Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

MỘT MÔ HÌNH ĐỂ KẾT NỐI: GREGORY BATESON VÀ SINH THÁI HỌC TÂM TRÍ

The Pattern That Connects: Gregory Bateson and The Ecology of Mind
Tác gả: MERLYN DRIVER
Nguồn: The Journal of Wild Culture - 27/10/2019

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Bateson chưa bao giờ né tránh việc sử dụng công nghệ
để thăm dò sâu hơn vào các lĩnh vực nghiên cứu của mình


Gregory Bateson (1904-1980) - nhà nhân học (anthropologist), nhà khoa học xã hội (social scientist), nhà ngôn ngữ học (linguist), một “visual anthropologist” (nhà nhân học chuyên nghiên cứu về văn hoá dân tộc qua các tác phẩm nghệ thuật nhìn thấy được như phim, ảnh, và sau này là media), nhà ký hiệu học (semiotician) và nhà điều khiển học (cyberneticist) – một người hoạt động thúc đẩy việc xoá mờ ranh giới giữa các chuyên ngành để chúng ta có thể thấy được tính tổng thể và tính liên kết của các sự vật. Mặc dù công trình của ông đến nay vẫn chưa biết đến nhiều, ông vẫn là một nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, tư duy hệ thống của ông vẫn vô cùng hữu ích đối với chúng ta khi chúng ta đang vượt qua những khủng hoảng phức tạp của hôm nay và những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Ông đã nói: “Phần đông trong chúng ta chịu sự chi phối bởi những nhận thức luận (epistemologies) mà chúng ta vốn biết chúng là sai”. Merly Driver giúp giới thiệu về Bateson và khảo sát cuốn phim An Ecology of Mind: A Daughter's Portrait of Gregory Bateson (Một ngành sinh thái học về tâm trí: Chân dung Gregory Bateson qua trình bày của cô con gái), qua đó đã phác hoạ sinh động những nội dung then chốt trong phương pháp tư duy về thế giới của nhân vật nổi tiếng này.

MẢNH ĐẤT ƯƠM MẦM CHO “SINH THÁI HỌC TÂM TRÍ”

Trong các thế kỷ 18 và 19, đã có sự gia tăng những cảm nhận lạc quan trong các xã hội Tây Âu. Đó chính là niềm lạc quan về sự ra đời của khoa học. Không chỉ cải thiện chất lượng của cuộc sống, con người còn bắt đầu tin rằng khoa học sẽ giúp con người có thể hoàn toàn kiểm soát được cả thế giới. Dĩ nhiên rằng điều này chưa hề xảy ra bao giờ. Thay vì kiểm soát được hành tinh này, chúng ta lại gây ra ổ nhiễm và huỷ hoại nó. Tiền nhân của chúng ta chắc chắn sẽ rất thất vọng. Làm thế nào mà chúng ta đã để cho việc này xảy ra? Câu trả lời khả dĩ có thể tìm thấy từ buổi khởi nguyên của Ki Tô giáo. Trong Sách Sáng Thế (Genesis 1:27-28), chúng ta được bảo rằng: Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài … Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: ‘Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất’.

Dù được diễn giải bằng bất kỳ cách nào, thông điệp này đã mang đến cho các nhà khoa học Phương Tây một cảm nhận đoan chắc về tính chính đáng; không chỉ như là ưu thế bên trong cách thức chúng ta vươn xa, mà còn là định mệnh – được Thượng Đế đòi hỏi – của chúng ta. Khi Darwin và Wallace phát triển học thuyết về sự chọn lọc tự nhiên trong thập niên 1850, các tác giả này đã bị nhiều người xem là đã làm hao mòn quyền năng của đức tin Ki Tô giáo. Trớ trêu thay, quan điểm theo kiểu tiến hoá về “khả năng tồn tại của những loài được thích nghi tốt nhất” chỉ phục vụ để minh hoạ thêm cho tính “ưu việt” của loài người trên các loài vật sống khác (đặc biệt khi ngẫu nhiên bạn là người da trắng và là nam giới). Điều mà Darwin và Wallace đã biết đến bao lâu nay – nhưng đã thất bại trong việc công khai nó – đó là: tiến hoá là một tiến trình được chia sẻ (shared process). Như vị tù trưởng nổi tiếng của người Bản địa Châu Mỹ (Lưu ý: Bateson đã không dùng từ “Indian” – Người Da Đỏ - ND) ở Seatle đã nói: “Con người không dệt nên tấm lưới sự sống; mà chỉ là một phần ở trong tấm lưới đó. Bất kể họ làm gì trên tấm lưới đó, họ cũng làm với chính mình”. Ông ấy chắc chắn đã đúng và với tất cả những công nghệ mà chúng ta có, chúng ta càng trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

“Nếu bạn đặt Thượng Đế ra bên ngoài và để ông ấy (Nguyên văn: “him” không viết hoa; nếu viết là “Him” thì phải dịch là “Ngài/Người” - ND) đối diện với những tạo vật của ông ấy, và nếu như bạn có ý tưởng rằng bạn đã được tạo ra theo hình hài của ông ấy, thì theo lẽ tự nhiên và hợp lý bạn sẽ cũng thấy chính mình như đang ở bên ngoài (outside) và khác với những sự vật khác xung quanh bạn. Và khi bạn nhận lầm tất cả tâm trí vào chính bạn, bạn sẽ nhận ra thế giới xung quanh bạn là thứ vô tri (mindless) và vì thế không có quyền được xem xét về mặt luân lý hoặc đạo đức nữa. Môi trường xung quanh có vẻ như là của bạn và bạn có quyền khai thác nó… Nếu đây là cách ước đoán mối liên hệ giữa bạn với thiên nhiên và bạn có một thứ công nghệ tiên tiến, thì khả năng để bạn sống sót sẽ giống như một hòn tuyết lăn trong ngục tối mà thôi. Bạn sẽ chết, hoặc bởi ngộ độc những thứ phế phẩm mà chính bạn ghét bỏ, hoặc, đơn giản hơn, là do gia tăng dân số quá mức và tình trạng chăn thả quá mức”

THĂM GIA TỘC BATESON

Gregory Bateson là một nhà nhân học người Anh, người mà phần lớn công việc là khám phá những mối liên hệ giữa thiên nhiên và nền văn hoá. Cha ông, William Bateson, một nhà di truyền học xuất sắc, là người đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ “di truyền học” (genetics) và là người truyền bá chính cho công trình mang tính tiên phong của Gregor Mendel về “các giống lai và di truyền” (hybrids and heredity). Gregory, người con út trong số ba người con trai, được đặt tên để vinh danh Mendel. Rõ ràng là ông đã sớm được trông đợi sẽ là người sẽ tiếp bước sự nghiệp của cha.

Cuộc sống của Gregory chịu tác động sâu sắc bởi cái chết của hai người anh trai, John (1898-1918) và Martin (1900-1922). John bị chết trong Đệ nhất Thế chiến, còn Martin tự sát bằng súng dưới chân bức tượng Anteros ở giao lộ Piccadilly 4 năm sau đó. Martin có cảm hứng trở thành thi sĩ hơn là một khoa học gia và những tranh luận với cha được xem là đã góp phần (song song với những thất vọng trong chuyện tình yêu và cái chết của người anh John) dẫn đến kết cục tự sát của ông. Mặc dù cha mẹ của Gregory vẫn trân trọng và gắn bó với những giá trị lớn lao của nghệ thuật, nhưng William, người cha, vẫn xem đó “chắc chắn không nằm trong tầm với của những người như chúng ta”. Theo sau cái chết của hai người anh trai, Gregory trở thành người duy nhất còn lại để tiếp tục sự nghiệp của gia đình Bateson. Gánh nặng của những kỳ vọng đã thình lình đổ xuống trên đôi vai của ông. Mặc dù được đào tạo về ngành sinh học, nhưng sau cùng ông đã bỏ nó lại phía sau sự thiện cảm đối với một chuyên ngành mới mẻ hơn – đó là nhân học. Đây là một sự lựa chọn can đảm. Nhưng trong khi nhân học không phải là một ngành khoa học chính xác, nó còn là ngành không nằm trong sự quan tâm của cha ông, và cũng “có vấn đề” không kém như làm thơ.

Sau những lần làm việc thực địa với những sắc dân bản địa ở New Guinea và Bali, những gì Bateson làm sau đó có liên quan đến đủ thứ, từ điều khiển học (cybernetics) và bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), cho đến cách giao tiếp với loài cá heo. Năm 1970, ông được yêu cầu thực hiện một bài giảng trong buổi Lễ Tưởng niệm Học giả Korzybski lần thứ 19 tại New York. (Alfred Korzybski; 1879-1950: Học giả Hoa Kỳ gốc Ba Lan, cha đẻ của “ngữ nghĩa học” – semantics – Chú thích của ND). Bài giảng được ông đặt tựa đề là Form, Substance, and Difference (Hình thái, Chất và Sự Khác Biệt). Chính ngay tại thời điểm đó ông đã hoàn toàn nhận ra một sự hợp nhất các công trình mà ông đã thực hiện trong đời mình nhằm cổ động cho một “ngành khoa học về Tâm trí” (a “science of Mind”). Theo ý kiến của Bateson, loài người – cũng như những hệ thống tư duy và giao tiếp của chúng ta – đang cùng chịu sự chi phối của hững luật lệ phổ quát tương tự như mọi vật có biểu hiện sự sống khác. Từ quan điểm này, điều cấp thiết là phải hiểu được sự sống đã thực sự vận hành như thế nào khi chúng ta phải tìm ra một lộ trình ít bệnh hoạn và ít gây huỷ hoại hơn cho giống loài của chúng ta. Cơ hội để sống sót của chúng ta sẽ là rất lớn, nếu chúng ta thừa nhận, như điều Gregory Bateson đã nói, rằng tất cả mọi sự vật đều liên kết với nhau.


Bateson cùng vợ, Margaret Mead - Năm 1938


“LOÀI NGƯỜI CẦN THƠ CŨNG NHIỀU NHƯ CẦN KHOA HỌC VẬY”

Theo Bateson, học thuyết tiến hoá của Darwin chứa đựng một sai lầm quan trọng. Thay vì đề ra một đơn vị sống sót như là một “cá thể được nhân giống” (breeding individual), Bateson định nghĩa lại sự tiến hoá như là một tiến trình tương tác và giao tiếp (a process of interaction and communication). Một tiến trình tác động thông qua sự khác biệt và trên sự khác biệt. Nhưng, chính xác theo ông nói, thì thế nào là “sự khác biệt”? Đâu là sự khác biệt giữa cái cây và chú chim bồ câu đang đậu trên những tán lá? Ông hẳn sẽ đáp, sự khác biệt không nằm ở cái cây, cũng không ở con chim, cũng không nằm ở khoảng giữa cây và chim (con chim không trở nên ít giống cái cây hơn khi nó bay khỏi cái cây). Sự khác biệt là một thứ trừu tượng; nó chỉ đơn giản là một “ý tưởng”. Những sự khác biệt theo kiểu như thế này mang đến những chất liệu thô mà chúng ta có thể lấy đó để kiến tạo (construct), như Korzybski đã nêu, một “tấm bản đồ” được lập từ “một địa hình” (a ‘map’ from a ‘territory’); thế gian được nhìn qua đôi mắt của loài người. Chính xác hơn đó là “một thế giới được xây dựng từ sự khác biệt giữa những khác biệt” (a world built from differences between differences). Là loài người, chúng ta có thể không mất sức bao nhiêu để di chuyển giữa những tầng mức tách biệt ấy – nhưng chúng ta không phải loài duy nhất có thể làm như thế.

Trong vương quốc các loài động vật, Bateson lưu ý rằng “một vết cắn khi vui đùa thể hiện ra bằng một vết cắn, nhưng nó không thể hiện về điều được thể hiện ra bằng vết cắn”. Ông xem đây là bằng chứng của giao tiếp mêta (meta-communication), liên quan đến nhiều tầng mức trừu tượng tách biệt nhau (separate levels of abstraction). Một điều gì đó càng trở nên gần hơn với cái không phải là nó, thì khoảng trống giữa thông điệp này với thông điệp kia sẽ càng xa ra và người ta càng gần hơn với cách hiểu về sự giao tiếp như là “thông điệp về những thông điệp”, “mức độ trong các mức độ” (Nguyên văn: “The closer something is to that which it is not, the further the gap closes between one message and another, and the closer one comes to understanding communication as “messages about messages”, or “levels within levels”). Từ quan điểm này, ý niệm “chơi” (play) không đơn giản là để kiểm chứng sự tồn tại của những thành phần tách biệt nhau mà nó còn góp phần tạo nên một sự xoá nhoà giữa chúng. Và sự mù mờ theo sau đó tạo nguồn cho sự hài hước, nghệ thuật và âm nhạc. Theo cách nhìn của Bateson, loài người cần thơ cũng nhiều như cần khoa học. Như nhà văn viết tiểu thuyết, E.M. Forster có lần đã nói, “Hãy kết hợp văn xuôi với nhiệt huyết, cả hai đều sẽ được tán thưởng”.

Việc nghiên cứu về điều khiển học về cơ bản có lien quan đến bản chất có tính đan xen qua lại giữa tất cả mọi hiện tượng và tầm quan trọng ẩn trong những sự liên kết ấy. Ví dụ khi Bateson nói về những “dòng mạch điều khiển” (cybernetic circuit) trong tình huống một người mù đi với chiếc gậy. Chiếc gậy, trong bối cảnh này, tác động như một lộ trình qua đó sẽ truyền đi “những chuyển thể của sự khác biệt” (… acts as a pathway along which "transforms of difference" are transmitted). Nếu bạn muốn giải thích một cách đầy đủ sự chuyển động của người mù ấy, bạn bắt buộc phải xem xét đến một dòng mạch nối giữa con đường, chiếc gây và người ấy. Bên trong một hệ thống như thế này, luôn luôn có một dự trữ thực sự về những khác biệt tiềm tàng mà chúng ta vẫn không sử dụng. Những khác biệt này được chọn lọc (với một số lượng rất nhỏ) thành ra điều mà chúng ta gọi là “thông tin”, hoặc điều mà Bateson ngụ ý là “một khác biệt từ đó tạo nên một sự khác biệt” (a difference which makes a difference).

Theo Định luật hoặc Nguyên lý Thứ hai của Nhiệt động học (Second Law of Thermodynamics), còn gọi là “luật en-trô-pi” (law of entropie), tất cả các khuôn mẫu và trật tự trong thế gian sau cùng đều sẽ bị tan biến mất (eaten up). Chẳng hạn như khi tôi (tác giả) đang viết những từ này thì tách cà phê bên cạnh tôi sau cùng cũng bị nguội đi (mất nhiệt). Một tiến trình tương tự cũng được thấy xảy ra liên quan đến những ý tưởng, thói quen của chúng ta, và rõ ràng là cho cả chính đời sống của chúng ta. Con người cũng như những tách cà phê với những nguồn phát nhiệt bên trong có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định trước khi hoàn toàn ngừng hoạt động (Các DNA, dĩ nhiên, sẽ “đào nhiệm” trước khi chúng ta đến thời điểm đó). Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để giữ cho sự rối loạn không được đến gần. Qua cách như thế, chúng ta mới có thể tạo lập và duy trì một vẻ đẹp (beauty); một “mô hình để kết nối” (a pattern which connects). Chịu ảnh hưởng bởi nhà điều khiển học Norbert Weiner, Bateson xem khái niệm “thông tin” như là phần trung tâm của nỗ lực này.


Sơ đồ về nguyên lý vận hành của một hệ điều khiển với một cung phản hồi


“TOÀN BỘ CÁCH NGHĨ VÀ CÁCH NHÌN CỦA CHÚNG TA CẦN PHẢI ĐƯỢC THAY ĐỔI TỪ TRONG RA NGOÀI”

Thông qua nghề nghiệp của mình, Bateson đã cố gắng hiểu về thế giới này dựa trên mối quan hệ giữa các thành phần của nó. Theo ý kiến của ông, mối liên hệ giữa những ngón tay quan trọng hơn chính những ngón tay (ngón tay cái cũng chẳng là gì nếu không có ngón tay trỏ). Có lần ông đã nói: “Điều mà tôi hiểu là có tính thiêng liêng là điều gì đó có trong bản chất của những mô hình và cũng là điều khiến tôi giận dữ nếu những mô hình đó bị xâm phạm”. Rõ ràng là đối với Bateson, những sai lầm của chúng ta sẽ quay trở lại ám ảnh chính chúng ta. Khi xem xét sự tồn tại của con người như thành phần của một hệ sinh thái tinh vi và rộng lớn hơn xung quanh, ông hy vọng rằng chúng ta có thể bắt đầu khắc phục những tổn thương mà chúng ta đã gây ra cho trái đất này. Sự tồn tại của loài người rõ ràng đang bị đe doạ và tuy thế chúng ta lại đang phản ứng rất chậm chạp. Sẽ hữu ích, nếu chúng ta nhận ra, như cách Bateson đã thấy, rằng sự sống sót không phải chỉ là “được bao bọc trong một lớp da”. Ông tin rằng tâm trí của một con người không chỉ có tính nội tại (immanent) bên trong cơ thể, mà còn lan rộng thành ra một Tâm Trí rộng lớn hơn (Nguyên văn: a larger Mind – viết hoa), với tâm trí của riêng chúng ta cũng thuộc về nó nhưng như một thành phần đơn nhất (single component). Và ông đã không e ngại việc ngụ ý chỉ Tâm Trí rộng lớn này như là Thượng Đế (God).

Có một vài cách để loài người gây ra sự suy vong cho chính mình. Trước tiên có thể kể đến những thứ như chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh tôn giáo, phát triển vũ khí, đi song hành cùng với sự huỷ hoại và gây ô nhiễm cho thế giới tự nhiên. Nhưng cũng còn một sự kết nối quan trọng nữa. Nhạc sĩ kiêm nhà văn Stephen Nachmanovitch – một người bạn và trước đó là học trò của Bateson – đã tóm tắt điều đó một cách tinh tế. Ông nói: “Những triệu chứng ở từng cá nhân lồng vào nhau để hình thành một hệ thống rất lớn vận hành ngoài kiểm soát, mà đó là sự biểu diễn ra của những giả định của chúng ta, của những thói lệ nằm ẩn trong suy nghĩ của chúng ta, tất cả ăn sâu vào trong cuộc sống thường ngày của chúng ta thành ra điều mà chúng ta gọi là ‘lẽ thường tình’ (common sense). Toàn bộ cách nghĩ và cách nhìn của chúng ta cần phải được thay đổi từ bên trong ra ngoài”. Điều mà Bateson đã kêu gọi cho một cuộc cách mạng về tri thức, tinh thần và tình cảm, để có thể thấy được những mối liên hệ ấy và khám phá lại phần đóng góp của chúng ta trong mạng lưới sự sống ấy. Trong 33 năm kể từ sau cái chết ở tuổi 76 của ông, dân số thế giới đã gia tăng từ khoảng 4 tỉ lên đến 7 tỉ người. Và ngày nay, thong điệp của Bateson ngày càng trở nên thích hợp hơn bao giờ hết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...