Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

NARRATIVE HOUSE: MỘT ẨN DỤ CHO LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ - Phần 3

“Narrative House: A Metaphor for Narrative Therapy – A Tribute for Michael White”

Tác giả: RENÉ VAN WYK - PhD Psychology, Đại học Johanesburg, Nam Phi

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Phần 3

MÔ TẢ NÔNG CẠN SO VỚI MÔ TẢ SÂU SẮC (Thin versus thick descriptions)

Freeman, Epston, & Lobovits (1997) nêu rằng những câu chuyện trội ở mội cá nhân dđược hình thành qua việc “đồng xác nhận” (co-validation) bởi những người quan trọng khác trong đời. Những câu chuyện trội (dominant story), bằng cách làm cho cá nhân trở nên nông cạn và hạn hẹp, có thể ngăn cản người ấy nhận ra những trải nghiệm thay thế vì qua đó có thể làm cho những câu chuyện trội ấy không còn sắc nét. Các vấn đề có thể dẫn đến một sự mô tả nông cạn, bão hoà bởi những câu chuyện đầy các vấn đề, thậm chí còn có thể thêm thắt vào những phân tích và chẩn đoán của các chuyên gia (White, 1991; White & Epston, 1990). Thường thì những ý kiến đầy quyền năng đến từ các cá nhân và tổ chức có chuyên môn sẽ giới hạn việc mô tả về một cá nhân chỉ với những đặc trưng mong manh, yếu ớt (thin, lean characteristics) (Payne, 2006). Thông qua giải kiến tạo và ngoại hiện, một người sẽ nhận ra rằng giá trị của bản thân (self-worth) không phụ thuộc vào ý kiến của những người đã kê đơn điều trị, cũng như đã củng cố và duy trì các vấn đề của mình  (Payne, 2006).

Giải kiến tạo và ngoại hiện giúp cá nhân đối kháng lại với tình trạng mô tả hạn hẹp về những vấn đề vốn được kiến tạo về mặt xã hội (Payne, 2006), mà việc này bác bỏ khái niệm về một “bản ngã cốt lõi” (core self). Những mô tả hạn hẹp về hành vi có thể dẫn đến những câu chuyện bị bão hoà vấn đề, trong đó đương sự nhìn bản thân mình trong thế gian này qua một lăng kính chỉ thấy ở bản thân là những vấn đề đã được định nghĩa (Durrant & Kowlaski, 1998). Việc phản bác lại những cách mô tả nông cạn của những những câu chuyện bão hoà vấn đề có thể giúp “thương lượng lại” (renegotiate) với vấn đề không như một phần của bản thân người đó (Gergen & Davis, 1985; Anderson 1997; Gergen, 1992, 1999). Ý tưởng là nhằm giúp đương sự phát triển một cái nhìn sâu rộng hơn về bản thân và có định hướng đến các giải pháp (solution-oriented view), qua đó lăng kính về sự hình thành giải pháp sẽ thay thế cho lăng kính chỉ nhìn thấy vấn đề, nhờ đó mà cuộc sống cũng được xem xét. Bằng cách đó, một lăng kính về năng lực và tự tôn trọng sẽ được hình thành, thay thế cho lăng kính chỉ thấy sự yếu kém, tự ghét bỏ và tự trách móc bản thân. Mục đích nhằm khám phá những mâu thuẫn có trong những câu chuyện nông cạn (thin story), và sử dụng những ngoại lệ này để xây dựng nên cái nhìn mới hơn, thành thục hơn về bản thân.

Sự mô tả hạn hẹp về một cá nhân sẽ không giúp nhận ra đầy đủ những đặc trưng cá nhân và tiềm năng của người đó. Morgan (2000) đã chỉ ra rằng những nhà trị liệu trong liệu pháp chuyện kể thường lúc đầu sẽ bị tràn ngập bởi những câu chuyện bão hoà vấn đề với những mô tả hạn hẹp. Lý tưởng là, thông qua giải kiến tạo, ngoại hiện và sử dụng phép ẩn dụ mô tả (deconstruction, externalisation and utilisation of descriptive metaphor), phải hình thành nên một cách thức mô tả sâu sắc hơn về cá nhân đó. Những câu chuyện thay thế này sẽ không củng cố và duy trì cách mô tả nông cạn của những câu chuyện cũ, mà mở ra những khả năng sống mới. Nhằm làm phong phú thêm cho câu chuyện thay thế (to thicken the alternative story), cần tìm thêm những nhân chứng (witness) giúp tác động như những thành viên hỗ trợ cho câu chuyện mới (Morgan, 2000).

Hình số 1


Xem lại Phần 1 - Phần 2

Phần 3

HỆ QUẢ ĐỘC ĐÁO (UNIQUE OUTCOME)

Hệ quả độc đáo là một “thời khắc lung linh” (sparkling moment), một tình huống trong đó vấn đề không hiện rõ nét, mà lại cho thấy hiệu năng tự thân (self-efficacy) của cá nhân trong việc tìm ra giải pháp và không hề e sợ trước vấn đề đó (Durrant & Kowalski, 1998; Monk, 1997). Nó mang lại cho cá nhân đó một bằng chứng lịch sử rõ ràng rằng mọi chuyện có thể khác, rằng vấn đề không phải lúc nào cũng nổi trội. Khi nhà trị liệu khám phá một liên hệ giữa thân chủ và vấn đề của họ, khả năng xuất hiện những hệ quả độc đáo sẽ gia tang, cho phép nhà trị liệu báo động cho thân chủ về những ngoại lệ trong câu chuyện nổi trội của họ mà những điều ấy thường bị thân chủ bỏ qua không chú ý đến (Epston, 1998; Freeman, Epston, & Lobovits, 1997; White & Epston, 1990). Durrant và Kowalski (1998) ngụ ý về hệ quả độc đáo như là việc nhà trị liệu cùng thân chủ thăm dò và khám phá những ngoại lệ trong câu chuyện, những tình thế mà trong đó vấn đề không hẳn là vấn đề, hoặc vấn đề ít có vẻ là vấn đề. Bằng cách tìm kiếm những hệ quả độc đáo và tránh không dùng loại ngôn ngữ bệnh lý (pathological language), sẽ có một sự phong phú về ý tưởng có thể được khám phá để vinh danh nghị lực vượt khó (resilience) của thân chủ, bất kể việc vẫn sống trong nghịch cảnh (Ungar, 2005). Việc này mở đường cho thân chủ có thể tháo dỡ sự trói buộc bản thân mình bên trong câu chuyện nổi trội, giải thoát bản thân để tạo lập nên một câu chuyện thay thế đáng lựa chọn hơn và theo đuổi một cách tiếp cận đặt trọng tâm vào giải pháp (solution-focused approach).

Để có thể nhận diện những hệ quả độc đáo, nhà trị liệu nên duy trì một sự cảnh tỉnh đối với bất cứ sự mô tả nào về những trải nghiệm trái ngược với nội dung câu chuyện nổi trội đầy vấn đề và có tính yếm thế của thân chủ, trong khi hướng đến hiệu năng tự thân với một nhãn quan thay thế (Payne, 2006). Cũng chính việc khảo sát lịch sử của những hệ quả ngoại lệ này mà những câu chuyện thay thế sẽ được hình thành và cội nguồn của những khả năng ấy sẽ được nuôi dưỡng để trở thành những câu chuyện kể thay thế nói về sự thành công và sau cùng là về những việc làm dẫn đến thành công (White, 1995; White & Epston, 1990). Nhà trị liệu phải nhậy cảm với những manh mối như thế trong khi khảo sát những “cốt chuyện phụ” (sub-plots) trong câu chuyện kể của thân chủ (Payne, 2006).

Niehaus (2003) đã nêu một tình huống khi bà yêu cầu một người kể chuyện hãy mô tả sâu hơn về một hệ quả độc đáo. Việc này được chào đón bằng một nghi thức. Theo Niehaus (2003), đây là một bước đi có ý nghĩa trong việc tách thân chủ ra khỏi câu chuyện vốn bị bão hoà bởi các vấn đề và hướng đến một phiên bản đời sống khác đáng lựa chọn hơn. Những nghi thức là cách thức chào đón thành quả của một cá nhân trong việc đảm nhận trách nhiệm với vấn đề của mình, xác thực bản sắc của cá nhân đó trong khi làm như thế (Epston, 1998). Điều này cho phép nhân vật chính từ bỏ mối quan hệ bão hoà vấn đề trước đây và tự lực sáng tác lại những mô tả sâu sắc hơn về những hành vi vượt khó của mình. Ungar (2005) cũng đã nêu ra vai trò của cộng đồng trong việc hỗ trợ một thân chủ phát triển hành vi vượt khó. Bằng cách này, giọng nói đau khổ trước đó sẽ được thách thức, bắt đầu bằng những phản ngôn không chắc chắn (uncertain back-chatting), sau đó là sự kiểm soát và phản bác lại vấn đề một cách tự tin hơn và tự nhiên hơn (Niehaus, 2003).

White (1989, tr.38) lưu ý rằng việc nhận diện những hệ quả độc đáo không đơn giản có nghĩa là “việc chỉ ra những điều tích cực”. Thay vì thế, nó là một cuộc khám phá tìm ra những thế mạnh cố hữu còn đang bị ẩn giấu (Payne, 2006; White, 1989). Nếu chỉ đơn giản là nêu ra những điều tích cực thì sẽ không mời gọi được thân chủ sử dụng tính độc đáo của một hệ quả tích cực như một viên gạch để xây dựng nên một cách tiếp cận hướng về giải pháp. Mối nguy là ở chỗ việc nêu ra những điều tích cực chỉ góp thêm cho thân chủ một sự mô tả nông cạn, bằng cách chỉ vỗ tay tán thưởng hành vi của thân chủ thay cho việc mô tả chi tiết hơn về những gì thân chủ thực sự đã cảm sống (Ungar, 2005). Những “điều tích cực” không chỉ nên được chỉ ra mà còn nên được khám phá (Durrant & Kowalski, 1998). Thân chủ phải được mời gọi một cách cụ thể hết mức trong việc trải nghiệm những điều ngoại lệ như thế và mô tả chúng một cách chi tiết qua những câu hỏi như: “Hãy cho tôi biết bạn đã làm gì khác khi đang cố gắng đương đầu với vấn đề ấy?”; “Việc đó làm bạn cảm thấy thế nào?”; “Có thể nói gì về con người của bạn?”. Việc mô tả chi tiết về nghị lực vượt khó khi nói về những hệ quả độc đáo sẽ giúp hỗ trợ cho một cách diễn ngôn “tìm kiếm sự lành mạnh” trong hạnh phúc cá nhân (Nguyên văn: “Resilient thickening of unique outcomes supports a salutogenic health-seeking discourse of personal well-being”) (Ungar, 2005).

Sự định dạng bản sắc qua những diễn ngôn, sự ngoại hiện các vấn đề qua cách ẩn dụ và nhận diện các hệ quả độc đáo, sẽ giúp hoạt hoá một quá trình giải kiến tạo liên tục. Sự giải kiến tạo cho phép thân chủ đối kháng lại với những tiêu cực đến từ sự “điều kiện hoá xã hội” (social conditioning) và lấy lại những cách sống mới (Wylie, 1994). Sự giải kiến tạo mở ra triển vọng cho con người trong việc tường thuật lại những biến cố trong đời sống mà không khiến chúng được kể thành một cảnh quang về bản sắc của mình (Freedman & Coombs, 1996). Để giúp cho việc giải kiến tạo và kể lại những hệ quả độc đáo:

* Người giải kiến tạo (deconstructionist) cần tìm ra những lỗ hổng hoặc những khoảng mơ hồ trong những ý nghĩa đã được chấp nhận và xem là “chính thống” trong những diễn ngôn

* Trong khi mô tả sâu về những hệ quả độc đáo, các cá nhân được khuyến khích nhận diện ra những sự mơ hồ trong câu chuyện bị bão hoà vấn đề bằng cách yêu cầu hãy giải quyết hoặc đương đầu với những sự mơ hồ đó.

* Các cá nhân cũng được khuyến khích hãy lấp đầy những lỗ hổng/khoảng trống bằng cách kể lại và định hình cho những thay đổi chi tiết trong câu chuyện kể.

* Cá nhân cũng nên được trải nghiệm việc tường thuật những hệ quả độc đáo của họ như là điều gì đó mà họ có thể kiểm soát việc định hình chúng chứ không chỉ để chúng định hình nên họ.

* Việc giải kiến tạo và mô tả chi tiết những hệ quả độc đáo sẽ giúp cá nhân đương đầu và nới lỏng những cách diễn ngôn hạn hẹp.

Việc lắng nghe theo kiểu giải kiến tạo và nhận diện các hệ quả độc đáo đến từ một lập trường “không biết” một cách có chủ ý, khám phá cảnh quan hành động (landscape of action) thông qua việc lập dàn khung nâng đỡ (scaffolding) và một chim ưng đang bay (eagle flight) [Đề nghị xem lại Hình Số 1] – Một khả năng nhận ra việc cá nhân tách biệt với các vấn đề, mở rộng cảnh quan hoạt động để kết nối với các lực đối lập với vấn đề và những tác động của nó (Botha, 2007; Durrant & Kowalski, 1998; Freedman & Coombs, 1996). Khung nâng đỡ và cánh ưng bay đại diện cho sự vận hành chức năng của nhà trị liệu ngang với mức độ những trải nghiệm của thân chủ - “đặt chân vào đôi giày” của thân chủ và quan sát cách kể chuyện của người đó (Botha, 2007; Monk, Winslack Crocket, & Epston, 1997). Khi đã có được sự tin tưởng và hiểu biết ở một mức độ nào đó, nhà trị liệu chuyển dần từ chỗ “lắng nghe giải kiến tạo” (deconstructive listening) sang cách “hỏi chuyện giải kiến tạo” (decostructive questioning), mời gọi thân chủ nhìn lại câu chuyện của họ từ những nhãn quan thay thế, nhận ra những giới hạn của những diễn ngôn, mở ra khả năng cho những chuyện kể khác, nhận ra rằng những diễn ngôn không phải là không thể tránh và không phải là không thể kiểm soát được (Botha, 2007; Monk, Winslade, Crocket, & Epston 1997; Freedman & Coombs, 1996).

Ngay khi việc này hoàn thành, cánh cửa sẽ được mở ra để thân chủ tự mình có thể cam kết phản bác lại những sự kềm hãm của các diễn ngôn hình thành trong lịch sử. Việc vấn đàm theo cách giải kiến tạo cho phép thân chủ giành lại những khía cạnh và những trải nghiệm vốn là những thành phần của bản thân chứ không phải như là một phần của vấn đề. Freedman & Coombs (1996) đã chỉ ra rằng những câu hỏi giải kiến tạo giúp thân chủ “giải nén” những câu chuyện và phân biệt bản thân mình với những niềm tin, những hành xử, những cảm nhận và những thái độ. Nó khuyến khích họ nhìn lại chính mình qua câu chuyện kể trong một hệ thống rộng lớn hơn, và mở rộng tầm nhìn của họ để đón nhận những sự kiện “lung linh” hơn trong tương lai sắp tới…

Việc thăm dò những hệ quả độc đáo sẽ mời gọi thân chủ và giúp họ định vị lại để tường thuật những trải nghiệm sống phong phú hơn và khám phá những tình huống khi mà vấn đề có thể được kiểm soát. Việc này cho phép họ tiến triển đi từ những câu chuyện bị lấn át bởi những vấn đề sang vị thế có uy quyền hơn đối với vấn đề (White, 1989). Lý tưởng là (nhà trị liệu) nên giữ một tâm thế hiếu kỳ, mời gọi thân chủ đón lấy ý tưởng về năng lực của bản thân họ, vì thân chủ đôi lúc dễ có khuynh hướng quay trở lại với cái nhìn “bão hoà vấn đề” theo kiểu cũ (Durrant & Kowalski,1998).

Đón xem tiếp Phần 4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...