Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

PTSD LIÊN QUAN COVID-19

Tựa đầy đủ: Nguy cơ phát triển chứng PTSD ở những người sống sót sau covid-19 nghiêm trọng, gia đình của họ và nhân viên y tế tuyến đầu – Các chuyên gia sức khoẻ tâm thần nên chuẩn bị gì?

PERSPECTIVE article: Risk of Developing Post-traumatic Stress Disorder in Severe COVID-19 Survivors, Their Families and Frontline Healthcare Workers: What Should Mental Health Specialists Prepare For?

Nguồn: Frontiers Psychiatry, 07 June 2021
Nhóm tác giả: Marcin Sekowski1, Małgorzata Gambin2, Karolina Hansen2, Paweł Holas2, Sylwia Hyniewska3, Julia Wyszomirska4, Agnieszka Pluta2, Marta Sobańska2Emilia Łojek2

1 Khoa Tâm lý, Đại học Maria Grzegorzewska, Warsaw, Ba Lan
2 Khoa Tâm lý, Đại học Warsaw, Warsaw, Ba Lan
3 Khoa Tâm lý Thực nghiệm, Đại học College London, London, Vương quốc Anh
4 Khoa Tâm lý, Đại học Y Silesia, Katowice, Ba Lan

Biên tập: Antonella Granieri - Đại học Turin, Ý
Duyệt: Matthew Friedman - Trung tâm quốc gia về PTSD, Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Với tỷ lệ tử vong cao của căn bệnh do coronavirus gây ra, việc mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng có thể gây đe dọa tính mạng, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao mắc các biến chứng. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi cố gắng trả lời hai câu hỏi liên quan đến sức khỏe tâm thần cộng đồng: (1) Chúng ta có thể xác định các nhóm có nguy cơ cao mắc PTSD (Rối loạn Stress sau Sang chấn) liên quan đến đại dịch không? (2) Các chuyên gia y tế có thể chuẩn bị cho nó như thế nào?

Dựa trên kết quả của nghiên cứu trước đây về PTSD ở những người sống sót sau dịch (ví dụ như sau dịch SARS), chúng tôi đề nghị rằng các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên chuẩn bị cho sự gia tăng tỷ lệ phổ biến PTSD, cụ thể ở: những người đã bị COVID-19 nặng; người nhà của những bệnh nhân này và của những bệnh nhân đã tử vong; và nhân viên y tế tuyến đầu chứng kiến ​​cái chết đột ngột của bệnh nhân COVID-19, hoặc nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi giả định rằng những nhóm có nguy cơ này nên được tầm soát PTSD thường xuyên trong chăm sóc y tế ban đầu và chăm sóc cho trẻ em. Các dịch vụ sức khỏe tâm thần cần chuẩn bị để cung cấp các can thiệp điều trị cho những người bị PTSD trong các nhóm dễ bị tổn thương, và hỗ trợ cho gia đình của họ, đặc biệt là trẻ em.

 

GIỚI THIỆU

Đại dịch COVID-19 bao phủ 223 quốc gia, 136.291.755 cá nhân đã được xác nhận nhiễm bệnh và 2.941.128 trường hợp tử vong tính đến ngày 13/4/2021. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn cầu là 10,4 ca tử vong/ 100.000 dân nhưng tỷ lệ này rất khác nhau tùy theo khu vực và quốc gia, với mức cao nhất là 84,9 ở Bỉ; 67,5 ở Andorra và 64,3 ở Vương quốc Anh. Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính gây ra các biến chứng và tử vong do COVID-19; tỷ lệ tử vong do bệnh thay đổi từ 0,2% ở người 10–39 tuổi đến 21,9% ở người trên 80 tuổi. Tỷ lệ tử vong cũng tăng ở những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm từ trước (pre-existing comorbid conditions), chẳng hạn như tiền sử khối u đã di căn (57%), nhồi máu cơ tim (47%), bệnh mạch máu não (39%), suy tim sung huyết (37%), liệt nửa người (34 %), khối u ác tính (27%), tiểu đường (20%), sa sút trí tuệ (20%), bệnh phổi mãn tính (16%), tăng lipid máu (11%), và tăng huyết áp (8,4%). Do tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao, những trường hợp bệnh nặng có thể đe dọa tính mạng và do đó có thể được coi là một sự kiện gây sang chấn (traumatic event), đặc biệt đối với những người có nguy cơ biến chứng và tử vong cao.

Những người tiếp xúc với các sự kiện gây sang chấn có thể phát triển chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). PTSD là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng có thể phát triển ở những người không chỉ tiếp xúc với cái chết thực sự hoặc bị đe dọa, những người trực tiếp trải qua (các) sự kiện gây sang chấn, mà còn ở những người chứng kiến ​​sự kiện đó với sự liên quan về mặt cá nhân, khi biết rằng sự kiện vô tình và mạnh mẽ đó đã xảy ra cho một thành viên thân thiết trong gia đình, hoặc một người bạn bè, hoặc với người mà mình đã tiếp xúc nhiều lần và chứng kiến các chi tiết ghê sợ của sự kiện gây sang chấn đó.

Một sự kiện kiểu như thế là tiêu chí A (Criteria A) trong chẩn đoán PTSD của DSM-5. PTSD gây ra tình trạng đau khổ hoặc suy giảm chức năng tâm lý xã hội nghiêm trọng và được đánh dấu bằng bốn loại triệu chứng chính kéo dài ít nhất một tháng, tương ứng là các tiêu chí B, C, D và E cho rối loạn này:

(i) Những tình trạng khó chịu liên quan đến sự kiện gây sang chấn, ví dụ, ký ức, giấc mơ và hồi tưởng (flashback) liên quan đến sự kiện gây sang chấn xảy ra một cách tự động, hoặc có những phản ứng sinh lý đối với các hoàn cảnh gợi ý tương tự như sự kiện đã gây sang chấn;

(ii) Né tránh những kích thích liên quan đến sự kiện, cả những kích thích gợi nhớ bên trong (ký ức, suy nghĩ và cảm giác) hoặc đến từ bên ngoài (con người, địa điểm, tình huống);

(iii) Những thay đổi tiêu cực trong nhận thức liên quan đến sự kiện và/hoặc tâm trạng, ví dụ, không có khả năng nhớ một khía cạnh quan trọng nào đó của sự kiện, nhận thức sai lệch về sự kiện dẫn đến đổ lỗi cho bản thân hoặc cho người khác và/hoặc trạng thái cảm xúc tiêu cực dai dẳng và không có khả năng trải nghiệm cảm xúc tích cực, giảm hoạt động và/hoặc tự tách biệt bản thân với người khác; và

(iv) Gia tăng mức độ khuấy động và phản ứng liên quan đến sự kiện, ví dụ, khó ngủ và khó tập trung, hành vi liều lĩnh hoặc tự hủy hoại bản thân và dễ bị kích thích và tức giận. Các cá nhân mắc PTSD có nguy cơ có ý định tự tử (suicidal idea), toan tự sát (suicidal attempt) và chết do tự sát cao gấp 2–5 lần. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng khoảng 80% người bị PTSD có ít nhất một chứng rối loạn đi kèm khác, cụ thể là: rối loạn trầm cảm và lo âu, cũng như rối loạn sử dụng chất kích thích.

Với tình hình dịch bệnh đặc biệt mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, liệu chúng ta có thể xác định được các nhóm có nguy cơ cao sẽ phát triển PTSD liên quan đến đại dịch không? Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể thực hiện những bước đi như thế nào để chuẩn bị cho việc này? Bài viết sau đây sẽ giúp nêu ra ngắn gọn những vấn đề này.

NHÓM NÀO CÓ NGUY CƠ CAO PHÁT TRIỂN PTSD LIÊN QUAN ĐẾN ĐẠI DỊCH?

Chúng tôi tin rằng các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở các quốc gia có đại dịch nên chuẩn bị cho sự gia tăng tỷ lệ mắc PTSD trong ba nhóm cụ thể trong và sau đại dịch COVID-19 như sau:

(i) Những người sống sót đã từng bị COVID-19 nặng và những người lo sợ cái chết sắp xảy ra vì căn bệnh này;

(ii) Các thành viên trong gia đình của những bệnh nhân nặng này hoặc gia đình có bệnh nhân đã chết do căn bệnh này; và

(iii) Nhân viên y tế tuyến đầu (frontline healthcare workers - HCWs) từng chứng kiến ​​cái chết đột ngột của những bệnh nhân COVID-19 hoặc các tình huống đe dọa tính mạng bản thân.

Những người sống sót sau khi bị bệnh nghiêm trọng do COVID-19

Trong số những người mắc bệnh COVID-19, những người chuyển sang giai đoạn nặng của bệnh là đặc biệt có nguy cơ phát triển PTSD.

Những bệnh nhân phải trải qua các can thiệp y khoa để duy trì hoặc phục hồi các chức năng quan trọng là những người trải qua stress có khả năng gây sang chấn đặc biệt dữ dội.

Một phân nhóm dễ bị stress gây sang chấn tâm lý cũng có thể bao gồm những cá nhân mắc bệnh nặng đã bị từ chối chăm sóc sức khỏe do dịch vụ y tế không thành công trong đại dịch.

Phân tích tổng hợp 35 nghiên cứu liên quan đến 79.170 người bị COVID-19 cho thấy gần 1/4 trong số họ (23%) phát triển dạng bệnh nặng (35 nghiên cứu, 79.170 bệnh nhân) cần theo dõi chặt chẽ. Tổng tỷ lệ bệnh nhân được nhận vào phòng chăm sóc đặc biệt là 11,0% (39 nghiên cứu, 80.487 bệnh nhân), không có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia hoặc khu vực khác nhau. Cuộc sống của nhiều người trong số này đang bị đe dọa và nhiều người trong số họ có thể trải qua mức độ sợ hãi về cái chết sắp xảy ra - điều này tạo ra một sự kiện có thể gây sang chấn.

Những ảnh hưởng của đại dịch hiện tại cũng như của các trận dịch trong quá khứ đối với sức khỏe tâm thần ở những người sống sót có thể giúp dự đoán những hệ quả về tâm bệnh của một căn bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng do virus gây ra. Hai nghiên cứu của Ý về những người sống sót sau COVID-19 nặng đã hồi phục báo cáo rằng tỷ lệ hiện mắc PTSD lần lượt là 10,4% và 30,2%. Ngoài ra, ở những người sống sót sau Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng (SARS) trong đợt dịch bao trùm 29 quốc gia vào các năm 2002 và 2003, lây nhiễm cho 8.096 người, trong đó 774 người chết, cho thấy PTSD xuất hiện ở 39% bệnh nhân vào thời điểm 10 tháng sau khi xuất viện, và theo thời gian, tần suất của PTSD thậm chí còn tang thêm, dao động khoảng 42-54,5% sau 31-51 tháng kể từ sau khi xuất viện. Ước tính có khoảng 3,6% người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc PTSD trong năm trước và độ lưu hành của hội chứng này vào một thời điểm nào đó trong đời lên đến 6,8%, các nghiên cứu được trích dẫn đã chỉ ra rằng PTSD là một vấn đề sức khỏe tâm thần mạn tính phổ biến sau một căn bệnh do virus gây ra với tỷ lệ tử vong cao.

Cần nói thêm rằng những người bị nhiễm COVID-19 thường xuất hiện các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn như sốt (78,8%), mất khứu giác và/hoặc vị giác (từ 19,0 đến 73,6%), ho (53,9%) và khó chịu (37,9%), và đôi khi có tiêu chảy (9,5%), viêm mũi (7,5%), đau bụng và nôn mửa (4,5%) thường không nguy hiểm đến tính mạng và được điều trị tại nhà bằng các thuốc thong thường không cần bác sĩ kê đơn. Nhiễm virus cũng có thể không có biểu hiện triệu chứng. Những trường hợp như vậy không có khả năng phát triển PTSD do nhiễm COVID-19; trong hầu hết các trường hợp không dẫn đến các triệu chứng đủ nghiêm trọng để đe dọa tính mạng và những người này không thoả tiêu chí A cho chẩn đoán PTSD. Tuy nhiên, một số người, mặc dù không phải nhập viện, vẫn có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 và sợ hãi cái chết sắp xảy ra, do đó có thể trải qua một sự kiện có khả năng gây sang chấn, và có thể phát triển thành PTSD. Mức độ sợ hãi cái chết cao trong sự kiện này, không phải là theo kiểu điều trị y tế, là dấu hiệu của một tác nhân gây stress có tính sang chấn (traumatic stressor).

Gia đình của những người sống sót sau COVID-19 nghiêm trọng hoặc có người đã chết vì căn bệnh này

Nhóm thứ hai có nguy cơ phát triển PTSD liên quan đến đại dịch là gia đình của những người bị rủi ro tính mạng do COVID-19 nghiêm trọng cũng như gia đình của những người đã chết vì căn bệnh này trong tình trạng cấp cứu. Việc trở thành nhân chứng cho mối đe dọa đến tính mạng của người khác, đặc biệt là người thân, trong quá trình COVID-19, có thể là một sự kiện gây sang chấn. Hoàn cảnh của gia đình càng trở nên phức tạp hơn khi một người thân đã qua đời trong cơn bạo bệnh. Sau đó, tang quyến không chỉ có nghĩa vụ phải tiếp tục đối mặt với căn bệnh đe dọa tính mạng của mình và cái chết của một người thân yêu, mà còn có thêm những triệu chứng đau thương sâu đậm do mất người thân. Cái chết đột ngột của một người thân yêu và việc không có khả năng chuẩn bị cho cái chết - thường xảy ra trong đại dịch – cũng là một yếu tố nguy cơ khiến cho trình trạng đau thương (grief) kéo dài thêm. Sự tiếc thương của các thành viên trong gia đình có thể còn khó khăn và phức tạp do hoàn cảnh xung quanh cái chết và tang tóc trong một trận đại dịch, ví dụ như phải cách ly những người sắp chết, tang lễ thường bị trì hoãn và tổ chức rất khiêm tốn. Sự đau buồn và thương tiếc trong thời gian này, bị tích luỹ lại bởi cái chết và những khó khăn trong việc chấp nhận sự mất đi của một người thân và nỗi đau trong đại dịch, đặc biệt là sau khi mất một người già mắc bệnh mãn tính, có thể theo cách bị tước mất quyền sống của người này (disenfranchising) và do đó càng làm tình thế phức tạp hơn.

Nhân viên y tế tuyến đầu (frontline health care workers)

Nhóm thứ ba có nguy cơ phát triển PTSD trong đại dịch là các chuyên viên chăm sóc sức khỏe, những người trải qua chấn thương tâm lý trong bối cảnh trực tiếp chứng kiến ​​bệnh nhân chết và tính mạng của họ cũng bị đe dọa, đặc biệt là trong trường hợp thiếu thốn hoặc không đủ trang thiết bị y tế chuyên sâu. Hơn nữa, việc thiếu trang bị bảo vệ hoặc thiết bị y tế có thể gây sang chấn nếu chúng khiến các nhân viên y tế lo sợ bị lây nhiễm và cái chết có thể xảy đến. Cả việc trải qua diễn biến nghiêm trọng của bệnh lẫn việc là nhân chứng cho mối đe dọa đến tính mạng hoặc cái chết của người khác đều có thể dẫn đến sự tích tụ của các stress sang chấn ở nhân viên y tế. Các nghiên cứu cho thấy sau đại dịch SARS vào các năm 2002-2003, PTSD phát triển ở nhân viên y tế bị nhiễm bệnh nhiều hơn ở những người bệnh không phải là nhân viên y tế. Chúng tôi có thể dự đoán rằng các nhóm chuyên môn khác như nhân viên của viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn khác cũng có thể gặp một số yếu tố stress sang chấn đã đề cập ở trên.

NHỮNG BƯỚC ĐI NÀO CÓ THỂ ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐỂ CHUẨN BỊ ĐỐI PHÓ VỚI PTSD LIÊN QUAN ĐẾN ĐẠI DỊCH?

Cần có một cách tiếp cận có hệ thống đối với các dịch vụ để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị PTSD trong các nhóm nguy cơ.

Trước tiên, các chuyên gia sức khỏe tâm thần nên nhận thức được nguy cơ phát triển PTSD ở những người sống sót sau COVID-19 nghiêm trọng, những người lo sợ cái chết sắp xảy ra vì căn bệnh này, người nhà của họ và người nhà của những bệnh nhân đã chết do đại dịch, cũng như những nhân viên y tế tuyến đầu chứng kiến ​​những cái chết đột ngột của bệnh nhân, hoặc những tình huống nguy hiểm đến tính mạng của mình. Thông tin về PTSD và các triệu chứng của nó phải được cung cấp cho tất cả nhân viên y tế và những bệnh nhân có vấn đề sức khoẻ tâm thần cùng gia đình của họ trong đại dịch và nhiều tháng sau đại dịch.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng ba nhóm có nguy cơ được mô tả ở trên nên được tầm soát PTSD thường xuyên trong những tháng sau khi bệnh khởi phát vì thời gian khởi phát PTSD thông thường nằm trong khoảng từ 1 đến 6 tháng sau một sự kiện gây sang chấn. Việc sàng lọc nên được thực hiện ở cấp y tế cơ sở và chăm sóc nhi khoa ban đầu (primary medical and pediatric care) nếu có sẵn các nguồn lực tức thời, để việc theo dõi định kỳ có thể được tiến hành bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần, với chuyên môn sâu hơn có thể đánh giá PTSD và - trong những trường hợp tối ưu – có thể điều trị các rối loạn này. Việc sàng lọc nên phân biệt giữa PTSD với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Việc đánh giá nên bắt đầu bằng sự sàng lọc trước tiên xem có các sự kiện gây sang chấn hay không, tức là có trực tiếp trải qua hoặc chứng kiến ​​cái chết hoặc nguy cơ tử vong sắp xảy ra do đại dịch (hoặc các sự cố xảy ra đồng thời hoặc trước đó) – Tức là tiêu chí A của rối loạn PTSD theo DSM-5. Các triệu chứng PTSD nên được tầm soát chỉ khi các sự kiện gây sang chấn đã được nhận diện. Ví dụ, những người không có triệu chứng xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì không có nguy cơ và không nên tầm soát PTSD, mặc dù họ có thể phát triển các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Sự xuất hiện PTSD đồng thơi với các rối loạn khác có liên quan đến mức độ nặng của sự đau khổ, những gánh nặng phải gánh chịu và việc giảm chất lượng cuộc sống, do đó, cần đặc biệt chú ý về mặt lâm sàng đối với những người bị PTSD có kèm thêm những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Những tang quyến có người thân bị chết không mong muốn do đại dịch cũng cần phải được sàng lọc, không chỉ đối với PTSD mà còn về chứng rối loạn đau thương kéo dài (prolonged grief disorder), chẳng hạn bằng sử dụng thang điểm PGD Prolonged Grief Disorder-13-Revised scale. Việc đo PGD nên được thực hiện sau 12 tháng kể từ khi người thân bị mất, vì theo DSM-5-TR, đây là thời gian có sự tồn tại của các triệu chứng đau thương nghiêm trọng, mà nếu sau đó chúng gây ảnh hưởng lên các chức năng tâm lý xã hội thì cho thấy sự hiện diện của rối loạn PTSD.

Thứ ba, các dịch vụ sức khỏe tâm thần cần chuẩn bị để cung cấp các can thiệp trị liệu dựa trên bằng chứng cho những người bị PTSD như “liệu pháp phơi nhiễm kéo dài” (prolonged exposure therapy) và “liệu pháp xử lý nhận thức” (cognitive processing therapy). Sẽ rất cần thiết để đào tạo các bác sĩ lâm sàng ở những quốc gia khác nhau trong việc cung cấp các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng này qua đào tạo trực tuyến, cũng như kiểm tra hiệu quả của chúng ở những cá nhân bị PTSD liên quan đến đại dịch. Hơn nữa, các chuyên gia sức khỏe tâm thần nên được khuyến khích những việc sau:

(i) Chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc thực hiện những điều chỉnh cần thiết để kết hợp những can thiệp này cho phù hợp với tình hình hiện tại, ví dụ, sự cần thiết phải cung cấp các can thiệp trực tuyến và nhận ra những nét chuyên biệt trong bệnh cảnh các triệu chứng lâm sàng ở những người sống sót sau khi bị COVID-19 nghiêm trọng và gia đình của họ (bao gồm cả những tang quyến), và nhân viên y tế;

(ii) Xác định các khuôn khổ để thực hiện hiệu quả các can thiệp dựa trên bằng chứng trong các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở các quốc gia khác nhau (đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp);

Cuối cùng, các nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng PTSD ở cha mẹ có liên quan đến sự gia tăng các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở con cái của họ. Vì vậy, người ta cần chuẩn bị để ngăn chặn “hiệu ứng thác đổ theo nhiều tầng” (cascading effects) của đại dịch bằng cách xem xét việc hỗ trợ tâm lý cho con em của những bậc phụ huynh đã xuất hiện chứng PTSD do đại dịch. Một lần nữa, một trong những thách thức sẽ là cung cấp sự hỗ trợ cho trẻ em và gia đình của trẻ thông qua các dịch vụ trực tuyến.

Việc hiểu đầy đủ về độ lưu hành của PTSD liên quan đến đại dịch vẫn còn là vấn đề của những nghiên cứu trong tương lai vì các triệu chứng có thể phát triển lên đến 6 tháng sau khi đã xảy ra sự kiện gây sang chấn. Việc nghiên cứu về toàn bộ phạm vi lưu hành của PTSD liên quan đến đại dịch sẽ chỉ có thể thực hiện được vào thời điểm nhiều tháng sau khi đợt bùng phát dịch đã kết thúc. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một tỷ lệ lưu hành khá lớn của PTSD ở những người sống sót sau đại dịch coronavirus trước kia (tức dịch SARS), đặc biệt là ở nhân viên y tế, do đó, chúng tôi đề nghị các chuyên gia sức khỏe tâm thần nên chuẩn bị cho sự xuất hiện thường xuyên của PTSD trong nhóm nguy cơ cao này. Gia đình của những người sống sót sau khi mắc căn bệnh hiểm nghèo có tỷ lệ tử vong cao này và những gia đình có người chết vì đại dịch, cũng như nhân viên y tế tuyến đầu không bị nhiễm bệnh nhưng đã chứng kiến ​​nhiều ca tử vong và các tình huống nguy hiểm đến tính mạng - mặc dù không được đưa vào các nghiên cứu hệ thống như những người sống sót (survivors) - cũng có thể bị stress sang chấn trong thời gian bùng phát và phát triển PTSD. Mặc dù vậy, chúng tôi đề xuất rằng các chính sách chăm sóc sức khỏe nên xem xét tầm soát định kỳ sự hiện diện của các triệu chứng PTSD trong ba nhóm có nguy cơ được mô tả trong bài báo này, cùng với các chiến lược phòng ngừa và điều trị PTSD, cùng các rủi ro liên quan chẳng hạn như tình trạng tự tử.

References

1. World Health Organisation. Coronavirus (COVID-19) Dashboard, Situation by Country, Territory and Area. (2021). Available online at: www.covid19.who.int (accessed April 13, 2021).

2. Hashim MJ, Alsuwaidi AR, Khan G. Population risk factors for COVID-19 mortality in 93 countries. J. of Epid and Global Health. (2020) 10(3): 204–208. doi: 10.2991/jegh.k.200721.001

PubMed Abstract | CrossRef Full Text | Google Scholar

3. Rosenthal N, Cao Z, Gundrum J, Sianis J, Safo S. Risk factors associated with in-hospital mortality in a US national sample of patients with COVID-19. JAMA Network Open. (2020) 3:e2029058. doi: 10.1001/jamanetworkopen.2020.29058

PubMed Abstract | CrossRef Full Text | Google Scholar

4. The Novel Coronavirus Pneumonia Emergency Response Epidemiology Team. Vital Surveillances: The Epidemiological Characteristics of an Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) - China 2020. (2020). Available online at: http://weekly.chinacdc.cn/en/article/id/e53946e2-c6c4-41e9-9a9b-fea8db1a8f51 (accessed April 13, 2021).

Google Scholar

5. World Health Organization. Report of the WHO-China Joint Mission on Coronavirus Disease 2019 (COVID-19). (2020). Available online at: https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/who-china-joint-mis


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...