Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH VÀ TANG LỄ: VẬT THỂ NỔI - Phần 2

Bài gốc: Deuil et Thérapie Familiale: Quels Objets Flottants? 
Dịch từ bản tiếng Anh: Mourning and Family Therapy: What Floating Objects?
Tác giả: JEAN-PAUL GAILLARD, YVELINE REY
Nguồn: Cairn.Info - Liệu pháp Gia đình 3/2001 (Quyển 22), Tr. 251-268

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN





Xem lại Phần 1

Phần 2

(*) Trò chơi ngỗng (Game of The Goose, còn có lúc gọi là Royal Game of The Goose là một trò chơi xuất hiện từ đầu thế kỷ 15 tại Ý (Tiếng Ý:Gioco dell'Oca). Hàng trăm năm sau, đã xuất hiện vô số phiên bản và luật lệ của trò chơi này ở nhiều nước Châu Âu. Trò chơi lập nên diễn trình của những con ngỗng đi từ lúc mới ra đời cho đến khi trưởng thành. Người chơi nào đến nơi trước thì thắng. Có những chặng khác nhau trên đường đi của ngỗng. Các nhà trị liệu theo trường phái hệ thống ở Pháp đã dùng trò chơi này, biến thể thành "Trò chơi Ngỗng Hệ thống" (Systemic Goose Game) để vận dụng vào quá trình trị liệu như những "vật thể nổi", theo cách tiếp cận của các tác giả Phillippe Caillé và Evelyne Rey (Chú thích của TN Online).


Game Board của Trò chơi Ngỗng 



Mất người thân và liệu pháp gia đình

Làm thế nào chúng ta có thể kích hoạt quá trình chuyển tiếp từ một trải nghiệm hiện sinh đau đớn, thậm chí là gây sang chấn, sang một quá trình phức tạp mở đường hướng tới tương lai? Làm thế nào để hỗ trợ một gia đình vượt qua nỗi sợ hãi về cảm xúc và sự trì trệ trong mối quan hệ bị gây ra bởi trải nghiệm đó? Làm thế nào để tạo ra một bối cảnh trải nghiệm để qua đó có thể khắc phục được cú sốc kia? Nhiều chuyên viên thực hành hệ thống đã làm sáng tỏ những câu hỏi này, ở đây chỉ kể ra N. Paul (1967), J. Byng-Hall (1995), J. Linares (1998), E. Goldbebeter (1999).

“Khoảng trống này vẫn đầy tính chất phong phú và hấp dẫn. Tang chế đi song hành với một khoảng trống và nơi đó minh chứng cho một sự thiếu thốn trong cấu trúc gia đình, đặc biệt đối với tang quyến, những con người phản ứng mạnh mẽ nhất và có khả năng tiếp sức phi thường nhất làm cho lịch sử gia đình trở nên sống động hơn, mà sẽ là cột trụ cho một tổ chức mới."

Ở đây, chúng tôi đề xuất xem lại phương pháp luận của “vật thể nổi”, vì nó được phát triển bởi Phillippe Caillé và một trong số chúng tôi (Caillé và Rey, 1994) dựa trên thực hành lâm sàng của trò chơi ngỗng hệ thống (systemic game of the goose), trong trường hợp các gia đình bị mất người thân, để khai triển một suy nghĩ ban đầu về việc cần thiết lập một công cụ chuyên biệt cho các tiến trình tang chế.

"Vật thể nổi" có thể được định nghĩa là các nghi thức trị liệu với một thành phần thông điệp không lời mạnh mẽ (strong analogical component). Chúng ta sẽ điểm nhanh một số chức năng chính của chúng là:

*Để vạch ra một khuôn khổ (E: framework; F: cadre) bằng cách mở ra một khoảng trung gian (intermediate space), một không gian tự do được bảo vệ tránh khỏi bất kỳ lời giải thích nào trong phiên trị liệu. Họ tiến đến việc "tạo lập một tam giác" (triangulate) thông qua một ẩn dụ về mối quan hệ giữa gia đình và nhà trị liệu, do đó thúc đẩy một cuộc đối thoại theo kiểu “phi quy ước” (E: unconventional; F: non conventionnel). Chiều kích phi ngôn ngữ (analog dimension) cho phép trải nghiệm một cách giao tiếp thay thế (alternative communication) giúp thống hợp các cảm xúc và mở ra khả năng sáng tạo.

*Ngoài ra, chúng (vật thể nổi) đóng vai trò là tác nhân bộc lộ những mô hình tổ chức (F: révélateurs des modèles organisants; E: revealers of organizing models), cả mô hình của gia đình (như chúng ta sẽ thấy với trò chơi ngỗng dành cho gia đình M.) và của nhà trị liệu. Nhà trị liệu giới thiệu những vật thể nổi đôi khi như là những vật dụng để vui chơi, rằng vai trò của chúng không dùng "để thẩm định" mà là để tạo dựng nên một bối cảnh khác, nhằm đề xuất các điều kiện cho một trải nghiệm, qua đó tính thẩm mỹ của vở kịch (aesthetics of the drama) có thể được chuyển thành tính thẩm mỹ của sự khám phá (aesthetics of exploration). [Tiếng Pháp: … de proposer les conditions d’une expérience où l’esthétique du drame puisse se transformer en esthétique de l’exploration].

*Sau cùng, chúng (vật thể nổi) vẫn lưu lại những dấu vết về một cuộc gặp "không giống bình thường" ("unusual" meeting) và trở thành nhân chứng cho một diễn trình nguyên gốc (original course), dấu tích của một bước chuyển (passage) chứng minh cho sự không thể đảo ngược lại của thời gian [khó làm được như trước đây, khi mà những chiếc hộp của trò chơi ngỗng vẫn là tấm gương phản chiếu sự tồn tại của các lựa chọn mang tính hiện sinh (E: existential choices; F: choix existentiels), hoặc tấm gia huy (huy hiệu gia đình) (E: family crest; F: le blason familial) đã làm rõ ý tưởng rằng bạn đang chia sẻ cảm giác thuộc về (E: sense of belonging; F: sentiment d’appartenance) của mình, làm nó trở nên rõ ràng và dễ thấy] (Rey, 2000).

Bằng cách đưa "trật tự vào hỗn loạn và hỗn loạn vào trật tự, giống như những tấm gương gây nhiễu hình ảnh", (turbulent mirrors) [Nguyên gốc: “de l’ordre dans le chaos et du chaos dans l’ordre, tels des miroirs turbulents”] (Caillé và Rey, 1994), những nghi thức trị liệu này giúp tăng tính đa dạng (diversity) và mức độ không chắc chắn (uncertainty). Do đó, chúng tạo ra những xáo trộn nhưng đồng thời lại đưa ra các tiêu chuẩn phương pháp luận đáng tin cậy trong những tình huống mang tính quyết định nhất. Đây là những gì thúc giục chúng tôi phải chuyên biệt hoá việc sử dụng chúng trong bối cảnh gia đình đang diễn ra tang chế và theo đuổi lộ trình tái tạo lại (reinventing) cách sử dụng chúng.

(*) Chú thích của TN Online: Những tấm gương gây nhiễu (turbulent mirrors) là hình ảnh ẩn dụ cho một môi trường có tính nhiễu loạn (turbulent environment), liên quan đến việc vận dụng “học thuyết hỗn loạn” (chaos theory).

Trò chơi ngỗng với Gia đình M.

Họ đã ở đó lần thứ ba. Thoả thuận đã được xem xét lại một cách cẩn thận: nó gồm vài cuộc trò chuyện với gia đình, theo sau chỉ định của vị bác sĩ tham gia điều trị, và không nên là một liệu pháp lâu dài, một điều gợi ý rằng việc mất người thân có thể bình phục được!

Họ đã ngồi xuống, giống như những lần trước, giữa cha và cô con gái, và giữa cô con gái với cậu con trai là một chiếc ghế trống. Một nỗ lực e dè sử dụng những không gian trống ấy đã chứng tỏ (sự mất mát vẫn còn) là quá sớm. Họ đã chào, rồi chờ đợi trong im lặng, không biểu lộ thái độ thù địch công khai, cũng không có bóng dáng nào của sự hy vọng.

Nhà trị liệu khi đó đã quyết định sử dụng “trò chơi ngỗng” (goose game), một cách thận trọng đưa trò chơi vào bối cảnh làm việc (Nguyên văn: contextualiser – “bối cảnh hoá”), theo cách thức không khiến nó xuất hiện như một “kỹ thuật xâm nhập” (F: technique intrusive) nhằm mục đích khiến gia đình phải nói chuyện. Cô ấy (nhà trị liệu) nói về sự bất an ngày càng tăng của mình, hai cuộc họp đầu tiên chỉ xác nhận giả thuyết của cô ấy, cụ thể là những cuộc phỏng vấn này chỉ có một chút hữu ích, đó là nhận ra nguy cơ nếu nghĩ rằng chỉ định do bác sĩ đưa ra là có cơ sở. Nhà trị liệu cần sự giúp đỡ của họ để tìm hiểu xem bằng cách nào mà họ đã trở thành "một gia đình không nói chuyện với nhau" và cách thức như thế đã có thể giúp được gì cho họ. Để làm được điều này, cô mời họ tham gia vào trò chơi ngỗng với ba bước chơi. Một chút sững sờ thoáng qua ánh mắt của người cha và tia tò mò sáng lên trong ánh mắt của hai bạn trẻ vị thành niên. Cả ba người họ nghiêng người về phía chiếc khay mà nhà trị liệu vừa mở ra, trông có vẻ nhẹ nhõm khi có việc phải làm .

Chúng ta hãy nhớ lại một cách ngắn gọn rằng “trò chơi ngỗng hệ thống” (systemic goose game) bao gồm việc sử dụng sự hỗ trợ của một tấm bảng gồm mười ngăn hình ô vuông (cộng thêm với một ô vuông bắt đầu và một ô vuông kết thúc), để cùng với gia đình tái tạo lại câu chuyện về lịch sử chung của họ. Trò chơi này có ba giai đoạn, có thể diễn ra trong nhiều phiên:

Bước đầu tiên: Mỗi người trong gia đình sẽ ghi chú các sự kiện theo mốc ngày tháng mà người đó xem là quan trọng đối với mình, mỗi sự kiện ghi trên mỗi tấm thẻ riêng biệt. Sau đó, để cả gia đình đồng ý chọn ra mười sự kiện quan trọng trong lịch sử chung của họ (có thể để một tấm thẻ trắng, chỉ ghi ngày tháng, để đề cập đến một sự kiện mà gia đình không muốn nói đến).

Bước thứ hai, mỗi thành viên của gia đình được mời để thẩm định về cảm xúc (E: emotionally qualify; F: qualifier émotionnellement) từng chiếc hộp, mỗi chiếc chứa trong đó một sự kiện, bằng cách sử dụng các thẻ mang những biểu tượng (E: symbol cards; F: cartes symboles) (con ngỗng, chiếc cầu, nhà tù, cái giếng, khách sạn và trong phiên bản mới nhất của trò chơi, có thêm mê cung và cái chết). Nói cách khác, trên bàn cờ của trò chơi ngỗng sẽ mở ra một lộ trình kép: vừa là trình tự biên niên của các sự kiện (chronology of events) đúng theo sự lựa chọn tập thể (của gia đình), vừa biểu trưng cho sự cộng hưởng cảm xúc của từng thành viên.

Sau cùng, trong bước thứ ba, mỗi người tham gia được yêu cầu đặt vào ô “bắt đầu” một tấm thẻ trên đó sẽ viết những gì mà bản thân mình, một cách riêng lẻ từng người, nghĩ là điểm xuất phát của tuyến đường kép này. Mỗi thành viên cũng sẽ phải đặt một thẻ khác vào ô “kết thúc” cho biết cách nhìn của người đó về phần còn lại, tức phần tương lai của tiến trình.

Ngay sau khi các sự kiện quan trọng của lịch sử gia đình được hướng dẫn ghi chú riêng trên từng tấm thẻ bằng giấy bristol (Caillé và Rey, 1994, Rey, 1994), mọi người sẽ bận rộn làm việc, không nhìn qua những người khác và cũng không hỏi thêm các chi tiết khác.

Kết quả là hoàn toàn bất ngờ: Bảy ô vuông đầu tiên của trò chơi ngỗng đã gây ra một cuộc huyên thuyên rất bất thường, đặc biệt là giữa Annelise, cô con gái và anh trai của cô, Michel, người đã kết thúc cuộc tranh cãi. Một gia đình khác bắt đầu được định hình, đó là thời kỳ tiền tang chế.

Sự kiện 1: Cả ba đều ghi nhận cuộc hôn nhân của cha mẹ vào năm 1973. Maxime (người cha) nói rằng anh ta 22 tuổi và Hélène (người mẹ đã mất) thì 20 vào lúc đó. Những đứa trẻ không ngần ngại hỏi chi tiết về cuộc gặp gỡ của họ và cuộc trò chuyện bắt đầu. Tóm lại, họ rất yêu nhau và cuộc hôn nhân được hai bên gia đình đón nhận. Ở phiên trị liệu sau đó, chiếc hộp này được thống nhất đánh giá (biểu trưng) là “một con ngỗng”, để nói rằng đó là một sự kết hợp hạnh phúc và tràn đầy năng lượng vì đó là những con người có thể bổ sung cho nhau.

Sự kiện 2: Chuyến du lịch vòng quanh nước Pháp trong một đoàn lữ hành của hai vợ chồng Maxime. Thực tập đa dạng và một số kinh nghiệm chuyên môn. Đây là khoảng thời gian vô tư mà sau đó khiến Maxime đánh giá biểu trưng bằng “một cây cầu”. Ông giải thích cho hai con đó là một bước chuyển (passage), khi mà các con ông không đặt ra các thẻ biểu tượng vì họ không thể có một ý tưởng nào về thời điểm này vì cả hai vẫn chưa được sinh ra.

Sự kiện 3: Annelise, cô con gái, được sinh ra theo mong đợi vào năm 1975, sự ra đời của cô gái đã giúp giữ chân gia đình ở lại tại một thị trấn ở phía tây nước Pháp, cũng là nơi Maxime tìm thấy cô em gái của mình, người mà anh luôn có mối quan hệ rất gắn bó. Ông đã gầy dựng một công ty nhỏ chuyên về dụng cụ sưởi ấm. Ở phiên trị liệu tiếp theo sau đó, “một con ngỗng” đã xác định là vật biểu trưng cho giai đoạn này, một trải nghiệm sống động và các dự án trong đời sống.

Sự kiện 4: Maxime nộp đơn xin phá sản vào năm 1977, gia đình chuyển đến miền bắc nơi Hélène (người mẹ) vẫn còn cha mẹ cha mẹ của bà. Người cha nói rằng đây là một giai đoạn khó khăn nhưng không đến nỗi bi thảm, ông đánh dấu nó bằng “một chiếc cầu”.

Sự kiện 5: Sự ra đời của Michel, lúc đó Annelise bốn tuổi, cô con gái nói rằng cô ấy nhớ rằng mình đã rất háo hức chờ đợi. Và mọi người nhất trí cho sự kiện này biểu tượng “một con ngỗng”.

Sự kiện 6: Chuyển dời nhà mới vào năm 1985, vì lý do công việc. Maxime đang thất nghiệp thì được tuyển vào một vị trí làm việc ở vùng Grenoble. Đối với cả ba người, sự kiện này là “một cây cầu” được tạo nên từ sự tiếc nuối cho những gì họ đã để lại và hy vọng cho những gì họ có thể tìm thấy. Không giống như cha, hai người con nói rằng sau cùng họ vẫn không hối tiếc gì về việc rời khỏi miền Bắc.

Sự kiện 7: Xây ngôi nhà mới vào năm 1987. Maxime biểu trưng bằng “một cây cầu”, theo ông sự kiện vẫn có một cái giá phải trả, và hai người con thì biểu trưng bằng những “con ngỗng” vì lúc ấy mỗi đứa đều có phòng ngủ riêng và một khu vườn.

Sự kiện 8: Cái chết của Hélène (người mẹ) trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1988. Một lần nữa sự im lặng lại xâm chiếm không gian. Tuy nhiên, nhà trị liệu vẫn khẳng định tiến trình đang diễn tiến tốt. Maxime sau đó nói về tội lỗi của mình. Lẽ ra ông phải là người lái xe, nhưng vì ông bận với công việc hàn nối vật dụng nên Hélène phải cầm lái. Hai bạn trẻ trao đổi qua ánh mắt và tỏ ra chút vẻ bực bội, rõ ràng là chúng không thể chịu đựng được cách phát biểu rất nhiều lần này thêm nữa. Nhưng tất cả họ đều đồng ý, trong phiên trị liệu tiếp theo sau đó, biểu trưng cho chiếc hộp này là “một cái giếng”.

Sự kiện 9: Chứng trầm cảm chính (F: Dépression officialisée; tương đương với E: Major Depression – ND) của Maxime, kèm theo các vấn đề sức khỏe và khó khăn ở trường của Annelise, sự rút lui và tự cô lập của Michel ... Và vẫn chỉ là “những cái giếng”.

Sự kiện 10: Người mang điều bất ngờ: Maxime lưu ý rằng Annelise gần đây đã đi chơi với một người bạn trai trong khi hai đứa trẻ, không hỏi ý kiến ​​nhau, viết rằng cha cũng đã gặp một "người bạn". Những biểu trưng của họ đang “chõi” nhau: “Cái giếng” (của Maxime) và những “cây cầu” (Annelise và Michel)!

Chúng ta sẽ không quay trở lại giai đoạn thứ hai của trò chơi ngỗng, bao gồm cho mỗi người tham gia trong việc gán cho mỗi sự kiện một thẻ biểu tượng (ngỗng, cây cầu, khách sạn, nhà tù, giếng và trong phiên bản cuối cùng, mê cung và cái chết. …) Để mô tả, xác định những cảm nhận, tình cảm, trải nghiệm của mỗi thành viên liên quan đến từng sự kiện, vì chúng tôi đã ghi chú các biểu trưng này cho mỗi ô trong phần trên. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng cuộc phỏng vấn này đã diễn ra trong một bầu không khí tràn đầy sinh lực hơn những lần trước, nhưng cũng căng thẳng hơn, khi sự khác biệt trong nhận thức giữa người cha và hai bạn trẻ trở nên rất rõ ràng.

Giai đoạn thứ ba của trò chơi ngỗng được dành để cố gắng điền vào hai ô còn trồng: ô bắt đầu và kết thúc. Trên những tấm thiếp có màu sắc khác nhau, mỗi thành viên được mời viết những điều mà bản thân mình cho đó là nguồn gốc của quá trình sống này (huyền thoại về nguồn gốc nhưng vượt lên trên tất cả những hệ thống nhân quả) và bản thân mỗi người dự đoán sắp tới sẽ như thế nào (dự đoán cho tương lai). Có hai luận điểm sau đó đã nảy sinh và đối lập ý với nhau trong phần ghi chú ở ô kết thúc:

Maxime đề nghị đặt “một đường hầm” ở đó, và không thể nhìn thấy điểm cuối của đường hầm, hoặc “một cái giếng không có nước”.

Annelise đã viết "kết hôn"! (Bản tiếng Pháp: “mariages”!)

Sau đó, Michel đóng vai trò là người hòa giải bằng cách gợi ra “thời gian tạm ngưng” (E: a suspended time; F: un temps suspend).

Ngày càng cho thấy rõ hơn rằng bên dưới mặt nước hồ tĩnh lặng, có những dòng chảy trái ngược nhau đang va chạm và rằng một người mất đi có thể ẩn mình hoặc cũng có thể cảnh báo cho một ai khác (F: qu’un deuil peut en cacher ou en prévenir un autre). Nhưng trước tiên hãy nhìn sự thể cận cảnh, sau đó với tầm nhìn rộng hơn...

Đón xem tiếp Phần 3


3 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài vẫn đang còn tiếp những phần sau. Các giải thích có ở trong từng phần. Em vui lòng theo dõi nhé! Còn về khái niệm "vật thể nổi", người học cần nhiều kiến thức nền tảng và nên dành thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn. Em vui lòng theo dõi các bài có liên quan trong blog này nhé! Thân.

      Xóa
  2. Rất thú vị và bổ ích. Rất biết ơn BS vì đã hoàn thành nó và đem đến một trải nghiệm hay.

    Trả lờiXóa

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...