Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

SINH VIÊN CÓ THỂ TỰ HỖ TRỢ ĐỜI SỐNG TINH THẦN TRONG ĐẠI DỊCH COVID 19

Bài viết cho Sinh viên Trường Đại học Văn Hiến Tp.HCM

Tác giả: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý trị liệu BV Đại học Y Dược Tp.HCM, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KH Xã hội-Nhân văn, ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Thành viên CLB Trăng Non.




Trong hai năm qua, ở nhiều nơi trên toàn thế giới, chúng ta đang trải qua một đại dịch kinh hoàng đối với loài người, làm thay đổi mọi mặt về đời sống. Có lẽ không cần phải nhắc lại về những con số ca nhiễm, ca tử vong khi những thông tin này xuất hiện mỗi ngày nhiều lần xung quanh chúng ta. Trong quá trình làm việc hỗ trợ tâm lý cũng như tiếp xúc với sinh viên, tôi nhận thấy, các bạn sinh viên, cũng như bao đối tượng khác, đã gặp phải muôn vàn khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin chia sẻ đôi điều, hy vọng các bạn sinh viên có thể tự giúp đỡ bản thân về đời sống tinh thần, từ đó có thể giúp đỡ những người khác, đặc biệt là những người thân của mình.

Nếu bạn đang cảm thấy chán nản, buồn rầu, mệt mỏi, lo lắng và còn rất nhiều những cảm xúc tiêu cực khác trong giai đoạn này, điều đó cho thấy rằng bạn là một người lành mạnh, tâm trí bạn đang phản ứng với những khó khăn ập tới. Chúng ta có thể đón nhận những cảm xúc đó và bắt đầu tìm hiểu nó. Những lo âu, buồn chán, sợ hãi, vì rất nhiều lý do khác nhau như lo cho sức khỏe của bản thân và người thân, lo lắng vì người thân hay bản thân đang phải cách ly, lo lắng vấn đề kinh tế…

Nhắc nhở bản thân đây là giai đoạn tạm thời

Đại dịch nào cũng sẽ qua. Điều quan trọng là cách nó đi qua như thế nào. Không ai có thể nói trước điều này vì nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác dù nhiều chuyên gia có thể dự đoán phần nào. Giống như một cơn bão, hẳn sẽ để lại nhiều ngổn ngang, thương tổn. Nhưng việc tự nhắc nhở đây là giai đoạn tạm thời có thể giúp bạn đi qua những chán chường lúc này và đỡ khó nhọc hơn.

Nhớ rằng nỗ lực của bạn đang đóng góp vào việc giúp đỡ người khác và giúp đỡ cộng đồng

Người khác và cộng đồng ở đây bao gồm chính bạn và những người thân của bạn. Đối với tôi, đa số sinh viên thực hiện giãn cách xã hội có phần khó khăn hơn các đối tượng khác bởi sự năng động, linh hoạt và sức trẻ của mình và nhu cầu cao trong việc giao lưu, sáng tạo, và những trải nghiệm sôi động, tìm kiếm thu nhập. Do đó sự cố gắng của các bạn trong việc thực hiện giãn cách cũng cần được ghi nhận bởi chính các bạn và những người xung quanh.

Sử dụng công nghệ để duy trì kết nối với gia đình, bạn bè, người thân

Con người luôn có nhu cầu kết nối, tương tác với người khác, đặc biệt là người thân. Điều này rất ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của con người. Nhiều người duy trì điều này một cách tự nhiên. Nhưng cũng không ít người chán chường, lo lắng, buồn rầu đến mức không muốn liên lạc với ai, không muốn người thân lo cho mình, không muốn “lan truyền” cảm xúc tiêu cực của mình đến người khác. Lúc này, rất cần sự tự nỗ lực, thử liên lạc, thăm hỏi gia đình, nghe những lo lắng, thử chia sẻ từng chút, từng chút có thể sẽ giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Đó có thể là những câu chuyện đời thường, chuyện mớ rau, con cá, chuyện tin tức… Không quan trọng đó là nội dung gì, quan trọng là bạn sẵn lòng nói chuyện với ai đó, đặc biệt là người thân và cho họ cơ hội nói chuyện với bạn.

Tìm kiếm, tham gia vào những hoạt động lành mạnh giúp bạn thư giãn 

Khi bạn cảm thấy mình có thể và sẵn sàng nhiều hoạt động trên mạng xã hội, giữa những người bạn với nhau, và vô vàn những hoạt động khác bạn có thể có hứng thú tự làm ở nhà: làm đồ handmade, viết nhật ký, vẽ tranh, ca hát hay bất kỳ điều gì khiến bạn cảm thấy dễ chịu, thư giãn.

Duy trì lịch biểu sinh hoạt lành mạnh 

Việc ở nhà nhiều, học trực tuyến có thể khiến bạn thay đổi giờ giấc ăn, ngủ… Cố gắng tối đa trong việc duy trì ăn, ngủ, sinh hoạt có giờ giấc và khoa học. Tự phân bổ thời gian hợp lý cho nhiều hoạt động khác nhau trong ngày. Nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng nó có thể đang dần ảnh hưởng đến tâm trạng và đời sống tinh thần của bạn.

Duy trì hoạt động thể chất 

Việc thực hiện giãn cách xã hội có thể hạn chế cơ hội vận động của các bạn sinh viên. Trong khi đây là nhu cầu quan trọng của cơ thể để duy trì sức khỏe toàn diện. Tùy từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, khi ý thức tầm quan trọng của việc vận động, các bạn có thể có thể sáng tạo và có giải pháp của riêng mình để giúp cơ thể có cơ hội vận động ngay cả trong không gian nhỏ hẹp, thiếu thốn.

Cẩn thận trong việc tiếp cận tin tức 

Công nghệ, mạng xã hội đang giúp chúng ta rất nhiều trong việc kết nối và tiếp cận tin tức gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, với sự tiện lợi, nhanh chóng đó, quá nhiều nguồn tin không được kiểm chứng có thể gây hoang mang, rối rắm, thêm lo lắng cho các bạn sinh viên, làm các bạn thêm mệt mỏi. Đây cũng là cơ hội để các bạn rèn luyện khả năng phản biện và kiểm chứng thông tin.

Nhiều bạn sinh viên cũng quan tâm đến việc muốn trấn an, hỗ trợ tinh thần cho người khác. Đối với tôi đây là một động lực tốt đẹp đáng được khuyến khích. Điều quan trọng là bạn là ai với người mà bạn muốn giúp đỡ. Dựa trên mỗi quan hệ đó, trước hết hãy thể hiện sự quan tâm của bạn như vai trò bạn đang là với người đó. Chẳng hạn, bạn đang lo cho ba mẹ ở quê một mình, hãy như một đứa con quan tâm đến ba mẹ; hoặc bạn đang lo cho người chị gái trong khu cách ly, hãy là một đứa em quan tâm, hỏi han chị, hỗ trợ trong khả năng khi cần… Tôi muốn nhấn mạnh rằng với động lực tốt đẹp và nền tảng mối quan hệ sẽ giúp mỗi người biết cách giúp một người đang gặp khó khăn như thế nào.




Đối với sinh viên tâm lý, khoan vội xem mình là một “người học tâm lý” và tự gây áp lực cho bản thân khi muốn giúp đỡ ai đó trong giai đoạn này. Lúc này, các bạn chỉ có thể giúp đỡ người khác trong vai trò chưa phải là một nhà tâm lý.

Cần lưu ý rằng có thể đối với một số sinh viên có những khó khăn tinh thần sẵn có trước đó liên quan đến rất nhiều vấn đề phức tạp từ tuổi thơ, gia đình, các mối quan hệ, nay lại gặp thêm những khó khăn do đại dịch COVID-19 trở thành yếu tố kích hoạt cho nhiều khó khăn trước đó. Nói cách khác, những khó khăn về tinh thần hiện nay xuất hiện ở một số sinh viên không đơn thuần là khó khăn do dịch bệnh, do giãn cách, mà còn có thể liên quan đến các khó khăn tinh thần có trước đó, dù bạn có nhận ra chúng hay không. Đây thường là những trường hợp phức tạp, và chính các bạn cũng  cần nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp.

Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác liên quan đến mất mát, đau buồn, những nguy cơ đe dọa đến tính mạng, đến thu nhập của gia đình, đến những quyết định quan trọng trong đời sống khiến bạn chẳng thể tự lực được trong việc tự giúp bản thân, cũng chẳng còn năng lượng để làm bất kể điều gì mà tôi đề cập ở trên. Đây là những dấu hiệu bạn cần liên hệ với những nơi có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp.

Trên đây là một số gợi ý dành cho các bạn sinh viên trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Những khó khăn thường gắn liền với bối cảnh sống riêng biệt của mỗi người. Do đó các bạn sinh viên có thể sáng tạo, biến đổi cho phù hợp với điều kiện của bản thân. Đại dịch xảy ra thách thức rất nhiều điều trong đời sống con người. Và thách thức cả khả năng tự lực của mỗi chúng ta.



Nhật ký giúp gì cho bạn?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...