“Art Therapy and Trauma”
Tác giả: KARINA MARGIT ERDELYI – Chuyên gia về
sáng tạo, sức khoẻ và phong cách sống; chuyên viên, biên tập, sản xuất các nội
dung liên quan trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau.
Nguồn: PSYCOM - Updated: Sep 3, 2020
Người
dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa
KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng
Non
Nhiều
người đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần không phải lúc nào cũng có thể bày tỏ
bằng lời nói, tuy nhiên, họ có thể bộc lộ cảm xúc thông qua những hoạt động
sáng tạo như thơ, nhạc hoặc mỹ thuật. Bộc lộ thông qua nghệ thuật có thể giúp họ
phản ánh những suy nghĩ, những thách thức và khao khát của bản thân. Vincent
Van Gogh phóng chiếu những trải nghiệm cảm xúc hỗn loạn của mình trên tấm vải bạt.
Ông ấy từng nói: “Những gì sống trong nghệ thuật và có thể sống vĩnh cửu, trước
hết là ở họa sĩ và sau đó là trong bức họa.”
Sức mạnh
chữa lành của nghệ thuật đã được công nhận từ rất lâu bởi các nghệ sĩ trên khắp
thế giới, nhưng ngày nay nó xuất hiện như một phương thức trị liệu có bằng chứng
cho rất nhiều tình thế chăm sóc sức khỏe tâm thần khác nhau như sang chấn, PTSD
(rối loạn stress hậu sang chấn), trầm cảm và ngay cả tâm thần phân liệt. Bằng
cách tạo ra một lộ trình mới cho việc tự bộc lộ, trị liệu nghệ thuật cung cấp
những lợi ích vô giá cho những người đang nỗ lực với những thách thức gay go về
sức khỏe tâm thần. Ngày nay, cùng với việc ngày càng có nhiều bằng chứng về
tính hiệu quả, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng sự tích hợp trị liệu nghệ
thuật vào trong việc trị liệu chung về sức khỏe tâm thần.
1. Trị
liệu nghệ thuật là gì?
Xu hướng
sách tô màu dành cho người lớn đã đưa ra một gợi ý về những gì trị liệu nghệ
thuật có thể làm cho mỗi cá nhân. Hiệp hội Trị liệu Nghệ thuật Hoa Kỳ (The
American Art Therapy Association) mô tả hoạt động này là việc sử dụng “quá
trình sáng tạo tạo ra sản phẩm nghệ thuật nhằm cải thiện và nâng cao sự an lành
về cảm xúc, tinh thần và thể chất của cá nhân ở mọi lứa tuổi.” Trị liệu nghệ
thuật bao gồm việc sử dụng những kỹ thuật của nghệ thuật như viết, tô vẽ, hoạt
động với đất nặn, tranh dán (collage) và diễn kịch như là những hình thức biểu
lộ một cách sáng tạo giúp con người khám phá những khía cạnh trầm ẩn (undertones)
về tâm lý và cảm xúc đang tiếp diễn trong đời sống của họ. Đây là một phương thức
hỗ trợ hữu dụng đối với những người gặp khó khăn trong việc dùng lời nói.
2. Từ
lúc nào nghệ thuật trở thành “trị liệu”?
Trong khi
con người đã từng sử dụng nghệ thuật như là một cách thức để bày tỏ, giao tiếp
và chữa lành từ hàng ngàn năm trước, trị liệu nghệ thuật chỉ bắt đầu chính thức
trong suốt từ giữa thế kỷ XX. Thuật ngữ “trị liệu nghệ thuật” được đặt ra vào
năm 1942 bởi họa sĩ Adrian Hill, mặc dù liệu pháp sử dụng việc bộc lộ mang tính
sáng tạo đã tồn tại trước đó. Nhiều bác sĩ lưu ý rằng nhiều người đang chịu đựng
những vấn đề về tinh thần thường tự bộc lộ thông qua vẽ và các hình thức hoạt động
nghệ thuật khác, khiến rất nhiều nhà lâm sàng đã khám phá ra rằng cách bộc lộ
thông qua hoạt động sáng tạo như là một chiến lược chữa lành (healing strategy).
Từ đó nghệ thuật đã trở thành một phần quan trọng trong các liệu pháp chăm sóc
sức khỏe tâm thần và nay nó còn được sử dụng trong một số kỹ thuật đánh giá và
hỗ trợ.
3. Chỉ làm
nghệ thuật thôi thì vẫn chưa phải là trị liệu nghệ thuật
Một người
làm sáng tạo nghệ thuật có thể cảm thấy hữu ích và tạo nên hiệu ứng thanh tẩy (cathartic),
nhưng đó không phải là một cuộc đối thoại với nhà lâm sàng đã qua huấn luyện. Điều
chính yếu là loại hình hỗ trợ này phải diễn ra cùng lúc với các phương thức
giao tiếp khác, bên trong một mối quan hệ có tính trị liệu và trong một thiết
chế có tính trị liệu. Với sự hướng dẫn của một nhà trị liệu nghệ thuật có chứng
nhận, thân chủ có thể “giải mã” những thông điệp không lời, những biểu tượng, ẩn
dụ được tìm thấy trong quá trình họ sáng tạo, có thể giúp họ hiểu biết tốt hơn
về những cảm xúc, động lực và hành vi của mình. Nhà trị liệu nghệ thuật sẽ sử dụng
những phương pháp tạo sản phẩm nghệ thuật khác nhau với thân chủ. Đôi khi,
trong một phiên có thể bao gồm vẽ và sơn, trong khi đó những nhà trị liệu khác
sẽ sử dụng viết văn, diễn kịch, làm tranh ghép hoặc nặn tượng.
4. Không
cần năng khiếu về nghệ thuật
Đúng
như vậy! Không có sẵn tài năng nghệ thuật lại là điều cần thiết để trị liệu nghệ
thuật thành công. Tại sao? Bởi vì phương thức trị liệu sáng tạo này không phải
là công việc nghệ thuật mà là tạo ra sự kết nối giữa việc bộc lộ có tính nghệ
thuật với cảm nhận và hành vi của một người. Thật là khó tin khi một thứ đơn giản
như là sáng tạo nghệ thuật lại có thể giúp cho trẻ em, vị thành niên và người lớn
giảm stress và lo âu, cải thiện lòng tự tôn và triệu chứng trầm cảm, giúp ứng
phó với tình trạng đau bệnh hoặc khiếm khuyết về thể lý. Những cá nhân, cặp đôi
và nhóm có thể làm việc với một nhà trị liệu nghệ thuật trong những thiết chế
khác nhau như trung tâm chăm sóc sức khỏe, cơ sở phục hồi, phòng tham vấn tư
nhân, trung tâm người cao tuổi và những tổ chức cộng đồng khác.
5. Ai
phù hợp với trị liệu nghệ thuật?
Thực tế
là bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm những lợi ích của việc tạo ra sản phẩm nghệ
thuật – chỉ việc đó thôi cũng thấy đây là một phương thức trị liệu liên thế hệ
tuyệt vời (wonderfully intergenerational therapeutic modality). Nhưng trị liệu
nghệ thuật có thể đặc biệt hữu ích cho một số nhóm nhất định. Vậy ai có thể nhận
nhiều lợi ích nhất? Những người có lịch sử PTSD, sang chấn về cảm xúc, trầm cảm
và lo âu nghiêm trọng, bị ngược đãi về tình dục, thể chất, tinh thần tìm đến trị
liệu nghệ thuật sẽ có lợi ích to lớn. Đây là một phương thức trị liệu cực kỳ
quan trọng khi làm việc với trẻ em trải qua những giai đoạn chuyển tiếp trong gia
đình (family transitions), hoặc từng là nạn nhân bị xâm hại, chưa đủ ngôn từ để
chia sẻ trải nghiệm của mình trong những môi trường trị liệu. Một lợi ích khác
là nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sáng tạo nghệ thuật kích thích giải phóng
dopamine, chất dẫn truyền thần kinh “cảm thấy tốt” (“feel-good”
neurotransmitter) của chúng ta, giúp chúng ta có thể đương đầu với trầm cảm và
lo âu.
6. Điều
gì xảy ra với ngôn ngữ khi sang chấn xảy ra.
Khi một
người trải qua sang chấn, phần não bộ chịu trách nhiệm về ngôn ngữ - tức vùng
Broca - sẽ bị ngừng hoạt động, trong khi đó hạch hạnh nhân (amygdala) – trung
tâm nhận biết nguy hiểm của não bộ - sẽ cảnh giác cao độ, ghi nhận lại những ký
ức về sang chấn thông qua thị giác và cảm giác của cơ thể (traumatic memory
visually and as bodily sensation). Nhà trị liệu nghệ thuật Gretchen Miller ở Viện
Quốc gia về Sang chấn và Mất mát ở Trẻ em (the National Institute for Trauma
and Loss in Children) đã phát biểu trong một bài báo trên arttherapy.org như
sau: “Bộc lộ qua nghệ thuật là một cách thức mạnh mẽ để tách sự sáng tạo và an
toàn ra khỏi những trải nghiệm kinh khủng của sang chấn. Nghệ thuật giúp những người
sống sót qua sang chấn có thể lên tiếng một cách an toàn và làm cho những trải
nghiệm suy nghĩ, cảm nhận, và ký ức của họ có thể nhìn thấy được, khi mà ngôn từ
của họ không đủ để diễn đạt.”
7. Một địa hạt
của thị giác và xúc giác
Đây là
những thỏa thuận chung trong trị liệu nghệ thuật: Việc sử dụng nghệ thuật để bộc
lộ cảm xúc có thể chạm đến những ký ức cả về thị giác lẫn cơ thể. Hình ảnh tạo
nên sự kết nối về thị giác, trong khi sử dụng những chất liệu xúc giác như đất
nặn và giấy thì lại giúp kết nối một người với cảm nhận về cơ thể của mình. Những
người từng chịu đựng sự lạm dụng về thể chất và tình dục thường bị mất kết nối
với cảm nhận cơ thể và người ta cho rằng kết nối với thị giác và xúc giác sẽ
tác động vào hạch hạnh nhân, phần não bộ cảm nhận sự sợ hãi – làm cho trị liệu
nghệ thuật trở thành một phương thức chữa lành đặc biệt mạnh mẽ đối với những
người từng trải qua sang chấn.
8. Trị
liệu sang chấn bằng liệu pháp nghệ thuật
Cảm nhận
an toàn là điều quan trọng để có mối quan hệ trị liệu thành công cho những nạn
nhân của sang chấn. Và nền tảng quan trọng là dựa trên những giây phút hiện tại.
Đây là lý do tại sao: Trước khi bất kỳ ký ức sang chấn nào có thể được xử lý,
điều cốt yếu là người đó cần biết rằng sang chấn đã đi qua và bất kỳ cuộc đối
thoại về sang chấn cũng đều là đang diễn ra “ở đây và lúc này” (here and now). Cảm
nhận bị ngập tràn bởi những ký ức sang chấn có thể quá mạnh. Và điều đó có thể
ngăn cản sự chữa lành. Đây là lý do chính mà trị liệu nghệ thuật rất hữu ích với
những người đã trải qua sang chấn: Ký ức đau thương được lưu trữ một cách trực
quan trong tâm trí, việc kết nối những ký ức này thông qua nghệ thuật có thể có
tác dụng giải phóng tức thời, cho phép một người đối diện với những khía cạnh của
vấn đề, theo nhịp độ và cách thức của họ mà không trở nên quá tải.
9. PTSD
và trị liệu nghệ thuật
Ngôn từ
đôi khi cũng thất bại. Trong khi trị liệu bằng lời nói và liệu pháp nhận thức
hành vi (CBT) từng được dùng để hỗ trợ PTSD, chúng không luôn luôn hiệu quả. Những
mô hình trị liệu này hướng đến làm giảm giải trừ sự nhạy cảm (desensitize) của
người sống sót thông qua việc bộc lộ những cảm nhận về những sự kiện gây sang
chấn, nhưng việc hồi tưởng lại sang chấn là rất khó khăn. Và việc khơi thông những
trải nghiệm gây sang chấn bằng cách nói chuyện không luôn luôn là cách tốt nhất
để chạm đến những ký ức này. Tuy nhiên, khi việc bộc lộ qua nghệ thuật hoặc sáng
tạo được đưa vào phiên trị liệu, ở mức độ rất cơ bản, nó có thể tiếp cận đến đến
những phần trải nghiệm khác của thân chủ. Nó có thể chạm đến những cảm xúc
không dễ được gợi lên chỉ bằng lời nói và có tác dụng mở lối khi ngôn từ thất bại.
10. Sang
chấn không bao giờ là “chuyện nhỏ” (pint-sized)
Đối với
trẻ nhỏ, trị liệu nghệ thuật là một công cụ đặc biệt hữu hiệu, bởi vì trẻ nhỏ
không có khả năng phát biểu về những ký ức, trải nghiệm, cảm xúc, suy nghĩ. Làm
nghệ thuật trong thiết chế trị liệu cho phép một cách “kể chuyện không dùng lời”
(non-verbal telling), khiến trẻ cảm thấy an toàn hơn và có thể chia sẻ trải
nghiệm của mình nhiều hơn. Trẻ nhỏ cũng có thể thiếu ngữ nghĩa và từ vựng – vì
vậy sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh của mối quan hệ trị liệu cho phép việc tự
bộc lộ mà không bị trở ngại bởi việc thiếu ngôn từ. Đối với trẻ nhỏ từng trải
qua sang chấn hoặc lạm dụng, trị liệu nghệ thuật cho phép “kể mà không cần nói”
(telling without talking), “lên tiếng mà không cần đến giọng nói” (giving voice
without voice).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét