Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

TIN VÀO “ĐỜI SỐNG SAU KHI CHẾT” GIÚP THĂNG TIẾN SỨC KHỎE TÂM TRÍ?

“Why Believing in the Afterlife Promotes Psychic Health”
Trích từ:
CARL JUNGModern Man In Search of A Soul (Con Người Hiện Đại Đi Tìm Linh Hồn)

Nguồn: The Soul Of Carl Jung -

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Carl Gustav Jung (1875-1961)


Trong Modern Man in Search of a Soul, C.G. Jung đã bàn về tác động tâm lý của một bệnh nhân tin vào “kiếp sau” (hereafter):

Đối với nhiều người, cả cuộc sống vẫn còn quá nhiều những phần không được yêu thích - đôi khi có những tiềm năng mà họ chưa bao giờ có thể sống với phần ý chí tốt nhất; do đó, họ tiến đến ngưỡng tuổi già với những kêu nài đầy vẻ bất mãn, khiến họ không tránh khỏi việc quay đầu nhìn lại.

Như một định mệnh đặc biệt đối với những người phải nhìn lại phía sau. Họ cần biết bao một viễn cảnh và một mục tiêu trong tương lai. Đó là lý do tại sao tất cả các tôn giáo lớn đều giữ lời hứa về một cõi bên ngoài cuộc sống; nó làm cho những phàm nhân có thể sống nửa sau của cuộc đời với nhiều kiên trì và mục tiêu như nửa đầu cuộc đời.

Đối với con người ngày nay, cuộc sống với sự bành trướng và những đỉnh cao của nó là những mục tiêu chính đáng; nhưng ý tưởng về một “cuộc sống sau khi chết” đối với con người dường như là chuyện đáng nghi ngờ hoặc không thể tin được. Tuy nhiên, sự chấm dứt của sự sống, tức là cái chết, chỉ có thể được chấp nhận như một mục tiêu khi mà sự hiện hữu không tồi tệ đến mức chúng ta có thể vui mừng khi nó kết thúc, hoặc khi chúng ta tin rằng “mặt trời đã cố gắng di chuyển đến nơi nó lặn” - để chiếu sáng cho các chủng tộc xa xôi" —“với cùng một sự kiên trì tương tự đã thể hiện khi vươn cao lên đỉnh bầu trời”. Nhưng việc tin như thế, ngày nay đã trở thành một nghệ thuật quá khó khăn, đến nỗi con người, và đặc biệt là bộ phận được giáo dục của nhân loại, không thể tìm được con đường để đi đến đó. Họ đã quá quen với suy nghĩ rằng sự bất tử và những chủ đề đại loại như vậy, là chuyện gây tranh cãi và không có bằng chứng thuyết phục. Vì “khoa học” đã trở thành câu khẩu hiệu có sức nặng thuyết phục trong thế giới đương đại, chúng ta yêu cầu các bằng chứng “khoa học”. Nhưng những người có học mà biết suy nghĩ thì lại biết rằng đi tìm bằng chứng cho điều này quả là điều không thể. Chúng ta chỉ đơn giản là không biết gì về nó.

Ở đây, lương tâm thầy thuốc trong tôi thức tỉnh và thúc giục tôi nói lên điều cần thiết cho chủ đề này. Tôi nhận thấy rằng một cuộc sống có định hướng nói chung sẽ tốt hơn, phong phú hơn và lành mạnh hơn một cuộc sống không mục đích, và tốt hơn là đi về phía trước theo dòng thời gian hơn là đi ngược lại nó. Đối với một nhà tâm lý trị liệu, việc một ông lão không thể từ biệt cuộc sống dường như cũng nhu nhược và yếu đuối y như một thanh niên không có đủ khả năng để tiếp nhận cuộc sống. Và trên thực tế, trong nhiều trường hợp, đó là những câu hỏi về sự thèm muốn ngây ngô như trẻ con, với cùng nỗi sợ hãi, cùng sự cố chấp và ương ngạnh, trong bản thân cũng như với người khác. Là một bác sĩ, tôi tin rằng sẽ là điều “hợp với thường thức vệ sinh” (hygienic) - nếu tôi có thể sử dụng từ này – khi chúng ta khám phá tìm ra từ trong cái chết một mục tiêu mà chúng ta có thể phấn đấu; và việc lùi mình tránh xa cái chết là một điều gì đó không lành mạnh và bất bình thường khiến ta bị mất đi mục đích sống của phần nửa sau cuộc đời. Vì thế, tôi xem những giáo lý về một cuộc đời sau khi chết (a life hereafter) là hoà hợp với quan điểm về phép vệ sinh trong sức khoẻ tâm thần.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...