VỊ THẾ "KHÔNG BIẾT" (NOT-KNOWING POSTURE)
BS NGUYỄN MINH TIẾN tổng hợp
Thuật ngữ trên phát xuất từ nhãn quan của hai nhà tâm lý trị liệu Hoa Kỳ là Harlene Anderson (sinh 1942) và Harold A. Goolishian (1924-1991). Cả hai cũng là tác giả của liệu pháp tâm lý có tên gọi là "Collaborative Therapy" (Tạm dịch: Liệu pháp đồng tương tác). Liệu pháp này cũng liên quan với "Narrative Therapy" (Tạm dịch: Liệu pháp chuyện kể), một xu hướng tiếp cận trị liệu được cho là do Michael White (người Australia; 1948-2008) và David Epston (người New Zealand; sinh 1944). Tất cả những tác giả này đều mang xu hướng "hậu hiện đại" (post-modernist) trong quan điểm; họ cho rằng thực tại đời sống của con người được hình thành thông qua đối thoại và kiến tạo xã hội (social construction) và tránh việc sử dụng các bộ công cụ như DSM để chẩn đoán bệnh lý cho con người.
Steve de Shazer (1940-2005) và Insoo Kim Berg (1934-2007), đồng tác giả của liệu pháp SFBT (Solution-Focused Brief Therapy - Tạm dịch: Liệu pháp ngắn hạn tập trung vào giải pháp) cũng là những người nhấn mạnh vào "vị thế không biết". Họ, khi thực hành cũng như trong đào tạo, không chỉ dừng lại ở việc hiểu biết những đặc điểm chung chung của thân chủ, mà hỏi sâu vào các chi tiết, những ngụ nghĩa phía sau những gì thân chủ nói, từ đó phát huy những khả năng giúp thân chủ hướng đến các giải pháp (chứ không phải "giải quyết vấn đề").
Khi vận dụng nguyên lý "không biết" của Anderson và Goolischian, những nhà trị liệu thuộc các trường phái trên không tìm cách giữ lấy vị thế mang tính võ đoán, giáo điều (dogmatic posture) giống như một số trường phái trị liệu có tính thiên về kỹ thuật hoặc cấu trúc. Thay vào đó, họ uyển chuyển cho phép nhãn quan của họ được biến đổi theo cách nhìn của thân chủ.
Anderson cho rằng những ý nghĩa được nẩy sinh trong trị liệu đều chịu ảnh hưởng bởi những gì nhà trị liệu mang đến cuộc đối thoại (trị liệu) và những gì mà họ tương tác với nhau về ý nghĩa ấy. Chủ đề mang ý nghĩa mới thì dựa trên tính khác lạ (những điều không biết trước). Mỗi thân chủ, mỗi trường hợp là một tình huống độc đáo.
Lập trường của nhà trị liệu theo cách tiếp cận này có thể được tóm tắt qua những điểm chính như sau:
1. Trị liệu là một tiến trình đồng hành (partnership), có sự hỏi và đối thoại qua lại giữa thân chủ và nhà trị liệu;
2. Những chuyên gia trong mối quan hệ (relational expertise); cả thân chủ và nhà trị liệu đều cùng nhau giữ vị thế "chuyên gia";
3. Nhà trị liệu giữ thái độ "khiêm cung", "không biết" đối với thân chủ;
4. Nhà trị liệu có tính công khai, có khả năng cởi mở, giải bày những ý nghĩ bên trong của mình;
5. Làm việc với tình trạng không chắc chắn, cảm thụ tính tự nhiên, ngẫu phát của cuộc đối thoại;
6. Nhà trị liệu và thân chủ tạo nên những ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, "chuyển hóa lẫn nhau" theo một "vòng tròn thông diễn" (heumeneutic circle);
7. Nói chuyện hướng đến những gì xảy ra trong cuộc sống thường ngày và nhấn mạnh đến những nguồn lực của thân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét