Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

CARL ROGERS ĐẾN LIÊN XÔ - QUA LỜI KỂ CỦA RUTH SANFORD

Tựa gốc: The Other Part of The Soviet Story (Phần khác của Câu chuyện Xô Viết)
Tác giả: RUTH SANFORD
Nguồn: Bài đăng trên trang riêng của Ruth Sanford trên mạng Tripod. Bài viết cũ, đã được thay bằng một nhan đề mới, với phần bổ sung của Irina Kuzmicheva.

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Ruth Sanford


Ruth Sanford – Chuyên viên công tác xã hội Hoa Kỳ, người đã cộng tác, làm việc với Carl Rogers vào giai đoạn cuối đời của ông và cùng ông đi sang LX năm 1986, một năm trước khi Carl Rogers qua đời. Tư liệu về bà hiện được lưu trữ trên mạng Tripod. Trong bài viết này bà muốn nhắc lại sự thực về cuộc chuẩn bị cho chuyến thăm của Carl Rogers và bà đến Liên Xô năm 1986. Sự kiện cũng từng được cố tiến sĩ tâm lý Tô Thị Ánh nhắc đến trong lời nói đầu bản dịch quyển "Tiến trình thành nhân" - Chú thích của ND.

Với tần suất ngày càng tăng, tôi đã được nghe những nhận xét đến từ cả hai phía Nga và Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm mà Carl Rogers đã thực hiện đến Liên bang Xô Viết vào năm 1986. Điều đáng khích lệ và hài lòng nhất là những báo cáo như thế chủ yếu đến từ những nhà chuyên môn. Tuy nhiên, tôi muốn thêm một khía cạnh mới cho câu chuyện đó.

Vào một buổi tối tháng 7 năm 1985, tôi gặp Fran Macy và Tom Greening trong phòng của Fran Macy tại khách sạn Moskva ở Moscow. Tôi đã cùng chồng tôi, một nhà tham vấn về phục hồi chức năng, tham dự một hội nghị về phục hồi chức năng, và đã mất khá nhiều thời gian để tìm Fran Macy, người mà tôi quen biết cũng đang ở Matxcova. Buổi tối hôm đó cũng là lúc khởi đầu chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tôi và Carl đến Liên Xô đúng một năm sau đó.

Trước khi đi đến Liên Xô, tôi đã hỏi Carl liệu ông có thể thu xếp được không và liệu ông ấy có muốn làm việc tại Liên Xô hay không. Ông ấy đã nói rằng không có gì làm hài lòng ông ấy hơn việc này. Cũng vì những mục tiêu nghề nghiệp của tôi mà tôi đã đi cùng chồng đến dự cuộc hội nghị đó. Nếu không có những hiểu biết trong nhiều năm của Fran Macy về cách thức làm việc tại Liên Xô và không có sự hỗ trợ của Tom Greening vào đêm hôm đó, chắc chắn chuyến đi của chúng tôi sẽ không bao giờ diễn ra.

Nhưng chính sự quan tâm, uy tín và lòng dũng cảm của Alexey Matushkin, Giám đốc Viện Tâm lý Moscow, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý ở Liên Xô, mới làm nên chuyện thu hút những người chuyên nghiệp từ khắp Liên Xô đến các cuộc họp của chúng tôi tại Moscow và Tbilisi, đã làm nên những tác động đối với cộng đồng giới tâm lý học của Liên Xô. Alexey Matushkin, một người có tầm nhìn xa, đã can đảm đi theo tầm nhìn đó và có quyền lực để biến tất cả thành hiện thực.

Trong cuộc họp đầu tiên tại văn phòng của Alexey, Carl đã nói: “Ngài hiểu đấy, Tiến sĩ Matushkin, rằng những gì ngài đã yêu cầu chúng tôi làm ở đây thì khá là nguy hiểm". Câu trả lời là: "Nguy hiểm như thế nào?". Carl nói: “Nguy hiểm vì nếu mọi người học cách phát huy quyền của bản thân, họ có thể không làm những gì ngài muốn họ làm. Nó có thể không phù hợp với nền văn hóa ở đây”. Alexey suy nghĩ một lúc lâu và sau đó ông ấy nói: "Đúng (làm thì nguy hiểm), nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu không làm". 

Tôi nghĩ đó là thước đo cho phần đóng góp của Matushkin về những gì đã xảy ra trong những tuần tiếp theo sau đó, cả ở Moscow lẫn ở Tbilisi. Ông ấy không chỉ thành công trong việc mang lại số lượng đơn đăng ký cho cuộc hội thảo chuyên sâu ấy nhiều hơn gấp đôi những gì chúng tôi phải làm để có thể đáp ứng được, ông ấy còn bố trí cho một buổi hội thảo nhỏ hơn nhưng lại rất quan trọng ở Tbilisi.

Moscow (Mát-xcơ-va): Thủ đô Liên bang Nga, cũng là thủ đô Liên Xô; Tbilisi: Thủ đô của Cộng hoà Gruzia (gọi theo tiếng Anh là Georgia), thuộc Liên Xô thời đó – Chú thích của ND.

Khi công việc của chúng tôi tiến triển, chúng tôi biết rằng ông ấy cũng đã khuyến khích cộng đồng tâm lý học chuyên nghiệp và các dịch vụ có liên quan, gặp nhau trong khoảng thời gian khoảng một năm đó, để làm quen với công việc chuẩn bị tiếp đón Carl. Chính tại Liên Xô, chúng tôi mới nhận thấy có rất nhiều chuyên gia và sinh viên tại Đại học Moscow đã biết về công việc của Carl từ trước, đến nỗi vào ngày hội thảo của chúng tôi tại Đại học Moscow, khi Carl hỏi khán giả, mà phần lớn là sinh viên, có bao nhiêu người ở đây đã quen thuộc hoặc đã nghe nói về tác phẩm của ông, thì thật ngạc nhiên là hơn 85% số người ở đó đã giơ tay lên.

Một người đã hết lòng tận tụy khác cần phải được kể đến đó là Irina Kuzmicheva, người từng là Trợ lý Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Quốc tế thuộc Học viện Sư phạm. Chính cô ấy là người đã làm những phần việc gọi là “chân chạy vòng ngoài” (leg work), người đã tham dự các cuộc hội thảo của chúng tôi, là một biên dịch viên và thông dịch viên ở Moscow và sẽ lại như thế một lần nữa ở Tbilisi nếu chúng tôi không khuyên ngăn để giúp cô ấy có thể trở thành một người tham gia chính thức trong nhóm hội thảo ở đó. Như thông lệ, chính cô ấy là người thực hiện các kế hoạch và ý định của Tiến sĩ Matushkin có lẽ cũng đóng một vai trò quan trọng không kém.

Qua tất cả những việc này, Fran Macy là cố vấn của chúng tôi, cũng là người hướng dẫn và là một trong những thông dịch viên của chúng tôi. Anh ấy cũng đã tạo điều kiện để tôi có thể trở lại vào năm 1988, sau khi Carl đã qua đời, để có các cuộc hội thảo tiếp theo. Danh sách của nhóm hội thảo năm 1986 được sử dụng để chọn những người trở thành một phần của các nhóm mới vào năm 1987.

Trong một cuộc điện đàm gần đây, Irina Kuzmicheva đã kể lại về các bước chính thức và các cuộc đàm phán kéo dài mà lúc đó cô ấy đã nhân danh Alexey Matushkin để được chấp thuận lời mời chính thức tới Carl và tôi cho chuyến thăm của chúng tôi vào năm 1986. Cô ấy nhấn mạnh sự can đảm và tầm nhìn xa của Alexey Matushkin trong việc đề xuất một chuyến thăm như vậy. Irina là người cuối cùng đã viết một bài viết với nội dung chuyên sâu về chuyến thăm của các nhà tâm lý học nhân văn (Hoa Kỳ), danh hiệu mà cô ấy đã đặt cho chúng tôi, đến Liên Xô và ủng hộ nó bằng tất cả những gì cô ấy biết về tâm lý học nhân văn.

Cô ấy nói, “Tất nhiên tên tôi không bao giờ xuất hiện và vai trò của tôi là trình bày một bản đánh giá bằng văn bản về Tâm lý học Nhân văn và ước tính hệ thống giáo dục Liên Xô có thể hưởng lợi như thế nào khi đưa Carl Rogers và Ruth Sanford cùng Fran Macy tiếp xúc chặt chẽ với các nhà giáo dục và nhà tâm lý học (LX). Tôi là người trình bày và thực hiện các cuộc đàm phán trực tiếp”. Nơi đến đầu tiên của cô là Bộ phận Đối ngoại của Học viện Khoa học Sư phạm. Tại đó, người ta cố gắng thuyết phục cô rằng những người này (Carl và Ruth) thực sự sử dụng chuyến thăm này như một bình phong và họ thực sự là gián điệp, nên cô rất ngây thơ khi chấp nhận quan điểm mà cô vừa trình bày. Và họ đã từ chối không cấp phép. Tuy nhiên, báo cáo của Irina đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cao nhất để quyết định – Đó là Bộ Giáo dục.

Fran Macy và Irina đã đến thăm Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Liên Xô, Bà Zhuravleva , một người phụ nữ có nét khá giống với Thatcher (Nữ Thủ tướng Anh – ND). Bà ấy rất mạnh mẽ, rất tích cực, mặc dù nói năng nhẹ nhàng và sau khi xem xét bài báo do Irina chuẩn bị gửi cho Bộ hai tuần trước đó, bà ấy đã cho phép. Việc này đã mở ra cơ hội cho Alexey Matushkin đưa ra lời mời đến Carl và tôi.

Bài viết có độ dài 50 trang đánh máy đó bao gồm một đánh giá về tâm lý học nhân văn ở Hoa Kỳ và các hoạt động của Hiệp hội, những đặc điểm chính của kế hoạch đề xuất mà tôi và Carl đã cân nhắc cho chuyến thăm của mình được nhấn mạnh lại và diễn giải lại với ý nghĩa là chúng tôi sẽ chia sẻ với giáo viên (LX) về những phương pháp hữu ích trong việc giảng dạy trẻ em và thanh thiếu niên trong trường học. Ban đầu đó là lời mời làm việc với các giáo viên và nhà giáo dục về việc nuôi dưỡng sự sáng tạo trong lớp học của Liên Xô mà chúng tôi vốn khó có thể hiểu hết. Đến giờ thì điều ấy đã trở nên rõ ràng. Tôi ước giá mà Carl đã có thể biết những chuyện như thế.

Chuyến thăm diễn ra năm 1986. Một năm sau, 1987, Carl Rogers qua đời – Chú thích của ND

Câu chuyện mà tôi vừa kể nhấn mạnh lại quan sát trước đây của tôi về phần rất tích cực và can đảm mà Alexey Matushkin đã đóng vai trò sắp xếp cho chuyến thăm của chúng tôi và phần rất tích cực mà Irina đã đóng góp vào việc này.

Bài viết của Irina Kuzmicheva nhấn mạnh rằng Carl Rogers và Ruth Sanford sẽ giúp giáo viên xác định những đứa trẻ có năng khiếu và đưa ra những phương pháp mới, những công cụ thiết thực để “quản lý” học sinh ở trường. Bài báo đó đã giới thiệu Carl và Ruth là những nhà tâm lý học thông minh, những người biết một số “bí quyết” phương Tây về cách làm việc với những đứa trẻ sáng tạo. Theo một cách nào đó, chúng được trình bày như một công cụ thực tế để “gián tiếp quản lý” các trẻ em này. Bài báo nhấn mạnh sức mạnh của cách tiếp cận này. Cách đó đã khuấy động sự tò mò tự nhiên của các quan chức, và - những cánh cửa đã mở ra. Có lẽ nhờ mong muốn được biết về những phương pháp và công cụ để có thể quản lý sự phát triển của những người sáng tạo, mà chuyến thăm của Carl và Ruth đã được chấp thuận…

Clip: Ruth Sanford cùng với Carl Rogers tại Hội nghị Phát triển Tâm lý Trị liệu (The Evolution Of Psychotherapy Conference), 11-15 tháng 12/1985, tại Phoenix, Bang Arizona, Hoa Kỳ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...