Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

CHÚT SUY NGHĨ RIÊNG VỀ SỰ MẤT MÁT NGƯỜI THÂN TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH VÀ NHỮNG NGHI THỨC

Người viết: HOÀNG ANH – Sinh viên Tâm lý Năm thứ 4 – ĐH Sài Gòn; Tham gia sinh hoạt chuyên môn tại Trăng Non trong các nhóm sáng tạo nghệ thuật, tâm kịch và kỹ năng tham vấn cơ bản.

Bài viết từ một góc nhìn riêng của tác giả khi nghĩ suy về sự mất mát người thân trong một hoàn cảnh khi mà những nghi thức đưa tang kiểu truyền thống không thể được thực hiện trọn vẹn theo thông lệ.



Trước khi đại dịch đến, ta có thể đến bệnh viện chăm sóc cho người mẹ già của ta lần cuối

Trước khi đại dịch đến, ta có thể được nhìn khuôn mặt của ai đó vài lần trước khi họ trở về với đất mẹ

Trước khi đại dịch đến, một đám tang có thể diễn ra “thuận lợi theo thông lệ” là điều mà những người ở lại luôn mong muốn

Trước khi đại dịch đến, có ai đó mất đi, một loạt những nghi thức sẽ được diễn ra một cách tự động và được hướng dẫn cho những người ở lại để giúp họ vượt qua giai đoạn mất mát

Nay đại dịch đến, những điều như thế dường như là không thể… với ta… vào lúc này…

Mất người thân trong bối cảnh dịch bệnh

Sự đau buồn, nhớ thương của một người khi người thân của họ vừa qua đời là một phản ứng tự nhiên mà ta thường quan sát được. Bên cạnh đó, mỗi người có một khả năng thích ứng khác nhau trước tình huống mất mát này. Không một mốc thời gian cụ thể nào quyết định rằng liệu họ đã vượt qua được sự mất màt này hay chưa.

Tuy nhiên, trong đại dịch, có những yếu tố rất đặc thù có thể làm trầm trọng thêm những trải nghiệm đau buồn này mà ta cần phải để ý tới.

Một trong những yếu tố có thể kể đến, đó là sự cách ly.

Người thân của bạn bị nhiễm bệnh và bệnh tình trở nặng tại nơi điều trị, còn bạn thì phải ở nhà, không được đến chăm sóc. Sự cách ly ở đây không chỉ là về mặt địa lý, mà còn là về mặt tinh thần. Những xúc chạm cơ thể, những biểu cảm trên khuôn mặt, những lời cần nói, những cử chỉ quan tâm không lời… tất cả đều trở nên xa xỉ vào thời điểm này. Những kết nối giữa người ra đi và người ở lại bị đứt đoạn, cả hai phía đã không thể có dịp bắt lấy những thông điệp mà người sắp ra đi muốn truyền đạt cho người ở lại… di chúc, những lời trăn trối…

Những người có liên quan xung quanh, những cô, dì, chú, bác, những người hàng xóm, bạn bè… có thể cả những nhân viên dịch vụ mai táng… nhiều khả năng sẽ không hiện diện ở nhà của bạn, thậm chí không thể ở gần bạn vào lúc đó. Khi một người mất đi, bạn cần có một cảm giác về sự hiện diện của những người còn lại để giữ cho tâm trí của bạn không gục ngã trước nỗi cô đơn và khoảng trống để lại. Nhưng vào một thời khoảng như thế này, sự cách ly có thể khiến bạn cảm thấy bất lực và tự cô lập bản thân mình vào lúc mà điều bạn cần nhất là một sự kết nối...

Một yếu tố “cũ” nhưng chưa bao giờ là “cũ”, đó là bối cảnh.

Bối cảnh diễn ra cái chết có thể làm cho câu chuyện hoặc trở nên dễ chấp nhận hơn, hoặc trở nên quá sức chịu đựng cho người ở lại.

Một người tuyệt vọng gọi hàng chục cuộc điện thoại cho xe cứu thương, nhưng không ai nhấc máy vì bệnh viện đã quá tải…

Cha hay mẹ mất vì corona vào ngày sinh nhật của đứa con…

Người ông không qua đời vì corona mà vì ung thư, ở nhà không đủ tiền chạy chữa và cũng vì những liệu pháp không thể thực hiện tại nhà…

Chỉ vài ví dụ để ta thấy được sự tác động của đại dịch đã làm suy giảm nghiêm trọng khả năng kết nối của ta đến với các nguồn lực như thế nào. Nguồn lực ta có thể với tới tỉ lệ nghịch với sự bi thương của câu chuyện. Một điều thường xảy đến trong suy nghĩ của những người ở lại, đó là khi phải nhắc đến giai đoạn cận tử của người đã khuất, người ta thường hồi tưởng lại những gì mình đã làm hoặc chưa làm… với người đó.

“Tôi đã làm mọi thứ trong khả năng của tôi - Tôi đã gọi điện, tôi đã ở bên cạnh mẹ tôi rất lâu… Tôi đã mua thuốc… Bác sĩ đã làm hết sức… Mặc dù mẹ đã mất nhưng tôi an lòng vì mình đã nỗ lực hết sức để giữ một ai đó ở lại với mình…”

Nhưng cũng có thể…

“Tôi chẳng làm được gì, mẹ lên cơn đau tim vào giữa đêm và ra đi ngay trước mặt tôi… Giá mà tôi có thể gọi cứu thương đến sớm hơn… Tôi thật bất lực và vô dụng…”

Dịch bệnh đã khiến cho những mất mát xảy ra vào thời điểm này với một hàm nghĩa làm ta khó chấp nhận hơn - Dường như ta không kiểm soát được con vi-rút này, cũng như ta không kiểm soát được việc ta, hoặc ai khác quanh ta, có thể chết như thế nào.

Nghĩ về những nghi thức…

Nghi thức là một chuỗi các hoạt động bao gồm sự diễn tả qua các cử điệu, ngôn từ và có thể thông qua những vật thể, được thực hiện theo những trình tự đã được sắp đặt trước. Nghi thức thường được thực hiện dựa trên việc bảo lưu những truyền thống hoặc như những lễ nghi trong một cộng đồng, từ trong sinh hoạt thường ngày cho đến những dịp đặc biệt. Và dĩ nhiên, đưa tang cũng là một dịp rất đặc biệt…



Việc chôn cất, viết cáo phó, viết thư cảm ơn cho những người đã đến dự tang lễ, thắp nhang, đại diện tang gia đứng lên phát biểu, những điếu văn… Rồi sau đó, sắp xếp lại vị trí của các đồ vật trong gia đình… Tất cả, đều là những nghi thức - những hoạt động kiến tạo ý nghĩa, mang tính tự nhiên, nhưng cũng vừa sáng tạo, nhằm giúp những người ở lại có thêm sức mạnh để bước tiếp sau nỗi mất mát.

Nghi thức khi được thực hiện một cách nghiêm túc và đúng đắn sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực đến gia đình và từng cá nhân. Không may thay, dịch vụ tang lễ giờ đây gần như không thể hoạt động, các sư thầy không thể đến để cúng bái, các linh mục cũng khó khăn hơn trong việc nguyện cầu khi không thể ở gần… Những nghi thức dường như phải bị gác lại, hoặc không được hướng dẫn, hoặc không thể thực hiện như thông lệ, vốn có trước khi đại dịch đến.

Tuy nhiên, vẫn có những thứ ta có thể làm được và ta phải hiểu rằng, những nghi thức không phải lúc nào cũng phải đúng chính xác hoàn toàn với niềm tin tâm linh của mình hoặc phải gồng mình để làm cho nó trọn vẹn và to tát nhất có thể. Trong hoàn cảnh sống chung với dịch bệnh thế này, phải chăng ta nên nghĩ đến những cách thức khác - miễn là chúng tạo ra một không gian mà ở đó, những ý nghĩa được chia sẻ và bạn không cần phải trải nghiệm nỗi đau mất mát một mình.

Ta cũng cần phải nhận thức được rằng, vốn bản chất của những nghi thức, là những hoạt động có tính sáng tạocó ý nghĩa. Không một đấng tối cao nào, một cộng đồng tâm linh nào, thậm chí một người thân nào, lại có thể nhìn vào sự mất mát của ta khiến ta phải bắt buộc làm theo một quy chuẩn nào đó...

Điều mấu chốt ở đây là những nghi thức đó có giúp ta kết nối với người đã mất và tạo ra ý nghĩa để sống tiếp hay không. Ta có thể tạo ra một hoạt động mà ta muốn, thực hiện chúng đều đặn và kiến tạo ý nghĩa về nó - Một nghi thức cho riêng mình.

Tôi có một vài nghi thức cho người đã mất mà tôi muốn chia sẻ với mọi người trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này. Đương nhiên, mọi người có thể chọn lựa, hoặc gọi điện vấn ý các sư thầy, các linh mục hoặc những người mà bạn tin tưởng về mặt tâm linh - Phần ý nghĩa và sáng tạo tiếp theo sẽ tuỳ quyết định của mỗi người.

* Sắp xếp lại đồ đạc trong ngôi nhà và những đồ vật của người quá cố - Chọn đồ vật quan trọng của người đã khuất cất riêng để làm kỉ niệm; hoặc đặt một số đồ dùng cá nhân của người ấy vào trong một một nơi cất giữ cẩn thận; hoặc bỏ đi những đồ vật có thể gợi nhớ đến người đã mất…

* Viết một (hoặc những) bức thư gửi cho người đã mất, tập hợp chúng lại, rồi để chúng ở một “không gian thiêng liêng” nào đó; hoặc cũng có thể thiết kế một cái hộp để cất vào; hoặc kẹp bức thư vào các trang sách mà người ấy thường đọc…

* Nắm một nhúm nhỏ tro của người đã khuất, rải chúng xuống một gốc cây đang lớn - có thể với suy nghĩ “sự sống vẫn tiếp diễn, cũng như cái cây này, nay mẹ tôi sẽ ở cùng với sự vĩnh hằng của thiên nhiên”; hoặc rải chúng trước một cơn gió mạnh, trong không gian thoáng,  để những hạt tro bay đi - có thể với suy nghĩ “bố giờ đã ở trong tính cách của tôi, là một phần của cuộc sống tôi rồi, hãy để bố phiêu du đến nơi bố muốn”…

* Có thể bày biện một bàn thờ theo truyền thống, hoặc cũng có thể chuẩn bị một góc lưu niệm riêng, có thể vẽ chân dung hoặc lấy một vật tượng trưng cho người đó - không cần đẹp, chỉ cần để hết cái tâm của mình vào đấy - thay cho di ảnh; thiết kế một vật đựng nhang, trang trí tùy ý, và những thứ khác - nến, hoa …

* Những người thân hoặc bạn bè có thể chủ động gửi một bản ghi âm qua điện thoại và nhờ phát nó trước “không gian thiêng liêng” của người đã mất, hoặc một đoạn tin nhắn được chuẩn bị sẵn và nhờ người nhà đọc nó…

Cùng những nghi thức khác để bày tỏ sự tiếc thương với người đã khuất…

Khi những nghi thức được thực hiện với sự toàn tâm, trí tưởng tượng và sự kết nối sẽ làm tiếp phần còn lại…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...