Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

CẦN LÀM NHIỀU HƠN VÌ CUỘC KHỦNG HOẢNG TRẺ MỒ CÔI DO COVID

Tựa gốc: Cứ hai ca tử vong do COVID-19 thì có một trẻ em mất người chăm sóc. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng trẻ mồ côi
Tựa gốc tiếng Anh: For every two COVID-19 deaths, one child loses a caregiver. We must do more to address the orphans crisis

Các tác giả:
LAURA RAWLINGS – Kinh tế gia hàng đầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank)
SUSAN HILLIS - Cố vấn Kỹ thuật cao cấp, Nhóm chuyên trách CDC Quốc tế về COVID-19
Nguồn: World Bank Blog – 20/7/2021

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Với tốc độ hiện tại, cứ 12 giây lại có một trẻ em mồ côi do tử vong liên quan đến COVID-19 và con số này đang tăng lên. Ảnh: Ngân hàng Thế giới

Cuộc khủng hoảng COVID sẽ để lại nhiều hệ quả không mong muốn. Thế giới đã theo dõi chặt chẽ số ca tử vong do COVID-19, với con số tử vong chính thức hiện lên đến hơn 4 triệu người, tập trung chủ yếu ở người lớn. Những đứa trẻ bị bỏ lại mà trong thực tế đã không được nhận thấy.

Con số tổn thất là rất đáng kinh ngạc

Ước tính của chúng tôi về số trẻ em bị bỏ lại, vừa được công bố trên tạp chí The Lancet, là cứ 2 người (lớn) chết vì COVID, thì có 1 trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh mồ côi, đối mặt với cái chết của một người chăm sóc, cha mẹ hoặc ông bà đang sống cùng nhà với trẻ. Vào cuối tháng 6/2021, ước tính của chúng tôi cho thấy gần 2 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đã, vì COVID-19, mà bị mất cha, mẹ và/hoặc ông bà là người chăm sóc và sống cùng nhà với trẻ.  Những tác động về mặt kinh tế, phát triển và tâm lý đối với những đứa trẻ này sẽ còn “vang xa” qua nhiều thế hệ (reverberate across generations), một di sản bi thảm của tử vong do COVID.

Để xem xét vấn đề cấp bách này, chúng tôi đã thành lập Nhóm tham khảo toàn cầu về trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19: Phối hợp Ước tính và hành động (Global Reference Group on Children Affected by COVID-19: Joint Estimates and Action) thông qua một tập thể các học giả cùng chí hướng, các bác sĩ từ các tổ chức toàn cầu và các nhóm xã hội dân sự.   

(*) Nhóm nghiên cứu bao gồm các học giả từ Đại học Harvard, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, Đại học Oxford, Đại học Cao đẳng Luân Đôn và Đại học Cape Town; các bác sĩ thực hành từ những tổ chức toàn cầu bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ, USAID, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới; và các nhóm xã hội dân sự bao gồm Maestral International và World Without Orphans – Chú thích của các tác giả.

Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu về tử suất và sinh suất để lập một mô hình nhằm ước tính số lượng tối thiểu và tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 của những người chăm sóc chính hoặc phụ cho trẻ em dưới 18 tuổi ở 21 quốc gia. Sau đó, chúng tôi ngoại suy từ những ước tính này để đưa ra các dự báo toàn cầu. Trong 14 tháng đầu tiên của đại dịch, ước tính tối thiểu của chúng tôi cho thấy có hơn 1 triệu trẻ em đã trải nghiệm cái chết của những người chăm sóc chính, bao gồm cả cha mẹ hoặc ông bà chăm sóc.

Các quốc gia có tỷ lệ tử vong của người chăm sóc chính ít nhất là 1 trên 1000 trẻ em bao gồm Peru (10,2 trên 1000 trẻ em), Nam Phi (5,1), Mexico (3,5), Brazil (2,4), Colombia (2,3), Iran (1,7), Hoa Kỳ (1,5), Argentina (1,1) và Nga (1,0). Ngoài ra, trong cùng khung thời gian này, có nửa triệu trẻ em khác đã mất người chăm sóc là ông bà sống tại nhà riêng của họ.

Với tốc độ này, cứ 12 giây lại có 1 trẻ em bị mồ côi do những tử vong liên quan đến COVID-19 và con số này vẫn còn đang tăng lên.  Các ước tính gần đây nhất của chúng tôi cho thấy cứ 2 người lớn tử vong vì COVID-19, thì có 1 trẻ em bị bỏ lại mà không có người chăm sóc trong gia đình. Đối với những người quan tâm đến việc theo dõi các ước tính chuyên biệt của cấp quốc gia, các thành viên trong nhóm của chúng tôi tại Đại học Imperial ở Vương quốc Anh đã phát triển một công cụ để cung cấp các ước tính chuyên biệt về trẻ mồ côi theo từng quốc gia (country specific orphanhood estimates), cũng như các biểu đồ hình ảnh có tính tương tác (interactive visualizations) về tình trạng những trẻ em bị ảnh hưởng, được cập nhật thông qua sự liên kết đến dữ liệu COVID của Đai học Johns Hopkins.


BIỂU ĐỒ: Xu hướng tử vong do COVID-19
và trẻ em bị ảnh hưởng bởi mồ côi và cái chết của người chăm sóc, 1/3 - 31/12/2020


Nguy cơ ảnh hưởng suốt đời

Trẻ em mồ côi do COVID phải đối mặt với một loạt rủi ro thường đến với những hậu quả nhanh chóng và rộng lớn. Các mối đe dọa về đói nghèo, suy dinh dưỡng, di dời chỗ ở và xa cách với anh chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình, bỏ học, trầm cảm, bạo lực và tảo hôn có thể xuất hiện đột ngột từ “chiếc hộp Pandora” của COVID-19.

(*) Trong thần thoại Hy Lạp, sự tích về chiếc hộp Pandora kì bí đã để lại cho nhân gian những điều thú vị và hấp dẫn. Theo truyền thuyết, đó là một chiếc hộp mà nàng Pandora – người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người sở hữu. Nàng Pandora đã được thần Zeus dặn kỹ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những gì trong chiếc hộp kì bí đó đã khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… Theo như nhiều phiên bản của truyền thuyết, chiếc hộp chỉ còn sót lại một điều là "hy vọng" để cho loài người để có thể tiếp tục sống (Theo Wikipedia) – Chú thích của TN Online.

Có thể làm gì để ngăn chặn “làn sóng mồ côi” này và hỗ trợ cho các trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ tử vong của người chăm sóc? Các tác giả của bài viết trên tờ The Lancet đã phát triển “một lưu ý chính sách nhằm hướng dẫn cách đáp ứng” (policy note to guide a response). Bản lưu ý này rút ra các bài học từ cuộc khủng hoảng HIV-AIDS - cũng là nguyên nhân khiến để lại một thế hệ trẻ mồ côi - cùng với bằng chứng về các can thiệp chính sách thành công.

Ngăn ngừa, chuẩn bị và bảo vệ

Chiến lược mà nhóm của chúng tôi đưa ra là NGĂN CHẶN cái chết của những người chăm sóc của trẻ em thông qua việc triển khai tiêm chủng và tiếp tục chú ý đến việc giảm thiểu tác hại, xét nghiệm, truy tìm và cách ly; CHUẨN BỊ cho các đại gia đình hoặc những gia đình nhận nuôi dưỡng (foster families) để chăm sóc những trẻ em bị bỏ rơi mà không có sự chăm sóc của cha mẹ để tránh việc phải đưa những trẻ đó vào những viện nuôi dưỡng; và BẢO VỆ những trẻ em này khỏi nguy cơ nghèo đói, dễ bị tổn thương và bạo lực gia tăng, bằng cách hỗ trợ các bậc cha mẹ và người chăm sóc còn lại với chế độ bảo trợ xã hội chuyên dành cho trẻ em kết hợp với việc chuyển gửi tiền mặt với việc hỗ trợ người chăm sóc.

Với tư cách là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển lớn nhất trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới WB có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID gây ra. Công việc của chúng tôi với các chính phủ, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và xã hội dân sự là cần thiết để:

NGĂN NGỪA tử vong tiếp tục do COVID: Tăng cường hệ thống y tế và hỗ trợ tiêm chủng để ngăn ngừa tử vong ở người chăm sóc trong tương lai và ngăn chặn làn sóng mồ côi. Sự hỗ trợ trực tiếp của chúng tôi đối với các quốc gia và làm việc với các đối tác thông qua COVAX và các kênh khác là chìa khóa để thúc đẩy việc tiếp cận và phân phối vắc-xin cùng với việc tiếp tục tập trung vào các chiến lược ngăn chặn, củng cố hệ thống y tế và chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch. Những yếu tố này là trọng tâm trong đáp ứng với COVID của Ngân hàng Thế giới (World Bank’s COVID response), bao gồm các đề xuất trong “Chủ đề đặc biệt mới của IDA20 về Nguồn vốn con người” (IDA20 Special Theme on Human Capital).

(*) IDA (International Development Association) – Một bộ phận của WB chuyên trợ giúp cho các quốc gia nghèo nhất – ND.

CHUẨN BỊ cho các gia đình: Nên tránh việc đưa các trẻ vào viện nuôi dưỡng (institutionalization) do tác hại rõ rệt của nó đối với sự phát triển tâm lý xã hội, thể chất và não bộ của trẻ, như đã được chứng minh nhiều lần qua các nghiên cứu được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm cả đồng tác giả Charles Nelson. Thông qua việc triệu tập các bên liên quan và tham gia với các nhà hoạch định chính sách, Ngân hàng Thế giới có thể giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc gia đình an toàn, ổn định và nuôi dưỡng thông qua hình thức chăm sóc bởi họ hàng, giúp nuôi dưỡng hoặc nhận con nuôi (kinship care, foster care or adoption).

BẢO VỆ trẻ em: Các chương trình chuyển gửi tiền mặt có thể cung cấp việc chuyển tiền thu nhập cũng như hỗ trợ cho trẻ em và người chăm sóc, sử dụng mô hình “tiền mặt cộng với chăm sóc” dựa trên các can thiệp về hành vi và tâm lý - xã hội. Ở Niger, Colombia, Mexico và Peru, việc bổ sung chương trình nuôi dạy con cái với việc chuyển tiền mặt đã cải thiện phần nào việc chăm sóc và cải thiện phát triển của trẻ em, với kết quả tốt về mặt nhận thức và ngôn ngữ (Arriagada và cs., 2018). Việc chuyển gửi tiền mặt (Cash transfers) đã được sử dụng rộng rãi để đáp ứng với COVID-19 nhằm hỗ trợ thêm thu nhập khi phải đối mặt với những cú sốc kinh tế do khủng hoảng mang lại. Từ 20/3/2020 đến 14/5/2021, các biện pháp trợ giúp xã hội (đặc biệt là chuyển tiền mặt) đã tăng 120% (Gentilini và cs., 2021). Động lực này có thể được khởi sự và định hướng đến các gia đình đã hỗ trợ cho trẻ mồ côi. Các chương trình hỗ trợ nuôi dạy con cái dựa trên bằng chứng có hiệu quả ngay cả khi được cung cấp thông qua các nền tảng trực tuyến có thể được tìm thấy tại “COVID-19 Parenting” và được phát triển bởi Đại học Oxford, CDC, USAID, WHO, UNICEF và các đối tác chính khác.

Tất cả chúng ta đều có vai trò

Việc tăng cường năng lực của khu vực công (public sector) để giải quyết những vấn đề này là nền tảng cho chương trình nghị sự tổng thể này. Các hệ thống cộng đồng và công cộng cần dựa vào lực lượng nhân sự được đào tạo, được trao quyền và làm việc linh hoạt, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, bảo trợ xã hội và phát triển trẻ em. Các chính phủ và các đối tác toàn cầu nên ưu tiên nguồn lực cho chương trình trẻ em để giải quyết đại dịch COVID-19 và thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phục hồi toàn diện, lâu dài và công bằng. Các đối tác quốc gia và toàn cầu này nên ưu tiên nguồn lực kỹ thuật cho việc liên tục lập mô hình, định hình, giám sát và đánh giá chương trình cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 liên quan đến tình trạng mồ côi và tử vong của người chăm sóc. Đây là một thách thức, đặc biệt là ở các quốc gia đang đối mặt với những hạn chế về tài chính khi thế giới phải vật lộn với cuộc suy thoái lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Đầu tư vào nguồn nhân lực làm việc cho trẻ em hôm nay là điều cấp thiết để đảm bảo không chỉ tương lai của các em, mà còn là tương lai của cộng đồng và quốc gia của các em. Những khoản đầu tư này có tỷ suất lợi nhuận cao (high rates of return), tích lũy qua suốt cả đời sống và từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Ngày càng có nhiều trẻ em mồ côi bởi COVID-19 cần sự hỗ trợ của chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...