“Self-Fulfilling
Prophecy in Psychology “
Tác giả:
COURTNEY E. ACKERMAN, MA.
Nguồn: Positive Psychology - 05-02-2021
Người dịch:
HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên
viên Tâm lý Trị liệu
Xem lại Phần 1
Phần 2
* Chú thích của TN Online:
Hiệu ứng Pygmalion là một hiện tượng
tâm lý trong đó việc đặt ra những kỳ vọng cao có thể dẫn đến việc cải thiện hiệu
suất trong một số lĩnh vực nào đó. Hiệu ứng này mang tên Pygmalion, một nhân vật
trong thần thoại Hy Lạp, một điêu khắc gia đã đem lòng yêu thương bức tượng Nàng
Galatea do chính mình tạc nên. Pygmalion nâng niu, đối xử với bức tượng như người
thật, và một ngày kia, mong ước của Pygmalion đã được Thần Aphrodite chuyển
thành hiện thực và Nàng Galatea trở thành vợ của chàng.
Hiệu ứng còn được mang tên Rosenthal (Rosenthal effect) sau khi nhà
tâm lý Rosenthal cùng với Lenore Jacobson mô tả ý tưởng này trong việc kỳ vọng
của các giáo viên có ảnh hưởng lên trên kết quả học tập của học sinh.
Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm và trầm cảm
Không
có gì đáng ngạc nhiên khi bản chất chu kỳ (cyclical nature) của những lời tiên
tri tự-ứng-nghiệm có thể đóng một vai trò trong việc phát triển và làm trầm trọng
thêm chứng trầm cảm.
Một phụ
nữ bị trầm cảm có thể có một số suy nghĩ tiêu cực về bản thân, kiểu như:
“Tôi vô
dụng”;
“Tôi
không thể hành xử hợp lý”;
“Tôi
không thể được yêu thương”;
“Không
ai thích tôi, tất cả họ đều nghĩ tôi là kẻ thất bại”;
“Vì
không ai thích tôi, nên tôi không có bạn bè”.
Những
suy nghĩ kiểu như “Tôi vô dụng” và “Tôi không thể hành xử hợp lý” có thể thuyết
phục cô ấy từ bỏ việc phát triển bản thân và không còn bổ sung kiến thức, cải
thiện kỹ năng hoặc nâng cao khả năng phục hồi cảm xúc của mình. “Rốt cuộc thì,”
cô ấy nghĩ, “có vấn đề gì đâu? Dù sao cũng chẳng có kết quả.”
Nếu suy
nghĩ của cô ấy tiếp tục như vậy trong một thời gian dài, cô ấy có thể thấy rằng
cô ấy thực sự không thể hoạt động bình thường được nữa. Cô ấy có thể trở nên
quá chán nản để thực hiện ngay cả những chức năng cơ bản nhất, như nói chuyện với
người khác, nấu ăn hoặc tắm rửa.
Những
suy nghĩ như “Tôi không thể được yêu thương”, “Không ai thích tôi, tất cả họ đều
nghĩ tôi là kẻ thất bại” và “Vì không ai thích tôi, nên tôi không có bạn bè”,
có thể dễ dàng chuyển thành hiện thực. Cô ấy có thể tránh tương tác với những
người khác vì cô ấy chắc chắn rằng họ sẽ không thích bầu bạn với cô ấy, rồi sẽ
khiến cô ấy không có bạn bè.
Cô ấy
có thể tương tác với những người khác nhưng cư xử theo cách tiêu cực và không
thân thiện vì cô ấy chắc chắn rằng họ sẽ không thân thiện hoặc không thiện cảm
với cô ấy, khiến những người cô ấy tương tác cũng hình thành quan điểm phù hợp
với suy nghĩ tiêu cực của cô ấy.
Trầm cảm
đặc biệt diễn tiến âm ỉ vì những chu kỳ như thế này. Tiến sĩ Allan Schwartz đã
đưa ra mô tả sau về các vòng luẩn quẩn của chứng trầm cảm:
“Tất cả
chúng ta phải xóa bỏ lối suy nghĩ ‘tội nghiệp tôi’ này. Nó không hữu ích và
không thực tế. Suy nghĩ tiêu cực dễ lây lan vì nó dẫn đến kiểu nói chuyện tiêu
cực và lời tiên tri tự-ứng-nghiệm. Nếu bạn thuyết phục bản thân rằng cuộc sống
của bạn thật tồi tệ thì bạn sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ.” (2010).
Các ví dụ về lời tiên tri tự-ứng-nghiệm
Ngoài
những ví dụ được liệt kê ở trên, hiện tượng những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm có
thể được ghi nhận trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống.
Ví dụ
trong hai lĩnh vực được liệt kê dưới đây.
Ví dụ trong công sở
Có lẽ
ví dụ nổi bật nhất về những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm nơi công sở có thể được
nhìn thấy ở một trong những tương tác đầu tiên nơi công sở - phỏng vấn xin việc.
Hãy tưởng tượng hai người có cùng trình độ: học vấn giống nhau, kinh nghiệm giống
nhau, kỹ năng giống nhau. Một người cực kỳ tự tin vào khả năng của cô ấy để vượt
qua cuộc phỏng vấn, trong khi người kia cảm thấy bất an về kỹ năng phỏng vấn của
mình và dự đoán rằng anh ta sẽ không nhận được lời mời làm việc.
Cá nhân
tự tin có thể bước vào cuộc phỏng vấn với một nụ cười và trả lời mọi câu hỏi một
cách duyên dáng, trong khi cá nhân bất an hơn có thể nói lắp trong câu trả lời
của họ và nghi ngờ năng lực của họ cho công việc.
Bạn
nghĩ ai có nhiều khả năng nhận được công việc hơn? Rõ ràng, người được phỏng vấn
tin tưởng vào bản thân và hành động dựa trên niềm tin đó có nhiều khả năng nhận
được lời mời làm việc hơn so với người được phỏng vấn mà chờ đợi thất bại.
Lời
tiên tri này có thể xuất hiện ngay cả khi một người đã vào làm. Khi một nhân
viên được giao một nhiệm vụ mới mà cô ấy cảm thấy là vượt ngoài khả năng của
mình, cô ấy có thể tự nghĩ như sau, “Không đời nào mình có thể làm được việc
này. Mình sẽ thất bại thôi." Sau đó, nhân viên này một cách vô thức có thể
ít nỗ lực hơn trong dự án, vì nghĩ rằng việc này chắc chắn sẽ thất bại. Cô ấy
có thể tránh việc nhờ người khác giúp đỡ vì cô ấy tin rằng dù thế nào đi nữa
thì dự án cũng sẽ thất bại.
Đến khi
dự án thực sự thất bại, cô ấy có thể tự nghĩ, “Mình đã đúng, mình đúng là không
thể làm nhiệm vụ này”, mà lại không nhận ra rằng mọi hành vi của chính cô chỉ để
đảm bảo dự án sẽ thất bại.
Công sở
cũng có thể đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tương tác giữa các cá nhân để
dẫn đến lời tiên tri tự-ứng-nghiệm. Hãy tưởng tượng rằng nhân viên trong ví dụ
trên cuối cùng cũng có thái độ khác về khả năng hoàn thành dự án của cô ấy. Cô ấy
có thể cảm thấy lo lắng khi đảm nhận một nhiệm vụ mới đòi hỏi cô ấy phải học và
thực hành các kỹ năng mới, nhưng cô ấy biết mình có khả năng.
Tuy
nhiên, quản lý của cô ấy lại không chắc chắn lắm. Anh ấy quyết định không đầu
tư quá nhiều thời gian và công sức vào dự án vì anh ấy không nghĩ rằng nó sẽ diễn
ra tốt đẹp. Anh ta cũng phớt lờ việc kết nối cô nhân viên của mình với những
người cô ấy cần trao đổi và từ chối đăng ký cho cô ấy tham gia khóa đào tạo sẽ
giúp cô ấy phát triển những kỹ năng cần thiết vì anh ấy cảm thấy sẽ lãng phí thời
gian và tiền bạc của công ty.
Bởi vì
cô ấy không nhận được các nguồn lực cần thiết để hoàn thành dự án thành công,
nên thất bại thực sự chắc chắn sẽ xảy ra - nhưng chính người quản lý phải chịu
trách nhiệm vì điều đó chứ không phải bản thân nhân viên.
Ví dụ trong mối quan hệ
Có rất
nhiều ví dụ về những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm trong các mối quan hệ.
Nếu một
người phụ nữ bắt đầu hẹn hò với giả định rằng cả hai không phải là “mối quan hệ”
nghiêm túc hoặc đối phương không phải là “người có những phẩm chất phù hợp để kết
hôn”, thì cô ấy có thể sẽ không quan tâm nhiều đến mối quan hệ này và không đầu
tư nhiều thời gian hoặc công sức vào nó.
Sự thiếu
đầu tư này có thể khiến đối phương nghi ngại, và cảm thấy cô ấy xa cách và
không sẵn sàng, vậy tại sao họ lại phải bám lấy và đầu tư vào những cuộc trò
chuyện gượng ép?
Khi người
kia rời đi, cô ấy sẽ nghĩ rằng cuối cùng mình vẫn là đoán đúng—người kia thật sự
không phải là người có thể dài lâu bên cô. Tuy nhiên, giả định của cô ấy có vẻ
đã dẫn đến kiểu hành xử hững hờ của cô ấy và mầm mống ban đầu đó đã khiến mối
quan hệ trở nên bấp bênh.
Ở một
lưu ý tích cực hơn, lời tiên tri tự-ứng-nghiệm cũng có thể dẫn đến kết quả tốt
đẹp trong các mối quan hệ. Nếu một người đàn ông bắt đầu hẹn hò với người mà
anh ta cảm thấy có cảm xúc mãnh liệt, anh ta có thể cảm thấy rằng người này là
“nửa còn lại” của mình. Vì anh ấy mong muốn mối quan hệ kéo dài, anh ấy đối xử
với người kia bằng tình yêu và sự tôn trọng; sau đó anh ta có thể đầu tư nhiều
thời gian và năng lượng hơn để vun đắp cho mối quan hệ càng đủ đầy và bền chặt.
Tình
yêu và sự quan tâm này đảm bảo rằng một nửa của anh ấy cũng hài lòng với mối
quan hệ và khiến người kia đầu tư một mức độ thời gian và năng lượng tương tự
vào mối quan hệ.
Bởi vì
dự đoán của anh ta rằng mối quan hệ sẽ lâu dài và hạnh phúc khiến anh ta hành xử
theo cách củng cố dự đoán đó, và rồi kết quả mà anh ta dự đoán được ứng nghiệm.
Nó định hình giao tiếp như thế nào?
Các ví
dụ trên cho thấy rằng những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm có thể có những ảnh hưởng
sâu sắc đến các mối quan hệ và những tác động này được mang lại hoặc tăng cường
bởi cách chúng ta giao tiếp với nhau.
Khi
chúng ta giữ niềm tin hoặc kỳ vọng nội tâm hoặc đưa ra dự đoán về ai đó, chúng
ta thường cư xử với họ theo cách phù hợp với những niềm tin và kỳ vọng đó.
Ví dụ,
nếu chúng ta được báo rằng người mà chúng ta sắp gặp là một người tuyệt vời và
thú vị với tính cách đáng quý, chúng ta sẽ có hứng thú nói chuyện với họ hơn,
thân thiện hơn mọi khi và hào hứng tìm hiểu về họ hơn. Khi họ cảm nhận được sự
quan tâm của chúng ta dành cho họ, họ có thể sẽ đáp lại sự quan tâm đó và đưa
ra câu trả lời đầy đủ, hấp dẫn cho các câu hỏi của chúng ta. Do đó, hành vi của
họ đồng điệu theo hành vi của chúng ta.
Dù cho
chúng ta có nhận biết được một cách tỉnh táo hay không, thì niềm tin và sự mong
đợi của chúng ta đối với họ vẫn sẽ “ngấm” vào trong sự giao tiếp của chúng ta với
họ.
Hiện tượng
này có thể được ghi nhận trong cách mà các khuôn mẫu được hình thành và củng cố.
Một cá nhân có thể được cho biết về cách cư xử của những người thuộc một chủng
tộc nào đó, và rồi người ấy sẽ hình thành một giả định phổ quát về tất cả mọi
người thuộc chủng tộc đó.
Lần tới
khi gặp một người thuộc cùng chủng tộc đó, họ sẽ có xu hướng đối xử với người
này như thể cá nhân này hành xử theo kiểu giả định của họ.
Từ
nghiên cứu về hiệu ứng Pygmalion, chúng ta biết rằng khi các cá nhân được đối xử
như thể họ là những người chăm chỉ và có năng lực, họ sẽ có xu hướng làm việc
chăm chỉ và tin tưởng vào khả năng của bản thân hơn.
Ngược lại,
khi người ta bị xem như thể là không thân thiện hoặc kém hiểu biết, họ có nhiều
khả năng hành động thiếu thân thiện hoặc nghi ngờ trí tuệ của mình và do đó giữ
lại những suy nghĩ sâu sắc hơn cho riêng mình (Aaronson, 2005).
6 trích dẫn về lời tiên tri tự-ứng-nghiệm
Đôi khi
tất cả những gì chúng ta cần để nhắc nhở bản thân về một sự thật đơn giản nhưng
khó nắm bắt, lại thường được tóm tắt bằng một câu trích dẫn hay. Đọc những câu
trích dẫn dưới đây để giúp bạn nhớ về tầm quan trọng của niềm tin và kỳ vọng của
chính bạn về khả năng của bản thân.
“Chính thái độ của chúng ta khi bắt đầu một nhiệm vụ khó khăn, sẽ
ảnh hưởng đến kết quả thành công hơn bất cứ điều gì khác”
William James
"Bất cứ điều gì chúng ta kỳ vọng với sự tự tin đều trở
thành lời tiên tri tự-ứng-nghiệm của chính chúng ta."
Brian Tracy
“Nếu bạn mong đợi trận chiến không thể vượt qua, bạn đã gặp kẻ
thù. Đó là bạn."
Khang Kijarro Nguyen
“Cho dù bạn nghĩ rằng bạn có thể hay bạn nghĩ rằng bạn không thể,
bạn đều sẽ đúng.”
Henry Ford
“Khi con người nhận định các tình huống là thực, thì hậu quả của
chúng là thực.”
W.I. Thomas
“Lời tiên tri tự-ứng-nghiệm ban đầu đầu là, một định nghĩa sai lầm
về tình huống, làm gợi lên một hành vi mới khiến cho quan niệm sai lầm ban đầu
trở thành sự thật. Hiệu lực có vẻ hợp lý của lời tiên tri tự-ứng-nghiệm dẫn đến
một chuỗi dài sai lầm.”
Robert K. Merton
Thông điệp mang theo
Lời
tiên tri tự-ứng-nghiệm chắc chắn là một trong những khái niệm có ý nghĩa trong
bối cảnh học thuật lẫn trong bối cảnh sống cá nhân.
Hiện bạn
đã biết về cách mà niềm tin và giả định của chúng ta có thể tác động đến hành
vi của chính chúng ta và hành vi của những người xung quanh, hãy luôn lưu ý hiện
tượng này - đặc biệt là trong giao tiếp của bạn với người khác và cả trong tự
thoại với bản thân.
Những
suy nghĩ tiêu cực có thể trở thành hiện thực, nhưng tin tốt lành về lời tiên
tri tự-ứng-nghiệm là những suy nghĩ tích cực cũng có thể trở thành hiện thực.
Suy
nghĩ của bạn về những lời tiên tri tự-ứng-nghiệm là gì? Bạn có ví dụ nào về những
lời tiên tri tự-ứng-nghiệm đã diễn ra với bạn không? Hãy cho chúng tôi biết
trong các bình luận bên dưới nhé. Chúng tôi muốn khám phá chủ đề này nhiều hơn
với bạn.
Chúng
tôi hy vọng bạn thích đọc bài viết này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét