Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

TRẢI NGHIỆM CHƠI TRÊN KHAY CÁT - Phần 1

BS NGUYỄN MINH TIẾN

TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA CLB TRĂNG NON (Tháng 10-2015 - Bổ sung Tháng 9/2021)



Từ lâu, các phương pháp sử dụng chơi (play) và sáng tạo nghệ thuật (arts) đã được biết đến như những công cụ được ứng dụng vào việc thực hành tâm lý liệu pháp ở trẻ em và vị thành niên. Trong số các loại hình chơi và sáng tạo nghệ thuật ấy, có một loại công cụ đặc biệt mà từ khá lâu cũng đã được các nhà tâm lý trị liệu trên thế giới đưa vào thực hành, đó là khay cát (sand tray), một loại công cụ vừa có tính đa dạng về mặt thể hiện vừa tạo nên một bức tranh sinh động mang tính ẩn dụ mà qua đó nhà trị liệu và thân chủ có thể thực hiện những tương tác có tính trị liệu.

Về mặt ứng dụng, người ta nhận thấy khay cát có thể được áp dụng ở cả trẻ em, vị thành niên lẫn cả những thân chủ người lớn. Tại phòng trị liệu của CLB Trăng Non, chúng tôi bắt đầu đưa công cụ khay cát vào thực hành lâm sàng trong 10 năm qua, bắt đầu từ việc thực hành trải nghiệm qua hoạt động trên khay cát bởi những sinh viên và cử nhân tâm lý, sau đó dần dần áp dụng trên những thân chủ trẻ em và người lớn. Khay cát cũng được sử dụng trong đào tạo, huấn luyện và cả trong một số buổi giám sát. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số cơ sở lý luận có tính nền tảng của liệu pháp sử dụng khay cát, cách thức thực hiện liệu pháp trong thực tế và minh họa một số các trường hợp lâm sàng để có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cùng những kết quả sơ khởi trong việc thực hành lâm sàng của chúng tôi.

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA LIỆU PHÁP KHAY CÁT THEO QUAN ĐIỂM CỦA TRƯỜNG PHÁI NHÂN VĂN (HUMANISTIC SANDTRAY THERAPY)

Trò chơi trên cát là một loại công cụ sử dụng trong chơi trị liệu (play therapy) – một hình thức tâm lý trị liệu cho trẻ nhỏ có vấn đề tâm lý, đôi khi có thể áp dụng cho cả trẻ lớn, vị thành niên, cá nhân người lớn hoặc cả gia đình. Những hình mẫu thu nhỏ (miniatures), tượng trưng cho những con người, thú vật, hoặc sự vật thông thường có thật trong thực tế, sẽ được sử dụng để tạo nên những bối cảnh và nội dung chơi trên bề mặt của cát. Tên thông dụng trong tiếng Anh chỉ cách làm này là sandplay (trò chơi trên cát) hoặc sandtray therapy (liệu pháp chơi trên khay cát), hoặc như cách gọi tên của Magaret Lowensfeld (tác giả của phương pháp) là World Technique (Kỹ thuật Thị hiện Thế giới). Phép tiếp cận này được sử dụng trong một bối cảnh có tính nghi thức, có sự chuyển tiếp hoặc như một phương pháp chữa lành các sang chấn, đau khổ về tinh thần. Trong bài này để đơn giản chúng tôi sẽ gọi tên phương pháp là “Trò chơi trên cát” khi gọi với ý nghĩa chung và “liệu pháp khay cát” khi phương pháp được áp dụng trong bối cảnh trị liệu tâm lý.


Lowensfeld (trái) đang sử dụng khay cát để trị liệu tâm lý cho trẻ em


Liệu pháp khay cát được phát triển nên bởi bác sĩ Magaret Lowensfeld trong thập niên 1920 do bà đã cảm hứng khi đọc Floorgames (Trò chơi trên sàn nhà) của H.G. Wells (1906), và được áp dụng tại Trung tâm Trị liệu Trò chơi tại Luân Đôn, Anh quốc. Wells và các con trai của mình đã cùng chơi những trò chơi trên sàn nhà; họ chọn lấy đồ chơi là những hình mẫu thu nhỏ để bày ra những cảnh chơi đầy kịch tính trên sàn nhà của một căn phòng sau khi đã dọn sạch các vật dụng khác. Những trò chơi này đã cho phép gia đình của Wells có được một phương tiện để khám phá các chủ đề trong cuộc sống. Và Wells cũng đã khuyến cáo mọi người cùng với trẻ em nên tham gia vào một tiến trình chơi như thế.

Lowensfeld, cũng giống như Freud, Klein và Winnicott, hiểu rằng trẻ em cần có những loại công cụ khác không phải ngôn ngữ để có thể giao tiếp và có thể tạo nên ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Bà cũng nhận ra hoạt động chơi có khả năng giúp chuyển biến và tổng hợp lại những thế giới quan còn hạn chế của trẻ. Bằng sự thông thái của mình, bà đã không chỉ đưa thêm vào khay đựng những nội dung chơi mà còn cho cả cát và nước vào để cho phép đứa trẻ giải bày ra những trạng thái sinh học và siêu hình rất phức tạp. Bộ công cụ này nhằm giúp trẻ cảm nhận được các trải nghiệm của mình chứ không giúp gia tăng khả năng diễn giải của nhà trị liệu về thực tại của đứa trẻ.

Những thân chủ trẻ con của Lowensfeld đã sử dụng các vật liệu chơi này một cách hết sức nhiệt tình. Bộ công cụ cũng có những tính chất rất hấp dẫn, đa năng và đa chiều kích. Và đặc biệt là nó không cần đến bất cứ kỹ năng đặc biệt nào. Thật vậy đã có một đứa trẻ gọi đó là “Cả thế giới để vui chơi” – điều này khiến bà đôi khi gọi đó là “Trò chơi Thế giới” (Worldplay; hay tiếng Đức là Weltspiel), đó cũng là tiền thân cho các tên gọi World Apparatus hoặc Lowensfeld World Technique về sau.

Nhiều thập niên trôi qua kể từ ngày Lowensfeld đưa kỹ thuật làm việc này vào Trung tâm trị liệu của bà, các giáo viên, những nhà tư vấn và nhà nghiên cứu thuộc nhiều trường phái lý thuyết khác nhau đã cung cấp bộ công cụ này cho những đối tượng mà họ làm việc. Theo thời gian, trò chơi trên cát đã được sử dụng để giúp con người kết nối và trở nên quan tâm hơn đến thực tại cá nhân và liên cá nhân trong đời sống con người. Những nhà thực hành đã sử dụng nó để gia tăng khả năng của ý thức, khả năng tự bình phục, giảng dạy, học tập, sáng tạo, giao tiếp và những mối quan hệ lành mạnh giữa con người với nhau.

Do bởi khay cát là công cụ có tính chất rất hữu hiệu và thú vị, nhiều tác giả đã phát kiến nên những tên gọi riêng cho phương pháp của mình nhằm mô tả những cách thức tiếp cận cuộc chơi trên khay cát; mỗi cách gọi tên thể hiện cách thức thực hiện cũng như quan điểm riêng của từng tác giả về những tiến trình xảy ra trong khay cát.

Liệu pháp khay cát nay đã vươn xa ra khỏi phạm vi tham vấn và trị liệu tâm lý; nó được áp dụng trong giáo dục, trong những hành trình tìm kiếm về mặt tinh thần, trong công việc, cũng như bất cứ hoàn cảnh nào mà những người có nguồn gốc xuất thân và văn hóa khác nhau muốn hiểu biết lẫn nhau trong thâm sâu con người của mình.

Cách gọi tên phương pháp cũng là cách thức đặc biệt gợi lên những câu chuyện kể hoặc những thực tại có tính chuyên biệt. Trong một nghiên cứu về trò chơi trên cát tại Úc, một đứa bé trai 12 tuổi đã gọi tên phương pháp của Lowensfeld là “bức tranh cát” (sand picture) hoặc “tranh vẽ các ý nghĩ” (thinking picture). Đứa trẻ nói: “Cháu đã nói rất nhiều về mọi việc đã xảy ra, nhưng ở đây cháu im lặng, cháu bận suy nghĩ. Suy nghĩ là một người anh em khó tính. Không ai có thể nghe được bạn, nhưng ở đây, bức tranh trên cát là một thứ suy nghĩ, và người ta có thể nghe thấy nó lên tiếng”.

Liệu pháp khay cát là một hình thức tâm lý trị liệu có tính năng động và diễn đạt (dynamic and expressive), giúp cho thân chủ có thể giải bày thế giới nội tâm của họ thông qua các biểu tượng và hình ảnh ẩn dụ. Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn nhấn mạnh đến việc hình thành một mối quan hệ trị liệu sâu sắc và có tính chấp nhận, cùng với một cách tiếp cận xử lý nội dung trong khay cát chủ yếu dựa trên những trải nghiệm của thân chủ tại đây và ngay lúc này (here-and-now).

Quan điểm nhân văn tin rằng khi con người tăng trưởng và phát triển ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, họ sẽ có thể bị mất đi mối liên lạc với chính con người mà mình đang là. Họ có thể đã học cách chấp nhận một số cảm xúc nào đó và không chấp nhận những cảm xúc khác. Trong tiến trình chối bỏ những gì thuộc về con người thật của mình, họ có thể trở nên mất liên lạc với bản ngã thực sự của chính mình. Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn mang đến những trải nghiệm về sự tái kết nối của con người với bản ngã chân thực của mình và giúp con người trở lại khám phá các ước mơ, hy vọng và tầm nhìn của mình.

Giống như liệu pháp chơi (play therapy) ở trẻ nhỏ, liệu pháp khay cát mang lại một trải nghiệm có tính chủ động, không lời, gián tiếp và mang tính biểu tượng. Giai đoạn tạo cảnh (scene creation phase), trong đó thân chủ sắp đặt các hình mẫu thu nhỏ vào trong khay cát, là một giai đoạn rất quan trọng và cũng là giai đoạn trung tâm đạt đến các trải nghiệm từ khay cát. Trong liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn, giai đoạn xử lý (processing phase) sẽ mang lại thêm những trải nghiệm vốn đã hình thành trong giai đoạn tạo cảnh và cho phép suy xét lại trải nghiệm ấy. Thông qua giai đoạn xử lý, thân chủ có thể nhìn lại bối cảnh trong khay và trải nghiệm về tác động của nó.

Tất cả các thành phần như khay cát, những hình mẫu thu nhỏ, không gian an toàn trong khay cát, những lời nói sử dụng trong khi chơi trên cát và cả công việc trong giai đoạn xử lý đều có tầm quan trọng trong việc tạo nên hiệu quả trị liệu.

Liệu pháp khay cát có thể được sử dụng cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên, vị thành niên và cả người lớn. Giống như liệu pháp chơi, thân chủ được trị liệu với khay cát cũng thể hiện bản thân theo cách ẩn dụ. Mặc dù trong giai đoạn xử lý, nhà trị liệu sử dụng lời nói nhiều hơn trong liệu pháp chơi dành cho trẻ nhỏ, việc sử dụng và xử lý hình ảnh ẩn dụ cũng tương tự như trong liệu pháp chơi.

Nhà trị liệu trường phái nhân văn xem thân chủ là những người có khả năng tự hiện thực hóa bản thân và vốn có sẵn khuynh hướng phát huy tiềm năng của mình. Họ có thể tự nhận biết bản thân mình và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Con người là sinh vật có tính xã hội và có nhu cầu mạnh mẽ muốn kết nối với người khác. Trong liệu pháp nhân văn, mối quan hệ trị liệu là nguồn lực nền tảng tạo nên những thay đổi có tính xây dựng ở thân chủ (Cain, 2002). Mục đích cơ bản của mối quan hệ trị liệu là tạo nên một bầu khí tối ưu thuận lợi cho sự tăng trưởng xảy ra. Rogers đã viết: “Hầu hết trẻ em, nếu được sống trong một môi trường bình thường đáp ứng phù hợp với những nhu cầu về cảm xúc, trí tuệ và xã hội của trẻ, đều có khuynh hướng đạt đến sự lành mạnh để đáp ứng và thích nghi với đời sống” (Kirschenbaum, 1979).

Khi nhà trị liệu gặp thân chủ, dù là trẻ em hay người lớn, họ thậm chí còn cần nhiều hơn một “môi trường bình thường phù hợp” như thế, bởi vì họ đã không thể có được lòng tin của một trẻ nhỏ. Vì vậy, việc thiết lập một bầu khí tối ưu cho tăng trưởng là điều tuyệt đối quan trọng. Mối quan hệ trị liệu là trung tâm của bầu khí này, và khả năng tự nhận biết bản thân cùng với kỹ năng của nhà trị liệu có thể tạo nên bầu khí này và làm chất xúc tác cho sự tăng trưởng nơi thân chủ.

Trong liệu pháp khay cát, nhà trị liệu tạo lập một không gian an toàn và có tính chấp nhận để thân chủ có thể đối diện với các chủ đề cốt lõi của họ. Giống như trong liệu pháp chơi, bản chất mang tính ẩn dụ của khay cát giúp tạo nên một khoảng cách an toàn để thân chủ có thể giải bày những cảm xúc đau khổ của họ. Khay cát cho phép thân chủ bộc lộ bản thân họ dưới hình thức những biểu tượng không lời, đồng thời tạo nên một sản phẩm phóng chiếu có tính thị hiện những thực tại chủ quan trong nội tâm cũng như trong các mối quan hệ của thân chủ.

CHUẨN BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Đối tượng

Như đã nêu trên đối tượng làm việc với khay cát là những trẻ em từ 8 tuổi trở lên, vị thành niên và cả người lớn. Cần phân biệt việc sử dụng khay cát để tạo cảnh có tính ẩn dụ với việc sử dụng cát như một loại vật liệu vô định hình trong các hoạt động chơi giúp phát triển tâm vận động ở trẻ em. Các đối tượng của liệu pháp khay cát là những trẻ em và người lớn không có vấn đề thiểu năng trí tuệ hoặc rối loạn phát triển tâm vận động, mà chủ yếu là những thân chủ có trí năng phát triển tốt nhưng đang trải qua các sang chấn, đau khổ hoặc bế tắc trong đời sống tâm lý. Khay cát cũng có thể tạo khung cảnh để một người đi sâu vào việc tìm hiểu và khám phá các trải nghiệm cảm xúc của bản thân. Trong thực tế lâm sàng, chúng tôi đã sử dụng khay cát cho các trẻ em mồ côi sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ em trong gia đình có xung đột, trẻ gặp khó khăn trong học tập và những vị thành niên hoặc người lớn có vấn đề khó khăn về cảm xúc. Tại Trăng Non, khay cát cũng được sử dụng như một công cụ cho những người đang học tập và thực hành tâm lý trị liệu tự khám phá các trải nghiệm của bản thân.

Phương tiện

Phương tiện chính là một khay đựng cát. Kích thước khay cát có thể lớn hay nhỏ tùy theo mục đích sử dụng và tuổi của thân chủ, sao cho có thể đủ rộng để thân chủ có thể diễn đạt các cảnh chơi. Khay cát có thể đặt trên nền nhà hoặc đặt trên bàn cao để thân chủ đứng hoặc ngồi bên cạnh khay. Bên trong khay là cát sạch, có thể là cát khô hoặc có thể cho nước vào để làm ướt cát, nhờ đó thân chủ có thể tạo hình cho địa thế của cát trong cảnh diễn.

Phòng chơi cũng phải có sẵn thật nhiều những mẫu vật thu nhỏ (miniatures) đại diện cho thật nhiều những nhân vật, thú vật và sự vật hiện diện trong đời sống để thân chủ có thể sử dụng bằng cách đưa vào bên trong khay cát để tạo cảnh. Các mẫu vật ấy có thể gồm:

a, Những hình người: lớn, nhỏ, già, trẻ, đàn ông, phụ nữ, có sắc phục và tư thế tượng trưng cho nhiều loại nghề nghiệp hoặc kiểu người khác nhau như nông dân, binh lính, y tá, bác sĩ, cảnh sát, học sinh... Thậm chí có cả những mẫu người trong phim hoặc truyện như siêu nhân, robot, batman hoặc người tiền sử vv... để trẻ có thể tưởng tượng

b, Những thú vật phổ biến: Nên sắp xếp và phân loại thành các thú hoang và thú nhà, chim hoang và gia cầm, thú hiền và thú dữ, loài vật sống trên rừng, trên đồng hoặc dưới nước, các loài thông dụng hiện có mặt trên đời lẫn các loài vật cổ đã tuyệt chủng như khủng long, hoặc loài vật chỉ có trong truyền thuyết như rồng, quái vật... Thậm chí có cả những con vật đã được nhân cách hóa hoặc con vật nổi tiếng từ phim, truyện như vịt Donald, chuột Mickey... Nếu có thể, mỗi loài vật nên có những con kích thước lớn nhỏ khác nhau để khi cần thân chủ có thể diễn cảnh gia đình của loài vật ấy.

c, Những sự vật, đồ vật: Cần những mẫu vật đại diện cho rất nhiều các đồ vật và sự vật trên đời, từ những vật vô tri trong thiên nhiên như sỏi, đá, những hình tượng thực vật: cây cỏ, bông hoa, cho đến những vật thể nhân tạo lớn nhỏ khác nhau như nhà cửa, xe cộ, bàn ghế, xích đu, biển báo, đèn hiệu, vân vân và vân vân... Các mẫu vật càng đa dạng thì khả năng diễn cảnh càng phong phú.

Mục đích và thời lượng làm việc

Chỉ sử dụng khay cát khi thân chủ đã có được lòng tin khá sâu sắc với nhà trị liệu. Không thực hiện liệu pháp khi thân chủ vẫn còn lưỡng lự. Homeyer và Sweeney (1998) cho rằng khay cát nên được sử dụng một cách có mục đích và có dự định. Nhà trị liệu nên trình bày rõ những mục đích và thời lượng sử dụng khay cát trên từng thân chủ cụ thể. Hai tác giả này đề nghị sử dụng khay cát như cách thức để thay đổi bước đi trong làm việc với thân chủ, như một cách thức để tiếp thêm sức mạnh cho tiến trình trị liệu hoặc đưa việc trị liệu đến các tầng mức can thiệp sâu xa hơn. Khuyến cáo này cũng phù hợp với điều đã nêu ở phần trên: khay cát có hiệu quả khi làm việc với những thân chủ bị bế tắc.

Các bước thực hiện

1, Giai đoạn tạo cảnh (scene creation phase)

Homeyer và Sweeney (1998) thường cho thân chủ một câu mào đầu trước khi bước vào giai đoạn tạo cảnh như “Bạn hãy tạo một quang cảnh về đời sống của bạn như nó đang có trong hiện tại. Bạn cũng có thể sử dụng những hình ảnh trong quá khứ cũng như tương lai nhưng hãy trung thực với chính bạn về cuộc sống của bạn vào lúc này”.

Trong giai đoạn tạo cảnh, nhà trị liệu cần phải đặt mình trong hiện tại càng nhiều càng tốt nhưng họ không nói gì đặc hiệu cả. Điều quan trọng đối với thân chủ là phải có được một trải nghiệm bên trong về sự kết nối với các hình mẫu thu nhỏ và lựa chọn cái nào trong số đó để tạo cảnh. Nhà trị liệu không làm gián đoạn tiến trình bên trong này nhưng cần phải làm cho thân chủ biết rằng nhà trị liệu đang ở cùng thân chủ trong lúc họ trải nghiệm những phút giây thực hiện việc tạo cảnh.

Điều thú vị là một số nhà trị liệu khay cát tin rằng tiến trình bình phục trong liệu pháp khay cát chỉ xảy ra trong giai đoạn tạo cảnh. Vì thế, các nhà trị liệu này không đi qua giai đoạn xử lý. Một số nhà trị liệu khác lại sử dụng những cảnh quan trên khay cát làm chủ đề khởi điểm cho các tương tác bằng lời. Việc xử lý các nội dung trong khay cát bằng lời nói có thể giúp khai triển và mở rộng những việc đang diễn biến trong nội tâm thân chủ mà những việc này đã bắt đầu trong giai đoạn tạo cảnh.

Giai đoạn tạo cảnh sẽ giúp hình thành nên sắc thái cho quá trình thân chủ tự thăm dò và khám phá bản thân khi họ nhìn vào những hình mẫu thu nhỏ và tìm thấy những mối liên hệ với chúng. Một số thân chủ cảm thấy lạc lối khi tìm cách sắp xếp các hình mẫu thu nhỏ đúng theo ý mình muốn. Nếu giai đoạn tạo cảnh được trải nghiệm một cách có ý nghĩa đối với thân chủ, nếu thân chủ nhìn vào và suy nghĩ về những khía cạnh trong đời sống mà họ thường không chú ý đến, khi đó giai đoạn xử lý đã bắt đầu bên trong nội tâm của họ. Việc chuyển sang giai đoạn xử lý bằng lời sẽ trở nên tự nhiên hơn rất nhiều khi thân chủ cho phép bản thân họ trải nghiệm giai đoạn tạo cảnh.

Homeyer và Sweeney (1998) thường cho thân chủ một câu mào đầu trước khi bước vào giai đoạn tạo cảnh như “Bạn hãy tạo một quang cảnh về đời sống của bạn như nó đang có trong hiện tại. Bạn cũng có thể sử dụng những hình ảnh trong quá khứ cũng như tương lai nhưng hãy trung thực với chính bạn về cuộc sống của bạn vào lúc này”.

Trong giai đoạn tạo cảnh, nhà trị liệu cần phải đặt mình trong hiện tại càng nhiều càng tốt nhưng họ không nói gì đặc hiệu cả. Điều quan trọng đối với thân chủ là phải có được một trải nghiệm bên trong về sự kết nối với các hình mẫu thu nhỏ và lựa chọn cái nào trong số đó để tạo cảnh. Nhà trị liệu không làm gián đoạn tiến trình bên trong này nhưng cần phải làm cho thân chủ biết rằng nhà trị liệu đang ở cùng thân chủ trong lúc họ trải nghiệm những phút giây thực hiện việc tạo cảnh.

Điều thú vị là một số nhà trị liệu khay cát tin rằng tiến trình bình phục trong liệu pháp khay cát chỉ xảy ra trong giai đoạn tạo cảnh. Vì thế, các nhà trị liệu này không đi qua giai đoạn xử lý. Một số nhà trị liệu khác lại sử dụng những cảnh quan trên khay cát làm chủ đề khởi điểm cho các tương tác bằng lời. Việc xử lý các nội dung trong khay cát bằng lời nói có thể giúp khai triển và mở rộng những việc đang diễn biến trong nội tâm thân chủ mà những việc này đã bắt đầu trong giai đoạn tạo cảnh.

Giai đoạn tạo cảnh sẽ giúp hình thành nên sắc thái cho quá trình thân chủ tự thăm dò và khám phá bản thân khi họ nhìn vào những hình mẫu thu nhỏ và tìm thấy những mối liên hệ với chúng. Một số thân chủ cảm thấy lạc lối khi tìm cách sắp xếp các hình mẫu thu nhỏ đúng theo ý mình muốn. Nếu giai đoạn tạo cảnh được trải nghiệm một cách có ý nghĩa đối với thân chủ, nếu thân chủ nhìn vào và suy nghĩ về những khía cạnh trong đời sống mà họ thường không chú ý đến, khi đó giai đoạn xử lý đã bắt đầu bên trong nội tâm của họ. Việc chuyển sang giai đoạn xử lý bằng lời sẽ trở nên tự nhiên hơn rất nhiều khi thân chủ cho phép bản thân họ trải nghiệm giai đoạn tạo cảnh.

2, Giai đoạn xử lý (processing phase)

Một cách điển hình, nhà trị liệu sẽ bắt đầu giai đoạn xử lý bằng cách nói với thân chủ: “Hãy nói về quang cảnh mà bạn đã tạo nên”. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bắt đầu khi thân chủ cảm nhận được một điều gì đó ngay trong giai đoạn tạo cảnh. Nhà trị liệu có thể nói: “Bạn trông có vẻ rất buồn. Bạn đang chú ý điều gì vào lúc này?” Khái niệm về việc hiện diện cùng thân chủ trong từng khoảnh khắc là khái niệm trung tâm trong cách tiếp cận nhân văn ở giai đoạn xử lý. Cách tiếp cận nhân văn tập trung vào việc khám phá chứ không làm kỹ thuật diễn giải. Tiến trình khám phá là một trải nghiệm sâu sắc. Hầu hết những gì nhà trị liệu thực hiện trong giai đoạn xử lý là tạo thuận lợi cho tiến trình khám phá và hiểu biết bản thân của thân chủ. Theo luận điểm của Rogers, những đáp ứng có tính trị liệu và có hiệu lực mạnh mẽ nhất là những đáp ứng nhằm giúp thân chủ vươn xa hơn mức độ hiểu biết về bản thân mà họ có trước đó.

Đón xem tiếp Phần 2

MINH HỌA TRƯỜNG HỢP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...