Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ THU TRÚC
Cử nhân tâm lý, nguyên là thành viên CLB
Trăng Non
Quyển sách
"Sa Mạc Nở Hoa" (tên gốc tiếng Anh là "Bé Dibs đi tìm bản
ngã": Dibs in Search of Self) đã và vẫn đang là một trong số những quyển
sách có tính "kinh điển" về tâm lý trị liệu trẻ em trên thế giới.
"Quyển sách này đưa chúng ta vào một cuộc hành trình đầy ngạc nhiên, lý
thú của một chú bé 'đi tìm chính mình'... Tác giả, Virginia Axline, một nhà tâm
lý trị liệu nổi tiếng về lĩnh vực chữa trị những trẻ em bị rối loạn tình cảm...
Sách ghi lại một thành công xuất sắc của bà... là một tài liệu trung thực và đầy
đủ, với sự chính xác khoa học... không chỉ cần cho những chuyên gia, mà còn cho
các bậc cha mẹ và thầy cô từng băn khoăn về cách giáo dục con em..." (TS.
Tô Thị Ánh). Sách đã được dịch sang tiếng Việt bởi các dịch giả Tô Thị Ánh và
Vũ Trọng Ứng, xuất bản năm 1994 (NXB Trẻ, Tp.HCM).
Dưới đây là
bài viết ghi lại những ý tóm tắt có thể được rút ra, được học tập từ quyển sách
giá trị này. Bài được viết từ nhãn quan của một người trong quá trình đang học
và bước đầu đi vào thực hành tâm lý lâm sàng trên trẻ em – Cử nhân tâm lý Nguyễn
Thị Thu Trúc – Chị đã tham gia CLB Trăng Non trong thời gian 2008-2015. Mỗi người
học khi đọc một quyển sách quý cũng có thể ghi lại một tường trình theo kiểu
này về những gì mình đã nghiệm ra từ quyển sách ấy. Bài đã được đăng trên
website Tâm lý Trị liệu từ năm 2008.
Mong rằng việc
này sẽ góp phần giúp ích cho các bạn đọc đang có quan tâm, học tập và thực hành
lĩnh vực tâm lý trị liệu trẻ em tại Việt Nam.
MÔ TẢ CA LÂM
SÀNG
Thân chủ là một bé trai tên Dibs, 5 tuổi, đã
đi học được 2 năm tại trường mẫu giáo.
Theo lời kể của giáo viên tại trường: Trẻ có
những biểu hiện chống đối và xa lánh mọi mối quan hệ xã hội. Trẻ sẵn sàng cào cấu
những ai đến gần em. Trong sự giận dữ đó có cả sự sợ hãi. Tác phong của trẻ thất
thường, khi thì mau mắn, khi thì lặng lẽ. Phần lớn thời gian thường bò men tường,
ẩn nấp dưới gầm bàn, lắc qua lắc lại, nhai cánh tay, mút ngón cái, nằm sấp cứng
đờ trên sàn. Trong thế giới tách biệt đó, trẻ thường hay thở dài não nề khổ sở
và cô đơn bất lực. Trẻ không bao giờ tỏ ra vui thú. Trẻ thường tỏ ra giận dữ
khi tới giờ học về, hay ai đó cố muốn em làm điều gì. Về khả năng học tập, trẻ
thích những cuốn sách và thường có vẻ như đọc được chúng. Trẻ có vẻ lắng nghe
những câu chuyện do cô giáo kể trong tư thế bất động trên sàn nhà hoặc trong gầm
bàn. Trẻ tỏ ra khéo léo và nhanh nhẹn trong việc xem xét các đồ vật xung quanh.
Bối cảnh gia đình (theo lời kể của người mẹ):
Bố là nhà khoa học nổi tiếng, thường vùi đầu vào nghiên cứu, xa cách cả vợ lẫn
con. Mẹ từng là bác sĩ ngoại khoa xuất sắc về tim. Bạn bè gia đình là những
nhân vật xuất chúng trong xã hội. Gia đình nội ngoại đều trọng vọng về trí tuệ,
thành quả từ trí thức. Trẻ là con trai đầu lòng không mong muốn của cả bố lẫn mẹ.
Trẻ ra đời cứng đơ, la hét mỗi lần mẹ bế. Mẹ thôi việc vì nghĩ rằng trẻ thiểu năng,
trẻ không nói, không chơi, chậm biết đi, tấn công người khác. Bố mẹ sống xa
cách bạn bè, họ hàng thân thuộc và gần như không trò chuyện với nhau vì tình trạng
của trẻ. Trẻ có một em gái 4 tuổi được cho là phát triển tốt. Trẻ thường đánh
em khi nó vào phòng riêng của mình. Trẻ chỉ tỏ ra thân thiết và quyến luyến với
bà ngoại.
NHÀ TRỊ LIỆU
THỰC HIỆN CÁC NGUYÊN TẮC CỦA LIỆU PHÁP CHƠI THEO TRƯỜNG PHÁI THÂN CHỦ TRỌNG TÂM
1. Nhà trị
liệu phát triển mối quan hệ ấm áp, thân thiện với trẻ. Mối quan hệ đó được thiết
lập ngay từ ban đầu và xuyên suốt tiến trình trị liệu:
Ngay từ buổi khám đầu tiên tại trường, nhà trị
liệu quan sát trẻ một cách kín đáo, không xâm phạm vào thế giới của trẻ, dù chỉ
là ánh mắt. Sau đó, mời trẻ đến phòng chơi riêng, không thúc ép, trẻ được quyền
chọn lựa đến hoặc không, tùy ý trẻ muốn. Khi bước vào phòng chơi, Nhà trị liệu
nói với trẻ: “chúng ta sẽ ở với nhau một giờ trong phòng chơi này. Em có thể tuỳ
ý xem các đồ chơi và các vật dụng sẵn có. Em tự quyết định xem em muốn làm gì”.
Đây là một trong các bước cần làm trong thời gian đầu của buổi trị liệu, thiết
lập giới hạn và thời gian làm việc. Trẻ được trao quyền tự quyết cho hành động
của mình trong phòng chơi trị liệu. Trẻ tự chọn đồ chơi, và vật dụng mình muốn
mà không có một đề xuất hay hướng dẫn trước của nhà trị liệu.
Nhà trị liệu sử dụng những kỹ thuật phản hồi
để đáp trả những câu nói của trẻ.
- Trẻ gọi tên các đồ vật: giường? ghế? bàn…nôi?
tủ? radio?...
- Nhà trị liệu phản hồi: Phải, đây là cái giường;…
cô nghĩ đây là cái tủ…
Đây là kỹ thuật “an toàn” không xâm lấn vào
các hoạt động của trẻ. Ngay cả khi trẻ bộc lộ cảm xúc mãnh liệt của mình trên
những trò chơi biểu tượng với nhà búp bê.
- Trẻ đưa tay ôm chặt lấy ngực và nhắc lại
nhiều lần: Không khoá cửa. Không khoá cửa. Không khoá cửa. Dibs không thích
khoá cửa”
- Nhà trị liệu phản hồi: Em không thích cửa bị
khoá
“Một trong những mục tiêu của việc tạo dựng mối
quan hệ này là giúp trẻ đạt được sự độc lập về tình cảm của chính mình, dần dần
tự chủ và có trách nhiệm hơn. Nhà trị liệu truyền cho trẻ lòng tin tưởng vào khả
năng của chính trẻ. Nhà trị liệu không làm phức tạp thêm vấn đề của trẻ bằng
cách tạo ra một mối quan hệ trợ lực mà khiến trẻ có thể bị phụ thuộc và trì
hoãn sự phát huy trọn vẹn tình cảm an toàn nội tâm của trẻ. Thậm chí, nếu trẻ
là một đứa trẻ thiếu thốn về phương diện tình cảm thì sự gây dựng một mối quan
hệ quyến luyến tình cảm vào trong quá trình trị liệu, dù có thể đáp ứng nhu cầu
sâu xa của trẻ, nhưng lại tạo ra một khó khăn mới mà cuối cùng trẻ cần phải giải
quyết.” (trích Sa Mạc Nở Hoa-SMNH) Và nhà trị liệu lại có thể bị mắc kẹt trong
mối quan hệ quyến luyến đó.
2. Nhà trị
liệu chấp nhận đứa trẻ như chính nó:
“Nhà trị liệu bắt đầu từ chỗ “đứa-trẻ-như-là-chính-nó”,
làm việc trực tiếp và ngay tức thời với những cảm xúc mà trẻ đang có hơn là làm
việc với những vấn đề, những triệu chứng và những nguyên nhân đã gây nên chúng.
Việc làm này khiến tiến trình trị liệu có ngay sức mạnh và ý nghĩa” (Clark
Moustakas)
Trong quá trình trị liệu, trẻ tự nhận ra bản
thân có hai bản tính, trẻ con và trưởng thành, trẻ đặt những bản tính đó là
Dibs nhỏ và Dibs lớn. Tại phòng trị liệu, trong mối quan hệ ấm áp, tin cậy và
chấp nhận với nhà trị liệu, dù trẻ đang sống như một Dibs nhỏ hay một Dibs lớn,
trẻ đều được tự do thể hiện bản thân. Khi trẻ là Dibs nhỏ, trẻ bú bình, lăn trên
cát và nói: “em coi đây là cái nôi nhỏ của em”. Trẻ thích làm điều tùy ý mình
và được nhà trị liệu chấp nhận. Khi đó, Trẻ sẽ thể hiện sự khát khao được thừa
nhận những điều mình muốn thật rõ nét:
- Trẻ: Em xin tấm hình này. Em xin được
không?
- NTL: Được
- Trẻ: Cô nói thế này nhé: được, Dibs, em có
thể lấy đem về nhà. Nếu đó là điều em thích, Dibs, thì hay lắm.
- NTL nhắc lại đúng lời trẻ: được, Dibs, em
có thể lấy đem về nhà. Nếu đó là điều em thích, Dibs, thì hay lắm.
Chính sự tôn trọng bản ngã của trẻ đã tạo điều
kiện an toàn cho sự trưởng thành, giúp trẻ thừa nhận chính mình và các khả năng
của bản thân.
- Trẻ: em không bị cô gọi là thằng ngốc, em
nhờ cô giúp thì cô giúp. Em nói là em không biết thì cô biết. Em nói là em
không làm được thì cô làm được
Trẻ thừa nhận cả những điều trẻ chưa làm được,
không làm được, và điều này không còn gây đau đớn cho trẻ.
- Trẻ với tay cầm nút vặn nước nóng
- NTL: nước đó nóng lắm, Dibs, mở nước lạnh
trước đã
- Trẻ nhanh nhẹn mở vòi nước nóng, lấy ngón
tay hứng nước, vội vã rụt tay lại, la lên: Nóng
- NTL: em muốn tự mình kinh nghiệm. Bây giờ
thì em thấy rồi
- Trẻ: Vâng, nóng quá. Rồi cầm chai bình sữa
nút, vẻ mặt yên ổn nói: Em chưa lớn tuổi lắm
Chấp nhận đứa-trẻ-như-chính-nó là chấp nhận mọi
sự bộc lộ bản ngã của trẻ theo cách tự do nhất mà trẻ chọn, không cố gắng định
hướng sự tiến bộ hoặc một cách thức trưởng thành có sẵn. Tin tưởng vào sự trưởng
thành tự nhiên ở nơi đứa trẻ, giúp điều đó được bộc lộ trong một mối quan hệ
tôn trọng, ấm áp và an toàn.
“Khi một đứa trẻ bị cưỡng bức phải tự chứng tỏ
là mình có khả năng, kết quả thường rất tai hại. Một đứa trẻ cần được yêu
thương, được chấp nhận và hiểu biết thông cảm. Nó bị huỷ hoại khi gặp phải sự hắt
hủi, nghi ngờ và thử sức không ngừng” (SMNH). Ở Dibs, sự lột xác từ một “Dibs
nhỏ” sang thành “Dibs lớn” trong suốt thời gian trị liệu là một quá trình đầy
gian khổ. Trẻ phải tin tưởng vào sự tự do của mình được có trong phòng trị liệu,
tin tưởng vào nhà trị liệu, chấp nhận nhìn vào những hành vi ấu trĩ, trải nghiệm
những cảm xúc đau khổ, những nổi sợ hãi, bộc lộ cả những ý nghĩ thù hận của
mình qua những hoạt động chơi biểu tượng để hiểu biết về chính mình… dần dần,
trẻ mới có thể học được cách sử dụng những khả năng của mình. Học cách có trách
nhiệm với tình cảm của mình. Từ đó, xây dựng bản ngã toàn vẹn mà chính em có thể
tự hào.
Buổi trị liệu cuối cùng, trẻ nói về mình qua
một trò chơi biểu tượng: Sáng còn sớm lắm và thằng Dibs lớn đi đến trường. Nó
có những người bạn ở trường. Nhưng cậu con trai này là Dibs nhỏ. Cậu con trai
bé nhỏ này bị bệnh nặng. Cậu ta đi tới nhà thương và tan biến mất. Cậu ta bé lại
dần cho tới khi mất hẳn. Cậu con trai bé nhỏ bây giờ mất rồi. Nhưng Dibs lớn
thì to lắm, khoẻ mạnh và can đảm. Nó không còn sợ gì cả.
3. Nhà trị
liệu thiết lập sự chấp nhận những cảm xúc trong mối quan hệ để đứa trẻ cảm thấy
tự do bày tỏ hoàn toàn cảm xúc của nó
Dần dần trong suốt quá trình trị liệu, trẻ biểu
hiện những cảm xúc của mình rõ nét hơn và được nhà trị liệu phản hồi cho trẻ nhận
ra. Ban đầu là những cảm xúc đau khổ khi phải rời phòng chơi trị liệu khi đã hết
giờ
- Trẻ khóc nức nở: Dibs không về nhà, Dibs ở
lại
- NTL: Cô biết em muốn ở lại. Nhưng bữa nay
thời giờ của chúng ta hết rồi và em phải về.
- Trẻ vẫn rên rỉ khóc lóc một cách bất lực
- NTL: Đôi khi không dễ gì làm những điều
mình phải làm, nhưng có điều phải làm… Lúc này em đang khổ sở. Cô hiểu em đang
cảm nghĩ gì. Nhưng đôi lúc có những điều ta phải làm, ngay khi chúng ta chẳng
muốn làm.
Đến những cảm xúc vui sướng nhà trị liệu được
chia sẻ:
- Trẻ lượn quanh phòng với nụ cười rạng rỡ
trên nét mặt: Em nghĩ em sẽ hát
- NTL: Nếu em muốn hát thì cứ hát
- Trẻ: Và nếu em muốn im lặng thì cứ im lặng!
Trẻ reo: và nếu em muốn suy nghĩ thì cứ việc suy nghĩ. Và nếu em muốn chơi thì
cứ việc chơi. Cứ như thế có phải không cô?
- NTL: Phải, cứ như thế.
Nhà trị liệu ở bên cạnh trẻ để giúp những cảm
xúc đó được trẻ bộc lộ với ý thức tình cảm rõ ràng, ngay cả khi đó là những cảm
xúc thù hận, sợ hãi.
- Trẻ nước mắt đầm đìa trong một cảnh chơi biểu
tượng: Họ la, họ thét, họ đập cửa. Họ muốn ra. Nhưng nhà đang cháy và học bị nhốt,
không ra được. Họ la, họ kêu cứu. Em khóc! Em khóc! Vì thế mà em khóc
- NTL: Có phải em khóc vì cha vì mẹ bị nhốt
trong nhà và không ra được khi nhà đang cháy không?
- Trẻ chạy đến ôm NTL: Ồ không, em khóc bởi
vì em lại cảm thấy nỗi đau đớn khi cửa khoá, cửa đóng nhốt em lại.
- NTL ôm lấy trẻ: Em lại cảm thấy điều mà em
thường cảm thấy khi em chỉ có một mình phải không?
Trong quá trình tìm kiếm bản thân, định hình
bản ngã, trẻ cần phải ý thức dần những tình cảm, thái độ và những liên hệ của
em với những người xung quanh. Những cảm xúc nội tâm bị đè nén cần được khơi
lên, được tự do thể hiện qua trò chơi để trẻ tự biết mình, tự hiểu và kiềm chế
mình hữu hiệu hơn. Trong phòng chơi trị liệu, nhà trị liệu tạo ra cho trẻ một
khung cảnh an toàn và tự do để những cảm xúc nội tâm như sợ hãi, ghen ghét, thù
hằn trong con người trẻ được đưa ra ánh sáng và loại bỏ.
4. Nhà trị
liệu báo cho trẻ biết mình đã nhận biết được những cảm xúc bị áp đặt của trẻ bằng
những phản hồi về thái độ của trẻ, để giúp nó thấu hiểu được hành vi của mình
Nhà trị liệu phản hồi lại những thái độ đang
hiện diện trong tâm trạng của trẻ trong bối cảnh cụ thể, rõ ràng để trẻ nhận thức
được tư tưởng và tình cảm của mình. Một trường hợp minh họa, trẻ giận dữ với
nhà trị liệu khi trẻ dặn dò giữ nguyên trạng cảnh chơi của buổi trị liệu trước
đó vào tuần sau khi trẻ đến, nhà trị liệu đã không hứa hẹn làm đúng như thế:
- Trẻ: Con vịt của em đâu?
- NTL: Em đang băn khoăn là không biết con vịt
con em đặt trên đỉnh cát ra sao à?
- Trẻ giận dữ:Phải, Con vịt con của em đâu rồi?
- NTL: Em nói là em muốn để nó lại đó và người
nào đó đã chuyển nó đi
- Trẻ quyết liệt: Đúng vậy. Sao vậy?
- NTL: Em ngạc nhiên là tại sao cô không canh
chừng để mọi vật ở nguyên chỗ như em đã để?
- Trẻ: Vâng. Tại sao vậy?
- NTL: Tại sao em nghĩ là cô để điều này xảy
ra?
- Trẻ: Em không biết. Em tức lắm. Đúng ra cô
phải làm chuyện ấy!
- NTL: Tại sao cô phải làm việc đó nhỉ? Thế
cô có hứa với em là cô sẽ làm việc ấy không?
- Trẻ hạ giọng: Không. Nhưng em muốn cô làm
việc ấy giùm em
- NTL: Những em khác vô đây và chơi với đồ vật
này. Có lẽ một em nào đó đã bỏ con vịt của em đi.
- Trẻ: Và trái núi của em. Con vịt của em đứng
trên đỉnh núi.
- NTL: Cô biết. Và bây giờ núi cát của em
cũng không còn ở đây, phải không?
- Trẻ: Mất tiêu rồi!
- NTL: Và vì thế em giận, em thất vọng phải
không?
Trẻ gật đầu đồng ý.
5. Nhà trị
liệu duy trì một sự tôn trọng sâu sắc khả năng tự giải quyến vấn đề của đứa trẻ
và tạo điều kiện cho điều đó diễn ra. Trách nhiệm trong sự lựa chọn và thay đổi
thái độ là của đứa trẻ:
- Trẻ: Khóa lại
- NTL: Em muốn khóa căn nhà lại ư?
- Trẻ: Được rồi
- NTL: Thấy rồi, em khóa được rồi
- Trẻ: Em làm được
- NTL: Em làm được thật. Mà lại làm một mình
Trẻ cười rất mãn nguyện. (Trong buổi trị liệu
lần thứ hai,
đây là lần đầu tiên trẻ mỉm cười.)
Cách trẻ sửa căn nhà búp bê bị lung lay sao
cho vững lại. Cách trẻ gắn tấm vách vào nhà búp bê để khóa căn nhà như ý muốn.
Tất cả đều được nhà trị liệu ghi nhận và phản hồi những ý muốn của trẻ, cách trẻ
thực hiện để đạt ý muốn và thừa nhận khả năng trẻ làm được điều đó.
“Giá trị trị liệu của thể loại tâm lý này là
tùy thuộc ở kinh nghiệm của chính đứa trẻ cảm thấy mình là một người có khả
năng, có trách nhiệm trong một mối quan hệ, trong đó nó sẽ khám phá hai sự thật
căn bản này: là không có ai thực sự biết nhiều về thế giới nội tâm của một người
bằng chính cá nhân ấy; vì rằng họ tự do và trách nhiệm đều tăng trưởng từ nội
tâm con người. Trước hết đứa trẻ phải học được tính tự trọng và ý thức về nhân
phẩm của mình, nảy sinh từ sự tự hiểu biết về bản thân đang gia tăng, trước khi
trẻ có thể học được cách tôn trọng nhân phẩm, quyền hạn và những khác biệt của
người khác” (SMNH)
Xuyên suốt các buổi trị liệu, nhà trị liệu
không ngừng khơi dậy cho trẻ khả năng tự nhận lãnh những hành động của mình, tạo
điều kiện cho khả năng ấy bộc lộ, thừa nhận khả năng ấy.
- Trẻ để tuột một bình chai và nó va vào vòi
nước, trẻ nói: Chúng có thể bể và gây thương tích, cô có sợ cho em không?
- NTL: Cô nghĩ là em biết cách giữ gìn
Đặc biệt, trong những hoạt động chơi biểu tượng
của trẻ, những tình huống gây đau khổ được trẻ phục dựng lại, nhà trị liệu có
thể giúp trẻ học cách khám phá sức mạnh nội tâm và làm chủ cảm xúc của mình.
- Trẻ tổ chức tiệc trà cho các bạn. Trẻ vô
tình làm đổ ly trà. Trẻ la hoảng: Không có tiệc nữa, Tiệc xong rồi. Em làm đổ
nước trà
- NTL: Tiệc trà chấm dứt vì em làm đổ nước
trà ư?
- Trẻ la lối: Đồ ngốc! Đồ ngốc! Đồ ngốc!
- NTL: Đó chỉ là chuyện không may thôi
- Trẻ khóc nghẹn ngào: Chỉ có người ngốc mới
làm chuyện không may… Đó là một tai nạn. Nhưng tiệc xong rồi
- NTL: Tai nạn làm cho em khiếp sợ và khổ sở…
- Trẻ: Cô cháu mình đi ra khỏi đây. Em không
ngốc đâu
- NTL: Không. Em không ngốc. Nhưng em bị bấn
loạn khi có điều gì xảy ra như vậy. (cùng rời phòng chơi với trẻ)
- Trẻ: Em ân hận
- NTL: Ân hận? Tại sao em ân hận?
- Trẻ: Bởi em đánh đổ nước trà. Em vô ý. Em
không nên vô ý như thế.
- NTL: Em nghĩ em nên cẩn thận hơn phải
không?
- Trẻ: Vâng, em nên cẩn thận hơn, nhưng em
không ngốc
- TL: Có lẽ em vô ý, nhưng không ngốc, phải không?
- Trẻ: Phải – có nụ cười trên khuôn mặt em
“Nhà trị liệu giúp trẻ phát huy năng lực để đối
phó với thế giới của mình, những năng lực này xuất phát từ nội tâm của trẻ và
trẻ phải tự mình có khả năng đối phó với thế giới của mình, như nó hiện có. Bất
kỳ sự thay đổi ý nghĩa nào đối với trẻ cũng phải xuất phát từ nội tâm. Nhà trị
liệu không hy vọng thay đổi được thế giới bên ngoài trẻ.” (SMNH)
6. Nhà trị
liệu không cố gắng thúc giục quá trình trị liệu. Nó là một tiến trình từ từ và
phải được nhận biết nhiều bởi nhà trị liệu
Khoảng thời gian đầu của buổi trị liệu đầu
tiên, trẻ còn nhiều ngập ngừng vì thế có nhiều khoảng lặng. “Nhà trị liệu không
ép trẻ phải nói trẻ đang nghĩ gì. Nhà trị liệu muốn trẻ cảm thấy và có kinh
nghiệm về toàn thể bản ngã của trẻ trong mối quan hệ không bị gò bó bởi những
câu hỏi và câu trả lời. Nhà trị liệu muốn trẻ nhận thức rằng trẻ là một người gồm
nhiều phần, với những phần chìm nổi, những yêu ghét, những sự sợ hãi và can đảm,
những khát khao ấu trĩ và những sở thích chín chắn hơn. Nhà trị liệu muốn trẻ,
qua kinh nghiệm, học được trách nhiệm có sáng kiến sử dụng khả năng của mình
trong quan hệ với người khác” (SMNH). Nhà trị liệu không dùng những khen ngợi,
gợi ý và tra hỏi, điều khiển năng lực đó vào một đường kênh có sẵn. Nhà trị liệu
chờ đợi trẻ dẫn đường.
7. Nhà trị
liệu không cố gắng định hướng hành động và câu thoại của đứa trẻ trong mọi thái
độ. Để đứa trẻ dẫn đường, nhà trị liệu theo sau
Trong những cảnh chơi mang tính biểu tượng diễn
tả rõ nét nội tâm sâu xa của đứa trẻ, nhà trị liệu nói theo ngôn ngữ biểu tượng
của trẻ, không diễn nghĩa, không cố công biết thêm tình huống.
- Trẻ
để ngôi nhà nhỏ ở giữa thùng cát và xếp những con vật rải rác chung quanh: Những
con mèo sống trong căn nhà này. Người chiến sĩ có một con mèo, con mèo thật. Và
đây là con vịt. Con vịt không có ao bơi và con vịt muốn có cái ao. Có hai con vịt.
Đây là con vịt lớn, nó can đảm. Đây là con vịt nhỏ, nhưng không can đảm như vậy.
Con vịt lớn có thể có cái ao riêng và nó không muốn có ao riêng. Bây giờ hai
con vịt này đã gặp nhau và chúng đang đứng ở đây với nhau và chúng cùng nhìn
xem chiếc xe tải chạy bên ngoài cửa sổ.
-
NTL: Như vậy là con vịt con muốn có cái ao an toàn riêng của nó, có lẽ
giống như cái ao mà nó nghĩ là con vịt lớn có phải không?
- Trẻ:
Đúng vậy. Cùng với nhau, chúng xem cái xe tải lái vào. Xe vận tải đậu, người
lái xe đi vào trong toà nhà, ông chất hàng lên xe, và khi đầy rồi lại lái đi…
Xe chở đầy. Khi nó chạy qua, nó để lại vệt, vệt một chiều và nó trút cát ở chổ
này… - Trẻ lấy ba chú lính để lên xe và phủ cát lên - Đây là con đường một chiều
và ba người này lên xe và không khi nào họ về nữa.
-
NTL: Họ đi xa và ở luôn à?
- Trẻ:
Đúng vậy, mãi mãi… - Trẻ vùi chiếc xe có ba chú lính vào trong cát - Này vịt
con, mày thấy sự việc xảy ra đó. Chúng mất tiêu rồi. - Trẻ lấy chú vịt để trên
đỉnh đống cát vùi xe
- Trẻ
đột ngột nói: Bữa nay là ngày lễ người thân
-
NTL: Phải, đúng rồi
- Trẻ:
Để chúng lại đây, cả đêm, cả ngày. Đừng gỡ chúng xuống
-
NTL: Em muốn chúng cứ ở yên như em đã vùi à?
- Trẻ:
Dạ phải. Cô ghi lại trong sổ ghi chú của cô. Dibs đến. Hôm nay nó thấy cát thú
vị. Dibs chơi với căn nhà và những người lính lần chót, chào cô.
8. Nhà trị
liệu chỉ thiết lập những giới hạn cần thiết để việc trị liệu neo trong một thế
giới thật và làm cho đứa trẻ nhận biết trách nhiệm trong những mối quan hệ
“Một đứa
trẻ cảm thấy an lòng trước những giới hạn thực tế và bất dịch. Nhà trị liệu
kiên định với những nguyên tắc về giới hạn thời gian để giúp trẻ phân biệt giữ
những tình cảm và những hành động của trẻ. Giúp trẻ hiểu một giờ trong phòng
chơi trị liệu chỉ là một phần của cuộc sống của trẻ, nó không thể và không nên
lấn lướt những liên hệ và kinh nghiệm khác” (SMNH). Thời gian giữa những buổi hẹn
hàng tuần cũng quan trọng, trẻ có thể muốn thay đổi giờ hẹn hàng tuần và muốn
nó diễn ra hằng ngày để trốn tránh cuộc sống thực của mình.
- Trẻ: Không về đâu. Không bao giờ
- NTL: Em thấy khổ sở khi cô nói em phải về,
phải không? Nhưng tuần tới em lại đến. Thứ năm tuần tới.
- Trẻ: Thứ sáu em lại hả?
- NTL: Thứ năm tuần tới em trở lại. Bởi vì thứ
năm là ngày em đến phòng chơi
- Trẻ: Không. Dibs không ta khỏi đây, Dibs
không về nhà. Không bao giờ về!
- NTL: Cô biết em không muốn về. Nhưng cô và
em mỗi tuần chỉ có một giờ với nhau ở phòng chơi này thôi. Và khi hết giờ thì
dù em cảm thấy thế nào, cô cảm thấy thế nào, hay ai đó cảm thấy thế nào chăng nữa
thì hết giờ cả hai cô cháu đều phải ra khỏi phòng. Bây giờ tới giờ chúng ta ra
về.
“Giá trị của những trải nghiệm tích cực trong
thời gian trị liệu tùy thuộc vào sự cân bằng giữa những gì trẻ đưa vào trong buổi
trị liệu và những gì trẻ nhận được từ buổi trị liệu. Nhà trị liệu giúp trẻ cảm
thấy trẻ có nhiệm vụ phải mang theo các khả năng đang tăng trưởng nơi em để
lãnh nhận trách nhiệm về phần mình và nhờ vậy có được sự độc lập về tâm lý”
(SMNH).
Trẻ nói trong tiếc nuối: Em biết. Ở đây em có
thể làm được nhiều việc, nhưng rồi, cuối cùng bao giờ em cũng phải về.
Vào buổi trị liệu cuối cùng, trẻ hiểu được ý
nghĩ của giới hạn thời gian trị liệu, nhận thức rõ ràng những mối quan hệ đời
thực mà trẻ có, cũng như trách nhiệm đối với những mối quan hệ đó, trẻ nói
trong thanh thản: Ngay cả khi em không muốn về nhà, thì đó vẫn là nhà em.
Những nguyên tắc về thiết lập giới hạn về thời
gian bao gồm: thông báo thời gian làm việc đầu giờ; cuối giờ cần báo trước bao
nhiêu phút còn lại trước khi kết thúc giờ làm việc; thông báo giờ hẹn lần sau.
Bảo đảm giữ đúng thời gian đã qui định.
Ngoài ra còn có các nguyên tắc về không gian
như: trẻ được phép rời khỏi phòng chơi trị liệu khi chưa hết giờ, nhưng trẻ
không được trở lại phòng chơi trong giờ trị liệu của ngày đó.
TIẾN TRÌNH TRỊ LIỆU
Là một quá trình đầy gay go cho trẻ và cả gia
đình khi phải bộc lộ bản thân, có những lúc tưởng chừng quá trình trị liệu có
thể ngưng vì những ảnh hưởng của nó trong đời sống thực, khi những cách giao tiếp
trong gia đình vẫn không đổi.
Giai đoạn đầu trẻ ngập ngừng và còn nhiều sợ
hãi, trẻ chọn cách thức “an toàn” là gọi tên đồ vật. Nhà trị liệu trao quyền
hành động cho đứa trẻ bằng một lời nói minh bạch rõ ràng. Nhà trị liệu phản hồi
lại những điều trẻ làm như một sự truyền thông thừa nhận những hành vi của trẻ
đang làm, không hỏi thêm thông tin, không thúc ép, không định hướng. Thời gian
đầu có thể có nhiều khoảng lặng, trẻ có thể dò xét chính nhà trị liệu, cũng có
thể chưa biết phải làm gì trong khỏang thời gian trị liệu. Trẻ cần xây dựng
lòng tin vào nhà trị liệu, tin vào nhà trị liệu thật sự cho phép trẻ tự do thể
hiện bản thân nó, chấp nhận hành vi của nó. Nhà trị liệu không thúc ép tiến
trình khi trẻ im lặng, hoàn toàn tôn trọng mọi hành vi của trẻ trong mọi thái độ
của mình.
Khi cảm nhận được sự chấp nhận và lòng tin
vào nhà trị liệu, trẻ bộc lộ nhiều hơn những cảm xúc của mình trên những trò
chơi có tính biểu tượng. Những nỗi khổ được ẩn giấu trong những trò chơi biểu
tượng. Nhà trị liệu phải dùng ngôn ngữ biểu tượng của trẻ khi đi vào thế giới
biểu tượng đó, không diễn giải những hình ảnh biểu tượng của trẻ bằng ngôn ngữ
đời thường. Cảm xúc của trẻ và bối cảnh trong trò chơi biểu tượng đang diễn ra
là thực tại nhà trị liệu phải làm việc cùng với trẻ ngay thời gian đó. Trẻ chủ
động hoàn toàn trong việc xây dựng thế giới biểu tượng đó, nhà trị liệu là người
được trẻ dẫn đắt vào thế giới đó. Khi trẻ rời khỏi thế giới đó, nhà trị liệu
cũng phải rời đi. Đôi khi những hình ảnh biểu tượng gây những cảm xúc vượt quá
sức chịu đựng hoặc gây nổi kinh hãi cho trẻ, trẻ tự mình chọn một cách thức
hành động an toàn hơn. Nhà trị liệu tạo một mối quan hệ ấm áp thân tình ngay từ
đầu để giúp cho trẻ trải nghiệm mọi cảm xúc dù khi trẻ né tránh những nổi đau
khổ hay khi trẻ đang phải vật lộn với những đau khổ đó để trưởng thành hơn.
Trong suốt quá trình trị liệu, trẻ lựa chọn cách thức lãng tránh hay đối đầu những
khó khăn của mình là quyền của đứa trẻ, mọi quyết định thay đổi đều phải xuất
phát từ nội tâm của bản thân trẻ. Nhà trị liệu thừa nhận khả năng thay đổi của
trẻ, và chỉ tạo điều kiện cho những khả năng đó được thực hiện bằng chính mối
quan hệ tôn trọng, chấp nhận, thông hiểu trẻ như chính nó.
Những thay đổi của trẻ bên ngoài phòng trị liệu
thông qua những phản hồi từ phụ huynh, từ những người thân cận bên trẻ. Những
thay đổi này phải dựa trên bản ngã mà chính trẻ thừa nhận chính mình, chứ không
từ sự thúc ép của người khác. Mục đích của trị liệu tâm lý thân chủ trọng tâm
là giúp thân chủ thừa nhận bản ngã toàn diện của mình, thừa nhận những khả năng
của mình có và thể hiện bản thân ra thế giới xã hội bên ngoài một cách hài hòa.
Những thay đổi của trẻ làm thay đổi chính phụ
huynh. Cách thức giao tiếp trong gia đình thay đổi theo hướng cởi mở, thân tình
và chấp nhận sự hiện diện của tất cả các thành viên trong gia đình. Mỗi thành
viên nhận lãnh một trách nhiệm cho sự trưởng thành từ những thay đổi nội tâm của
bản thân. Làm nên các mối quan hệ tôn trọng, chân thành, thông hiểu lẫn nhau
trong chính gia đình mình.
Trẻ tiếp tục sử dụng những hoạt động chơi biểu
tượng để dàn xếp những cảm xúc thù hận, ghen ghét bị dồn nén trong lòng với các
mối quan hệ có liên quan. Nhà trị liệu tiếp tục là một “chứng nhân đáng tin cậy”
cho những hoạt động chơi biểu tượng có tính trừng phạt và cứu chữa, có tính hận
thù và tha thứ của trẻ. Cho đến khi trẻ có thể hóa giải được với những tình cảm
đã xâu xé mình, có thể vượt qua những cảm xúc nội tâm dằn vặt đó, trẻ học cách
làm chủ bản thân, khám phá nội lực trưởng thành; lúc đó, trẻ có thể xây dựng
nên bản ngã toàn vẹn của mình. Cuối giai đoạn trị liệu, các trò chơi biểu tượng
được trẻ giải mã công khai. Các mối quan hệ có liên quan đến sự rối nhiễu tình
cảm của trẻ được giàn hoà, trẻ nhìn nhận vai trò của mình trong gia đình và
nhìn nhận vai trò của từng thành viên trong gia đình đối với bản thân. “Trẻ đã
thành người theo quyền hạn của mình. Trẻ tìm được ý thức về nhân phẩm và sự tôn
trọng. Với sự tự tin và sự an tâm này, em có thể học được cách thừa nhận và tôn
trọng người khác trong thế giới của em” (SMNH).
LÀM VIỆC VỚI
PHỤ HUYNH
Sa Mạc Nở Hoa mô tả lại ba buổi làm việc giữa
nhà trị liệu với người mẹ.
Ngay từ đầu, quan điểm của nhà trị liệu là
tôn trọng vào những quyết định của phụ huynh trong việc tham gia hỗ trợ trị liệu
cho trẻ. Ngay cả khi, phụ huynh từ chối bị phỏng vấn về tình trạng của trẻ và bối
cảnh gia đình. Nhà trị liệu giữ nguyên tắc chuyên nghiệp với phụ huynh trong việc
sắp xếp thời gian và nơi chốn làm việc với trẻ tại Trung tâm chuyên môn – nơi
có phòng chơi trị liệu cho trẻ em. Vấn đề thù lao và các thủ tục hành chính
trong việc sử dụng trường hợp của trẻ cho mục đích nghiên cứu cũng được nói rõ
từ buổi ban đầu.
Sau một khoảng thời gian trị liệu cho trẻ,
người mẹ yêu cầu gặp nhà trị liệu, đây là lần làm việc thứ hai. Cuộc gặp gỡ
không phải là cuộc tham vấn có tính huấn luyện để tăng cường mối quan hệ mẹ-con,
quan điểm của nhà trị liệu được bày tỏ rõ ràng trong thái độ: tôn trọng sự tự
do bày tỏ thế giới riêng tư của người mẹ, tùy vào sự tự nguyện của bà. Nhà trị
liệu không cố ý thăm dò, không xăm xoi, không hối thúc phụ huynh phải trình bày
thân thế và hoàn cảnh gia đình. Nhưng chính mối quan hệ dựa trên sự chấp nhận
và tôn trọng đã mang lại một sự thân tình, nâng đỡ, không phán xét, khiến phụ
huynh có thể bày tỏ những khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ, cả những rắc rối
trong gia đình đang mắc phải - Những khổ sở của một người mẹ và một người vợ.
Người phụ huynh được chia sẻ, được cảm thông những khổ tâm có động lực hơn
trong sự tham gia hỗ trợ trị liệu cho trẻ. Mối quan hệ giữa nhà trị liệu và phụ
huynh góp phần quan trọng trong việc duy trì thời gian trị liệu cho trẻ.
Lần gặp mặt thứ ba diễn ra khi phụ huynh nhìn
thấy những chuyển biến tích cực từ phía trẻ, cả những chuyển biến tích cực từ
các mối quan hệ trong gia đình. Mối quan hệ tin cậy giữa nhà trị liệu và phụ
huynh được củng cố, phụ huynh có thể an tâm hơn khi trình bày những trục trặc
trong chính cách nuôi dạy con của mình trước đây vì lòng tin tưởng vào sự thay
đổi đang mang lại hoa trái bước đầu. Chính phụ huynh cũng trải nghiệm sự thay đổi
của chính mình khi nhìn thấy sự biến đổi của trẻ.
Quyển sách vẫn
còn đó nhiều điều quý giá chưa thể đọc hiểu và ứng dụng hết. Việc học tập của một
người hành nghề tâm lý trị liệu vẫn luôn ở phía trước. Bạn đọc cùng chúng tôi,
tất cả chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục công việc khai phá đầy tính thách thức
nhưng hết sức thú vị này...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét