiểu (gain insight). Vì bà đã không nhận ra sự chuyển lưu những mô hình này (chẳng hạn các chủ đề đoạn giao và lừa dối) đã được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, sẽ rất có giá trị khi giúp cho Amy có thể nhìn thấy được những mô hình quan hệ trong gia đình của mình.

Còn về sự “giải trừ bộ ba” (de-triangulation), Amy nói rằng mình đã có cơ hội để lập lại mối quan hệ cá nhân với cha ngay sau khi bà sinh con. Sau khi bà nhìn thấy mối quan hệ giữa cha mình với đứa con trai của mình, bà bắt đầu nhìn cha mình với ánh mắt khác với trước đây. Bà nhận ra rằng trước đó bà đã bị mẹ “tẩy não” bà về cha, khiến bà đã ghét ông mà không hiểu lý do là gì. Trước khi cha của Amy qua đời, bà đã cải thiện mối quan hệ với ông trong những năm tháng đó. Trong tình huống này, không việc gì có thể làm để “giải trừ bộ ba”. Từ sau khi cha qua đời, bà vẫn biểu hiện một sự nhạy cảm về chủ đề này. Tuy nhiên, trong khi trị liệu, các chủ đề về hợp thành bộ ba, việc Amy đã bị ghép vào bộ ba và tác động của nó như thế nào với cuộc sống của Amy, khi được nói ra cũng giúp ích cho bà rất nhiều.

Bowen (1976) cho rằng những sự đoạn giao xảy ra trong gia đình ở những thế hệ trước sẽ dẫn đến những rối loạn chức năng trong gia đình. Vì lý do này, việc tái lập lại các quan hệ đã bị gián đoạn (Nguyên văn: “re-opening the emotional cutoffs) và thực hiện việc tái kết nối giữa các thành viên gia đình là việc hết sức quan trọng để Amy có thể hoá giải những xung đột tình cảm. Vì Amy chưa từng có xung đột với các anh chị em của mẹ nên việc tiếp xúc với các anh chị em họ và nối lại các quan hệ đó cũng có lợi cho sự cá biệt hoá bản thân của bà. Ngay cả khi Amy không làm gì để kết nối với những người bà con bên ngoại, thì ý nghĩ về điều đó cũng giúp bà thấy thoải mái hơn.

BÀN LUẬN VÀ KẾT LUẬN

Sau cùng, bằng cách củng cố, đảm nhận “vị trí Tôi” (I position) và duy trì sự suy nghĩ độc lập, tình trạng hoà lẫn trong các mối quan hệ của Amy cũng đã được ngăn ngừa. Trong trị liệu, công việc chính tập trung vào việc giúp “cá biệt hoá” (differentiating) những cảm nhận của Amy về ý kiến của người bạn tình. Lúc khởi đầu, Amy có khuynh hướng nói quá nhiều về người tình của bà. Khi bà nêu ý kiến của mình về những gì người tình nói về bà, nhà trị liệu hỏi bà: “Đây là những gì ông ta nghĩ, còn bà thì nghĩ thế nào?” Việc này giúp cho Amy bắt đầu suy nghĩ một cách độc lập. Giờ đây, Amy đã dành thời gian hơn cho những ý kiến của chính mình và nói về bản thân bà trong khi trị liệu.

Kết quả là phương pháp trị liệu này đã giúp cho sự cá biệt hoá bản thân của Amy, khả năng tự quyết (empowerment) của bà và phòng tránh việc chuyển lưu những mô hình quan hệ cũ sang cho những thế hệ tương lai. Bài viết này tuy chỉ tập trung nói về lý thuyết của Bowen nhưng những lợi ích từ việc xem xét các khía cạnh khác và áp dụng những kỹ thuật khác cũng có thể đóng góp thêm vào kết quả của việc trị liệu.

Sự trình bày lại 8 khái niệm “đan xen nhau” đề cập trong lý thuyết Bowen có thể thay đổi tuỳ từng bài viết, nhưng nội dung cốt lõi vẫn không khác, đó là:

1. Sự hợp thành bộ ba
2. Cá biệt hoá bản thân
3. Tiến trình cảm xúc trong gia đình hạt nhân
4. Tiến trình phóng chiếu trong gia đình
5. Tiến trình truyền lan đa thế hệ
6. Sự đoạn giao về tình cảm
7. Vị trí trong các anh chị em
8. Tiến trình cảm xúc về mặt xã hội

Chú thích của TN Online


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...