Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

NHỮNG VAI TRÒ GIA ĐÌNH TRONG GIA ĐÌNH LOẠN CHỨC NĂNG

Family roles in Dysfunctional Families

BS NGUYỄN MINH TIẾN dịch và tổng hợp


(Ảnh chỉ có mục đích minh hoạ)

 

Một số gia đình có tình trạng rối loạn chức năng – nói cách khác, hệ thống gia đình đó vận hành không tốt. Một ví dụ có thể nêu ra đó là trường hợp gia đình có một người phụ mẫu (người cha chẳng hạn) bị lệ thuộc chất – một người nghiện.

Gia đình có người nghiện chất được mô tả như một hệ thống đóng kín. Gia đình đó có khuynh hướng tự cô lập họ với bên ngoài, đường biên giới xung quanh cứng nhắc, và những ảnh hưởng từ bên ngoài không được cho phép xâm nhập vào bên trong. Loại hệ thống đóng kín và cứng nhắc này thường nuôi dưỡng những căng thẳng. Một phần, những căng thẳng này được giải quyết bằng cách mỗi thành viên sẽ đảm nhận một vai trò chuyên biệt và có thể dự đoán trước (a specific, predictable role). Các vai trò sẽ có tác dụng giúp chuyển hướng sự chú ý ra khỏi người người nghiện (addict hoặc alcoholic, trong trường hợp nghiện rượu) và làm giảm căng thẳng nói chung bên trong gia đình.

Các tác giả của lý thuyết hệ thống gia đình đã tạo nên một số các sơ đồ để phân loại các hành vi vai trò (role behavior) bên trong gia đình có người nghiện.

Trong bàn luận sau đây, chúng ta sẽ khảo sát một trong số những sơ đồ phân loại chính đó. Sơ đồ bao gồm các vai trò như sau:

1, Người lệ thuộc chất/người nghiện (The chemically dependent person)

2, Người (có quyền) cho phép chính/Người xoa dịu (The chief enabler/Placator)

3, Vị anh hùng của gia đình (The family hero)

4, Nhân vật bị gán tội / dê tế thần (The scapegoat)

5, Đứa trẻ “biến mất”/"bị lạc" (The lost child)

6, Linh vật/vật mang lại vận may/"vai hề" (The mascot/Clown)

Trong sơ đồ này, gia đình được giả định là một gia đình hạt nhân, gồm cha, mẹ và bốn con hoặc đông con hơn. Ngoài ra, vì một trong hai vị phụ mẫu là người nghiện chất, nên sơ đồ này sẽ nhấn mạnh đến những vai trò thích nghi của những đứa con trong gia đình. Hơn nữa, ta cũng nên chú ý rằng trong khi một số gia đình có người nghiện có những thành viên đảm nhận rõ ràng những vai trò chuyên biệt; một số gia đình lại có những thành viên có thể biểu hiện cùng lúc những đặc trưng nhiều hơn một vai trò; lại có một số gia đình khác có những thành viên luân phiên chuyển đổi từ vai trò này sang vai trò khác theo thời gian; và trong cuộc sống của một số gia đình thì có khi một số vai trò nào đó lại có thể chẳng bao giờ xuất hiện. Những vai trò, vì thế, có thể quá “ngăn nắp” đối với hầu hết các gia đình có người nghiện. Tuy nhiên, để dễ bàn luận, mỗi vai trò sẽ được trình bày dưới hình thức mặc định rập khuôn của chính nó.

Người nghiện chất

Theo quan điểm hệ thống, thành viên nghiện không xem là người bệnh mà là đang đóng một vai trò, vai trò đó phải hành xử một cách vô trách nhiệm. Vai trò này có chức năng giúp hằng định nội môi (homeostatic function). Vai trò này tác động một cách đặc hiệu giúp đè nén những xung đột căn bản hơn trong hôn nhân và chuyển hướng sự chú ý ra khỏi các chủ đề gia đình có tính gây đe doạ.

Một khía cạnh quan trọng của vai trò người nghiện chất đó là sự tách rời cảm xúc (emotional detachment) ra khỏi người bạn đời và các con. Một hệ quả của việc giãn cách này là bỏ bê quyền lực làm cha mẹ. Quyền lực ấy thường được nắm lấy bởi người bạn đời (tức người phụ mẫu không nghiện) và một đứa con lớn. “Mối tình đầu” của người nghiện rượu hoặc nghiện ma tuý chính là chai rượu hoặc ma tuý. Theo thời gian, việc tự dùng chất trở thành một hoạt động trung tâm trong đời sống của người này; cuộc sống gia đình bị giảm đi tầm quan trọng của nó.

Người cho phép chính

Nói gọn là “người cho phép”. Thường có thể có nhiều người cho phép trong gia đình; tuy nhiên, người cho phép chính thường là người bạn đời không nghiện. Cho phép (enabling) là loại hành vi không chủ tâm nhưng lại trợ giúp cho quá trình nghiện bằng cách giúp người nghiện né tránh những hệ quả tự nhiên do hành vi thiếu trách nhiệm của người này. Hầu hết người nghiện đều có ít nhất một người cho phép trong đời mình, và nhiều người nghiện có thể có đến ba, bốn, hoặc nhiều người cho phép hơn để giữ cho họ tiếp tục nghiện.

Theo nhãn quan hệ thống gia đình, người cho phép chính giúp làm giảm căng thẳng trong gia đình (tức là duy trì sự cân bằng trong gia đình) bằng cách “làm mọi chuyện êm dịu đi” – nghĩa là, chuyện sao cũng được. Người cho phép (còn có cách gọi khác là “người xoa dịu” – placator) thường đối diện với một tình thế lưỡng nan: Nếu người này không đứng ra “bảo lãnh” cho những hành vi xấu của người nghiện, đôi khi những tình huống nguy hiểm (chẳng hạn như người chồng uống một mình ở quán rượu), người nghiện có thể làm chuyện gì đó gây hại cho bản thân và cho người khác. Một người vợ có chồng nghiện rượu đã có lần kể rằng bà ấy đã chiều chồng mình khi đã giúp ông ấy ra khỏi khoảng sân phủ đầy tuyết, nhưng bà nói rằng bà không còn lựa chọn nào khác vì nếu không giúp thì ông ấy sẽ chết cóng vì lạnh.

Trong nhiều trường hợp, người cho phép chính không nhận thức được rằng hành vi của mình đang góp phần làm cho tình trạng nghiện rượu, nghiện ma tuý vẫn tiếp tục tiến triển. Người cho phép tin rằng việc mình làm đơn giản là có ích và giúp giữ gìn cho gia đình họ vẫn bên nhau. Mặc dù có dự định tốt, những cố gắng của họ thường có những hệ quả huỷ hoại về lâu dài của người bạn đời bị nghiện của họ.

Người hùng của gia đình

Vai trò của “người hùng” thường được đảm nhận bởi đứa con cả. Vai trò này còn được xem như một kiểu “quyền huynh thế phụ” (parental child), một “siêu sao (superstar), “người đảm tốt hai vai” (goody two shoes). Đứa con này cố gắng làm tốt mọi chuyện. Anh ấy/cô ấy là người thành đạt cao trong gia đình, có vẻ như là một người có nhiều hoài bão và có trách nhiệm. Bất kể hoàn cảnh gia đình như thế nào (cả việc có một người cha nghiện chất), người con ấy vẫn thường được ngưỡng mộ vì đã xuất sắc trong những hoàn cảnh khó khăn.

Người hùng trong gia đình thường đảm nhận vai trò làm phụ mẫu do người nghiện bỏ lại. Anh ấy/cô ấy chăm sóc cho các em của mình, nấu ăn cho em, chuẩn bị cho các em đi học, cho em ngủ, giặt giũ, vân vân. Người phụ mẫu không nghiện (tức là người cho phép chính) thường không đủ thời gian cho những công việc nhà như thế này vì người này còn dành thêm thời gian để đi làm và chăm sóc cho người bạn đời bị nghiện.

Những người hùng trong gia đình thường giỏi giang trong việc học hành hoặc theo đuổi nghiệp thể thao. Họ có thể là những lớp trưởng, học sinh xuất sắc hoặc một vị trí nào đó tương tự. Họ sống theo định hướng phải thành đạt và thường phát triển những nghiệp vụ chuyên môn đáng nể trọng. Deutsch cho rằng nhiều người trong số họ về sau sẽ trở thành những “người nghiện công việc” (workaholics). Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn cho rằng những người hùng trong gia đình có khuynh hướng của mẫu người “hành vi týp A” khi trưởng thành. Khuôn mẫu hành vi này được đặc trưng bởi tính cạnh tranh, đối địch, khẩn trương về thời gian, và một ám ảnh với công việc, giữa những nét tính cách khác. Những người như thế dễ mắc các bệnh liên quan đến stress (ví dụ: loét dạ dày, bệnh mạch vành tim…).

Người hùng trong gia đình giúp làm giảm căng thẳng đơn giản là bằng cách “làm tốt mọi chuyện”. Người hùng là nguồn hãnh diện của gia đình, khơi dậy lại niềm hy vọng rất cần thiết của gia đình và mang lại cho gia đình một điều gì đó tốt lành. Những thành quả của người hung là những điều rất khác biệt rõ ràng giúp cho những thành viên trong gia đình có thể vây quanh và nói về điều đó. “Chúng ta cũng không đến nỗi tệ”.

Con dê tế thần hoặc kẻ tội đồ

Vai trò “dê tế thần” (scapegoat) thường được đảm nhận bởi đứa con lớn thứ hai. Dê tế thần được xem như một “cái tôi bị biến đổi” (alter ego) của người hùng trong gia đình. Đứa con này ít làm chuyện đúng, thường khá là nổi loạn và thậm chí có thể đến mức chống đối xã hội. Kẻ tội đồ có thể dính líu đến những vụ ẩu đả, trộm cắp, hoặc các rắc rối ở trường học hoặc trong cộng đồng, họ thường bị dán nhãn là “tội phạm vị thành niên” (juvenile delinquents). Những tội đồ nam có thể có tính cách bạo lực, trong khi những tội đồ nữ thường thể hiện qua những việc như bỏ nhà hoặc vướng vào tình trạng lang chạ tình dục. Chính những tội đồ ở cả hai giới cũng hầu như rất thường lạm dụng rượu và ma tuý.

Một đứa con vào vai dê tế thần hay tội đồ dường như đã đồng nhất hoá mình với người phụ mẫu bị nghiện chất, không chỉ về phương diện nghiện chất mà còn về những khía cạnh khác (chẳng hạn như về thái độ đối với uy quyền, thái độ đối với giới tính đối lập, những quan tâm nghề nghiệp…). Kẻ tội đồ thường cảm thấy tự ti thấp kém hơn người hùng; tuy vậy cả hai thường có sự gần gũi nhau về mặt tình cảm, mặc dù có những khác biệt về mặt hành vi. Mối liên hệ gắn bó đặc biệt này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời trưởng thành của họ.

Đứa con này được xem là kẻ tội đồ bởi vì anh ấy/cô ấy là đối tượng của những sự hụt hẫng và giận dữ bị “chuyển hướng sai” (misdirected frustration and rage) của người phụ mẫu bị nghiện chất. Đứa con này cũng có thể đã bị ngược đãi về tình cảm và thể chất bởi chính người phụ mẫu bị nghiện này. Điều này đặc biệt đúng khi người nghiện là cha và đứa con tội đồ là con trai. Kết quả là, đứa con tội đồ, theo cách nói chung, trở thành “thằng con của cha nó”. Điều đó có nghĩa là, đứa con này, chất chứa đầy những nỗi oán hận và giận dữ của cha mình, và cũng nhận lấy những khuynh hướng chống đối xã hội và tự huỷ hoại bản thân từ cha của mình. Anh ta cũng tự định khuôn mẫu cho mình giống như cha mặc dù rất ghét ông ta.

Đứa con tội đồ biểu hiện cho những nỗi hụt hẫng và giận dữ của gia đình này. Đứa con ấy duy trì sự thăng bằng của gia đình bằng cách hướng những sự buộc tội về người cha sang cho mình. Việc này tạo điều kiện cho người phụ mẫu nghiện chất buộc tội người khác về việc uống rượu hoặc dùng ma tuý của mình. Đó cũng là tấm khiên che chắn cho người phụ mẫu nghiện chất khỏi chịu sự quy lỗi và oán trách mà lẽ ra được hướng về ông ấy/bà ấy. Tiến trình chuyển hướng này (this process of diversion) cho phép tình trạng nghiện chất tiếp tục tiến triển xa hơn.

Đứa con bị biến mất/bị thất lạc

Ngay cả trong những gia đình vận hành chức năng tốt, những đứa con thứ được xem là ít được chú ý hơn và dường như có phần ít tham gia vào chuyện của gia đình hơn những anh chị em khác của mình. Khuynh hướng này được khuếch đại hơn trong gia đình có người nghiện chất. Đứa con “bị biến mất” có thể là đứa con thứ/ở giữa, nhưng cũng có trường hợp là đứa con út. Đặc trưng chính của đứa con bị lạc mất là bằng mọi giá phải né tránh các xung đột trong gia đình. Những đứa con này có khuynh hướng cảm thấy mình bị bất lực và được mô tả là “rất im lặng”, hay bị “trắc trở về tình cảm”, “trầm uất”, “biệt lập”, “thu rút”… Những đứa con này có khuynh hướng dễ bị lãng quên vì họ rất hay ngượng ngùng. Họ sẽ là những người theo sau chứ không phải là những người lãnh đạo, dẫn dắt. Họ rất hay mơ mộng. Nếu vì lẽ gì đó mà nđứa con này nổi bật trong trường, thì đó là một hạnh kiểm kém về sự chuyên cần. Nếu được yêu cầu làm một điều gì đó mà họ sợ làm, họ sẽ giả vờ như là đã không nghe được những lời chỉ dẫn hoặc nêu nài là mình không hiểu những điều đó. Những hành vi này chỉ cho thấy có một sự bất an rất nhiều.

Theo Deutsch, đứa con bị lạc mất có thể là đứa con khó để giúp đỡ nhất bên trong một gia đình loạn chức năng. Anh ấy/cô ấy có lẽ đã không nhận được những hỗ trợ tình cảm từ những người bạn thân hoặc những hệ thống khác bên ngoài gia đình của mình. Ngoài ra, hành vi của những người này thường không có tính chất gây rối ở trường học; vì thế, các giáo viên và những chuyên viên tham vấn không nhận diện người học sinh này như là có nhu cầu cần được giúp.

Khi trưởng thành, những đứa con bị lạc mất này có thể biểu hiện nhiều thể loại vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Họ có thể tham phiền mình bị lo âu, trầm cẩm và nhận được liệu pháp tâm lý. Họ gặp khó khăn khi trải qua những những giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình phát triển bởi vì họ ngại đảm nhận những rủi ro. Vì thế họ thường trì hoãn trong khi lấy những quyết định quan trọng về nghề nghiệp hoặc về nơi cư trú. Họ cũng dễ thoát ra khỏi những mối quan hệ mật thiết khi có ai đó bất đầu tiếp cận gần hơn đến họ. Theo Deutsch, dứa con bị lạc mất cũng có thể có hoặc không có lạm dụng rượu hoặc ma tuý. Nếu có lạm dụng chất, thì chất được chọn sử dụng thường khác với chất được sử dụng bởi người phụ mẫu bị nghiện.

Đi con bị lạc giúp duy trì sự thăng bằng trong gia đình, đơn giản là bằng cách biến mất – cách này chính là để không yêu cầu bất kỳ sự chú ý nào (của người khác). Về bản chất, người trẻ trong vai trò ấy đã hỗ trợ cho sự quân bình của gia đình bằng cách không gây ra thêm những vấn đề mới và chỉ yêu cầu sự chú ý đến mình ở mức tối thiểu. Ở một mức độ cực đoan nhất, đứa con ấy sẽ nghĩ rằng: “Nếu mình tự kết liễu cuộc đời mình, bố mẽ hẳn sẽ chỉ còn một chút chuyện như thế để lo lắng thôi”.

Linh vật

Vai trò sau cùng được mô tả ở đây là “linh vật”. Vai trò này còn được ám chỉ như một “vai hề trong gia đình” (family clown) hay đơn giản là “vai hề/hài”. Đứa con út trong gia đình dễ đứng ra đảm nhận vai trò làm linh vật này. Mọi thành viên trong gia đình sẽ thích linh vật và thấy thoải mái khi ở cùng với người con này. Gia đình thường xem linh vật như là người mong manh nhất và dễ bị tổn thương nhất; vì thế đứa con này thường là đối tượng cần được bảo vệ. Deutsch lưu ý rằng ngay cả người phụ mẫu nghiện chất cũng thường dành phần lớn thời gian để đối xử tự tế với đứa con trong vai linh vật này.

Các linh vật thường hành xử theo kiểu ngớ ngẩn và làm nên những trò đùa, ngay cả phải trả giá đắt cho những việc ấy. Hành vi gây hài tác động như một sự phòng vệ chống lại cảm giác lo âu và thiếu hụt. Đó là biểu hiện của một nhu cầu rất cần được sự chấp thuận của người khác đối với mình. Khi lớn lên, họ là những người rất dễ mến nhưng cũng rất hay lo lắng. Deutsch cũng tin rằng những người này cũng có thể dễ tự sử dụng rượu hoặc các hoặc thuốc giảm lo âu.

Đứa con trong vai trò linh vật giúp duy trì sự thăng bằng nội môi trong gia đình (family homeostasis) bằng cách mang tiếng cưới và niềm vui vào trong gia đình. Bằng cách “làm hề” và những trò đùa, người con ấy khơi sáng lên cho bầu không khí trong gia đình, trở thành một đối trọng (counter-balance) với những căng thẳng đã trở nên quá thường xuyên và gây ức chế trong gia đình vốn đã bị loạn chức năng. Linh vật có lẽ là thành viên duy nhất trong gia đình không bị ai phàn nàn cả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...